Thứ Tư, 10 tháng 9, 2008

TIẾNG ĐÀN

(Cũng để nhớ La Tùng Sơn)
Cung thương là tiếng đàn,
Cung nam là tiếng người.
(Cung đàn xưa - Văn Cao)



Dẹp giặc xong, tướng quân - khi đó hãy còn trẻ - theo lối mòn về qua đây thì trong rừng kia, trên ngọn núi cao, đã có đôi cây ngô đồng trăm năm đứng cao vút trên mõm đá. Lá ngô đồng nhuộm vàng trong gió thu. Vẻ đẹp của buổi chiều phai khiến tướng quân phải dừng lại ngây ngất. Truyền quân dừng lại lập thái ấp. Buông gươm cởi giáp, mặc lại chiếc áo vải - cầm lại chiếc cày - để cùng người đẹp thề hẹn năm xưa khơi thuỷ lập điền. Cuộc đời tướng quân tưởng được yên lành nhưng thái bình vừa hưởng được mấy năm thì chẳng may mùa đông khắc nghiệt nọ phu nhân lâm trọng bệnh mệnh chung. Tướng quân đem tình yêu của mình an táng bên đồi dưới gốc ngô đồng. Rồi từ đó ngày nào cũng nhìn về hướng cây ngô đồng trên đỉnh núi như thầm mong thấy lại người xưa.

Năm tháng trôi qua. Bao nhiêu mùa xuân đã thổi trên ngọn cây những làn gió mát đến từ biển Đông. đem theo khi thì lời véo von của đại dương, lúc lại nghe ầm ì dữ dội tiếng sóng bổ ghểnh dội dài theo những bờ đá chênh vênh xa tắp. Ngọn cây thở gió xuân để đâm chồi nẩy lộc. Rể ăn sâu trong lòng đất chắc tải nhựa lành cho lá mượt thêm xanh. Hè sang vang rộn tiếng chim chích choè và tiếng lảnh lót ngân dài sang trọng mà tha thiết của đôi chim phượng hoàng tìm nhau. Đêm hè thầm thì tiếng đất, nỉ non tiếng lũ dế mèn dưới những bụi cây rậm rạp tăm tối - thỉnh thoảng lại im bặt – kinh sợ lắng nghe tiếng gầm oai vệ của chúa sơn lâm đi tuần đêm và cả tiếng giận dữ tru tréo của bọn chó sói giành nhau một con mồi bạc phước. Nhiều đêm, giữa những chớp lóe xé toạc cả đất trời, giữa cơn mưa rừng sấm động, vọng lại ầm ầm tiếng cây rừng gảy đổ trôi va vào vách đá trong con lũ quét qua lũng. Mưa nguồn chớp bể dữ dội thấm đẫm cả hồn cây. Mùa thu đến. Những giọt mưa thu nhè nhẹ thánh thót rơi. Trầm lắng trong không khí mùi hoa cúc dại ướp thêm hương vào sớ gổ cây ngô đồng. Rồi một mùa đông đến, lá ngô đồng rụng hết, cơn bão tuyết dữ dội làm ngã một cây ngô đồng, phủ lên nấm mồ, phủ lên những lời than vãn lẫn âu yếm của tướng quân những khi đến viếng mộ. Một cây còn lại trầm mặc đứng chịu tang giữa trời băng giá trắng xóa màu tuyết.

Cây ngô đồng ngã, nhựa cây ứa ra như máu đào, thấm cả vào tuyết bạch, làm thành một thứ như hổ phách đỏ hồng. Gỗ tỏa mùi phương mộc. Cây ngô đồng đổ trên đất lạnh, theo ngày tháng vỏ bong ra để lại lõi cây ngày càng sắc lại màu huyết dụ. Có nghệ nhân thấy gỗ quí bèn đem về, bỏ ra mấy năm gia công thành cây đàn đẹp. Cần đàn thẳng và thon thả như cánh tay của phu nhân. Lưng đàn phẳng mịn, vững chắc như vách đá, như tấm lưng hổ tướng. Eo đàn êm ái như tấm thân của người thiếu phụ. Lại lấy tơ ruột của loài kì lân già làm dây đàn. Lòng đàn mỗi khi thổi vào vang lên những âm thanh kì bí. Chưa ai có thể dùng cây đàn họa lên bản nhạc được. Dây đàn quá cứng, nhiều người đến thử đàn nhưng tiếng đàn ai cũng rời rạc không nên khúc nên tình.

Người ta đem đàn tặng cho tướng quân – giờ đây tóc đã bạc quá nửa mái đầu. Biết bao sương gió chiến chinh đã làm cho tướng quân tưởng đã quên ngón đàn ngày nào. Ôm đàn trong lòng, tướng quân vuốt ve mặt đàn bóng như mặt nước hồ trên núi. Tướng quân không đàn mà chỉ thì thầm to nhỏ với đàn bao nỗi đau đời, những gian truân đã qua, các ngày vinh quang đã trãi và những khổ nhục đã từng. Tướng quân kể với đàn những ngày xuân đầm ấm khi phu nhân còn lộng lẫy xiêm y, ngày hè đỏ lửa, ngày thu sầu muộn, ngày mùa đông giá. Vậy mà đàn chợt run lên: Nhớ quá tiếng gió đi qua ngọn cây, nhớ tiếng gầm của hổ dội qua vách đá, nhớ tiếng suối róc rách vang lừng khe đá, nhớ giọt mưa thu .... Đàn hát lên, hòa điệu với tướng quân. Tiếng đàn như lưu thủy, như hành vân, như véo von bài ca chốn quê nghèo, như trận mạc ầm vang tiếng thét, như bão lửa của dòng quân tiến dữ dội vào trận địa. Bi tráng như tiếng thở gấp gáp của người lính ngã gục nơi sa trường. Rồi tiếng đàn nồng thắm thiết tha như tình yêu lứa đôi một ngày nắng đẹp, như tiếng mẹ ru con êm ái trong đêm trường, như những giọt sầu rơi.

Tướng quân có đàn đâu... chỉ có lòng đàn tự ngân lên bao kỷ niệm, bao nhớ nhung. Mọi người lặng im để nghe, mắt ai cũng rưng rưng lệ.


Vương Đức Bình 02/06/2002
Một truyện cổ tích Nhật Bản.
Viết lại cho con gái đọc lúc con học đàn.

3 nhận xét:

Vuong Duc Binh nói...

Thanks about your opinion. But why you think my writing not given any information to other people? Why you think the meditation about our life(s) is non-sense? Someone live an industrylized life, worry about cars, fashions, money, etc... It may have others want to known ... the spirit of himself.
Think about ourselves and about our relation with the others including all that existing/ existed in our life may save devasting our spirit!
I don't hope you could find in my blog something interesting to you today. But in another day when you will be an old men/women or in one day you feel sad, you feel alone thus this blog may be your friend.

Vuong Duc Binh nói...

Rốt cuộc tôi phải xóa một nhận xét vì tôi phát hiện nó là một spam. Nó dẫn tới (link) một web cờ bạc (quảng cáo cho một thứ gì đó giống như số đề ở Philippine!).
Nhưng tôi vẫn để lại trả lời của tôi. Một trả lời tưởng hữu ích nhưng bị rơi vào hư vô!
Rất đáng tiếc.

Tien Vuong nói...

Từ hồi ba kể cho con nghe câu chuyện này, con đã hiểu ý nghĩa được truyền đạt trong câu chuyện - có thể nói ngắn gọn là: muốn đàn hay thì phải có cảm xúc. Khi con tập đàn, ba vẫn hay chế nhạo là đàn "hùng hục", hi hi. Khi nào con về nhà, có thời gian, bắt đầu lại, ...