Thứ Ba, 16 tháng 10, 2007

HỒI TƯỞNG TRÊN CHUYẾN XE



Giáo Hoài đưa tôi ra bến xe đúng nửa đêm. Gió đùa mát lạnh làm người ta tỉnh ngủ. Bến xe ít người. Một chiếc Toyota 12 chỗ ngồi đang chờ số khách ít ỏi. Trong quán lá ven đường, dưới ánh điện vàng vọt, mấy người đàn ông, điếu thuốc lập lòe trên môi im lặng. Xe chạy đúng giờ mặc dù sau lưng tôi còn nguyên một băng trống. Ẩn nấp trong bóng đêm, nhà cửa - vườn tược loang loáng hiện ra sáng rực dưới ánh đèn pha, phô diễn nỗi niềm bí mật của giấc ngủ, rồi biến đi cũng nhanh như khi xuất hiện. Con đường dằn xóc quá đỗi, lẫn trong tiếng tài xế chửi rủa vô số ổ gà trên mặt đường nát bấy là tiếng sủa hoảng hốt của một con chó hoang vừa nhảy vội vào lùm cây lức ven đường. Gió thơm mùi lúa, phảng phất mùi xăng dầu. Không ngủ được, tôi đành ngồi lắng nghe những câu chuyện bâng quơ, rời rạc của đám hành khách đi cây số 125 – Long Khánh kiếm miếng cơm. Những câu chuyện nửa nông dân, nửa dân nghèo thành thị làm tôi miên man hồi tưởng lại tháng ngày qua.
Lâu lắm rồi tôi mới trở về Thạnh Phú. Lần này chủ yếu là về thăm gia đình bác Hai, nhằm ngày giỗ đầu tiên của bác Hai gái. (Mấy đứa con tôi vẫn quen gọi bác Hai gái là “Bà ngoại” vì lòng yêu mến chăm sóc khi nó còn bé tí, chập chững tập đi những bước đầu tiên). Hai vợ chồng tôi, giáo viên, nghèo rớt mồng tơi, ngày trước tá túc cạnh nhà bác để đi dạy ở trường Phổ thông Trung học Thạnh Phú. Hai bác dành cho chúng tôi một căn nhà nhỏ, trước là của vợ chồng anh Ba con bác. Năm 1977 do mất mùa liên tiếp, dân Thạnh Phú đói trắng con mắt, vợ chồng anh Ba với mấy đứa con đã bỏ đi Cà Mau làm mướn. Đồ đạc trong nhà gồm một cái giường cũ, cái bàn tròn, hai cái ghế đẩu. Tất cả là do bác Hai và bà con chung quanh cho vợ chồng tôi mượn. Không chỉ có vậy, thỉnh thoảng mấy đứa trẻ còn đem cho ếch chúng soi được, hay bó rau đắng hái ngoài đồng. Như thế cũng đã là thiên đường cho hai trái tim vàng mới cưới sống nhờ vào đồng lương ít ỏi.
Hồi đó bọn chúng tôi gồm 6 người, đợt giáo viên đầu tiên sau năm 1975 nhận quyết định của Sở Giáo dục về trường Thạnh Phú. Ban đêm chợ huyện còn tù mù đây đó mấy bóng đèn trứng vịt của mấy xề bánh trái ăn đêm. Người mua người bán không trông rõ mặt nhau. Giống một cái chợ ma! Vợ tôi, ngày đó là cô giáo trẻ - vốn là dân Sài Gòn nói: “Lần đầu tiên nhìn thấy cảnh chợ đêm, buồn muốn rã rời!”. Khu trường bọn tôi dạy là hai dãy trường cũ. Trước kia là trại lính gì đó. Trong khoảng sân nhỏ có ba cây phượng vĩ còi cọc chưa thấy trổ hoa bao giờ, còn cỏ may thì mọc tốt tươi tới bắp vế, dẫu cho hàng trăm bàn chân học sinh dẫm đạp hàng ngày thì chúng vẫn kiên trì vượt lên cao mãi. Anh em chúng tôi, giáo viên của trường, thương yêu nhau lắm. Mà không thương yêu nhau sao được. Dân tứ xứ không thôi mà! Không dựa vào nhau thì dựa vào đâu? Vả lại còn các em học sinh nữa. Chúng ngoan ngoãn, hiền lành, chất phác, nhiều em rất chăm học. Lớp 11, 12 mà có đứa đi học còn đi chân không. Có đứa vào lớp ngồi yên như phỗng, chăm chú như uống từng lời giảng, khép nép và chuẩn mực khi nói chuyện với thầy cô. Mà chúng tôi, thầy cô giáo trẻ, nhiều khi cười giỡn như quỷ (duy có học sinh là không biết điều đó mà thôi). Mãi cả năm sau bọn tôi mới biết là đứa ngồi yên như bụt ấy đã có vợ từ lâu. Một buổi nó đi học, một buổi về nhà cùng vợ đi đóng đáy.
Anh em chúng tôi yêu nghề biết bao, yêu những học trò của mình biết bao. Chúng trong sáng và là niềm mơ ước của chúng tôi về tương lai. Bài giảng chúng không hiểu hết, chi đoàn TNCS động viên chúng tôi dạy phụ đạo. Đến cả chú Chín Là (ông từ của trường) cũng nói: “Tội nghiệp quá mà!”. Thế là Ban Giám hiệu sắp giờ phụ đạo. Bạn tôi, có người nhận đến 30 tiết một tuần … thế mà anh vẫn vui. Còn tiền phụ trội hả? - Chờ đó. Đến tết Congo hẵng hay! Nói vậy thôi, lên lớp dạy là niềm vui, là hơi thở của chúng tôi, có gì phải từ chối. Sau giờ lên lớp, chúng tôi quây quần trong “căn phòng ấm cúng” ngăn đôi. Một bên là “nhà” ở tập thể. Một bên vừa là văn phòng Ban Giám hiệu, vừa là phòng họp giáo viên. Trong cái “văn phòng” này tôi còn nhớ như in tiếng cười hà hà của anh Chuẩn lẫn trong tiếng lầu bầu của giáo Tấn như minh oan cho một việc gì đó kỳ cục, chen vào đó là giọng anh Dợn lắp bắp: “Như thế này nhé! Như thế này nhé!...”. Cũng trên bàn họp hội đồng đó, những đêm hè trực trường, một mình tôi giữa khung trường vắng ngắt, nằm thao thức trong tiếng đờn cò não lòng, ai oán của chú Tám Bu được đệm theo bằng tiếng ngắt – ngang, ngắt – ngang của đám ếch nhái rộ lên trong mảnh ruộng gần trường.
Dĩ nhiên, chúng tôi không chỉ có tiếng cười. Xen vào đó là những ngày nặng nề khi giữa chúng tôi có người đành rời bỏ bục giảng, khi gánh cơm manh áo của gia đình đè lên vai mỗi người ngày một bức bối hơn, khi người bỏ dạy, chuyển đi ngày một tăng thêm. Còn anh em mới ra trường, kể cả dân địa phương lại không muốn về trường. Ngôi trường tự nhiên xơ xác ra, các tiết trống nhiều đến nỗi không xếp thời khóa biểu cho lớp học liên tục được. Giờ nào cũng có lớp nghỉ học, vắng thầy cô. Học sinh nhìn chúng tôi im lặng. Trong mắt của các em có câu hỏi mà chúng tôi không trả lời được. Và cũng trong những ngày tháng nặng nề đó, vợ chồng chúng tôi đến ở căn nhà nói trên. Nói là nhà chớ nó cũng xiêu vẹo không khác cái chòi là mấy. Hàng ngày con bé Thủy, cháu ruột bác Hai, vẫn chạy sang chơi. Nó gầy nhom, ở trần, bận một cái xà lỏn bạc phếch màu phèn, hay ngồi bệt xuống đất ngay cột cửa kể đủ thứ chuyện thấy được cho tôi nghe. Tôi chỉ cần ậm ờ là đủ, vì thường tôi bận soạn bài hoặc dỗ con. Cũng có khi nó đứng dựa vào chiếc bàn tròn, nhìn vào giáo án hoặc mấy quyển sách tôi đang dùng với ánh mắt kỳ lạ, thèm thuồng. Hẳn là nó thèm đi học! Ba má nó bỏ đi mỗi người một phương tự nuôi thân còn không muốn nổi. Nó sống với bác Hai, mà bác Hai thì nghèo xơ, có mảnh ruộng mỗi năm làm được một vụ nay bị rầy nâu, mai bị nước mặn chụp, thì đi học làm sao được chớ? Tôi về kỳ này bác gái đã không còn, bác Hai im lặng ít nói. Hai bác cháu ngồi uống trà trong căn nhà vắng vẻ. Ngoài trời, mưa đêm lâm thâm. Mười ba năm rồi, vợ chồng anh Ba chưa về. Giọng bác Hai bùi ngùi: “Chắc vợ chồng con cái nó chết mất xác rồi, chớ sao tới bây giờ không có một chút tin gì!”. Tôi nghe rờn rợn, trước mắt chừng như hiện lên những dãy xuồng ba lá kéo sau chiếc đò chạy vô Cà Mau. Ôi! Chiếc xuồng ba lá và một gia đình nghèo đói lênh đênh giữa dòng một con sông lớn. Đang giữa câu chuyện, một cô gái có nét xinh đẹp, cái đẹp mộc mạc của thôn nữ, đẩy cửa bước vào, ngạc nhiên vì sự có mặt của tôi, nói vội: “Thưa ngoại, Thưa thầy…” rồi vội vàng bước trở ra. Bác Hai nói: “Con Thủy đó thầy… bây giờ nó lớn rồi … chữ nghĩa thì không có … nên tôi để nó đi ở đợ cho bà X. ngoài chợ!”
Cái chợ mới của Thạnh Phú tôi đã thấy qua. Đồ sộ, đẹp, hai bên đường các tiệm buôn sung túc, điện Trị An về tới sáng trưng, vui vẻ. Đi từ đầu chợ đến ngã tư chùa Bình Bát, mặc dù mãi chăm chú tránh các vũng lầy do cơn mưa dai dẳng rải dài trên mặt đường, tôi vẫn kịp nhận ra sự đổi thay của cái thị trấn này. Ánh điện néon hòa với sắc màu của chương trình truyền hình hắt ra, soi lên những vũng nước tồn tại hàng chục năm qua mỗi khi mùa mưa đến, lấp lánh trên mặt nước đen bóng. Còn bà X. nào đó mà bác Hai nói đến, chắc cũng ở đâu trong dãy phố này.
Sáng hôm sau bước vào khoảng sân sạch sẽ của trường cũ, tôi đi như mò tìm lại quá khứ. Những em học sinh đứng dưới hiên lớp nhìn tôi như kỳ lạ, dò xét. Không hiểu sao bây giờ tôi cũng đọc thấy trong mắt học sinh những câu hỏi. Thói quen nghề nghiệp đã hình thành quá vững chắc chăng? Giáo Hoài đang giảng bài trong lớp ra hiệu mời tôi vào văn phòng ngồi chơi, rồi tự nhiên tiếp tục bài giảng của mình. Trong văn phòng, nhiều anh em ở khu tập thể đến trò chuyện với tôi; chuyện nổ như bắp rang. Lúc đó tôi mới biết khung trường này của hệ B, còn hệ A đã dời sang khung trường mới. Hết tiết dạy, Hoài xuống văn phòng và chở tôi qua khung trường mới.
Cái gây ấn tượng đầu tiên là khung trường mới quá đẹp, bề thế. Trước cổng tấm bảng nhỏ ghi tên trường đính một cách khiêm tốn mà trang trọng trên bức tường xây đá rửa sang trọng. Đang giờ ra chơi, học sinh tập thể dục giữa giờ. Những tà áo dài bay lượn uyển chuyển theo các động tác nhẹ nhàng như bướm trắng. Trong sân, hai dãy bạch đàn tốt khỏe, vươn thẳng lên trời xanh. Sân cỏ đầy nắng vàng. Thứ nắng óng như tơ, mát như thạch. Vài cây phượng nhỏ đang khoe mấy cành xanh mướt. Tôi tin rồi chúng sẽ mọc lên tươi tốt, sẽ là bóng mát cho những đàn em thơ, sẽ rắc những cánh phượng đỏ rực như màu cờ đang phấp phới giữa sân trường xuống thảm cỏ. Màu đỏ mà tuổi học sinh đã qua nào cũng nhớ nhung.
Anh Dợn, phó hiệu trưởng, tiếp tôi trong văn phòng riêng. Giáo Hà và anh tâm sự với tôi về những ngày xây dựng trường. Rồi như đối với một vị khách quí là tôi (mà tôi thì chỉ là một gã lãng du đột nhiên trở về quê cũ), anh dẫn tôi đi xem từng phòng học nền lót gạch bông sạch bóng, bàn ghế còn mới tinh nguyên, sực nức mùi gỗ. Vườn nhà ai kế bên trường gie mấy nhánh cây như với lấy hành lang, âu yếm. Anh dẫn tôi đi xem hội trường, phòng may mặc có đến hàng chục máy may, thư viện… Một cái thư viện đẹp đẽ, trang nghiêm. Đứng giữa sân nhìn ba bên bốn phía: nào lớp học, nào văn phòng, hội trường, tường xây đá rửa sang trọng. Anh Dợn còn nói đến kế hoạch của trường sẽ thành lập phòng máy vi tính. Tôi cứ để anh nói về giấc mơ của anh, của các đồng chí của anh. Cái giấc mơ mà mười năm trước đây tôi đã từng mơ, duy là tôi chẳng dám mơ nhiều như vậy…
Buổi chiều, tôi đi thăm học sinh cũ của mình. Những em bây giờ là giáo viên của trường. Các em đã trưởng thành, giờ đây truyền lại cho đàn em nhỏ niềm say mê học tập, cầm lấy tri thức nhân loại như vũ khí chiến đấu chống lại cái nghèo vật chất, cái nghèo tinh thần o ép dai dẳng quê hương mình bấy lâu nay. Nhiều năm đã trôi qua, như một cái chớp mắt, tôi đã thành ông giáo già từ lúc nào không hay. Bây giờ, nhiều khi tôi phải tự nhủ: cái gì tôi đã dạy cho các em thì bản thân tôi có thực hiện được không? Những lý tưởng, lẽ sống mà tôi đã dạy, tiếc thay không phải điều nào tôi cũng thực hiện được. May sao tôi cũng còn biết dằn vặt về điều đó!
Buổi tối tôi và giáo Hoài chào bác Hai để ra về. Trên chuyến xe này tôi tiếc là chưa gặp con bé Thủy để an ủi nó, vì chủ nó đã kêu nó đi từ chiều. Mà tôi biết phải an ủi nó điều gì?! Nhiều người quen tôi cũng không gặp như anh Mười Chiến, anh Bảy Hiếu, những người đã để lại dấu ấn sâu đậm của mình đằng sau ngôi trường mới đó. Tôi chợt nhớ ra lời nhắn của anh Bảy Hiếu qua vợ tôi: “Chị nhắn với anh Bình là Bảy Hiếu vẫn mạnh giỏi, và vẫn nghèo như hồi nào!”.
Năm giờ sáng. Chuyến xe đã kiên trì nuốt hết con đường đầy ổ gà đang dừng lại. Cầu bắc Hàm Luông kia rồi. Dòng sông hình như êm ả nhưng đen ngòm, chứa đầy sự đe dọa. Bên kia sông ánh điện rực sáng bầu trời. Xe xuống phà. Trời hửng sáng. Không hiểu sao tôi thấy lại con bé Thủy gầy còm, đứng dựa bàn, nhìn vào giáo án của tôi nói nhỏ nhẹ: “Mai mốt con cũng đi học hả thầy!”.
(Tháng 9 năm 1990).