Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2008

"HY VỌNG" GỞI LẠI.

Một.


Ai cũng có một ước vọng. Hẳn vậy rồi. Không có ước vọng hay niềm hy vọng nào cho ngày mai chắc người ta khó sống nổi. Người ta có thể tự tử vì không còn nhìn thấy niềm vui thú nào trong cuộc sống! Vì vậy mà tôi thích truyện Harry Potter của nhà văn nữ người Anh J. K. Rowling. Câu chuyện đồ sộ đó tưởng chỉ là câu chuyện dành cho trẻ con, nhưng không, trong đó chứa tầng tầng lớp lớp - một cách sâu sắc - các vấn đề của người lớn. Trong câu chuyện có nhà tù Azkaban và bọn tử thần thực tử. Bọn tử thần thực tử trừng phạt tội nhân bằng một nụ hôn. Nụ hôn thường là biểu tượng của tình yêu hạnh phúc, theo như quan niệm phương Tây. Vậy mà ai bị nụ hôn của bọn tử thần thực tử thì mất hết niềm vui sống. Nụ hôn lấy hết khỏi tâm trí của người ta mọi hy vọng vào cuộc sống, vào ngày mai, chỉ chừa lại một nỗi buồn mênh mông, một nỗi hoang mang vô tận như đêm tối. Người đó chỉ còn cơ thể đau đớn với nỗi buồn miên viễn đeo bám không lúc nào ngơi. Cuộc sống trở nên còn tệ hơn cái chết tức thì! Và lạ thay J. K. Rowling để tù nhân muốn có một ngày thoát khỏi được Azkaban thì phải cố bí mật giữ trong tâm trí mình một tia, dù chỉ một tia nhỏ nhoi "kỷ niệm của niềm vui". Tia kỷ niệm vui đó chờ đợi một ngày cháy bùng lên được thành ánh sáng ấm áp của mùa xuân cuộc sống! Harry Potter mất hết cha mẹ vì "đôi cánh tử thần - kẻ mà ai cũng biết là ai đấy - kẻ mà ai cũng không dám gọi bằng đúng tên của nó": Vol-de-mort. Trong cuộc chiến gian nan của Harry Potter chống Voldemort, cứu sống Harry Potter khỏi những giây phút hiểm nguy ngặt nghèo nhất là nhờ mớ kí ức ít ỏi về niềm vui sống với cha mẹ. Kí ức về tình yêu của cha mẹ dành cho mình đã cứu sống Harry Potter. Kí ức về niềm vui - nuôi dưỡng hy vọng - vì vậy có lẽ là món quà lớn nhất, tuyệt nhất mà con người có thể tặng nhau. Và đẩy ai tới sự tuyệt vọng cũng là món “quà” dễ sợ nhất.

Hai.

(Nghĩ lan man thêm)

Không phải ước vọng nào người ta cũng hiện thực được trong một đời người. Tôi có biết những ước vọng của một gia đình, thậm chí một dòng họ nối tiếp nhau gìn giữ nhiều đời, phấn đấu nhiều đời mới thành. Còn ước vọng, niềm tin vào ngày mai của một dân tộc có khi mất biết bao nhiêu xương máu, bao nhiêu năm tháng - 30 năm hay một ngàn năm, băng bao nhiêu đèo cao vực thẳm, lửa đạn đốt cháy cả dãy Trường Sơn - mới thành tựu được. Còn có ước vọng là còn ngọn lửa dẫn đường cho sự sống nối tiếp nhau sinh sôi nẩy nở và đi tới.

Ba.


Cha mẹ truyền lại ước vọng của mình cho đời sau bằng sự chăm lo, chuẩn bị tới tương lai của con cái, bằng nền giáo dục mà con cái được hưởng, bằng của cải để lại cho con cháu. Ước vọng của cha mẹ vừa là món quà vừa là gánh nặng cho con cái. Ước vọng đó có thể là lời dạy con nhẹ nhàng trong mỗi bữa cơm gia đình, lời rầy la nghiêm khắc khi con làm sai, lời trăn trối trước lúc lâm chung. Ước vọng đó có thể đặt vào con cái bằng cái tên mà người con phải mang. Tôi không đủ hiểu biết để có thể nói rằng tên người trên thế giới của các dân tộc khác có ý nghĩa gì không hay chỉ là một “danh từ riêng chỉ định sự vật”. Nhưng tôi chắc chắn rằng người Việt Nam ta thì cái tên mỗi người đều có ý nghĩa ít nhiều. Ngay cả cái tên hết sức mộc mạc như “Nguyễn Văn Tèo” đã mang lời nhắn nhủ “Anh (Tèo) là con cháu của dòng họ (Nguyễn), là đàn ông nên ảnh phải sống hòa hợp với mọi người - cộng đồng – cho phải phép, cho có văn hóa (Văn)”. Cái tên có thể đơn giản như “Lê Thị Sáo Nâu” hay “Nguyễn Thị Sáu”, “Phan Văn Sửu”. Ngay trường hợp đơn giản như thế cái tên cũng đã là một sự nhắc nhở mối quan hệ xã hội, cách hành xử quan hệ xã hội mà người con phải mang. Cái tên có thể là một ước vọng đẹp đẽ như “Huỳnh Thị Hoa Lý”, “Đặng Ánh Hồng”, “Nguyễn Tú Chương”. Cái tên có thể là một gánh nặng về tính cách như “Nguyễn Văn Anh Dũng”, “Trần Chí Cường”, và - có thể lắm - cái tên nặng như núi như “Đặng Tâm An”. Cái tên này “rất nặng kí” vì “Tâm An” là điều mà con người tìm kiếm trong suốt lịch sử tồn tại của mình mà còn chưa thấy. Tôi e rằng chỉ có đức Phật chứng ngộ mới có “tâm an” mà thôi! Nhà thơ Huy Cận đã chẳng từng nhận xét về khát vọng này: “Một câu hỏi lớn không lời đáp/ Cho đến bây giờ mặt vẫn chau” đó sao? Tìm kiếm trong cuộc đời một lời giải như vậy - cho một câu hỏi như vậy - quả thật không dễ dàng chút nào!

Bốn.

(Lan man về một thứ di sản khác)

Để lại cho đời sau đất đai, của cải không nhất thiết chỉ là để lại một thứ vật chất đơn thuần. Vật chất có thể chỉ là vật chất đơn thuần nếu nó không chuyển hóa được giá trị tinh thần vào trong đó. Một hòn đảo khô trơ mồ côi giữa biển cả trở thành một phần của giang sơn gấm vóc vì nó mang dấu ấn khai phá, mồ hôi nước mắt của ông cha. Căn nhà cũ kỹ của ông ngoại - bây giờ thuộc về người khác - một ngày mẹ về đứng trước nhà rưng rưng nước mắt vì nó chứa biết bao nhiêu là kỷ niệm, bao nhiêu là mơ ước của ông bà cha mẹ. Chẳng ai đứng khóc trước một building đồ sộ, xa lạ nhưng người ta có thể khóc nức nở trước một mái tranh nghèo nơi ta được cha mẹ ẵm bồng suốt thuở ấu thơ. Người ta có thể quì xuống hôn lên đất mẹ, nơi chôn nhau cắt rún, ngay cả khi đó chỉ là đất cằn! Đồng tiền để lại - thứ mà các triết gia hay rẻ rúng (!) – cũng không ngoại lệ. Chừng nào đời sau hiểu được mồ hôi nước mắt để kiếm được đồng tiền đó thì đồng tiền không có mùi tanh.

Năm.


(Lại nghĩ về những di sản văn hóa đang bị xâm hại).

Nếu không cảm được ước vọng, hy vọng tha thiết từ quá khứ để lại trong mỗi tặng-vật-di-sản để mà có thái độ trân trọng thì chính ta đã bắn đại bác vào tương lai của mình, tâm hồn ta bằng như đã nhận được nụ hôn của bọn giám ngục Azkaban.

Không có nhận xét nào: