.... Meditation 5 Tìm kiếm lời đáp cho những câu hỏi về thế giới nhận thức là việc cực kì khó khăn. Tôi còn nhớ mình đã phải suy nghĩ lung lắm để mong muốn thấu hiểu câu kinh chấn động: "Pháp bất khả tư nghì, bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, dĩ tâm truyền tâm, kiến tính thành Phật". Ít nhất tôi đã mất gần 40 năm để quán tưởng chỉ một câu đó. Từ năm tôi 18 tuổi thầy tôi đã ban cho tôi một công án. Và tôi phải đi con đường của mình để tìm ra lời giải. Con đường đó tôi đã đi từ những ngày đất nước còn chiến tranh dữ dội, suýt mấy lần mất mạng vì bom đạn, trải qua những năm tháng trầm kha vì bệnh hoạn đói nghèo sau chiến tranh, tới ngày có phần thanh thản được như hôm nay. Khi nào có thể tôi đều suy nghĩ về điều đó! Con đường dễ dàng nhất là chạy tìm một vị cao tăng nghe thuyết pháp, ngồi yên trong chánh điện một ngôi chùa để thiền định. Nhưng tôi đã không làm thế! Tôi cần phải đi giữa cuộc đời và tìm kiếm lời giải cho riêng tôi. Tại sao bất khả tư nghì? Vì sao văn tự và nói chung mọi loại ngôn ngữ trở nên bất lực trên con đường nhận thức? Tâm là gì và làm thế nào để "nội dung" của nhận thức - giả sử có thể gọi như thế - có thể truyền đạt mà không cần ngôn ngữ? Tính là gì, thực ra có cái gọi là bản chất, là tính hay không khi mọi thứ đều trong quá trình vận động, sự thay đổi mới là thường hằng? Mỗi câu hỏi đó đều có thể dẫn ta tới những hố thẳm của tư duy! Một thời gian dài tôi là một người làm toán và dạy lôgic học. Ai cũng biết rằng trong lôgic học phải tuân thủ hai luật: Thứ nhất, luật phi mâu thuẫn. Thứ hai, luật triệt tam. Không có thứ vừa đúng vừa sai và cũng không có thứ không biết đúng hay sai trong "khoa học". Chỉ đến khi tôi bắt đầu tìm hiểu về thuyết tương đối tôi mới mơ hồ nhận ra giới hạn của lôgic học nhị nguyên. Một ngày nọ khi người ta bỗng thấy mình đứng giữa các nghịch lý, như nghịch lý Bertrand Russell chẳng hạn, hoặc nghịch lý về thời gian như đoạn phỏng dịch sau đây thì người ta có thể hiểu được phân nửa câu kinh "Pháp bất khả tư nghì, bất lập văn tự". Phân nửa còn lại thì cho tới giờ này tôi cũng không hiểu được. Nói cho vui, có khi cần vài kiếp nữa mới hiểu được không chừng! Thời gian có thể chấm dứt không? Có. Và không. Có vẻ như thời gian chấm dứt vừa là điều không thể vừa là điều không tránh khỏi. Các công trình vật lý gần đây đưa ra một khuyến nghị cho nghịch lý đó. (Trích bài viết của GEORGE MUSSER) Trong kinh nghiệm của chúng ta, chẳng có cái gì là thật sự kết thức. Khi chúng ta chết đi, cơ thể của chúng ta phân rã và vật liệu (làm nên chúng ta) trở về với đất, với không khí để sáng tạo ra một sự sống mới. Chúng ta sống dựa trên những gì đến trong tương lai (nguyên văn: We live on in what comes after). Nhưng có phải bao giờ cũng như thế không? Phải chăng sẽ tới một thời điểm trong tương lai khi đó không có "sau (tương lai)"? Thật nản lòng, vật lý học hiện đại cho rằng câu trả lời là "đúng vậy". Thời gian có thể tự nó sẽ kết thúc. Mọi vận động rồi sẽ chấm dứt, và không có cái gì tái sinh hoặc phục hồi. Sự kết thúc của thời gian chính là sự kết thúc của mọi kết thúc. Cái viễn cảnh ghê gớm này, từng là một dự báo không được mong đợi của lý thuyết tương đối tổng quát của Einstein, cung cấp cho chúng ta một sự hiểu biết hiện đại về lực hấp dẫn. Trước khi có lý thuyết này, phần lớn các nhà vật lý và triết học nghĩ về thời gian như một nhịp trống phổ quát, một tiết điệu cần mẫn, không bao giờ thay đổi, gợn sóng hoặc dừng lại trong bước đi của vũ trụ. Einstein chỉ ra rằng vũ trụ giống như một phiên tắc nghẽn lớn đa tiết điệu (big poly-rhythmic jam session). Thời gian có thể chậm lại dần, hoặc bị kéo dãn, hay bị xé rách. Khi chúng ta cảm thấy lực hấp dẫn (chính là) chúng ta đang cảm thấy nhịp thời gian; các vật đều rơi theo một đường tới chỗ mà thời gian trôi qua chậm hơn. Thời gian tương tác với vật chất giống như tay trống và vũ công ảnh hưởng qua lại trong một tiết tấu cuồng loạn. Nghĩ mà xem, khi bị rớt nhịp thì thời gian có thể đột ngột nổi nóng bỏ đi ra ngoài hút thuốc giống như tay trống bị quá kích động! Thời điểm đó được biết như điểm bất thường (singularities). Thuật ngữ này hiện nay được dùng để chỉ bất kì biên giới nào của thời gian, sự bắt đầu hoặc sự kết thúc của nó. Điểm bất thường được biết đến nhiều nhất là vụ nổ lớn (big bang), thời điểm 13.7 tỉ năm trước khi vũ trụ của chúng ta – và cùng với nó là thời gian – bùng nổ sự tồn tại và bắt đầu dãn nở. Nếu lúc nào đó vũ trụ ngừng dãn nở và lại bắt đầu co lại (giống như big bang nhưng theo hướng ngược lại) trong một vụ nghiền lớn (big crunch) - sẽ làm thời gian sụp đổ và dừng. Thời gian không phải bị tiêu tùng ở mọi nơi. Thuyết tương đối nói rằng nó tiêu tùng trong các lỗ đen khi điều này xảy ra trong phạm vi rộng của vũ trụ. Các lỗ đen nỗi tiếng là huỷ hoại nhưng chúng dám còn tệ hơn bạn có thể tưởng. Nếu bạn rơi vào một trong chúng, bạn không chỉ bị xé tan mà dòng thời gian của bạn phải chấm dứt. Không một sự sống mới nào có thể thoát thai từ đống tro tàn của bạn, các phân tử của bạn không thể tái sử dụng. Giống như chữ cuối cùng trong một quyển tiểu thuyết, bạn không chỉ cảm thấy cái chết mà là sự tận thế của tồn tại! (Đoạn đầu của COULD TIME END, tạp chí Scientific American – số đặc biệt tháng 9 năm 2010 (chủ đề: Sự kết thúc – the end.), trang 66/67/68) Bài viết còn khá dài, nhưng tôi không xin phép để dịch toàn bộ vì vậy chỉ có thể phỏng dịch một phần cốt lõi. Phần còn lại trình bày những kịch bản khác nhau có thể có về chuyển động của thời gian tương ứng với sự co dãn của vũ trụ. Có thể kim đồng hồ sẽ dao động qua lại không xác định, có thể kim đồng hồ sẽ quay ngược để "tương lai" là cái gì đó xảy ra trước "quá khứ" hoặc thời gian hoàn toàn mất ý nghĩa. Tư duy, và do đó là ngôn ngữ, khi đó có mang một ý nghĩa nào không? Và khi vũ trụ hoàn toàn sụp đổ thì cái gì còn lại? Cái gì là bất biến trong nhịp thở tồn tại – hư vô? Trong vũ trụ thì không có chỗ nào cho thần linh hay thượng đế - điều đó rõ rồi - cái gì sẽ nối kết giữa hai bờ Sắc Không? |
BALLET DE PLUIE (Michel Beaugency)
-
Illustration: Vitaliy Jerdev BALLET DE PLUIE Peu à peu on picore la
tôle du toit et les nuages peignent l’été en sifflant des notes brèves et
monotone...
17 giờ trước
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét