Tác giả: Quỳnh Giao
Nếu Dương Thiệu Tước là người viết ca khúc khêu gợi nhất từ thời “tiền chiến”, thời phôi thai của tân nhạc cải cách, thì ông cũng là tác giả của một ca khúc lãng mạn thanh quý nhất.
Trước “Cỏ Hồng” của Phạm Duy dễ mấy thập niên, bài “Dưới Ánh Trăng” của Dương Thiệu Tước là ca khúc mang rất nhiều ẩn dụ âm dương.
Anh như ánh trăng thanh
Em như hoa trên cành
Trăng lồng hương sắc thắm
Âu yếm cho mộng tàn canh.
Ánh trăng mà ái ân với nụ hoa đầu cành, không là nghệ sĩ giàu trí tưởng tượng thì ít ai nghĩ ra! Chữ “lồng” của ông trong đoạn mở đầu quả là đắt! Ðông phương thời xưa vốn không nghèo ý lạ thì cũng phải chịu chữ này là hay. Là động từ hay hình dung từ vậy, mà ánh trăng lại lồng cho hương sắc thắm?
Viết trên cung Mi giáng Trưởng, dìu dặt khoan thai theo tiết điệu “ba bốn” của một bài luân vũ chậm, ca khúc Ngọc Lan có ba nhạc đề.
Phần đầu tha thiết dịu dàng mở ra như một đóa hoa ngọc lan mới nở và phả ra hương thơm ngoài hiên nắng. Từ cánh hoa trắng muốt như bạch ngọc, nhạc sĩ chuyển qua phần hai, ngợi ca cả thanh lẫn sắc. Hóa ra hoa chỉ là người. Mà phải là người rất đẹp. Qua đến nhạc đề thứ ba, tác giả chuyển từ cung Mi giáng Trưởng sang Si giáng Trưởng rồi qua Sol thứ trước khi trở lại Si giáng Trưởng để chuyển về nhạc đề đầu tiên. Nhạc đề này diễn tả sự hôn mê rung động của người ngắm hoa. Tác giả khiến ta nghĩ rằng trước vẻ đẹp tinh khiết của hoa, người nghệ sĩ phải lùi lại, ngậm ngùi nhìn nét đẹp như hương thơm, cứ thoảng dần trong gió và để lại nơi đây, trong cõi đời này, biết bao thương nhớ.
Nhạc thuật gợi lên nào thanh, nào sắc nào hương và nỗi tình si của người không dám sỗ sàng bước tới, mà chỉ chìm dần trong làn hương thắm do đóa hoa vương lại.
Về cách diễn tả thì khi trở về nhạc đề thứ nhất, người ca sĩ sẽ hát cho đến cuối nhạc đề hai bằng hai câu kết tuyệt vời, một trên cung Trưởng, một trên cung Thứ và đáp lại bằng Mi giáng Trưởng lâng lâng, đầy thương nhớ. Ngày xưa, trong các đài phát thanh của Sài Gòn, khi hát câu cuối, người ca sĩ phải lên đến nốt Sol cao ngất, ở ngoài dòng kẻ. Nhưng đó là chuyện ngày xưa!
Ngọc Lan là ca khúc kén người hát lẫn người nghe. Muốn hay thì trước hết phải có hòa âm ra hồn, mà về hòa âm không phải nhạc sĩ nào cũng diễn tả được nét thanh quý của tác phẩm. Không chỉ là một bài hát, Ngọc Lan là một bài thơ, một bức họa và một đóa thơm lãng mạn. Ca khúc này được nhiều người trình bày, nam lẫn nữ, nhưng có lẽ thích hợp với giọng nữ hơn là nam. Ðiều này hơi lạ vì nội dung gợi ý về bậc nam tử thấy người ngọc trong “giấc xuân yêu kiều” bỗng mê đắm mà... lùi lại để tơ vương trong tâm tưởng. Ngợi ca đóa hoa như vậy thì phải là nam tử chứ?
Về nhạc thì vậy, về lời từ thì thật đáng thương cho Dương Thiệu Tước, cháu nội cụ Dương Khuê.
Ông viết nhạc đã hay mà dùng chữ rất tài cho một hậu thế lại coi thường chữ nghĩa và nỗi dụng công của ông. Khi viết “ngón tơ mềm, chờ phím ngân trùng, mạch tương lai láng”, ông dồn hết thi họa và nhạc vào một câu làm người ứa lệ trước cái đẹp. “Mạch tương lai láng” là một điển cố nói về giọt lệ. Nhưng đời sau lại hát ra “mạch tương lai sáng”. Dẫu có buồn thì cũng chưa đáng khóc bằng “mạch tuôn” hay “mạch tuông lai láng”!
Dễ hiểu hơn đấy, nhưng khiến tác giả không hiểu gì nữa... Thương cho một đóa ngọc lan.
2 nhận xét:
tôi cũng rất thích bài hát này!
bạn có thích nhạc cuả Ng ÁNH 9 không?
Rất thích chứ!
Đăng nhận xét