Thứ Hai, 29 tháng 12, 2008

ĐI CHÙA

Lòng nghe nhẹ gánh ưu phiền
Gió chiều một đóa hồng liên nắng đùa.




Lâu lâu cũng thích đi chùa. Thích vào ngồi yên một góc trong chánh điện nhìn vẻ an nhiên tự tại của Đấng Giác Ngộ. Thích nghe tiếng chuông chùa ngân nga trong tĩnh mịch.
Nhưng đi chùa lần này thì lại nhiều người quá bèn đi chụp cảnh chung quanh vậy!


Cổng chùa.




Bia kí.





Cáo bạch




An nhiên tự tại.



Vọng vô thanh chung.


Sư trụ trì ... đẹp như Tam Tạng!


Cuối cùng mình thích nhất chỗ này: ... Cơm chùa!


Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2008

Tuyệt vời!


CHIẾN THẮNG
(Cảm ơn đội tuyển Việt Nam - Cảm ơn ông Calisto)

Thứ Hai, 22 tháng 12, 2008

Hoan hô cỏ dại.

Lòng yêu cuộc sống! Người ta ai mà không ham sống! Hầu hết mọi người đều nghĩ vậy… có lẽ trừ những những người muốn tự tử! Vậy mà điều ấy từng xảy ra với tôi. Điều đó thật kinh khủng khi nó đã qua đi. Không mấy ai viết về chuyện này vì họ hoặc đã ra đi vĩnh viễn hoặc họ cũng chẳng còn gì để nói với cuộc đời. Khi nỗi buồn lớn tới nỗi sự thôi thúc – không đúng, phải nói là một sự khao khát - bước một bước qua bên kia thành cầu và gieo mình xuống đáy nước gần như không cưỡng lại được. Có một tiếng gọi từ sâu thẳm trong tâm hồn, mơn trớn ta, thầm thì với ta một cách tha thiết về một sự giải thoát khỏi tất cả hệ lụy của cuộc sống. Rằng gánh nặng này của tâm hồn ta sẽ vơi hẵn đi… rằng cuối trời kia sẽ thênh thang. Rằng hãy để cây thập giá của cuộc trần xuống và chỉ cần bước thêm một bước nữa về cuối trời. Chỉ một bước nữa thôi! Thật là dễ dàng … và ta sẽ thấy nhẹ nhàng lắm, sẽ rơi như một cái lá, bay một chút giữa khoảng không, mặt nước mát kia sẽ mở lòng ra, ôm ta vào … êm ái.

***
Vậy đó. Nhưng tôi đã trở về cuộc sống để chiêm nghiệm, trăn trở về lí do của cuộc tồn sinh, về cái gọi là hạnh phúc. Và tôi nghiệm ra rằng bản thân cuộc sống đã là lí do cho chính cuộc tồn tại của nó. Sống đã là hạnh phúc dầu cho sự sống đó bị đày đọa như thế nào đi nữa. Ai đó đã nói hãy thắp sáng hiện hữu trong từng sát na của cuộc đời. Và tôi từ đấy cố thắp sáng mỗi giây phút đây của cuộc sống tôi. Tôi không băn khoăn nữa về cái chết hay sự sống. Tôi chỉ sống cho đầy trong mỗi phút giây mà tôi sống. Và chung quanh tôi cũng bừng lên: Hỡi em lá cỏ, hỡi em bướm trắng chập chờn, hỡi em mắc cở, hỡi em cá phi… hoan hô các em cho tôi một lí do để mà vui sống. Tôi không sống vì lí do tôi sở hữu một cái ao hay một mảnh vườn. Điều sở hữu đó có quan trọng gì đâu, tôi có giữ được những thứ đó mãi đâu khi một ngày kia tôi sẽ bước qua.

***
Hoan hô lá cỏ vì em đã sống với tôi. Em đã chia với tôi những ngày mưa dầm những ngày nắng chói. Hoan hô bướm trắng vì em cho tôi một chút chập chờn, một chút lung linh. Hoan hô nhánh mắc cở vì em sẽ cào nhẹ vào tay tôi, thậm chí sẽ làm tôi rỏ chút máu. E hèm … mắc cở ơi em cũng như người yêu của tôi đã làm tim tôi nhỏ máu đôi chút. Không sao đâu mà, tôi vẫn yêu em đấy! Và cá phi ơi … nào trồi lên đây để tôi có dịp ngắm em!

Thứ Bảy, 20 tháng 12, 2008

Tớ muốn làm vườn!

Ngày mới!
Xách dao xách kéo ra làm vườn! Cỏ dại mọc đầy suốt cả một mùa mưa. Còn hơn tháng nữa là tết rồi. Công việc nhiều quá thét rồi không biết phải làm cái gì trước nữa! Để kể ra xem:
1. Cập nhật cái web site của nhà trường cho đúng tiến độ theo kế hoạch. 30/12 sẽ kiểm tra.
2. Cập nhật thêm bài viết cho mục "Điểm tin công nghệ" cho web page của Khoa CNTT. Kì này là đưa lên bài viết về "Mô hình toán học của virus máy tính", vẫn đang viết dở dang.
3. Theo dõi và trả lời các câu hỏi của sinh viên trên Forum của Khoa CNTT. Lúc này mấy cô cậu thắc mắc nhiều quá. Có vẻ như mấy cô cậu đang muốn thực hiện nền dân chủ bằng cách chất vấn đủ thứ chuyện!
4. Làm và nộp cho xong đề cương nghiên cứu xây dựng môi trường Moodle hỗ trợ dạy và học trên hệ thống mạng của trường. Trể hơn một tuần rồi! Phòng Nghiên Cứu Khoa Học và Quan Hệ Quốc Tế đang kêu réo và dọa dẫm đưa ra cảnh cáo vì trễ nãi! Cái này làm thì nhiều, mệt, mà "công xá" thì được chăng hay chớ, tùy theo "sự bố thí" của chế độ chính sách về NCKH: 150.000 VND/1 đề tài. Ôi trời ơi ngó xuống mà xem ...
5. Chấm cho xong mấy xấp bài thi. Sao càng lúc mình càng ớn công việc chấm bài vậy ta. Đọc và sửa các lỗi nhàm chán của sinh viên. Chán như phải ăn hoài một thứ cơn thiu!
6. Chuẩn bị đề cương chi tiết cho bản phân tích hiện trạng hệ thống thông tin quản lí, sẽ báo cáo cho nhóm lập trình xây dựng ứng dụng quản lí tự động hóa cho hai phòng TCCB và Phòng ĐT.
7. "Hồi kí" toàn bộ giáo án, giáo trình, trình diễn nộp cho Khoa chuẩn bị kiểm tra.

.... Thôi không liệt kê ra nữa. Còn một ngày chủ nhật để làm hết bao nhiêu việc đó!

Bây giờ viết lẹ vài dòng cho cái blog này rồi ra vườn. Làm vườn! Mình sinh ra vốn là nông dân mà. Mình thích làm vườn, thế thôi. Ráng vài năm nữa là về hưu rồi. Lúc đó mình sẽ làm vườn thỏa thích. Học kì vừa rồi đọc tới đọc lui mãi cái chỉ thị 132 mà không tìm ra chỗ nào để xin nghỉ trừ khi phải quậy tưng lên cái gì đó để bị kỷ luật mới nghỉ được.

Mặc kệ nó .... bây giờ mình đi làm cỏ đây. Hoan hô cỏ dại, hoan hô bướm trắng chập chờn, hoan hô mấy cánh hoa mắc cở mọc nghiêng nghiêng bên bờ ao. Hoan hô mấy con cá phi dưới ao. Tớ ra cho mấy chú ăn đây!

Thứ Hai, 8 tháng 12, 2008

Tản mạn 20/11.

1. Tôi lại về... đứng vơ vẫn, bần thần trước ngôi trường xưa. Ngôi trường vốn đã nhỏ tí lại càng nhỏ hơn khi chung quanh bây giờ nhiều nhà cửa khang trang hơn mọc lên. Có cả một cái khách sạn to đùng chểm chệ đứng xéo nhìn ngạo nghể. Liệu tôi có vẫn là tôi của ngày xưa khi không gian đã đổi thay nhiều!? Tôi lại thơ thẩn trước ngỏ cũ dẫn vào căn nhà xập xệ một thời che chở đôi tình nhân nghèo khó. Căn nhà không còn nữa và mảnh đất nền nhà thì đầy cỏ dại. Mảnh đất tội nghiệp giờ đây không có đường vào, úng ngập. Tìm đâu thấy vết chân con bé Tiên ngày xưa lẫm đẫm đi trên ngỏ nhỏ rợp bóng mát của mấy gốc dừa! Mọi thứ rồi tàn phai chỉ trừ những hình bóng đã được cất giấu, ấp ủ trong lòng tôi! Thời gian đáng sợ thật! Thoáng một cái 30 năm qua vèo như gió. Hồi trưa ghé thăm ngôi nhà mới của đứa học trò cũ, rửa mặt trong cái lavabo, khi ngước lên bỗng thấy trong gương một bên tóc đã bạc nhiều. Sững sờ! Tôi đấy sao? Một bóng hình mệt mỏi, cặp mắt đầy vết chân chim và buồn quá đỗi! Tôi tưởng tôi hạnh phúc chứ. Tôi tưởng tôi vui sống chứ. Vậy mà hôm nay bỗng nhiên tôi gặp nỗi buồn của tôi. Tôi cũng chưa kịp hiểu mình buồn gì!? Giống như mình vừa đánh mất cái gì...
2. Suốt buổi chiều còn lại mặc kệ mấy đứa học trò cũ ì xèo hát karaoke, đùa giỡn, uống tiếp cho hết mấy chai rưọu, tôi ra xe ngồi im lặng một mình. Tôi tự làm một cuộc phân tâm cho mình: 30 năm trước tôi nghèo khổ, tôi cuốc bộ 15 cây số chỉ để đến thăm nàng trong vài giờ rồi lại cuốc bộ cũng từng ấy cây số để trở về nhà trọ, tôi bồng con mình 10 bước đi tới 10 bước đi lui hằng trăm lần mỗi đầu đêm trong căn nhà dột nát để muỗi không cắn nó, tôi soạn giáo án bên ngọn đèn dầu leo lét, tôi giảng bài trên một tấm bảng phấn nham nhở trong một lớp học tường vôi nham nhở mà nền xi măng bong tróc khắp nơi. Còn bây giờ tôi có gì? Gần như mọi thứ: Học trò phần lớn đều đã thành đạt, đứa giám đốc, đứa nhà doanh nghiệp giàu xụ, đứa trung tá, đại tá, đứa tiến sĩ ... bây giờ mỗi lần tôi về quê là bọn học trò đánh xe láng coóng đến chở đi, chở về; con tôi bây giờ lương cao; tôi bây giờ chỉ giảng bài trên máy tính với hệ thống multimedia đầy đủ trong phòng trang bị tới 3 cái máy lạnh ... thế thì tôi buồn cái nỗi gì!? Tôi gần như không hiểu được mình!
Phải đến khi tôi giật mình thức dậy giữa đêm. Khi mọi thứ đã lắng đọng tôi mới hiểu mình ...
....
3. Thanh đánh xe chở tôi bằng chiếc Ford Escape thơm phức đến thăm nhà mới của Hiếu. Chạy ngang một cái cà phê vĩa hè tơi tả, bên cái bàn cũng tơi tả không kém là một đứa ngồi buồn: Duy Nhất. Đúng rồi, đó là Nguyễn Duy Nhất một trong các học trò giỏi của tôi. Đó là đứa hiền và chăm ngoan. Sao nó ngồi đây trong khi tất cả các bạn bè đang tề tựu vui vẻ. Tôi xuống xe. Nó nhìn tôi ngại ngùng! -Nè Duy Nhất, mày có nhớ thày của mình không? - Không! ....
Lên xe! Thanh nói: Nó thất bại quá thày ơi, nghèo và tàn tạ, không muốn gặp bạn bè nữa!
....
4. Tôi hiểu mình buồn cái gì rồi. Tôi hiểu tôi đánh mất cái gì rồi! Tôi biết mình thất bại cái gì rồi!

Thứ Hai, 24 tháng 11, 2008

Có những khi buồn.

Đôi khi mình buồn, mệt mỏi, thất vọng, kéo lê nỗi buồn như một con chó sói hoang dại lạc lõng giữa đại ngàn, giữa những tiếng tru tréo của cuộc đời. Giống như lời của bản nhạc buồn: Một chiều buồn đi lê thê, cầm một vòng hoa đê mê … Những khi đó mình ghé Tấn Phúc. Nói vài câu và nghe vài câu … giảm stress!
Những bài thơ này là của Tấn Phúc e-mail cho mình, như một lời chia sẻ:

…………………………………………..

Một bài của em vừa mới viết vụng về:

CÁI BÓNG

Cái bóng đỗ dài theo mỗi bước đi
Như báo hiệu
Trong cuộc đời
-“Mình có mặt”
Cái bóng nguyên hình, xiêu vẹo lung linh
Cứ gắn chặt
Khi chìm khuất
Bóng nhận ra ta hay ta nhìn ra bóng?
Rượt đuổi nhau hoài như có như không...
Khi thấy bóng, ta lần ra ánh sáng
Chút cảm hoài từ cuộc sống tin yêu
Bóng xa rồi ta bỗng thấy cô liêu
Bóng là ta ? hay ta là chiếc bóng ?


(Nguyễn Tấn Phúc)

Có những cái rất bình thường, dung dị, nếu đặt nó vào đúng chỗ thì không còn là bình thường nữa. Lục bát cũng vậy, nó mộc mạc, chân quê, gần gũi như cọng rau tập tàng trong vườn, như ngọn gió hiu hiu bất chợt đến rồi lại đi, cứ thế ngàn năm vẫn thế. Người ta hay nói “ văn mình, vợ người” tiểu đệ thì khác - Văn người - vợ mình mới trúng. Đây, gởi Anh ý tưởng của một chú em 38 tuổi : TRƯƠNG NAM HƯƠNG đã vượt qua tuổi đời để viết:


Ru em một giấc ngủ ngon
Ước mơ sẽ chắp cánh buồm thong dong
Ta về uống cạn dòng sông
Lo ai nhan sắc về không kịp đò


Thấy chưa, 2 câu cuối để Anh bình luận…

……………………………………………

Mình cảm ơn Tấn Phúc đã gởi những sẻ chia. Chẳng muốn bình luận gì vì mình có phải nhà thơ đâu. Thơ đối với mình chẳng qua là những lời chia sẻ ngắn gọn và đôi khi du dương - bất khả tư nghị, dĩ tâm truyền tâm - thế thôi! Còn trò chơi chữ nghĩa thì mình không thích.
Đò tôi chờ một chữ tình.
Sợ sông không rộng để mình đón đưa.
"Lụy đò" người tính hơn thua.
Tiếc công neo bến nắng mưa đợi người!

Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2008

Hai câu đề tặng của người quen cũ.


Tối qua lục lọi trong đám sách cũ bỗng lọt ra một tờ giấy có hai câu của anh Huỳnh Quyền viết cho. Lâu rồi, đâu năm 1992-1993, mình chế bản mấy cuốn sách dạy đánh cờ tướng của anh. Không biết anh hồi đó nhìn mình như thế nào mà viết cho hai câu này. Anh viết bằng chữ Tàu khiến mình dịch muốn bở hơi, và cũng nhờ có Hanokey mình mới viết lại vào đây được để dành làm kỷ niệm:



單 鷹 戲 月 中 天 夜


一 片 冰 心 照 白 雲


(Đan ưng hí nguyệt trung thiên dạ)
(Nhất phiến băng tâm chiếu bạch vân)

Thứ Năm, 13 tháng 11, 2008

Mời bạn thăm nhà.






Bình và Tuyết viết cho N H






Phương xa bạn muốn lại thăm nhà.
Thì đây lối nhỏ đường không xa.
Thảo lư khép nép bên vườn cỏ
Mấy gốc mai vàng e ấp hoa.



Nhà ta không có những xa hoa
Mấy tủ thơ đầy ... đủ ngâm nga
Mấy chai rượu cũ ... vừa chếnh choáng
Hồn bạn có gì ... chia với ta?




Nhà ta không có món cao lương
Rau củ quanh năm một góc vườn
Dừa đủ tép rang bùi ngọt béo
Nếm thử để mà yêu quê hương.




Lòng ta mở rộng với bạn ta
Muôn phương cánh nhạn trở về nhà
Bạn đã bao năm thân lữ thứ
Thì trải lòng ra ... ta với ta.




Con người và công nghệ

Ba ngày hai đêm bị cái máy tính hành cho tơi tả!

* Ngày thứ nhất vì là Admin của một cái Forum đang bị tấn công, nên vất vả túc trực chống đỡ để Forum không bị các bài post lên kiểu SPAM. Có vẻ như nó đang bị một con sâu gì đó (cuối cùng thì mình cũng biết tên con sâu đó là W32.AntiMomAdll.worm - theo phân loại của BKAV) luồn lách qua các topic để lấy địa chỉ IP của các máy mở Forum và từ đây lại gởi tiếp các thông điệp gây hấn (toàn là các quảng cáo về viagra, các loại thuốc lắc và các casino) . Mất hết một ngày đêm kiên nhẫn để theo dõi các IP từ đó nó truyền đi các message. Phần lớn các IP này ở Mỹ. Sao vậy nhỉ? Ai ở Mỹ đã quan tâm tới cái Forum hoàn toàn chuyên biệt này nhỉ, để làm gì? Hơi có một chút vui là nhờ mấy em sinh viên tụi nó cũng theo dõi sát sườn và gọi điện thoại báo cho mình từng lúc sự xuất hiện các SPAM này. Cuối cùng thì cũng dựng thành công một hàng rào kỹ thuật chặn đứng được các SPAM.
* Chặn đứng được nó thì tới phiên mình bị con sâu đó tấn công. Nó nhiễm vào [root]\windows\system32\urlmon.dll. Cái BKAV pro tận tụy của mình lần này thì hại chủ. BKAV pro đã tự động diệt địch và làm chết luôn Internet Explorer vì file này chính là một component quan trọng làm nhiệm vụ phân giải địa chỉ IP khiến mình hết đường truy cập vào các trang web! Công việc tồn đọng thì nhiều mà người bạn già-đại ca Cao Thoại Châu thì kêu ơi ới về cái manchette đang cần đưa lên mục "Tác giả và người đọc". Làm thế quái nào vào hộp mail để trả lời và attach cái file được! Gần phát khùng! Đành phải dùng hệ điều hành dự trữ trên máy là Red Hat Linux. Vào Yahoo Mail được nhưng bây giờ thì không có bộ gõ tiếng Việt nào hỗ trợ Red Hat. Hơn nữa Mozilla Firefox cũ xì của mình thiếu tùm lum những thứ plug-in(s) khiến màn hình của Yahoo Mail bị xáo trộn tùm lum không làm việc được. Không thể gởi mail theo lời hứa, thiệt là khổ tâm! Quay ra chạy REPAIR cái Windows XP pro. Làm xong thì gần 1 giờ sáng, nhưng rồi cái IE cũng không hoạt động. Hệ thống file system tiêu hết rồi! Thiệt là thở không ra hơi!
* Đi dạy về, quay ra Overwrite set up cái windows. Trời đất ơi, nhà thơ Giả Đảo ba năm làm được hai câu thơ sợ bạn không đồng cảm đòi quay về núi ...chết cho xong. Còn cái máy này mình đã cài đặt, tinh chỉnh, update cho nó hàng trăm thứ đã bốn năm năm rồi. Một công trình hoàn chỉnh tuyệt mỹ chỉ trong một ngày ... tiêu tùng thì mình kiếm cái núi nào mà về đây trời!

E hèm... mệt quá, oải quá và đành vào cái blog này than thở với chính mình và với ai lỡ vào đây. Xin ai lỡ vào và lỡ đọc thì cười xù giùm mình một cái .... vì mình còn phải tiếp tục cài đặt lại đủ thứ cho cái-máy-ngựa-thồ này. Chắc phải cả tuần nữa mới recover được nó về trạng thái trước đây! Phùùù ..ù ... Mình là kỹ sư máy tính mà còn mệt bủn rủn như vậy thì ai đó dị ứng với công nghệ cần học chữ .... nhẫn.

Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2008

TRẢ LỜI CÂU HỎI CỦA NH.

E hèm… có người cắc cớ hỏi sao ông hoài cổ vậy? Cái thế giới này, bây giờ, là của tiếng Anh mà? Sao ông thích Le petit prince vậy? Sao ông lại mê Terre des hommes vậy? Mà tại sao Hoàng tử bé lại muốn vẽ con trừu mà … không phải một con gà con! Ối trời, người hỏi lại là một nàng … đang sống tít tận gần bến sông Seine. Tôi đang bận bịu với đủ thứ nhọc nhằn mà các xếp đang vui sướng hành hạ tôi bằng hàng đống văn bản giấy tờ chán đến tận cổ nên tôi lâm vào tình cảnh của Saint-Ex khi bị Hoàng tử bé, với một vẻ dịu dàng rất mực, đòi vẽ cho một con trừu giữa lúc chàng bực bội loay hoay sửa chữa chiếc máy bay của mình bị rơi tỏm giữa sa mạc. Mà thôi, mặc kệ các xếp – có gì quan trọng hơn câu hỏi của một tiểu thơ đâu – tôi liền ngồi ngẫm nghĩ, bơi trong cõi mộng để bới tìm câu trả lời cho vấn nạn thiên thu. Thư này ban đầu tôi định viết với đề tựa: Lettre à ma princesse cho ra vẻ ta đây cũng phong trần lịch lãm chi chi nhưng vì lâu lắm rồi không dùng tiếng Pháp nữa có thể khiến tôi phải vất vả kiệt sức với cái gọi là “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp tiếng … Tây” nên thôi. Tôi bèn viết bằng thứ ngôn ngữ êm đềm cay đắng của Nguyễn Du đi vậy. Biết đâu chừng “mua vui cũng được một vài trống canh”!

Thư cho công chúa.

- Thì đây là con gà con lấm lem thay cho con trừu của Saint-Ex. Gà con thì chắc chắn không xơi hoa hồng của Hoàng tử bé rồi. Cái giống gà bé nhỏ này chỉ tội là hay bươi móc đây đó đôi khi thôi. Mai kia mốt nọ gà ta có thể lắm sẽ trở thành một chú gà nòi gáy te te chào nửa đêm, chào buổi sáng, hoặc đi đâu đó lang thang để ngày kia đỉnh đạc đậu trên một mái nhà gáy tương tư đóa hồng nọ. Con trừu kia mà Hoàng tử bé đòi có lẽ tại vì trên tinh cầu của chú cũng chỉ từng có giống ấy thôi. Cái thứ gà gáy nửa đêm, gà gáy sáng có thể bị khàn giọng viêm thanh quản trên tinh cầu mặt trời mọc mặt trời lặn bốn mươi ba lần trong một ngày của chú.
- Còn vì sao tôi mê Terre des hommes! Tại vì tôi sinh ra là nông dân, lớn lên trên đất rừng U Minh và tôi cảm câu đầu trong Terre des hommes:

“La terre nous en apprend plus long sur nous que tous les livres. Parce qu’elle nous résiste. L’homme se découvre quand il se mesure avec l’obstacle. Mais, pour l’atteindre, il lui faut un outil. Il lui faut un rabot, ou une charrue. Le paysan, dans son labour, arrache peu à peu quelques secrets à la nature, et la vérité qu’ il dégage est universelle.”

Cái đoạn đầu này thì Saint-Ex và Bình Nguyên Lộc trong “Rừng mắm” hẵn “đồng thanh tương ứng”. Dĩ nhiên Saint-Ex không nói chuyện về nông dân hay chỉ nói chuyện về các chuyến bay mở đường. Nhờ Saint-Ex và tiếng Pháp mà tôi mới hiểu về cái bi kịch “khai hóa” mà “thế giới văn minh” mang lại và về cái lâu đài ở Hararé của tay khốn nạn Mugabé. Hãy lắng nghe Terre des hommes lần nữa:

"Voici des hommes qui n’avaient jamais vu un arbre ni une fontaine, ni une rose, qui connaissaient, par le Coran seul, l’existence de jardins òu coulent des ruisseaux puisqu’il nomme ainsi le paradis. Ce paradis et ses belles captives, on le gagne par la mort amère sur le sable, d’un coup de fusil d’infidèle, après trente années de misère. Mais Dieu les trompe, puisqu’il n’exige des Français, auxquels sont accordés tous ces trésors, ni la rançon de la soif ni celle de la mort. Et c’est pourquoi ils rêvent, maintenant, les vieux chefs. Et c’est pourquoi, considérant la Sahara qui s’étend, désert, autour de leur tente, et jusqu’ à la mort leur proposera de si maigres plaisirs, ils se laissent aller aux confidences.
“Tu sais… le Dieu des Français… Il est plus généreux pour les Français que le Dieu des Maures pour les Maures!"

Vậy đó, công nghệ ngày càng hiện đại, nhân loại bây giờ người ta nói tiếng Anh thay vì tiếng Pháp nhưng những vấn đề của nó cũng có gì thay đổi đâu!

- Còn thông điệp mà công chúa muốn kêu lên, thì đây:


“Robert Mugabe: Pendant que son peuple meurt de faim, et meurt à cause du manque de soins et des médicaments … On nous demande de l’aide pour aider son peuple … Lui et sa famille vivent dans l’opulence et tue son propre peuple.
Faite parvenir ce courriel pour que le monde entier sache ce que cet homme fait à son peuple”

ĐIỀU NÀY THÌ TÔI RẤT ĐỒNG TÌNH VỚI … NH.

Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2008

TRẦM NGÂM TRƯỚC MỘT BÀI THƠ.

Bổng dưng được một bài thơ, gởi qua e-mail. Không mấy quan tâm tới bài thơ hay dở mà chỉ bần thần liên hệ tới một ông hàng xóm vừa "về bên kia núi" vài hôm trước. Ông này, tính theo vai vế, là chú của vua Bảo Đại. Ông đã đi Mỹ được hai năm theo diện HO rồi lại quay về. Công an địa phương muốn "trục xuất" ông về Mỹ. Ông làm lì ở nhà luôn ... Địa phương đành cười trừ, chào thua. Có lần tôi hỏi sao ông không trở lại Mỹ thì ông chỉ từ tốn nói "Ở bển buồn quá chú ạ!". Bây giờ thì ông đã yên giấc ngàn thu trên mảnh đất quê nhà. Lại nhớ tới "ông già" của chị Thiều Quang, bạn cùng lớp. Ông già trước 75 là quận trưởng một quận của tỉnh Kiến Hòa. Sau 75 đi học tập rồi về... ra ngồi bên lề đường làm nghề bơm mực bút bi! (Bây giờ mà nói cho con cháu nghe đã từng có cái thời có nghề bơm mực bút bi và vá dép thì mấy đứa nhỏ há hóc ra, không hình dung được!). Rồi ông già đó cũng đi Mỹ. Chuyện buồn xảy ra cho ông già là ở Mỹ ông hay đi lang thang suốt ngày mua bánh tiêu bánh bò - ở phố Tàu - về sắp đầy nhà. Tụi con cháu rầy rà ông suốt vì chúng có khi nào ăn cái thứ bánh đó nữa. Ông mua không phải vì ông thèm ăn mà vì ông thèm một thứ khác không thể nói nên lời! Ông già này thì không về nước nhưng ông kéo lê nỗi buồn xa xứ đến lúc mệnh chung. Bây giờ bên kia thế giới không biết ông già đó có đem hồn mình qui cố quốc không? Than ơi!

Phương mộc lưu giang hà cố thổ!

Vậy, post lên đây bài thơ để chia sẻ chút nổi niềm với tác giả của bài thơ thì cũng đáng!


ngam nghi su* doi* tui bay oi* !
NH


Vì sao?

Anh có ở lại đây một trăm năm,
Ăn gà tây, uống coca, cũng không thành Mỹ trắng.
Anh có ở lại đây một ngàn năm,
Cắt cỏ dang nắng, cũng không thành Mỹ đen.

Tiếng anh tiêng u nay chắc anh nói cũng đã quen,
Nhưng đến bao giờ mới phai mùi nước mắm
Anh có muốn ở lại suốt đời?
Để mỗi lần đi cày về, anh tắm,
Chỉ tắm dưới vòi sen?

Những người đồng hương anh vui quen hôm qua,
Ngày mai có thể trở thành kẻ lạ.
Những người thường làm mặt lạ,
Lại có thể bá cổ hôn anh,
Nếu anh lên nhanh, nếu anh trúng số.

Ôi cái xứ sở xô bồ,
Lắm người qua hơn hai mươi năm,
Vẫn còn bị hố.
Hàng xóm, láng giềng, nhà nhà lố nhố,
Nhưng chẳng ai thèm biết tên ai.
Xe của ai nấy đi,
Nhà của ai nấy đóng kín mít.

Tết tây tết ta, lể tạ ơn tạ nghĩa,
Chẳng hề qua lại hỏi thăm nhau.
Thỉnh thoảng gặp nhau trên đường đi,
Cũng đặt bày làm người lịch sự.
Mấp máy nói 'hai' nói ba, chào nhau,
Như chào cái cột cờ di động.

Đường phố, phi trường, núi rừng, ruộng đồng quá rộng,
Mà lòng con người của đa phần tôi gặp,
Lại nhỏ bé đến li ti.
Nhỏ bé đến dị kỳ.
Nhỏ bé còn hơn những gì nhỏ nhất!

Thế mà từ quê nhà còn lắm người ao ước ra đi.
Thế mà từ quê người vẫn chưa có mấy ai thích trở về… vĩnh viễn!
Vì sao? Vì sao?

Xuyên sơn

Thứ Bảy, 1 tháng 11, 2008

Khoảng lặng trong tuần.

Vậy là chiều Thứ bảy. Một tuần trôi qua nhanh như chớp. Đủ thứ công việc: Đọc tài liệu, lên lớp, soạn bài kiểm tra cho 4 phân môn khác nhau! Có lớp dạy với niềm hứng thú. Có lớp dạy với nỗi chán ngán. Dễ thương nhất là lớp sư phạm, mệt mõi nhất là các lớp CNTT. Sinh viên biếng đọc sách, đọc tài liệu. Ghé qua thư viện để tìm hiểu xem bọn chúng đã làm gì với mớ tài liệu mình đã dặn. Cái thư viện vắng như chùa bà Đanh. Cũng không đến nỗi thiếu sách, nhưng sinh viên không đến. Vậy là mấy đứa nhỏ chỉ đọc có mỗi cái cuốn sách mình đang dạy! Tại sao bọn chúng lười thế không biết. Dạy lập trình nhưng sinh viên chỉ chăm chăm chép "chương trình mẫu". Yêu cầu đọc Help về các hàm SYS() của V.Fox; yêu cầu đọc thêm một số đoạn của Operating Systems - H. Deitel. Nhắc nhở mãi tới chừng hỏi lại chưa ai đọc. Bài dạy bị nghẹn lại giữa chừng ....
Một chiều thứ bảy bị nghẹn.
Một chiều thứ bảy bị nghẹn.

Thứ Ba, 28 tháng 10, 2008

Một chút tản mạn về Bùi Giáng.

Tôi không biết nhiều về Bùi Giáng. Lần đầu tiên đọc ông là ở bản dịch Cõi người ta từ nguyên tác Terre des hommes của Antoine de Saint Exupéry. Khi đó tôi mới học lớp 12, non nớt và không hiểu mấy những vấn đề triết học. Thày chủ nhiệm thư viện trường trung học Kiến Hòa - Đỗ Quang Hạnh - hay gọi học sinh tình nguyện xuống trực thư viện, tôi là một trong những học sinh đó, và rất may mắn - tại thư viện - tôi tìm thấy nguyên tác Terre des hommes trong sê-ri Le livre de poche của nhà xuất bản Gallimard (1939) do nhà Brodard et Taupin in lại (1970). Thực chất lúc đó tôi mê Saint-Ex và mê … một cô em nhỏ hơn tôi một lớp cực xinh đẹp cùng trực. Chuyện mê cô em là một mối tình buồn và dang dở … nhưng nhờ thư viện tôi đã kịp đọc một số các nguyên tác của Saint-Ex bao gồm: Terre des hommes, Le petit prince, Vol de nuit,… Cũng trong năm học đó thày dạy triết của tôi là Nguyễn Đăng Phu lại giới thiệu tôi đọc La symphonie pastoraleLa porte étroite của André Gide. Thú thật đọc Saint-Ex thì còn dễ, đọc Gide là một cực hình - nhất là phải đọc nguyên tác. Tôi ráng đọc là vì tôi phải có cái gì đó để… xạo với cô giáo Pháp văn của tôi là cô Nguyễn Thị Bạch Điểu và để... đía với một anh bạn cùng lớp tên Trung, anh này Pháp văn giỏi cực kì và hay cà khịa tôi nhiều chuyện!
Vậy đó, muốn hiểu hết nguyên tác tôi lại phải nhờ vả bản dịch! Bùi Giáng đã cứu tôi qua Cõi người taHòa âm điền dã. Còn thơ Bùi Giáng thì tôi hoàn toàn mù tịt, thậm chí còn không biết ông có làm thơ. Tôi phát hiện một điều là bản dịch còn hay hơn cả nguyên tác. Cái này không biết liệu tôi có phải xin lỗi Saint-Ex không nhưng rõ ràng trong văn học Việt Nam đã từng xảy ra chuyện như vậy. Tản Đà là một trường hợp đối với thơ Đường!
Tôi đâm ra mê Cõi người ta hơn Terre des hommes, Hoàng tử bé hơn Le petit prince! Nhất là khi đọc Hoàng tử bé thì tôi bị Bùi Giáng chinh phục hoàn toàn. Hai tác phẩm đó của Saint-Ex sau này còn được nhiều người dịch đi dịch lại và tôi đều cố gắng tìm đọc nhưng tôi đều thất vọng vì trước đó đã đọc Bùi Giáng. Đọc bản dịch của ông tôi hoàn toàn không có cảm giác đây là bản dịch mà chỉ cảm thấy ông đã thổi hồn tiếng Việt diệu kì vào đó trong khi vẫn không làm sai lệch nguyên tác. Điều ác liệt hơn – và thật là tuyệt diệu, cao thủ võ lâm - là cách ông áp từ Hán-Việt và điển tích Hán-Việt vào trong bản dịch. Tầm mức đó của dịch giả tôi chỉ gặp lại ở Lý Lan sau này qua bộ truyện Harry Potter, nhưng Lý Lan và Bùi Giáng là hai tính cách khác nhau rất xa!
Tôi chỉ biết ông có làm thơ, lâu sau năm 1975, khi tình cờ anh bạn thân – Bùi Ngọc Anh, cháu của Bùi Giáng – trong lúc trà dư tửu hậu nói chuyện về Bùi Giáng. Lúc đó tôi chỉ thấy các câu thơ của Bùi Giáng ngộ nghỉnh, phi logique nhưng … thích cái lỗ tai! Ca từ của Trịnh Công Sơn đã dễ sợ rồi, thi từ của Bùi Giáng còn “hãi” hơn:

Người hai con mắt khóc người một con.
Đâm ra tò mò về thơ Bùi Giáng. Thời may lại gặp anh bạn thân khác - Nguyễn Tấn Phúc (NTP) - hiện công tác ở Khoa Sư Phạm Trường Cao Đẳng Bến Tre. Anh chàng này khi còn học Lớp Văn 2, Khóa chuyên tu 1981-1984 tại Trường Cán bộ Quản lí cùng với mấy anh bạn khác của va như Huỳnh Tấn Phúc (quê Quảng Nam – đang là Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GDĐT Đà Nẵng) và Đinh Lựu (đang là chủ tịch huyện Liên Chiểu – Đà Nẳng) hay đi lại chơi với Bùi Giáng. NTP siêng ghi vào sổ tay những câu Bùi Giáng bất chợt “lẩm bẩm” trong những lần rong chơi đó và giữ làm của riêng cho đến tận bây giờ. Kể ra đây mấy câu đó … để mua vui!
1981, Bùi Giáng đang ở đường Lê Văn Duyệt, hẻm 156, gần chùa Trung Hòa. Buổi sáng NTP và anh em đến chơi thì thấy Bùi Giáng đang ôm một con gà công nghiệp màu vàng nâu đi lững thững ra. Hỏi ôm con gà làm gì vậy thì Bùi Giáng cười khà khà đọc:

Nửa đêm thánh đế dậy thường
Bồng con ô nhạn lên đường phiêu lưu.

Ừ thì đi phiêu lưu, đến chiều cả bọn đạp xe chở Bùi Giáng ra chơi trước Tòa đô sảnh, ngồi trên bãi cỏ trước cái bồn binh nước xịt ngắm người qua lại. Bùi Giáng hối NTP lấy bao thuốc lá ra ghi:

Xung quanh bờ nước rập rình
Chiều qua phố chợ mang hình mắt xanh
Chợ chiều nhiều khế ế chanh
Mấy cô gái lạ bước nhanh hàng hàng
Mắt xanh hình thể điêu tàn
Chào cô gái lạ cô càng lạ thêm!

Có lần cả nhóm ra ngồi ở Bến Bạch Đằng, gần bến phà Thủ Thiêm, NTP tò mò đòi Bùi Giáng: "Cậu 3 nói cho nghe cái vụ To be or not to be!" (Thật ra Bùi Giáng thứ 6 – chưa biết tại sao NTP gọi như vậy). Chẳng qua là ông tướng (NTP) này bị mấy ông thày dạy văn “quay” mòng mòng về Hamlet nên muốn thừa cơ hỏi Bùi Giáng vài chiêu để copy vô bài làm. Chẳng khi nào Bùi Giáng trả lời. Hình như Bùi Giáng quên hết cái vụ be hay not be đó rồi! Tư lự ở Bến phà Thủ Thiêm đã điếu rồi Bùi Giáng xuất khẩu:

Chèo ghe ra biển ghé vai
Hỏi thăm cá biển một, hai, ba điều
Giữa chừng quên bẳng bốn điều
Quay vào sực nhớ năm điều đã quên!

Một hôm Bùi Giáng quần áo lôi thôi, xốc xếch nhưng gương mặt thì cứ như lão ngoan đồng Châu Bá Thông, ngồi trên balcon khu nhà ở của Trường Cán Bộ Quản Lí (số 9 Nguyễn Bỉnh Khiêm), đường vắng và trời mưa lâm thâm, nhìn sang phía bên kia là Sở thú. Ngồi ở đó hay nghe được tiếng cọp gầm và sư tử hống. Ngồi trầm ngâm ai hỏi cũng không buồn trả lời. Trước khi bỏ về (mà về đâu?!) chỉ đọc mấy câu mà NTP kịp ghi lại:

Gấu buồn beo cọp cũng buồn
Mưa rừng rất lạnh từng luồng gió đi
.....
.....
Cọp đi từng bước héo hon
Voi đi lững thững đá mòn trăng soi
Mấy cô gái núi u hoài
Rừng mang dấu vết ai đòi hỏi ai!

Mấy câu thơ này không có tựa vì chỉ được NTP ghi lại vội vàng. Kể lại đây để nhớ một người tài danh mà cũng là một … kì dị nhân được nhiều người ngưỡng mộ!
(Viết và đã được nhận xét, hiệu đính bởi anh Nguyễn Tấn Phúc)

Thứ Ba, 21 tháng 10, 2008

ĐẤT VÀ NGƯỜI.

Tự nhiên muốn viết cái gì đó về "Đất và người", rồi lại lan man nghĩ về một cái tựa khác - một phiên bản khác - "Tâm hồn international". Loay hoay viết dở dang không ra hồn gì hết. Quay ra đọc linh tinh mấy thứ lưu trữ từ hồi nẳm trên máy, bổng bắt gặp Bình Nguyên Lộc: câu truyện cũng về đất và người. Thôi, post lên đây để tiện đọc lại. Còn "Tâm hồn international" hẹn ... với lòng lúc khác! (mà hình như cũng đã đọc Bình Nguyên Lộc viết đâu đó một ý tương tự rồi!).


Rừng Mắm
-- Bình Nguyên Lộc --

Chim đang bay lượn bỗng đứng khựng lại, khiến thằng Cộc thích chí hết sức. Nó theo dõi con chim thầy bói ấy từ nãy đến giờ, chờ đợi cái phút nầy đây. Thật là huyền diệu, sự đứng yên được một chỗ trên không trung, trông như là chim ai treo phơi khô ngoài sân nhà. Chim thầy bói nghiêng đầu dòm xuống mặt rạch giây lát rồi như bị đứt dây treo, nó rơi xuống nước mau lẹ như một hòn đá nặng. Vừa đụng nước, nó lại bị bắn tung trở lên như một cục cao su bị tưng, mỏ ngậm một con cá nhỏ.
Cộc ngửa mặt lên trời để theo dõi ông câu kỳ dị và tài tình ấy nữa, nhưng mắt nó bị ngọn dừa nước bên kia bờ rạch níu lại. Trên một tàu dừa nước, một con chim thằng chài xanh như da trời trưa tháng giêng, đang yên lặng và bền chí rình cá. Trong thế giới bùn lầy mà thằng Cộc đang sống, ai cũng là ông câu cả, từ ông nội nó cho đến những con sinh vật nhỏ mọn qui tụ quanh các ngọn nước.
Màu xanh của chim thằng chài đẹp không có màu xanh nào sánh kịp. Sự bền chí của nó cũng chỉ có sự bền chí của các lão cò sầu não là ngang vai thôi, cái bền chí nhìn rất dễ mê, nhưng mê nhứt là mũi tên xanh bắn xuống nước nhanh như chớp, mỗi khi thằng chài trông thấy con mồi.
Thằng Cộc là một đứa bé bạc tình. Một đàn cò lông bông bay qua đó, đủ làm cho nó quên thằng chài ngay. Là vì đầu cò chởm chởm những cọng lông bông, nhắc nhở nó những kép võ hát bội gắn lông trĩ trên mão kim khôi mà nó đã mê, cách đây mấy năm, hồi gia quyến nó còn ở trên làng.
Hồi ấy nó sướng lắm. Quanh nhà nó, có hàng trăm nhà khác, có vườn cây trái, có nước ngọt quanh năm, có trẻ con để nó làm bạn, để nó đùa giỡn với. Nhưng không hiểu sao một hôm tía nó bán chiếc chòi lá đi, rồi ông nội nó, tía nó, má nó và nó, một đứa bé mười tuổi, kéo nhau xuống một chiếc xuồng cui, một thứ xuồng to mà người ta gọi là xuồng mẹ, ghe con. Rồi họ đi lang thang từ rạch hoang vắng nầy đến kinh hiu quạnh nọ, và rốt cuộc dừng bước nơi cái xó không người nầy mà ông nội nó đặt tên là xóm Ô-Heo.
Nghĩ đến những năm cũ, thằng Cộc bỗng nghe thèm người vô cùng, thèm còn hơn là thèm một trái xoài ngọt, một trái khế chua mà từ năm năm nay nó không được nếm. Những người di cư năm nọ trên chiếc xuồng cui vẫn còn sống đủ cả. Những chiều nghi ngút sương mù từ đất lầy bốc lên, và những đêm mưa gào gió hú, những người ấy kể chuyện cho Cộc nghe, những chuyện ma rởn óc như ăn phải trái bần chua. Nhưng dầu sao, Cộc cũng thích người khác hơn, cũng như nó thích vườn tược sầm uất hơn cảnh rừng tràm tối mịt hoặc cảnh đồng không bát ngát ở đây. Ở đây, cho đến tiếng chó sủa, tiếng gà gáy nó cũng không nghe từ lâu. Con chó săn và mấy con gà giống mang theo, đã ngã lăn đùng ra mà chết ngay trong tháng mới tới. Thằng Cộc ngạc nhiên mà thấy sao người vẫn không chết trong khí hậu tàn ác nầy: nóng, ẩm, còn muỗi mòng thì quơ tay một cái là nắm được cả một nắm đầy. Chưa bao giờ mong mỏi của Cộc được thỏa mãn mau lẹ như hôm nay. Nó vừa thèm người thì tiếng hò của ai bỗng vẳng lên trong rừng tràm, rồi tiếp theo đó là tiếng chèo khua nước:
Hò ơ... tháng ba cơm gói ra hòn,
Muốn ăn trứng nhạn phải lòn hang mai.
Mũi xuồng cui ló ra khỏi khúc quanh của con rạch, và trên xuồng, chồng chèo lái, vợ ngồi không trước mũi mà hò. Cặp vợ chồng nầy, Cộc quen mặt mấy năm nay, nhưng không biết họ từ đâu đến. Nó chỉ biết họ ra biển để bắt cua và bắt ba khía, một năm mấy kỳ. Nghe tiếng người lạ nói, nhứt là tiếng hát, Cộc sướng như có lần tía nó cho nó ăn một cục đường từ nơi xa mang về. Thà là không được ăn, chớ còn ăn một chút xíu thì cái vị của món ăn còn chọc thèm hơn bao giờ cả. Nên chi Cộc nhìn xuồng chèo khuất dạng rồi thì xây lưng tức khắc để chạy lên Ô-Heo.
Trọn vùng nầy, ông nội nó đặt tên là Ô-Heo. Nhưng riêng trong trong riêng gia quyến nó thì Ô-Heo chánh hiệu là một cái gò xa ở trên kia, cách mé rạch đến hai dặm hú. Số là hồi trước, ngày đầu tới đây, ông nội nó với tía nó đi kiếm đồ ăn trong rừng, đã gặp nơi đó một ổ heo rừng. Cả ổ heo đều bị sát hại hôm đó và việc canh tác của gia quyến nó về sau nầy đã đuổi thú dữ đi xa. Tuy nhiên, đề phòng chúng trở lại, ông nội nó đã cấm nó lên Ô-Heo một mình. Thằng Cộc lại thích lên đó, ban đầu chỉ vì Ô-Heo có sức quyến rũ của một trái cấm, nhưng về sau, nó gặp người nơi đó. Đó là vài người đàn ông và đàn bà, nói là ở xa lắm, cách đó một ngày đường sông. Đàn ông thì đến để gác quốc, gác nhan sen, còn đàn bà thì để nhổ bồn-bồn về làm dưa bán.
Đó là những người bạn bí mật của nó, nó giữ kín không cho nhà nó biết. Họ hay kể chuyện xóm làng, chuyện đám cưới, đám ma, đám hát, đám cúng đình, tóm lại tất cả sanh hoạt của làng mạc mà từ lâu Cộc không thấy và ngậm ngùi tưởng đến như nhớ những kỶ niệm xa xôi. Cộc chạy qua khỏi ruộng nhà và đứng lại nghỉ mệt. Nó mệt lắm vì nó chạy dưới nước và dưới bùn, mặc dầu lúa đã đến mùa gặt. Năm xưa, gia quyến nó đến đây vào cuối tháng giêng, sau khi cúng ông vải xong ở quê cũ. Ông nội nó với tía nó đốt rừng tràm từ ngoài bờ rạch. Gió thổi vô rừng, và lửa, như con vật khổng lồ, đã táp một cái vào khối thịt xanh um của biển rừng tràm nầy. Thành ra ruộng nhà nó mang một hình tròn kì dị, không tròn đều đặn vì không ai chỉ huy được sự cháy rất là rắn mắt của ngọn lửa.
Cộc nhìn ruộng mình một hồi rồi cười khan lên. Đám rừng bị khoét một lỗ để làm ruộng, trông như đầu tóc trẻ con được mẹ cạo, nhưng mới cạo có một mảng thì có chuyện gấp, bỏ dở công việc; đứa bé bị chúng bạn chế nhạo là đầu chó táp. Lúc ruộng chín, cây lúa cao quá, ngã rạp xuống, để lòi trăm ngàn gốc tràm lên, trông như ai đóng cọc để cất nhà sàn; năm xưa đốt rừng nhưng không đủ sức đánh những gốc tràm tươi rói không cháy được nầy, tía thằng cộc đành cấy lúa giữa những gốc ấy, mãi cho đến ngày nay mà gốc vẫn chưa mục. Tía nó nói mười năm nữa, tràm chết cũng vẫn còn đưa cẳng lên như vầy. Sau lưng Cộc là những rặng tràm bị cháy sém dưới trận lửa khai hoang, không chết ngay, nhưng "chết nhát", cứ mỗi năm chết lần mòn thêm vài mươi cây. Mấy hàng tràm đầu nám đen và trụi nhánh như cột nhà cháy, câm hận nhìn chiếc chòi lá xa tít mù dưới mé rạch đang chứa chấp kẻ thù đã lấn đất của chúng, đã sát hại chúng. Sau đó, rừng dày mịt, chằn chịt những dây bòng bong, dây choại, bò từ thân cây nầy qua thân cây khác.
Thằng Cộc lắng tai nhưng không nghe tiếng động nào cả. Nó đánh bạo chen qua những cây bình-bát, cây ráng, mọc xen với tràm, để đi tới đích. Một ổ chồn cộc bỗng chạy qua trước mặt nó, khua lên một cái roạch, làm nó giựt mình, nhưng tiếng người trên Ô-Heo cách đó chững hai hàng cây, giúp cho nó vững dạ.
Tiếng đàn bà hỏi:
-- Anh hổng sợ thằng Mùi hay sao ?
Tiếng đàn ông đáp:
-- Thằng Mùi thì qua cho một loi là nhào hớt.
Cộc vẹt cỏ lá, đi mau đến đó và khi nó chun ra khỏi khối xanh thì hai người có mặt trên gò Ô-Heo sợ hãi ngồi dang ra. Người đàn ông gác quốc là người quen, người đàn bà nhổ bồn-bồn thì lạ hoắc. Chị nầy trẻ đẹp hơn tất cả những chị mà nó quen biết từ lâu. Người đàn ông tự trấn tỉnh lại ngay, ngoắt nó lại mà hỏi:
-- Muốn về trển hay không Cộc ? Muốn thì đi theo chị hai mầy đây, chỉ có một đứa em gái ngộ lắm.
Trong khi thằng Cộc mắc cở tía tai thì chị đàn bà hỏi anh kia:
-- Ở miệt nầy có người sao anh ?
-- Chỉ có một nhà thôi. Mới tới đây chừng năm năm.
-- Quen hay lạ ?
-- Lạ. Họ ở trên Sa Đéc lận.
Chị đàn bà an lòng, vui lại được và nói với Cộc để mua lòng kẻ đã bắt chợt việc thầm lén của chị:
-- Em của chị không bao giờ chịu về làm dâu ở một chổ như vầy. Em có muốn thì phải ở rể thôi.
Rồi hai người lớn cười ngặt nghẹo với nhau.
Thằng Cộc mới mười lăm, nhưng cao lớn gần bằng người đàn ông kia. Mình trần của nó nổi u, nổi nần những bắp thịt rắn như nắn bằng đất sét gắn vào đó rồi nung cho đen và cứng. Sự nẩy nở của thân thể nó đi song đôi với sự trưởng thành của đời sống sinh lý bên trong của nó. Năm nay nó đã bắt đầu bâng khuâng mỗi khi chiều xuống, mặt trời đốt cháy đỏ đầu rừng tràm trầm thủy trước nhà. Nhưng sống cô đơn ở đây, nó không biết chuyện trai gái như vầy là xấu đến mức nào và nó phải có thái độ làm sao nên bối rối lắm.
Chị đàn bà nắm tay nó, rị nó ngồi xuống bên cạnh chị, vỗ lên đầu nó rồi dỗ ngọt:
-- Chị không ăn thịt em rể chị đâu mà sợ. Mầy mà về trển làm ruộng thì ai cũng ưa. Làm rể có công, ba năm thì má chị gả con Thôi cho mầy liền. Nói thiệt đó mà.
-- Nó muốn trốn theo qua dữ lắm, người đàn ông nói, nhưng nó còn ngại.
-- Ngại gì ?
-- Thì lo sợ cái việc xa xôi đất lạ đó mà.
-- Em nè, chị đàn bà lại hỏi, nhà có mấy người ?
-- Bốn người ?
-- Ai với ai ?
-- Ông nội tui, tía tui, má tui với tui.
-- Làm mấy công đất ?
-- Hồi đó bốn công, bây giờ mười công.
-- Gặt được bao nhiêu giạ mỗi mùa ?
-- Tám giạ.
Chị đàn bà cười ngất một hồi rồi day lại hỏi nhơn tình:
-- Trời ơi, ruộng gì mà mười công đất, chỉ gặt được có tám giạ thôi ?
Người đàn ông không cười, đáp:
-- Đất nước mặn nào mới khai hoang cũng như vậy hết.
-- Rồi lấy gì mà ăn em nhỏ ?
-- Tía tôi đi đổi lúa thêm, ở đâu không biết, xa lắm.
-- Đổi bằng gì ?
-- Bằng cá khô. Với lại cũng chẳng cần ăn cơm. Nhiều khi ăn rùa, ăn rắn trừ cơm. Ở đây, rùa nhiều như kiến. Đốt rừng rồi đón trên đầu gió một lát là chúng nó lạch cạch chạy trốn lửa, bắt không kịp lận.
Chị đàn bà tỏ vẻ ái ngại một hồi rồi nói:
-- Nãy giờ chị nói chơi đó. Nhưng biết được tình cảnh của em, chị thật bụng thấy là em cần đi theo chị hoặc là anh đây cũng được.
Chị ta vói tay sau lưng, lấy bầu nước ngọt, mở nút ra rồi ngước mặt lên trời, rót nước vào miệng. Chị uống ừng ực vài cái rồi lại nói:
-- Em có được ăn chè lần nào không ?
-- Không, từ năm năm nay rồi. Cách đây một ngày đường nước, không có nhà cửa ai cả, không có quán tiệm gì hết. Với lại cũng không có tiền.
-- Ở Sa Đéc sao lại không vô Tháp Mười mà nhè xuống U-Minh nầy ?
-- Tui cũng không biết tại sao. Nhưng ở Tháp Mười dễ chịu hơn hả ?
-- Chị cũng không biết. Chỉ biết đất hoang ở Tháp Mười gần quê cũ của em hơn. Quê em ở gần Cao Lãnh phải không ?
-- Gần.
-- Em có nhớ xoài Cao Lãnh hôn ?
-- Tui lạy chị, đừng có nhắc chè, nhắc xoài nữa, tui thèm muốn chết đi. Năm năm nay, tui không có biết món ngọt là gì. Mấy cây chuối trồng sau nhà cũng chết queo vì đất còn mặn quá. Năm nay một cây trổ buồng, chắc tôi được ăn ngọt đây. Úi chà ! Trưa rồi, chắc tới bữa cơm, thôi tui về nha, anh, chị ?
-- Ừ về, mai mốt lại lên đây nữa nha ?
-- Xuồng anh chị ở đâu ?
-- Dưới kia. Nhổ bồn-bồn ở dưới ấy, nhưng lên đây cho khô ráo để ăn cơm trưa é mà. Em Cộc nè, em của chị ngộ lắm, trắng lắm nghe không ?
Chuỗi cười của hai người nhơn tình ấy đuổi theo sau lưng Cộc khiến cho nó, trong giây phút, không muốn về nhà nữa.
Ra khỏi rừng tràm râm mát, mắt Cộc bỗng dưng như đổ hào quang trước ánh nắng tháng mười. Không khí bị đốt cháy, đang rung rinh như nước xao, và nó tưởng chừng như mái lá nhà nó, đen thui dưới kia, sắp cháy đến nơi.
Thằng Cộc về tới nhà thì cơm trưa đã dọn xong.
-- Mầy đi đâu mà tới đứng bóng mới về ?
-- Tui đi lượm lông chim Long ô.
-- Lông đâu ?
-- Mà kiếm hoài hổng có.
-- Mồ tổ cha mầy, nhiều chuyện. Chim Long ô đời xưa mới có chớ đời nay đâu còn nữa. Mai gặt nghe không ? Ăn cơm khuya rồi xuống đồng cho sớm, đừng đi đâu hết.
Cả nhà lặng lẽ ngồi quanh mâm cơm, Không ai nói với ai lời nào. Những người nầy, sống biệt tịch ở đây lâu ngày rồi, đã biến thành á khẩu vì thói quen.
Riêng thằng Cộc, sự cần nói của tuổi thơ đang lên mạnh lắm như cần chạy nhảy, cần ăn uống vậy. Câu chuyện hồi nãy trên gò Ô-Heo khiến nó càng bắt mùi nói thêm, nên nín không được, nó hỏi ông nội nó:
-- Nội nè, hồi mới tới, giữa mùa nắng, mình uống nước gì, tui quên rồi ?
Nó hỏi như vậy vì nó vừa nhìn ra cái giếng bên hè và nhớ ra là giếng đã ngọt nước hôm mùa nắng trước, mặc dầu đã được đào từ năm năm rồi.
-- Uống nước đọng trên lung, trên rừng, chớ uống nước gì.
-- Sao mình tới đây ông nội ?
-- Đã nói cho mầy biết rồi. Trên xứ, mình không có ruộng, làm công khổ cả đời.
-- Ở đây, mình có ruộng, nhưng cũng khổ cả đời.
Ông nội thằng Cộc lặng thinh. Nó nhìn ông nội nó rồi chợt nhận ra rằng năm nay ông cụ già quá. Tóc râu của ông cụ đã trắng bông. Nhớ ra ông cụ thường than mình nhớ mồ, nhớ mả ông bà quá, nó bùi ngùi thương ông nên dòm ra sân để quên.
Bấy giờ bóng của bốn cái nồi rau đã tròn vành, chỉ rằng thật đúng ngọ.. Bốn cái nồi bể ấy, hèn là thế mà rất là công dụng đối với nhà nó.
Để tránh nước mặn tràn bờ ngập sân, tía nó đã đóng mười hai cây cọc, làm thành bốn cái giá ba chơn tréo như giá trống của bọn đờn thổi đám ma. Trên mỗi giá, đặt một cái nồi lủng đít, và trong nồi để đầy đất mà tía nó mang từ xa về. Đất ở đây mặn chát dùng không được. Hành, ớt, rau răm, rau mồ om, được trồng trong mấy cái vườn cao cẳng đó. Đó là bốn thứ tối cần, đất mặn bao nhiêu cũng phải lập thế mà trồng cho được, không thôi không có món gia vị nào để ăn cá nữa.
Bốn miếng vườn cao cẳng và tí hon lại là chiếc đồng hồ của nhà nầy vào mùa khô. Cứ bằng vào bề dài của bóng giá là tính giờ được ngay, và khi bóng nồi tròn vụm che mất bóng giá là đúng ngọ ngay bon.
Nhìn ra sân một hơi, nhai nuốt hết cơm, nó day vô và hỏi tía nó:
-- Năm nay mình gặt cỡ được bao nhiêu tía ?
-- Nhờ ông bà, đất nước, ít lắm cũng được hăm lăm gia.
-- Cũng chưa đủ ăn.
-- Đủ gì mà đủ, má nó nói, nhà mình phải ăn trăm rưỡi là số chót.
-- Với lại, tía thằng Cộc trở vào câu chuyện, tại lúa nàng Cụm thất gạo lắm. Năm tới ta gieo giống Tầm Vuột chắc được gạo hơn nhiều. Năm nay hễ chuối trổ buồng thì năm tới tao trồng sả, trồng ổi được rồi đó.
Cả nhà đều hớn hở trước dự định tương lai tốt đẹp kia. Nhưng thằng Cộc chưa thấy gì là xán lạn cả. Trồng ổi thì cũng phải khá lâu mới có trái, trong khi đó nó tiếp tục thèm chè, thèm xưng xa, nhớ đám cúng đình, nhớ hát bội và bị một hình ảnh mới quyến rũ, hình ảnh của con Thôi, chắc là giống hệt chị nhổ bồn-bồn, tức là có duyên lắm.
Con trai làng thấy con gái rất thường, thế mà họ còn thầm lén rủ nhau đi một ngày đường nước để ra đây gặp nhau, huống hồ gì nó chưa được nói chuyện với con gái lớn lần nào hết. Những đứa con gái bạn của nó cách đây năm năm, nó nhớ lại thì không có gì quyến rũ cả. Đứa nào cũng cạo trọc chừa bánh bèo phía sau và giữa chiếc bánh bèo, mọc ra một chòm đuôi dài trông đến buồn cười.
Nhưng mà con gái lớn phải khác. Cộc chưa thấy con gái lớn, nhưng tin chắc như vậy. Có một linh cảm gì, ở đâu từ kiếp tiền thân của nó bay lại và giúp cho nó biết như vậy. Những cô con gái lớn chưa thấy hình ấy, mà đã có tiếng kêu được, chúng âm thầm gọi Cộc, tiếng gọi như văng vẳng đâu trong không trung.
Thẩn thờ, thằng Cộc nói lại câu hồi nãy, và giận giỗi, thêm một đoạn khiến ông nội nó giựt mình, chống đũa mà nhìn nó trừng trừng:
-- Ở đây mình có ruộng nhưng cũng khổ cả đời. Tui muốn đi quá, đi đâu cũng được, miễn ở đó có làng xóm, có người ta.

Thằng Cộc thích mấy cây nọc nạng lắm. Bó lúa nào gác lên đó cũng nằm yên cả chớ không chực rớt xuống nước ruộng như những bó lúa gác trên đầu nọc thường. Đó là những gốc tràm mà cháng hai chẻ ra rất thấp. Khi đốn tràm cháy, tía thằng Cộc đã trù xa, đốn ở trên cháng hai ấy độ một gang rưỡi nên bây giờ họ mới có nọc nạng rất tiện mà dùng gác lúa. Ông nội thằng Cộc chống xuồng trên ruộng, len lỏi qua mấy gốc tràm. Ông ghé từng gốc để cho lúa xuống xuồng. Đủ thứ là cò, cò ma, cò lông bông, cò quắm, cò hương, thân mật nhìn gia đình bốn người gặt lúa nhà. Đây là bốn người độc nhứt mà chúng thấy mỗi ngày ở vùng hoang vắng nầy; ban đầu chúng sợ hãi họ, nhưng về sau, thấy họ hiền từ quá, chúng làm quen với họ đã được bốn thế hệ cò rồi.
Má thằng Cộc lội sình tới đầu gối, và lội nước gần tới háng nhưng vui vẻ hơn ngày nào hết. Bà ta tằng hắng rồi cất tiếng hò:
Hò... ơ... tiếng anh ăn học làu thông,
Lại đây em hỏi khăn lông mấy đường ?
Hò xong câu đố ấy, bà lắng đợi chồng bà hò đáp. Nhưng tía thằng Cộc cứ làm thinh mà gặt, khiến bà đâm ngượng nên cười rồi cự chồng cho đỡ mắc cỡ:
-- Tía nó sao câm cái miệng lại, không bắt vậy ?
-- Hứ, nhiều chuyện nà ! Già rồi mà còn hò với hát, bắt với ghẹo. Bộ còn trai gái gì đó sao ?
Vì vui kết quả của cần cù nên má thằng Cộc quên rằng bà ta đã quá mùa hò rồi. Tía nó nhắc lại bà ta mới chợt nhận ra. Tuy nhiên bà vẫn ngậm ngùi nhớ cái thú vui ấy thuở bà còn con gái và ngay bây giờ đây, tóc đã nhuốm hoa râm rồi, bà cũng hưởng được nếu còn ở làng, hưởng bằng cách khuyến khích bọn trai trẻ hò đối đáp với nhau. Thằng Cộc thì xôn xao trong lòng, nhớ lại lời chị nhổ bồn-bồn bảo rằng nó mà về làng làm ruộng thì ai cũng ưa. Ừ, nó sẽ hò đối đáp với con Thôi. Chậc ! Mà nó phải nhờ má nó dạy hò mới được. Nó có nghe hò lần nào đâu để mà thuộc giọng và biết câu. Đến chiều thì xong xuôi cả. Ông nội thằng Cộc chống xuồng lúa để ra bờ rạch, còn tía nó, má nó và nó thì lội nước sình mà về bộ.
Đập lúa và phơi phong mất hết mười ngày. Trong những ngày buồn tẻ, phẳng lì giữa cảnh bùn lầy nước đọng ấy, thằng Cộc càng nao nức muốn về làng.
Lại đây em hỏi khăn lông mấy đường ?
Câu hò của má nó ám ảnh nó từ hôm gặt đến nay. Nếu con Thôi mà hỏi đố nó câu ấy chắc nó phải ngậm câm, cho dẫu được phép trả lời bằng văn xuôi. Khăn lông là vật dụng mà nó đã quên rồi thì còn biết là mấy đường để còn đáp cho thông. Từ lâu, nó chỉ có một chiếc quần xà lỏn trên người, mùa nắng cháy như mùa mưa lạnh. Đêm nó nhờ nóp che thân cho đỡ bị muỗi đốt và gió cắt da.
Những món đồ cần dùng của thế giới văn minh ấy cũng thuộc vào những thứ gợi thèm như bánh trôi nước, bánh ít trần và mái tóc của con Thôi.
Hôm ấy, dùng bồ cho con cháu đổ lúa vào, ông nội thằng Cộc long trọng nói:
-- Ngày mai ra biển.
Không ai hỏi ra biển để làm gì hết. Thằng Cộc cũng làm thinh, trái với mọi ngày mà nó hỏi không kịp đáp.
Con rạch Ô-Heo trước nhà, nếu có đi trên ấy thì phải về ngọn, nó nghĩ như vậy, đi về ngọn để rẽ qua những kinh rạch khác mà tìm làng mạc sầm uất, chớ xuôi dòng ra biển thì còn nghĩa lý gì nữa chớ ? Nó chưa được ra biển lần nào cả và mấy năm trước đây nó muốn theo ghe của bọn bắt cua để đi một chuyến lắm, mà không được phép đi. Chuyến đi đầu đến một chơn trời xa lạ mà ông nội nó vừa cho biết, không làm cho nó phấn khởi chút nào cả.
Ông nội nó tiếp, dặn mẹ nó:
-- Con mẹ Trùm, ngày mai phải dậy khuya nấu cơm. Tao đi với thằng Trùm và thằng Cộc, đi thật sớm để gặp con nước lớn ngay tại cửa mà về cho tiện.

Rạch Ô-Heo nhỏ xíu cho nên tràm mọc ở hai bên bờ giao nhành với nhau được và phủ kín cả mặt nước. Rạch tối om, đi như đi trong hang. Bây giờ thằng Cộc mới thấu nghĩa hai tiếng "hang mai" trong câu hát của bọn đi bắt ba-khía. Những nơi ánh nắng lọt vào được thì hai bên bờ, ô-rô và cóc kèn mọc đầy. Nước ròng chảy xiết, xuồng trôi bon bon. Tuy vậy, ông nội và tía cũng chèo cẩn thận để mau tới nơi, hầu về kịp nội buổi chiều ngày đó. Gần tới trưa, xuồng không đi mau nữa.
-- Nước đứng rồi, ông nội nói, tức ta gần tới cửa rồi.
Họ thôi chèo, để cho xuồng trôi linh đinh, không tiến cũng không lùi, rồi lấy cơm dỡ trong mo nang ra mà ăn. Không đi thì thôi, đã trót đi, và lúc gần tới đích, thằng Cộc nghe thích thấy biển coi ra sao. Nó và cơm hối hả rồi hỏi:
-- Ra đó làm gì ông nội ?
-- Rồi mầy sẽ biết.
Họ ăn cơm xong thì nước bắt đầu lớn. Họ chèo ngược nước cho đến quá đứng bóng thì đến một nơi kia mà ông nội tuyên bố rằng đó là biển. Thằng Cộc ngạc nhiên lắm mà chẳng thấy biển đâu cả. Con rạch tiếp tục đi xa ra ngoài kia, hai hàng rào cây như đứt khúc, đâm vào một vách tường xanh như da trời.
-- Biển ở đâu, ông nội ? Cộc hỏi.
-- Đàng xa kia, xanh xanh đó.
-- Sao không ra ngoài, ông nội ?
-- Không cần.
Tía thằng Cộc chèo mũi, rút sào cặm xuống bùn, theo lịnh của ông nội nó.
Ông nội gọi Cộc hỏi:
-- Con có thấy gì khác lạ không ?
-- Không, ông nội à.
-- Không thấy ? Cây ở đây không khác cây sau lưng mình à ?
-- À... phải rồi.
Cộc nhìn lại thì quả như lời ông nội nó nói. Nơi đây, đất đã hết, mà chỉ còn bùn. Tràm mọc tới mé đất cuối cùng thì dừng lại, như là dân ở biên giới một nước kia dừng lại nơi bìa lảnh thổ mình. Hết tràm thì có một khoảng trống, nửa bùn, nửa đất, trên ấy cỏ ống rậm ri và chim cao cẳng đủ loại đáp đầy trong cỏ. Tràm đứng trước bãi cỏ mà nhìn dân láng giềng mọc trên bùn đen. Đó là những cây ốm nhom chen nhau mà vượt cao lên, cây nầy cách cây kia không đầy bốn gang tay. Bờ biển thoai thoải dốc xuống, trông rừng cây lạ ấy như một đạo binh xuống núi, tuôn hãm thành hầu lập công.
-- Nhìn xuống gốc cây, ông nội bảo.
Nước chưa lớn hẳn, để lộ bùn đen dưới gốc cây ra. Bùn đen từng nơi lại trắng xóa những đóa hoa năm cánh, hai màu đen trắng đối chọi nhau trông rất đẹp.
-- Cây gì mà lạ vậy ông nội ? Trổ bông ngay dưới gốc ?
-- Bông trổ trên đầu những cái rễ ăn lên mà người ta gọi là rễ gió. Cây nầy là cây mắm. Đây là rừng mắm đây.
-- Cây mắm ? Sao tui không nghe nói đến cây mắm bao giờ ?
-- Con không nghe nói vì cây mắm không dùng được để làm gì hết, cho đến làm củi chụm cũng không được.
-- Vậy chớ trời sanh nó ra làm chi mà vô ích dữ vậy ông nội, lại sanh hằng hà sa số như là cỏ ấy ?
-- Bờ biển nầy mỗi năm được phù sa bồi thêm cho rộng ra hàng mấy ngàn thước. Phù sa là đất bùn mềm lủn và không bao giờ thành đất thịt được để ta hưởng nếu không có rừng mắm mọc trên đó cho chắc đất. Một khi kia cây mắm sẽ ngã rạp. Giống tràm lại nối ngôi mắm. Rồi sau mấy đời tràm, đất sẽ thuần, cây ăn trái mới mọc được.
Thấy thằng cháu nội ngơ ngác chưa hiểu, ông cụ vịn vai nó mà tiếp:
-- Ông với lại tía của con là cây mắm, chơn giẫm trong bùn. Đời con là tràm, chơn vẫn còn lấm bùn chút ít, nhưng đất đã gần thuần rồi. Con cháu của con sẽ là xoài, mít, dừa, cau. Đời cây mắm tuy vô ích, nhưng không uổng, như là lính ngoài mặt trận vậy mà. Họ ngã gục cho kẻ khác là con cháu của họ hưởng. Con, con sắp được hưởng rồi, sao lại muốn bỏ mà đi ? Vả lại con không thích hi-sinh chút ít cho con cháu của con hưởng hay sao ?
Thằng Cộc nhìn lại ông nội nó và nghe thương không biết bao nhiêu ông già đã bỏ mồ bỏ mả ông cha để hì-hục năm năm trong đồng chua, nước mặn ở Ô-Heo. Phải, cứ theo dự đoán của gia đình thì nó sắp được hưởng, tuy không nhiều, mà rồi sẽ nhiều. Nó nắm chặt tay ông nội nó và nó thấy ông nội nó giỏi quá. Ông có biết chữ nho kia mà.
-- Ông ơi, nó than, nhưng tràm buồn quá.
-- Tràm sẽ khỏi buồn nữa. Năm tới, đất thuần rồi thì ta làm ba mươi công và sẽ gọi dân cấy gặt ở xa tới phụ lực. Rồi tía con sẽ cưới vợ cho con, rồi thiên hạ sẽ bắt chước ta, tràn tới đây mà phá rừng, vùng Ô-Heo sẽ sầm uất, vui biết bao nhiêu. Tràm hết buồn vì sẽ đẻ ra cau, dừa, xoài, quít, đầy nhà, nước sẽ ngọt một khi đất thuần...
-- Và sẽ có chè ăn ?
Ông nội cười ha hả mà rằng:
-- Gì chứ chè thì sẽ có lu bù.
-- Mà ông nội nè, cưới vợ làm sao được, ai thèm tới Ô-Heo ?
-- Hai năm nữa người ta sẽ đồn rằng đất Ô-Heo thuần. Những kẻ nghèo khó như ta chỉ mong được tới đây. Ông nói điều nầy, không biết con hiểu được hay không. Là tổ tiên ta ngày xưa từ Bắc, Trung tràn vào đây đều chịu số phận của cây mắm hết, từ xứ Đồng Nai nước ngọt cho tới đây, ở đâu cũng hoang vu cả. Họ đã ngã rạp trong chốn ma thiêng nước độc nầy để lót đường cho con cháu họ đi tới, y như là đàn kiến xung phong, tốp đầu liều chết đuối, lội qua tô nước rọng hủ đường để làm cầu cho bọn đi sau vào đến nơi có chất ngọt. Nhiều lớp tiên phuông đã ngã gục như rừng mắm. Rồi thì ông sơ, ông cố con, ông nội đây là tràm mới kiếm được miếng ăn...
-- Tía.
Thằng Cộc lo lắng không biết tía nó sẽ làm tràm như nó được hay không nên kêu tía nó bằng một giọng thương yêu trìu mến hết sức.
-- Thôi, nhổ sào để đi về cho kịp con nước, ông nội ra lịnh.
Ông nội vui vẻ quá, vì ông bỗng sực nhớ lại những câu hò của thế hệ người tiên phuông đi khai thác đất hoang ở miền Nam, mà ngày nay thế hệ tràm không hát nữa. Ông cất giọng khàn khàn lên:
Hò... ơ... Rồng chầu ngoài Huế,
Ngựa tế Đồng Nai.
Nước sông trong sao cứ chảy hoài,
Thương người xa xứ lạc loài đến đây.



Chú thích :
chim thằng chài xanh: Tác giả thấy rằng màu lông của loại chim nầy là màu lục. Nhưng người miền Nam cứ cho đó là màu xanh, nên tác giả viết theo đa số, để được hiểu. Vả lại, đôi khi trời trưa thì cũng có thể thấy chim ấy mang màu xanh.
tía: Tía là danh từ của người Mã Lai có nghĩa là Cha, nhưng miền Nam vay mượn của người Hoa Nam (Phúc Kiến và Triều Châu) vì người Hoa Nam gốc Mã Lai, còn dùng đến mấy trăm danh từ Mã Lai trong cái Hoa ngữ của riêng Hoa Nam, chớ không phải là vay mượn của người Mã Lai đâu. Vả lại danh từ Cha cũng do Giao Chỉ vay mượn của Hoa Nam hồi cổ thời và cũng cứ là vay mượn danh từ Tia (không có dấu sắc). Khi Tia được đọc thật nhanh thì nó hóa ra là Cha, như trong tiếng Pháp Tiare. Hai câu chú thích nầy để dành riêng cho bạn đọc gốc miền Bắc và Trung.
gác: đánh bẫy.

Thứ Hai, 20 tháng 10, 2008

THÀY GIÁO GIÀ




* Bài này viết lâu rồi khi tình cờ nhìn thấy Thầy Nguyễn Đông Âu ngồi buồn lẻ loi trong văn phòng (chứ không phải trong lớp học) một tháng trước ngày thầy về hưu.
* Còn cái hình ở đây là hình lớp học ngày xưa của mình ở Trường Trung Học Quản Long - Cà Mau. Hình chụp đâu năm 1998, lúc trở về thăm Cà Mau, hơn 30 năm sau khi mình rời xa nơi đó. Hồi rời xa Cà Mau mình mới 12 tuổi. Lúc trở lại kí ức đã phai mờ nhiều đến nỗi chỉ còn nhớ được một hai đứa bạn ... và thiệt là có tội, mình chỉ còn nhớ thầy Mô.
* Thầy Mô dạy mình hồi học lớp năm (bây giờ gọi là lớp 1) ở Đầm Dơi. Thầy mất đã lâu lắm rồi. Mình còn nhớ buổi sáng Thầy hay ghé nhà cỏng mình đi học (sướng thiệt!). Lâu lâu trong sân trường có rụng một cái tàu cau, tan học thế nào thầy cũng lấy tàu cau kéo mình về tới nhà. Một lần mình ăn vụng trong lớp! Chẳng là trên đường tới trường có một bà già - bà nào quên rồi! - cho mình một miếng cơm cháy phết mở hành rất ngon với mấy con ba khía. Mình đem vào lớp. Lộn xuống ngồi bàn cuối chia với mấy đứa bạn ăn trong giờ học bị thày bắt gặp. Chiều về thầy mét với ba má. Ai cũng cười bò lăn còn mình thì "quê" tới bây giờ!

Post bài này lên đây để nhớ tới tất cả thầy cô đã vất vả dạy mình nên người.


Thày ngồi một mình trong lớp học trống trơn. Có phần mỏi mệt. Học sinh đã ra về hết. Ngày mai ngày mốt là thầy về hưu.
Có một tiếng chim kêu lẻ loi dưới bóng cây trong sân trường. Thật lạ lùng khi giữa một chốn vốn rộn rã tiếng học trò đùa giởn lại vắng đến nỗi nghe rõ cả tiếng một con chim đang gọi bầy. Cũng thật lạ lùng ông giáo cảm thấy không gian này gắn bó với mình như thể ông là cái sân trường đầy bóng mát kia bây giờ hoang vắng vì ngày mai ngày mốt không có đứa học trò nào đến đùa vui. Mà không phải! Cái sân trường vẫn còn đó. Chỉ có ông là giống con chim sẻ đang lẻ loi nọ! Hay ông là cái hoa phượng đang héo khô rơi vươn trên lối đi kia. Cái hoa phượng đã từng làm cho bao nhiêu tuổi học trò trở thành nên thơ. Mà thôi, cái hoa phượng rồi cũng xong kiếp của nó. Rồi hoa sẽ thành phân cho đất chờ một ngày tái sinh thành những đóa hoa mới!
Ông nhặt cái hoa phượng đặt lên bàn giáo viên. Xếp gọn lại giáo án giờ đây sẽ không viết gì thêm nữa. Ông đi chầm chậm qua dãy lớp học và lặng lẽ ra khỏi trường.


10/03/2005.

Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2008

Vô đề.

Linh hồn tôi lúc bấy giờ rất mỏng
Nếu vô tình có thể lẫn trong sương

(Cánh cửa dung nhan - Cao Thoại Châu)

Thơ như... người viết cho ta
Câu thơ thổi ướt hồn ta mất rồi
Ô hay đi giữa cuộc đời
Cheo leo vách đá khóc cười thế nhân.

Thơ người nhiều thứ bâng khuâng
Hồn ta đồng vọng thuyền không tới bờ
Thơ người chua xót cơn mơ
Cho ta dằn vặt nỗi ngờ mỗi đêm.

Thu về cho lá vàng thêm
Gió đưa thì thả nhẹ tênh giữa trời
Biết đâu sương giá tơi bời
Phút giây vô ý cả đời lạc nhau!


Thứ Ba, 14 tháng 10, 2008

Chân dung bạn già.

Bảy Sết.

Người có mối tình có khi còn hay hơn chuyện Tristan và Iseut. Anh đi kháng chiến, tập kết ra Bắc. Cô gái mười sáu ở lại… chờ, chờ mãi ở làng quê, trong bom đạn, không chấp nhận mối mai nào, đến khi anh trở về. Và anh cũng vậy. Hòa bình trở về thì anh đã đi bằng một chân giả… vì một chân đã gởi lại chiến trường. Gặp lại nhau khi đã gần như… già. Có điều gì đó giống y ca từ của Phạm Duy “Ngày trở về anh bước lê trên quảng đường đê đến bên lũy tre …”. Trời còn thương nên cho vợ chồng anh còn kịp có hai đứa con. Con gái đặt tên Thủy. Con trai đặt tên Chung. Như lòng thủy chung son sắt. Nhưng trời đòi lại ít ngày hạnh phúc. Con bé Thủy, rồi đến chị lần lượt qua đời trong tai nạn. Người đàn ông vốn rất cương nghị này chăm sóc đứa con còn lại hơn mọi báu vật có thể có trên đời. Đôi khi người đàn ông này trở nên giống như đàn bà. Chẳng những anh cho con tình cha mà còn cố gắng đắp đổi cho con tình mẹ. Người đàn ông đã vượt sống qua bao nhiêu lửa dữ đó bây giờ trở nên mềm yếu, nhạy cảm như phụ nữ.
Thằng Chung đi học rồi đi làm… ở luôn thành phố. Một ngày anh gọi cho nó quá nhiều lần như một bà mẹ lúm xúm quanh con cưng nên có khi nó cúp di động luôn. Anh buồn. Giờ đây anh chỉ còn biết nói chuyện với bóng mình trong căn nhà vắng. Một lần anh đến chơi (mà anh đến chơi thì tôi vừa thương vừa sợ vì tôi thì bận mà... không thể ngắt lời anh!) từ rất sớm. Ngồi dưới bóng cây cerise, châm đến bình trà thứ năm thứ sáu gì đó mà anh vẫn nói về con anh chưa dứt. Tôi phải châm lại bình trà mới. Ra sau nhà rồi lại đi nhẹ vòng ra phía sau anh. Lạ chưa! Không có tôi nhưng anh vẫn đang nói một mình về con anh … nói mãi không ngừng với cây với lá xung quanh. Tôi đứng chôn chân, yên lặng sau lưng anh có cả nửa tiếng đồng hồ với ràn rụa nước mắt.

Lê Hùng.

Một thời phong độ. Nguyên hiệu trưởng - rất lâu năm - trường PTTH Ché Guévara. Giải quyết công việc rất thấu tình đạt lí. Tướng cao lớn. Ngày xưa có nụ cười thật đôn hậu. Mắt rất sáng. Từ khi đứa con gái nhỏ duy nhất - mới lớp 9 chết đi – thì anh gần như sụp đổ. Bây giờ tướng hơi khòm vì tuổi già và vì sức nặng của nỗi buồn. Đôi mắt bây giờ u uẩn. Nụ cười phải gắng sức. Chỉ còn dạy ít tiết môn vật lí trong tuần. Thời gian còn lại là phơi nắng trên vuông tôm. Đen nhẻm trong chiếc áo bạc phếch (Chính anh cũng không biết mình còn vất vả như thế để làm gì!). Mỗi lần gặp nhau là thấy anh già thêm nhanh, dù chẳng bệnh hoạn gì. Mỗi lần gặp anh là nhớ câu “Trên đời không ai dịu dàng bằng mẹ. Trên đời không ai khổ bằng cha” đọc được một lần đâu đó trên một tờ lịch cũ … trong chùa. Tấm lòng của người cha đó tan nát, héo hon theo cái chết của con.
Mỗi lần gặp anh, không biết sao tôi lại có thói quen hỏi một câu vô duyên “Ê! Lê Hùng … sao?”. Lại nghe chậm rãi trả lời “thì … sao!?” - giống như một câu hỏi lại trời cao.

Bảy Xuân.

Chiều thứ bảy nào anh cũng ghé tôi. Tướng liêu xiêu! Ốm nhom. Nghệ sĩ mà! Nụ cười hiền khô. Gian truân 4 năm tù Côn Đảo. Tù chính trị bị đánh tơi tả, ói máu, gần lột be sườn. Vào chết ra sống biết bao nhiêu trận. Bao nhiêu lần tận mắt thấy máu đổ đầu rơi. Ghét sự tàn ác nhưng chưa từng nghe oán thán cuộc đời bao giờ. Có lần hỏi “Có khi nào ông còn nằm mơ thấy giặc giã nữa không?”. Im lặng thật lâu rồi đáp khẽ khàng “Chiêm bao hoài! Bị mấy chiếc trực thăng rượt bắn hoài”. Rồi… lắc đầu như cố xua đi những ngày ghê gớm “Thôi! Không nói nữa!”. Anh ưa ngồi băng đá dưới gốc mai hỏi “Mấy con cá của ông vớt lên nhậu được chưa?” -“Trời! Còn nhỏ xíu, xương không. Làm đỡ mấy cái hột vịt đi! Cây khế có mấy trái hơi vàng ngon lắm”. Cười hi hi… ừa lai rai chút đi!
Năm 75 được giải phóng trở về. Cưới vợ. Nhà vợ vượt biên nên chẳng được phục hồi Đảng. Cũng chẳng thấy buồn vui gì! Cứ sống vô tâm (!) như cây cỏ và cần mẫn làm việc. Công việc: Dạy nhạc. Cứ vậy cho đến về hưu. Ưa rượu nhưng chẳng mấy khi uống nhiều. Hễ ngà ngà là đòi lấy đàn ra… tưng tưng hát. Hát đủ thứ bất kể nhạc đỏ, nhạc vàng… nhạc nào đi vào lòng người là hát. Chừng nửa xị là bắt đầu cầm đàn:

Rộn ràng lòng cô gái đôi mươi
Thắm trên môi nụ cười
Nhìn toán quân qua rồi
Chợt thấy lòng lưu luyến
Và tâm hồn xao xuyến
Trông anh trai phong sương
Em thấy mà thương.
.....
.....
Và chiều nay trên bến cô liêu
Bớt hoang sơ tiêu điều
Giọng hát vui sông chiều
Tình của người thôn nữ
Vừa trao người viễn xứ
Trên sông xưa mênh mông
Đôi bóng đẹp đôi.

Thấy mà thương! Vợ con dâu rể suốt năm suốt tháng chạy ăn ở Saigon! Quanh năm sống nghèo vò võ một mình giữ đất quê. Chút nữa đây Bảy Xuân đạp chiếc xe cót két về nhà… một mình, ngủ một mình. Vái trời trong giấc mơ anh đừng thấy trực thăng nữa mà chỉ thấy “Trên sông xưa mênh mông / Đôi bóng đẹp đôi.”

Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2008

"HY VỌNG" GỞI LẠI.

Một.


Ai cũng có một ước vọng. Hẳn vậy rồi. Không có ước vọng hay niềm hy vọng nào cho ngày mai chắc người ta khó sống nổi. Người ta có thể tự tử vì không còn nhìn thấy niềm vui thú nào trong cuộc sống! Vì vậy mà tôi thích truyện Harry Potter của nhà văn nữ người Anh J. K. Rowling. Câu chuyện đồ sộ đó tưởng chỉ là câu chuyện dành cho trẻ con, nhưng không, trong đó chứa tầng tầng lớp lớp - một cách sâu sắc - các vấn đề của người lớn. Trong câu chuyện có nhà tù Azkaban và bọn tử thần thực tử. Bọn tử thần thực tử trừng phạt tội nhân bằng một nụ hôn. Nụ hôn thường là biểu tượng của tình yêu hạnh phúc, theo như quan niệm phương Tây. Vậy mà ai bị nụ hôn của bọn tử thần thực tử thì mất hết niềm vui sống. Nụ hôn lấy hết khỏi tâm trí của người ta mọi hy vọng vào cuộc sống, vào ngày mai, chỉ chừa lại một nỗi buồn mênh mông, một nỗi hoang mang vô tận như đêm tối. Người đó chỉ còn cơ thể đau đớn với nỗi buồn miên viễn đeo bám không lúc nào ngơi. Cuộc sống trở nên còn tệ hơn cái chết tức thì! Và lạ thay J. K. Rowling để tù nhân muốn có một ngày thoát khỏi được Azkaban thì phải cố bí mật giữ trong tâm trí mình một tia, dù chỉ một tia nhỏ nhoi "kỷ niệm của niềm vui". Tia kỷ niệm vui đó chờ đợi một ngày cháy bùng lên được thành ánh sáng ấm áp của mùa xuân cuộc sống! Harry Potter mất hết cha mẹ vì "đôi cánh tử thần - kẻ mà ai cũng biết là ai đấy - kẻ mà ai cũng không dám gọi bằng đúng tên của nó": Vol-de-mort. Trong cuộc chiến gian nan của Harry Potter chống Voldemort, cứu sống Harry Potter khỏi những giây phút hiểm nguy ngặt nghèo nhất là nhờ mớ kí ức ít ỏi về niềm vui sống với cha mẹ. Kí ức về tình yêu của cha mẹ dành cho mình đã cứu sống Harry Potter. Kí ức về niềm vui - nuôi dưỡng hy vọng - vì vậy có lẽ là món quà lớn nhất, tuyệt nhất mà con người có thể tặng nhau. Và đẩy ai tới sự tuyệt vọng cũng là món “quà” dễ sợ nhất.

Hai.

(Nghĩ lan man thêm)

Không phải ước vọng nào người ta cũng hiện thực được trong một đời người. Tôi có biết những ước vọng của một gia đình, thậm chí một dòng họ nối tiếp nhau gìn giữ nhiều đời, phấn đấu nhiều đời mới thành. Còn ước vọng, niềm tin vào ngày mai của một dân tộc có khi mất biết bao nhiêu xương máu, bao nhiêu năm tháng - 30 năm hay một ngàn năm, băng bao nhiêu đèo cao vực thẳm, lửa đạn đốt cháy cả dãy Trường Sơn - mới thành tựu được. Còn có ước vọng là còn ngọn lửa dẫn đường cho sự sống nối tiếp nhau sinh sôi nẩy nở và đi tới.

Ba.


Cha mẹ truyền lại ước vọng của mình cho đời sau bằng sự chăm lo, chuẩn bị tới tương lai của con cái, bằng nền giáo dục mà con cái được hưởng, bằng của cải để lại cho con cháu. Ước vọng của cha mẹ vừa là món quà vừa là gánh nặng cho con cái. Ước vọng đó có thể là lời dạy con nhẹ nhàng trong mỗi bữa cơm gia đình, lời rầy la nghiêm khắc khi con làm sai, lời trăn trối trước lúc lâm chung. Ước vọng đó có thể đặt vào con cái bằng cái tên mà người con phải mang. Tôi không đủ hiểu biết để có thể nói rằng tên người trên thế giới của các dân tộc khác có ý nghĩa gì không hay chỉ là một “danh từ riêng chỉ định sự vật”. Nhưng tôi chắc chắn rằng người Việt Nam ta thì cái tên mỗi người đều có ý nghĩa ít nhiều. Ngay cả cái tên hết sức mộc mạc như “Nguyễn Văn Tèo” đã mang lời nhắn nhủ “Anh (Tèo) là con cháu của dòng họ (Nguyễn), là đàn ông nên ảnh phải sống hòa hợp với mọi người - cộng đồng – cho phải phép, cho có văn hóa (Văn)”. Cái tên có thể đơn giản như “Lê Thị Sáo Nâu” hay “Nguyễn Thị Sáu”, “Phan Văn Sửu”. Ngay trường hợp đơn giản như thế cái tên cũng đã là một sự nhắc nhở mối quan hệ xã hội, cách hành xử quan hệ xã hội mà người con phải mang. Cái tên có thể là một ước vọng đẹp đẽ như “Huỳnh Thị Hoa Lý”, “Đặng Ánh Hồng”, “Nguyễn Tú Chương”. Cái tên có thể là một gánh nặng về tính cách như “Nguyễn Văn Anh Dũng”, “Trần Chí Cường”, và - có thể lắm - cái tên nặng như núi như “Đặng Tâm An”. Cái tên này “rất nặng kí” vì “Tâm An” là điều mà con người tìm kiếm trong suốt lịch sử tồn tại của mình mà còn chưa thấy. Tôi e rằng chỉ có đức Phật chứng ngộ mới có “tâm an” mà thôi! Nhà thơ Huy Cận đã chẳng từng nhận xét về khát vọng này: “Một câu hỏi lớn không lời đáp/ Cho đến bây giờ mặt vẫn chau” đó sao? Tìm kiếm trong cuộc đời một lời giải như vậy - cho một câu hỏi như vậy - quả thật không dễ dàng chút nào!

Bốn.

(Lan man về một thứ di sản khác)

Để lại cho đời sau đất đai, của cải không nhất thiết chỉ là để lại một thứ vật chất đơn thuần. Vật chất có thể chỉ là vật chất đơn thuần nếu nó không chuyển hóa được giá trị tinh thần vào trong đó. Một hòn đảo khô trơ mồ côi giữa biển cả trở thành một phần của giang sơn gấm vóc vì nó mang dấu ấn khai phá, mồ hôi nước mắt của ông cha. Căn nhà cũ kỹ của ông ngoại - bây giờ thuộc về người khác - một ngày mẹ về đứng trước nhà rưng rưng nước mắt vì nó chứa biết bao nhiêu là kỷ niệm, bao nhiêu là mơ ước của ông bà cha mẹ. Chẳng ai đứng khóc trước một building đồ sộ, xa lạ nhưng người ta có thể khóc nức nở trước một mái tranh nghèo nơi ta được cha mẹ ẵm bồng suốt thuở ấu thơ. Người ta có thể quì xuống hôn lên đất mẹ, nơi chôn nhau cắt rún, ngay cả khi đó chỉ là đất cằn! Đồng tiền để lại - thứ mà các triết gia hay rẻ rúng (!) – cũng không ngoại lệ. Chừng nào đời sau hiểu được mồ hôi nước mắt để kiếm được đồng tiền đó thì đồng tiền không có mùi tanh.

Năm.


(Lại nghĩ về những di sản văn hóa đang bị xâm hại).

Nếu không cảm được ước vọng, hy vọng tha thiết từ quá khứ để lại trong mỗi tặng-vật-di-sản để mà có thái độ trân trọng thì chính ta đã bắn đại bác vào tương lai của mình, tâm hồn ta bằng như đã nhận được nụ hôn của bọn giám ngục Azkaban.

Thứ Hai, 22 tháng 9, 2008

Đêm


Cúi mình nghe đêm sâu
Tiếng gà khuya lạc lõng.
Rón rén bước chân về
Hồn hoang trong ngõ vắng!

Thầm thì một mình ta.
Người đâu chia nỗi niềm?
Có nghe ta buồn lạ
Cuối đêm này thiết tha.

Đêm sâu thêm nỗi sầu
Nỗi sầu sâu hơn đêm.
Ta yêu Người ma ám
Hồn vắng sầu đêm đêm.


(02:30 - 22/9/2008)

Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2008

Phạm Thị Ngọc Phượng




Có một thời xa lắc xa lơ, lúc còn ở đại học xá Minh Mạng - đầu năm 1975, lượm được một bài thơ viết tay - thơ tình - của một người cho tới bây giờ cũng chưa từng gặp gỡ. Bài thơ được mình viết vào một tập nhạc. Ấp ủ ở bìa sau. Gần như lãng quên. Chỉ gần như thôi vì vài năm lại được mình dở ra xem một lúc, bâng khuâng. Người thơ là ai? Bây giờ ra sao? Không biết! Biết làm sao được tình thơ đó đi về đâu sau những giông bão của thế sự! Những người trẻ tuổi đó bây giờ ắt đã vào mùa thu cuộc đời. Tình của họ có mãi đẹp không? Làm sao mà biết được. Chỉ còn lại đây bài thơ trên tay mình.
CHÀNG NÀNG.

Nào đâu là duyên
Muôn năm không tan?
Nào đâu là hoa
Ngàn năm không tàn?

Chờ ai - chờ ai - dìu trăng đi trong đàn.
Cho trăng - cho trăng - đừng rơi lang thang
Chờ ai - chờ ai - chìm trong tim nàng
Dìu mơ - dìu mơ - trôi theo hài lan.

Tình ơi! Sao mà là yêu?
Người ơi! Sao mà là anh?
Ồ không! Duyên chưa là yêu
Đành thôi! Yêu không là anh
Ồ không! Mơ không là nàng.
Thì thôi! Trăng không là đàn.
17-01-1974
Phạm Thị Ngọc Phượng
12C1 (niên khóa 1974-1975) - Gia Long.

Thứ Hai, 15 tháng 9, 2008

Ngẫm nghĩ bình dân.

Tôi viết cái blog này. Dĩ nhiên là vì tôi muốn trải lòng mình ra trên ... màn hình. Tôi cũng cố gắng "văn hoa" một chút để lở có ai đọc cũng không đến nổi khó chịu vì chữ nghĩa lục cục lòn hòn chớ tôi không mong mình trở thành nhà văn nhà thơ gì ráo! Cái thế giới của các nhà văn nhà thơ có phần hơi xa lạ đối với tôi. Đôi khi tôi hiểu họ. Đôi khi tôi cảm tưởng họ quan trọng hóa vấn đề mà rốt cuộc cuộc đời cũng tự nó sẽ giải quyết được (bằng cái cách mà thực tế ... tìm thấy câu trả lời trong thực tế!). Có khi tôi cũng tự hỏi mình bảo thủ chăng? Cũng không biết nữa! Thế giới bao giờ cũng thuộc về những người trẻ. Và chính họ làm nên thế giới. Gần đây tôi sợ nghe nhạc trẻ. Sợ hẵn hoi. Bởi vì có lần tôi nổi nóng suýt chút nữa đá bể cái TV vì nghe một ca sĩ hát nhạc Trịnh Công Sơn theo kiểu cà giựt! Và quá nhiều lần tôi không chịu nỗi ca từ của các nhạc sĩ hiện nay. Tôi biết nhạc, chơi đàn cũng kha khá nhưng giờ đây tôi rất thường xuyên "tắt bụp" các chương trình ca nhạc vì "nuốt không trôi". Trước đây tôi cũng thích đọc tiểu thuyết, tập thơ này nọ nhưng giờ đây lắm khi tôi ... ớn nhợn cách viết của các nhà văn. Đủ thứ cách viết: tưng tửng, gây sốc, nhợn nhạo! Tôi đã đọc Jean Paul Sartre và Françoise Sagan, Kafka. Tôi đã gồng mình đọc văn học phi lí, đổ mồ hôi đọc En attendant Godot. Tôi đã yêu mến Vũ Trọng Phụng. Họ viết về cái sự buồn nôn, cái sự phi lí, siêu thực, sự ô-trọc-trần-trụi nhưng tôi không buồn nôn khi đọc như giờ đây nhiều lúc tôi ... buồn nôn thật sự! Gần giống như ăn cá tra sống!
Xin thứ lỗi cho tôi! Tôi biết rằng cần tôn trọng quyền tự do tư tưởng. Tôi cũng biết rằng các nhà văn nhà thơ, nhạc sĩ họ là thư kí cho cuộc đời của chúng ta, cho thời đại của chúng ta. Tôi cũng ước mơ phải chi Hữu Loan, Nguyễn Bính, Trần Dần, ... không phải trải qua những lối gian truân, khốn nạn. Xin thứ lỗi cho tôi nếu tôi là một ông già Khốt Ta Bít. Nhưng quả thật xin đừng cho tôi ăn cá tra sống!

Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2008

Mấy câu để sống một đời.

Năm tôi học lớp 12 (1970-1971) tại trường Trung học Kiến Hòa tôi có may mắn được học môn văn với thày Nguyễn Đăng Phu. Người mà sau đó để lại đôi câu đối ghi trước cổng trường. Đôi câu đối đó bây giờ bị che lấp bởi một lớp xi măng dày!

Hàm dưỡng nhân luân minh tuấn đức
Hoằng khai khoa học tác tân dân.

Rồi tôi vào đại học sư phạm và đi dạy. Đời nhà giáo nhiều nỗi nhiêu khê theo sự thăng trầm của lịch sử đất nước. Mỗi lần tôi trăn trở về nghĩa vụ của mình với thế hệ mai sau là tôi nhớ lại đôi câu đối đó. Mỗi lần tôi "mất lửa" là tôi nhớ lại lời thày dạy:

Sĩ bất khả dĩ bất hoằng nghị.
Nhậm trọng nhi đạo viễn.

Xã hội đổi thay từng ngày. Đất nước hòa bình, thống nhất, lớn mạnh. Quan điểm về giáo dục cũng đổi thay theo thời thế. Nhưng cái gì cũng có mặt trái của nó! Có khi nào đó người ta đang dè bĩu "tính sĩ" và người ta thực dụng hơn cả ở nơi đẻ ra quan niệm thực dụng. Có thời người ta phê phán John Dewey và giờ đây người ta còn đi xa hơn nhiều John Dewey bằng cách biến môi trường giáo dục thành một cái chợ lao nhao nhân danh sự đổi mới. Hãy nhìn xem các cái gọi là trung tâm luyện thi, trung tâm ngoại ngữ, các lớp liên kết - liên thông bát nháo, các "trường đại học, lớp đại học" mà cơ sở vật chất của nó được thuê vội vàng, nhơm nhớp cũng để vội vàng thu tiền bán chữ. Chất lượng của nó "Chỉ có mình mới biết với nhau!". Và "kẻ sĩ" kia chỉ còn biết ngậm ngùi!

Cái tính sĩ thiệt ra cũng có cái dở của nó. Nó hay quay lưng lại với cuộc đời mỗi khi không vượt qua được khó khăn. Nhưng nếu nó là một cá nhân nhỏ nhoi trong xã hội - hoặc loại xã hội mặc định cho nó là một cá nhân nhỏ nhoi, không thuộc hàng công dân hạng nhất - buộc nó làm một anh hùng thì có hợp lí không? Kẻ sĩ ngậm ngùi quay đầu về vườn có phải là một thái độ đáng phê phán không? Một đường gươm nguyên bá cũng phải tùy thời. Bánh xe lịch sử có con đường đi riêng của nó không mấy phụ thuộc cá nhân. Phải chăng Khổng Minh để Lưu Bị "tam cố thảo lư" không phải vì muốn thử thách họ Lưu mà dư biết rằng có vì nghĩa cả mà hành xuất thì rồi cũng chẳng nên cơm cháo gì? Bài sau là tôi nhớ mấy chục năm nay, thuộc lòng để làm hành trang cho mình:

Cư thiên hạ chi quảng cư.
Hành thiên hạ chi chính vị.
Lập thiên hạ chi đại đạo.
Đắc chí dữ dân do chi.
Bất đắc chí độc hành kì đạo.
Phú quí bất năng dâm.
Bần tiện bất năng di.
Uy vũ bất năng khuất.
Thử chi vị đại trượng phu.

Thày dạy và tôi nhớ, không dám quên, không dám làm sai! Tôi chỉ nói không dám làm sai chớ không nói tôi đã làm được!
Hôm nay trung thu. Theo lệ thì các bạn cũ sẽ đến thăm thày - như các năm trước thì cũng có tôi. Nhưng năm nay tôi không đi được thôi thì viết bài này để nhớ thày vậy!

Thứ Tư, 10 tháng 9, 2008

TIẾNG ĐÀN

(Cũng để nhớ La Tùng Sơn)
Cung thương là tiếng đàn,
Cung nam là tiếng người.
(Cung đàn xưa - Văn Cao)



Dẹp giặc xong, tướng quân - khi đó hãy còn trẻ - theo lối mòn về qua đây thì trong rừng kia, trên ngọn núi cao, đã có đôi cây ngô đồng trăm năm đứng cao vút trên mõm đá. Lá ngô đồng nhuộm vàng trong gió thu. Vẻ đẹp của buổi chiều phai khiến tướng quân phải dừng lại ngây ngất. Truyền quân dừng lại lập thái ấp. Buông gươm cởi giáp, mặc lại chiếc áo vải - cầm lại chiếc cày - để cùng người đẹp thề hẹn năm xưa khơi thuỷ lập điền. Cuộc đời tướng quân tưởng được yên lành nhưng thái bình vừa hưởng được mấy năm thì chẳng may mùa đông khắc nghiệt nọ phu nhân lâm trọng bệnh mệnh chung. Tướng quân đem tình yêu của mình an táng bên đồi dưới gốc ngô đồng. Rồi từ đó ngày nào cũng nhìn về hướng cây ngô đồng trên đỉnh núi như thầm mong thấy lại người xưa.

Năm tháng trôi qua. Bao nhiêu mùa xuân đã thổi trên ngọn cây những làn gió mát đến từ biển Đông. đem theo khi thì lời véo von của đại dương, lúc lại nghe ầm ì dữ dội tiếng sóng bổ ghểnh dội dài theo những bờ đá chênh vênh xa tắp. Ngọn cây thở gió xuân để đâm chồi nẩy lộc. Rể ăn sâu trong lòng đất chắc tải nhựa lành cho lá mượt thêm xanh. Hè sang vang rộn tiếng chim chích choè và tiếng lảnh lót ngân dài sang trọng mà tha thiết của đôi chim phượng hoàng tìm nhau. Đêm hè thầm thì tiếng đất, nỉ non tiếng lũ dế mèn dưới những bụi cây rậm rạp tăm tối - thỉnh thoảng lại im bặt – kinh sợ lắng nghe tiếng gầm oai vệ của chúa sơn lâm đi tuần đêm và cả tiếng giận dữ tru tréo của bọn chó sói giành nhau một con mồi bạc phước. Nhiều đêm, giữa những chớp lóe xé toạc cả đất trời, giữa cơn mưa rừng sấm động, vọng lại ầm ầm tiếng cây rừng gảy đổ trôi va vào vách đá trong con lũ quét qua lũng. Mưa nguồn chớp bể dữ dội thấm đẫm cả hồn cây. Mùa thu đến. Những giọt mưa thu nhè nhẹ thánh thót rơi. Trầm lắng trong không khí mùi hoa cúc dại ướp thêm hương vào sớ gổ cây ngô đồng. Rồi một mùa đông đến, lá ngô đồng rụng hết, cơn bão tuyết dữ dội làm ngã một cây ngô đồng, phủ lên nấm mồ, phủ lên những lời than vãn lẫn âu yếm của tướng quân những khi đến viếng mộ. Một cây còn lại trầm mặc đứng chịu tang giữa trời băng giá trắng xóa màu tuyết.

Cây ngô đồng ngã, nhựa cây ứa ra như máu đào, thấm cả vào tuyết bạch, làm thành một thứ như hổ phách đỏ hồng. Gỗ tỏa mùi phương mộc. Cây ngô đồng đổ trên đất lạnh, theo ngày tháng vỏ bong ra để lại lõi cây ngày càng sắc lại màu huyết dụ. Có nghệ nhân thấy gỗ quí bèn đem về, bỏ ra mấy năm gia công thành cây đàn đẹp. Cần đàn thẳng và thon thả như cánh tay của phu nhân. Lưng đàn phẳng mịn, vững chắc như vách đá, như tấm lưng hổ tướng. Eo đàn êm ái như tấm thân của người thiếu phụ. Lại lấy tơ ruột của loài kì lân già làm dây đàn. Lòng đàn mỗi khi thổi vào vang lên những âm thanh kì bí. Chưa ai có thể dùng cây đàn họa lên bản nhạc được. Dây đàn quá cứng, nhiều người đến thử đàn nhưng tiếng đàn ai cũng rời rạc không nên khúc nên tình.

Người ta đem đàn tặng cho tướng quân – giờ đây tóc đã bạc quá nửa mái đầu. Biết bao sương gió chiến chinh đã làm cho tướng quân tưởng đã quên ngón đàn ngày nào. Ôm đàn trong lòng, tướng quân vuốt ve mặt đàn bóng như mặt nước hồ trên núi. Tướng quân không đàn mà chỉ thì thầm to nhỏ với đàn bao nỗi đau đời, những gian truân đã qua, các ngày vinh quang đã trãi và những khổ nhục đã từng. Tướng quân kể với đàn những ngày xuân đầm ấm khi phu nhân còn lộng lẫy xiêm y, ngày hè đỏ lửa, ngày thu sầu muộn, ngày mùa đông giá. Vậy mà đàn chợt run lên: Nhớ quá tiếng gió đi qua ngọn cây, nhớ tiếng gầm của hổ dội qua vách đá, nhớ tiếng suối róc rách vang lừng khe đá, nhớ giọt mưa thu .... Đàn hát lên, hòa điệu với tướng quân. Tiếng đàn như lưu thủy, như hành vân, như véo von bài ca chốn quê nghèo, như trận mạc ầm vang tiếng thét, như bão lửa của dòng quân tiến dữ dội vào trận địa. Bi tráng như tiếng thở gấp gáp của người lính ngã gục nơi sa trường. Rồi tiếng đàn nồng thắm thiết tha như tình yêu lứa đôi một ngày nắng đẹp, như tiếng mẹ ru con êm ái trong đêm trường, như những giọt sầu rơi.

Tướng quân có đàn đâu... chỉ có lòng đàn tự ngân lên bao kỷ niệm, bao nhớ nhung. Mọi người lặng im để nghe, mắt ai cũng rưng rưng lệ.


Vương Đức Bình 02/06/2002
Một truyện cổ tích Nhật Bản.
Viết lại cho con gái đọc lúc con học đàn.

Bài kệ chăn trâu



Tặng La Tùng Sơn
Trâu buộc cội cây già
Cỏ khô trâu không thỏa
Đem trâu thả trong đồng
Cỏ non bên khe đá.

Trâu chạy mất núi cao
Tìm trâu khắp mọi ngã
Ai dè trâu bên khe
Dắt trâu về nôn nã

Ngồi chơi dưới góc chợ
Trâu nằm ngủ lim dim
Cởi đi dây dắt trâu
Ta và trâu thong thả ...

Chiều xuống trâu theo về
Ta cùng trâu một ngã
Thênh thang đường sáng trăng.
Thênh thang đường sáng trăng.


11/12/2002

Cao Thoại Châu

Chiều sông Ô

Tám năm biệt xứ Giang Đông
chiều nay vỗ ngựa vung gươm trở về
đường gươm loang loáng sao khuya
đường gươm nổi sóng trên bờ Ô Giang.

Tám năm vạch đất phong vương
một thời thiên hạ xô nghiêng một người
bao nhiêu thân đổ đầu rơi
ngẩng lên vẫn thẹn với người Giang Đông.

Tịch ơi, lỡ một đường gươm
bá vương xuống đất thịt xương rối bời
giận mình quên uống cho say
anh hùng thiếu rượu vẫn hay kẹt đường.

Đi cho đất lở trời long
về đây khép lại một vòng tử sinh
trời chiều ngút tỏa Ô giang
chiếc yên vắng chủ ngựa sang một mình
trên con thuyền bé lênh đênh
bốn chân xếp lại buồn tênh ngựa hồng

01-90