Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2009

Đò ngang

(1)

Bến tre từng có bao nhiêu bến đò? Ai mà biết hết! Sông nước mênh mông, gió sông lồng lộng. Bước lên một chuyến đò. Qua sông!

Cả nhà chèo đò, ông ngoại chèo, cậu dì và mẹ đều chèo. Làm cái nghề khốn khó đưa người qua sông. Thiệt ra nhà cũng không có lấy một chiếc đò! Chỉ là chèo ăn công mỗi ngày. Hôm nào không chèo đò thì … làm nghề hạ bạc, chèo một chiếc ghe nhỏ đi câu đi lưới dài dài dọc sông Bến Tre sống qua ngày! Vài ba đêm chủ đò cho phép chèo lấy riêng một đêm. Đêm nào thu được vài cắc là sướng lắm! Nỗi niềm sông nước đã ăn vào da vào thịt, vào gien đến nỗi lâu lâu lại nằm mơ thấy ngồi trên đò đi qua con sông tối om.

Từ thời chỗ bến sông này còn vắng vẻ, khách muốn qua sông phải đứng bên kia bờ sông hú một tiếng dài rồi kêu bớ đò. Nhiều đêm khuya khoắc ông ngoại đang ngủ ngon giấc lật đật choàng dậy quơ vội cái mái dầm, lay cậu Sáu:
- Dậy .. dậy! Ai kêu đò. Chậc … không biết ai bệnh hoạn đẻ đái gì đây! Dậy … dậy làm phước đi Sáu.
Cậu Sáu mê ngủ bị ông ngoại đạp vô mông một cái, chiếc ghe lúc lắc nhịp sóng vỗ oạp oạp vô lườn ghe. Đêm tối thui. Bờ sông nhấp nháy vô số đom đóm. Gió đêm thổi vù vù trên mặt sông. Cứ ngó cái bóng đèn bão treo ở cầu đò bờ bên kia mà chèo riết tới. Trời ơi đất hỡi! Chỉ có hai má con mê coi hát - vãn tuồng rồi còn đi chơi khuya – “dờ này mới dìa!”. Cầm mấy cắc bạc trả công đò trong tay mà tức anh ách. Buộc đò lại vô sào rồi lo ngủ tiếp. Chút nữa canh tư là người ta bắt đầu đi chợ sớm rồi. Ngủ nghê gì được nữa!

Thời thế đổi thay. Giặc giã ì đùng. Tây bắn cháy rụi cả xóm Cái Cối mà cũng không bỏ được cái bến đò. Chèo đò tới chết! Hồi ông ngoại mất thì mẹ con đang ở tuốt trong Đầm Dơi - Cà Mau. Về chịu tang thì ông ngoại đã được an táng rồi. Hai mẹ con chỉ còn ra đứng nhìn bến đò rưng rưng. Bà con kể lại rằng hôm đưa ông ngoại đi ngang bến đò, chiếc ghe chở linh cửu cứ xoay vòng trước bến, mấy ông thanh niên có xeo cạy mái dầm gì thì cũng không được. Rốt cuộc phải tấp vô bến để ông thầy chùa đọc hai thời kinh siêu độ thì ông ngoại mới chịu đi! Sau này cứ mỗi lần nhìn cái xoáy nước xoay tròn lợn quợn dưới cân cầu đò mà tưởng như ông ngoại vẫn còn vương vấn đâu đó trên bến sông này!

Ông ngoại mất. Bà ngoại cũng dẹp xề chuối chiên ở bến đò về ngồi buồn trên chiếc chỏng tre trước hiên nhà, năm khi mười họa mới bó được một cái chổi tàu cau gởi qua chợ bán. Con cháu trôi dạt tứ tán! Thôi chèo đò!

Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2009

RU TÌNH RỒI THÔI

Thơ tình tôi dạo mấy câu
Để ru tình cũ, để sầu tinh khôi.

Tặng B.N.

Lỗi hẹn

Ta đi khỏi không nói câu hò hẹn
Người buồn ư, ta đâu muốn người buồn
Rồi sẽ quên, sẽ quen ngày hờ hửng
Ta phương xa, người thương nhớ mất công.

***

Ta đi khỏi, gói lòng ta vết xước
Ngoài sông mưa thuyền gió lạnh chiều thu
Người về đi, đừng để phấn hương nhòa
Thêm chiếc áo, để cho lòng khỏi ướt.

Không về

Thuyền ta nào có rượu nồng.
Mấy câu thơ ướt, một vầng trăng suông
Bến kia giờ chắc mưa tuôn.
Sợ người gió lạnh lụa chùng dáng tơ?
Đành thôi sóng cuốn bài thơ
Đành thôi tơ quấn trăng mơ trả người
Thuyền ta một kiếp chơi vơi
Cồn hoang bèo dạt gió khơi hởi người.

Chiều đi qua cầu Cá lóc

Cầu này cá lóc phải không?
Cá đâu không thấy một dòng buồn tênh!
Ta về ngang cổng nhà ai
Sợ không dám liếc, sợ mai mềm lòng!

***

Cầu này cá lóc phải không?
Ta như con cá ở trong ao rồi
Sông ơi sông chảy đi thôi.
Chim bay mõi vết, bồi hồi thấy đâu…

Rồi thôi bến đò Cái cối.
(Để nhớ P. )

Rồi thôi xa một bến sông
Đò ngang rồi lỡ, rồi ai theo chồng
Đò tôi tách bến trống không
Đêm đêm chờ tiếng thinh không gọi đò!

Rồi thôi nước chãy xuôi dòng
Áo xưa thôi trắng, mây hồng thôi bay
Bây giờ cầu mới đã xây
Bắc chi mấy nhịp, ai đi hởi cầu!

Thứ Ba, 13 tháng 10, 2009

Còn làm được gì khi về hưu?

Khi đã nhận quyết định nghỉ hưu tức là xã hội nói với mình: - Thôi đủ rồi! Vất vả mấy chục năm như vậy là được rồi! Đi ... đi chỗ khác chơi đi!

... Thì đi chỗ khác! Nhưng nhiều người về hưu buồn lắm, còn muốn làm nhiều việc lắm. Cảm giác đáng sợ nhất của lắm người về hưu là đột nhiên thấy mình bị dẹp qua bên lề cuộc sống: Đôi chân của mình không còn đủ vững chắc để chạy theo dòng đời chăng? Trí tuệ của mình không còn đủ mẫn tiệp để góp ý với kẻ chợ chăng? Mắt mình không còn đủ tinh nhanh để ngó, nhìn, thấy chuyện đời rối rắm chăng? Tai mình đã nghểnh ngãng không còn nghe tiếng đời chăng? Nam mô quán-thế-âm Bồ tát! Người chẳng vẫn còn nghe-tiếng-đời đó ư!? Sờ lên mái tóc ... Á! mây trắng trong tay đây này!

Thôi kiếm chuyện gì làm đi. Lại góp mình vào cuộc trần ai này đi! Buồn vui cho đủ, cho đầy một kiếp người đi... Người đẹp U60 của mình nghĩ như vậy đó, và nàng lúi húi với những sản phẩm mới của mình! Không góp cho đời trí tuệ nữa thì góp chút bàn tay. Xem này, đây là các sản phẩm thủ công mới của nàng - phần bán phần tặng. A lô! Mại dô.

Thứ Hai, 12 tháng 10, 2009

Sương lạnh

Hàn lộ đã mấy hôm,
Sáng nay sương đầy vườn.





















Thứ Năm, 8 tháng 10, 2009

Hạnh phúc - rất đơn giản!

Gần đây có ba việc thú vị:

Thứ nhất, có một giấc mơ được sống lại tuổi hoa niên. Lâu lắm rồi luôn sống với những trăn trở của đủ thứ chuyện không mấy vui, không nhận ra mình bị cằn cỗi. Sự cằn cỗi đó thể hiện ở chỗ không thể đàn được nữa. Đôi khi cũng lôi cây đàn ra .... để đàn, nhưng không còn cảm xúc nên một hồi là chán, lại cất cây đàn vô. Cái thời mà mình có thể rơi nước mắt khi nghe Aranjuez hay Pavana chìm đâu mất. Cái thời nghe Khúc tháng 6 trong Tẩu khúc 4 mùa của Tchaikovski hay nghe Ngọc Lan của Dương Thiệu Tước với sự rung động lạ thường đã tắt ngấm hồi nào không hay. Bỗng một đêm nghe trong mơ Khúc hát thanh xuân! Bỗng sống lại! Máu lại chảy êm ái trong tim. Hồn lại "dào dạt" yêu thương ...


***


Thứ hai, đờn hát om sòm với một ông bạn mới quen - một đám bạn mới quen mới đúng! Lâu quá rồi không được đàn hát một cách vô tư lự như vậy. Ngồi ở một cái quán khuya - khá xa làng xóm để không thể làm phiền những người có thể thích yên tỉnh. Ngồi giữa những người già - đúng là những người già vì trong bàn có bấy nhiêu người thì trừ mình ra thì đều thuộc type đã về hưu hoặc ngoài 60. Ông bạn mới quen có bàn tay bị cụt hết mấy ngón mà vẫn say sưa đàn. Ông bạn này đệm slow rock, rumba và pasodoble thiệt là điệu nghệ. Tới phiên mình đệm đàn thì ông bạn hát. Không thể tưởng tượng có người còn thuộc nhiều bài tình ca của những năm 50, 60 như vậy. Và cũng khó tưởng tượng những người già lại hát tình ca một cách say đắm như vậy:

Quán nửa khuya đèn mờ theo hơi gió
Trút tâm tư vào đêm vắng canh dài...

Không thể tưởng tượng ông bạn này, ban ngày dang nắng chạy một chiếc xe cà tàng đi rao bán bánh bao khắp hang cùng ngỏ hẽm Bến Tre, mà đêm nay hóa thân thành một nghệ sĩ sống đầy cảm xúc như thế. Và tuyệt hơn nữa, hát những bài hát tiếng Pháp với một giọng chuẩn không chê vào đâu được. Ngày xưa ông giáo Béchir - chánh gốc dân đảo Corse - đọc "dictée" cho mình viết cũng không chuẩn hơn:

Mal. Au fond du coeur. Oui j'ai mal.
Mal. Toute la vie me fait mal. De temps en temps.
Quand je regarde le soleil. Qui vole. Qui vole...

Và bà vợ già tóc bạc của ông bạn thì nhìn chồng mình một cách trìu mến, say đắm. Ô hay, sao mình được một cơ duyên sống giữa một trời hạnh phúc như thế!?

***


Thứ ba, ngày hôm nay - như tình cờ - lang thang vào blog của một cô bé. Mình vốn có thành kiến với những blog của các nhí vì chúng nhảm nhí quá! Đặc biệt khi mình đặt blog bên Yahoo 360 độ thì thật là khủng khiếp với cách viết của tuổi teen. Chán đến nổi vội vàng gở bỏ cái blog đó để khỏi bị comment linh tinh bằng một thứ ngôn ngữ mà Nguyễn Du đọc phải chỉ có nước tự vẫn! Nhưng blog của cô bé này - đơn giản mà tinh tế - đọc rất thú vị. Đọc để thấy cuộc sống còn những điều rất đáng yêu, để mình học lại cách giản lược suy nghĩ, để học lại cách sống đơn giản, yêu những điều đơn giản. Trẻ trung, tinh tế và đơn giản, đó không phải cũng là một thứ hạnh phúc sao?!

Thứ Hai, 5 tháng 10, 2009

Qua chiều nắng xế, chút cảm xúc.


Khi chiều nắng xế! Đã đầy một ngày những vui buồn.
Có biết bao nhiêu trăn trở vào cuối ngày,
có biết bao nhiêu tình không biết đền đáp vào đâu !
Ta đành làm người đứng bên hàng giậu:


Người về người đứng bên hàng giậu
Thanh thản cho lòng không ngả nghiêng


Có thể là hàng giậu mồng tơi
mà đứng bên đó Nguyễn Bính từng cảm thấy
cô đơn lắm của một chuyện tình mơ hồ
mà ám ảnh sâu sắc. Hay có thể đó là
hàng giậu - rào chắn mà cuộc đời dựng nên
để kẻ sĩ phải đặt cho mình một câu hỏi lớn về lẽ xuất xử!
Cho nên lòng người nào biết:

Người về không biết sầu đá dựng
Ta chênh vênh trên vách núi lưng chừng

Để cho người muôn đời như nước sông:

Ừ nhỉ nước sông hiền dịu quá
Ngọt ngào như tiếng thời xưa
Là cái thuở ta buồn bã lắm
Phên liếp đời cho những cánh thư

May thay Cao Thoại Châu đã viết dùm tôi điều còn lại,
điều quan trọng khi người đứng lại bên này hàng giậu:

Núi vô tình núi cũng rung rinh

Thương lắm bài thơ "Bên hàng giậu"

Cao Thoại Châu

Bên hàng giậu

Người về người đứng bên hàng giậu
Thanh thản cho lòng không ngả nghiêng
Mái tóc cũng vờn trong nắng sớm
Gió chưa quen vì mới vượt đại ngàn

***

Ta đã đi qua chiều nắng xế
Phên liếp gì đâu cũng chẳng còn
Bực mình vì thấy đời hiu quạnh
Lao mình xuống tắm một dòng sông

***

Ừ nhỉ nước sông hiền dịu quá
Ngọt ngào như tiếng thời xưa
Là cái thuở ta buồn bã lắm
Phên liếp đời cho những cánh thư

***

Người về người đứng bên hàng giậu
Chia buổi chiều mỗi nửa một bên
Và bên ấy nắng vàng rực rỡ
Một nửa tối dần theo bóng đêm

***

Ta làm con gà lên chuồng rất sớm
Sau một ngày bươi đất lang thang
Từ vườn này sang vườn nhà khác
Vườn rộng mà ta chỉ có một mình

***

Người về người đứng bên hàng giậu
Bốn bề êm ả một bình minh
Trong ký ức tiếng gà báo sáng
Lặng im không biết lúc khởi hành!

***

Người về không biết sầu đá dựng
Ta chênh vênh trên vách núi lưng chừng
Nhìn xuống thấy mờ thung lũng
Núi vô tình núi cũng rung rinh

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2009

Như đờn đứt dây.


Bình nằm yên học bài, chữ nghĩa nhảy múa trước mắt, đầu óc lơ mơ. Trừ củ khoai mì khô còn chừa lại nửa để trên cái dĩa ở góc bàn dành cho buổi chiều, hôm nay chẳng có gì khác cho vào bụng. Còn hai ngày nữa người ta mới trả lương. Làm gia sư cho một đứa nhỏ mỗi tháng cũng có ít tiền độ nhật nhưng tháng này phải mua mấy cuốn sách nên hụt ít ngày. Chịu khó uống nước phông tên và ăn khoai mì đỡ vài hôm vậy. Bình mồ côi cha nên mẹ gởi ở nhà Bác đi học, được có chỗ ở là quí lắm, không dám đòi hỏi gì hơn. Bác đang độ làm ăn thất bát, nợ giăng tứ tung, mấy hôm nay lánh nợ đi đâu không biết! Các anh chị con Bác chạy về Bình Dương ở với Bác gái. Hủ gạo trong nhà cũng trống trơn. Con hẻm nhỏ hôm nay chộn rộn. Người ta chạy vô chạy ra lo lắng. Bà Sáu hàng xóm mấy hôm nay yếu lắm, đổ cháo không chạy nữa rồi. Không biết Bà đi chừng nào! Thôi, không học bài nữa, chạy qua xem sao.
Chị Nỉ ở nhà Bà Sáu khóc ri rỉ. Bình đứng xem tần ngần. Bà Sáu nằm trên giường mê thiếp. Chị Nỉ ngồi dưới chân giường nước mắt ràn rụa mếu máo:
- Má ơi … má đừng chết má ơi! Má nói cho con biết con là con của ai? Má ơi …
Anh chồng chị Nỉ kéo chị ra:
- Thôi để cho Má yên.
Chị Nỉ ghì lại cái chân giường, gục xuống. Mọi người chung quanh đột nhiên lặng trang. Ai cũng biết chị Nỉ là con nuôi của Bà Sáu. Bà đem chị Nỉ ở đâu về khi chị còn đỏ hỏn. Chỉ có Bà mới biết chị Nỉ là con của ai. Đến ông Sáu cũng còn không biết. Cạy miệng Bà ra thì Bà cũng không nói. Chỉ có một lần Bà suýt tiết lộ. Đó là lần chị Nỉ giận dỗi nói xúc phạm Bà:
- Má ác lắm! Thà Má đừng nuôi con, để cho cái người sanh con ra bóp mũi con chết hồi mới sanh cho rồi. Má dưỡng dục con làm chi mà không cho con biết cội nguồn! Má ác lắm!
Bà Sáu cũng quơ tay giận dữ:
- Tao mà ác à? Biết mà chi à? Tao mà ác à? Không có tao thì …
Nhưng rồi Bà im lặng nuốt cái cục giận xuống, hạ cánh tay xuống, rơi hai giọt nước mắt, nhìn im lặng chị Nỉ hồi lâu. Cuối cùng Bà nói xụi lơ đủ cho chị Nỉ và đám hàng xóm tò mò đang dỏng tai nghe:
- Thôi, chừng nào gần chết tao nói cho nghe ba má bây là ai …
Bây giờ, Bà nằm đó á khẩu, mê man.


***

Rồi Bà Sáu ra đi! Để lại câu hỏi của Chị Nỉ treo lên trời xanh không bao giờ có câu trả lời. Cái hẻm nhỏ lại trở về sinh hoạt thường nhật. Mỗi sáng ông Sáu lại đẩy cái xe bánh mì ra đầu ngõ, chồng chị Nỉ nửa ngày đến trường đại học luật … để lấy cái giấy hoãn dịch trốn lính, nửa ngày còn lại đẩy chiếc xe xích lô chạy suốt đến tối mịt mới về. Bình vẫn đi học và lâu lâu bị đói vài ba bữa. Hôm nào may mắn thì có chị Nỉ kêu:
- Nè ra đây. Hổm rày đói hả …
Rồi chị đưa cho cái cà-mên cơm có cái dĩa cá hủng hỉnh kho tiêu và chén canh bầu. Trời, ngon ác! Chị ngồi đó chờ cho Bình ăn trong im lặng. Lần nào cũng vậy, chờ xong hết cái cà-mên là chị nhắc lại:
- Thôi, để chị đem về rửa. Lo đi học đi. Để bụng đói vô trường học sao được!
Chỉ có vậy thôi. Bình cũng không muốn nhắc tới nỗi đau của chị làm gì. Có giải quyết được cái gì đâu. Cuộc sống còn phải lo nhiều thứ khác nữa. Những nỗi đau cũng phải gác lại để lo cho cái bao tử đừng kêu gào, để cho có thể sống qua cái thời buổi chiến tranh sống nay chết mai này.
Chuyện hợp tan của cuộc sống biết đâu mà lường! Rồi Bình xin vào đại học xá. Cuộc sống đỡ hơn nhiều vì học bổng mỗi tháng được ba ngàn mà cơm đại học xá thì chỉ có 600 đồng/tháng. Buổi cơm không ngon lành gì, mâm cơm 4 đứa sinh viên chỉ có một dĩa cá kho có hai con cá nhỏ như hai ngón tay và một tô canh toàn quốc lần nào chan tới đáy cũng thấy một hai con sâu trắng ởn chết chìm còng queo. Thây kệ, cũng là chất đạm thôi! Bình cũng không quên chị Nỉ, nhưng chỉ nhớ lại những khi buồn buồn hoặc lại bị đói. Những khi đó lại tự nhủ: Vái trời có cái bà nào giống bà Nỉ sống gần đây thì đở ngặt… Nhưng cũng bị đói hoài. Không phải tại làm biếng làm nhác gì mà bị đói. Những năm 79, 80 cả nước đói thì có tài thánh mới không bị đói. Có khi đi làm vài tháng mà không có lương, cũng không có gạo, chỉ được lĩnh mỗi tháng có vài ki lô cao lương. Suốt mấy tháng liền chỉ ăn cao lương, khoai mì và rau muống riết thèm cơm thấy sợ. Đến nỗi có bửa đi ngang qua sau nhà ai có mùi cơm mới nấu bay ra, muốn đi qua cho lẹ mà hai đầu gối cứ run lên bần bật không cách gì kềm chế nỗi, muốn sụm xuống tại chỗ. Phải dùng hết ý chí mới bước đi khỏi chỗ đó được. Lại nhớ chị Nỉ!
Chuyện hợp tan của cuộc sống biết đâu mà lường! Ba mươi năm sau. Đã thành ông giáo già. Có một đứa học trò ốm nhom, hiền thì hiền lắm mà học dở quá trời. Dạy bên lỗ tai bên này thì hình như thẳng một đường mà qua lỗ tai bên kia chạy tọt ra ngoài, chẳng có nhớ được cái gì! Tức mình, tới nhà nó xem sao, tiện thể mắng vốn luôn cái đứa chậm lụt quá thì làm sao tốt nghiệp phổ thông cho nổi. Nhà nó ở cuối một con hẻm ngoằn ngoèo đi muốn hụt hơi. Cái nhà rệu rạo, ngó lên nóc thấy đủ mây trắng trời xanh nhưng nhìn xuống đất thì thấy đen ngòm nền đất lục cục lòn hòn, chuột đào lỗ chỗ. Ngồi chổng mông thổi phù phù vào ông táo khói lá dừa mù mịt cay xè mắt là một bà lão tóc bạc xác xơ. Cái nồi cơm đen thui móp xọp đang sôi lục sục. Nó giới thiệu ông giáo với bà lão: Thày con đó ngoại. Bà lão ngước đôi mắt mờ đục nhìn ông giáo hồi lâu rồi chậm rãi chống tay vào đầu gối khom khom đứng dậy: Thày con hả… ơ … tôi lúc này đau đầu gối quá … ơ … mời thày ngồi. Ngồi ở đâu bây giờ? Có một cái ghế đẩu nhưng có vẻ mục rồi, ngồi lên đó dám té chỏng gọng, thôi ngồi ké bên cái giường có chiếc chiếu mục mốc mốc. Tôi tới thăm bà, tiện thể xem thằng Hoàng nó học hành ra sao, ông giáo nói vậy nhưng có lẽ không cần hỏi nữa vì chỉ nhìn là đủ biết hết rồi. Những lời mắng vốn để dành sẳn cũng bay đi đâu hết rồi! Nó học làm sao hả thày? Bà lão hỏi. Dạ, nó học … cũng được, ông giáo trả lời. Cũng được … cũng được … vang vang bên tai ông giáo. Cũng được là làm sao? là làm sao? là làm sao? Cái câu hỏi ở đâu vọng rền trong đầu ông giáo. Để bà già này buồn thì có ích gì … vì bả chắc buồn hết chỗ buồn rồi. Ông giáo ngồi im lặng ngó ra ngoài cửa nhà, nhìn theo con bướm cải vàng vàng bay chập chờn trên cái bông chuối đỏ hực đã bị sâu ăn te tua mấy đài hoa.
Bà lão nói một cách ngập ngừng khó khăn: Má nó dại khờ nên nó vậy đó thày giáo. Bà lão lại cuối xuống, chép miệng, buông hai chữ: Bạc phước! Rồi thôi, lại yên lặng rất lâu như cố nuốt cho trôi hai tiếng bạc phước. Nhướng cặp mặt mờ quay tìm quanh quất bà lão tìm kiếm cái bóng ngồi co ro sau cái lu nước ở mái hiên. Nảy giờ ông giáo không để ý thấy người ngồi đó. Là một người đàn bà áo xống thâm kim tơi tả, vá chằng vá đụp! Thằng Hoàng ngập ngừng: Má con đó thày. Bà lão bỗng giận dữ: Con tôi nó điên điên khùng khùng dở dở ương ương. Đi lang thang bị người ta hại nên mới có cái thằng Hoàng này! Càng nói bà càng cao giọng, thở gấp gáp. Không hiểu sao ông giáo lại tò mò: Vậy ba nó? Thằng Hoàng hoảng hốt ngó ông giáo. Bào lão quơ cánh tay mơ hồ trong không gian. Người đàn bà bỗng cười ngu ngơ. Bà lão nói như miết qua kẽ răng: Không biết, biết làm chi nữa! Biết mà chi…? Thời gian bỗng ngưng đọng lại. Bà Sáu ba mươi năm trước và bà lão này nhập vào nhau trong một cõi mông lung. Ông giáo đắng lòng: Có một Bà Sáu ở đây nữa rồi!
Thằng Hoàng thi tốt nghiệp vừa đủ điểm. Nó chẳng mong ước thi vào đại học cao đẳng gì hết, lo chạy lên Saigon làm công học việc kiếm sống. Mấy năm liền chẳng thấy nó về, cũng không tin tức gì. Cũng không biết bà lão và đứa con gái-đàn bà ngây dại đó bây giờ ra sao. Cái hẻm sâu hút đã được qui hoạch thành con đường lớn, đi ngang chỉ còn thấy một vạt đất dài trống hoác, những người ở đó bây giờ tứ tán còn biết đâu mà tìm!
Đi vắng lâu thế nhưng rồi thằng Hoàng cũng trở lại ghé thăm ông giáo. Vẫn ốm tong teo như xưa nhưng bây giờ nó có chiếc Wave alpha cà tàng. Để chạy giao hàng cho chủ thôi, nó nói vậy. Bà ngoại con mất rồi, Má con cũng mất rồi, nó nói thêm. Vậy là thằng Hoàng thành một đứa bơ vơ vật vờ. Con muốn kiếm Ba con, nó nói sau một hồi mím chặt môi. Ông giáo ngó thằng nhỏ lom lom, nhìn sâu vào cặp mắt long lanh của nó, vái trời nó đừng khóc. Nó không khóc thật. Những con người này đã hết nước mắt rồi!...
- Ừ! Con biết chút gì về Ba con không? Bà ngoại có nói cho con biết Ba con là ai không? Ba con ra làm sao?
- Bà ngoại con không nói, bà nói hồi đó ba con không nhận con vậy con biết làm chi?
- Vậy biết đâu mà tìm!
- Con hỏi mấy người ở trại cưa hồi xưa má con hay ghé. Má đi hốt mạt cưa ….
- Ai biết!?
- Người ta không biết chắc nhưng hồi đó làm thợ ở đó chỉ có mấy người!
- Mấy người.
- Dạ bảy người!
Trời đất ơi! Một người là đã khó lắm rồi. Tới bảy người lận ha? Ông giáo than thầm trong bụng. Biết ai trong cái đám đàn ông trời đánh thánh đâm làm công ở đó, cái đám đàn ông gạo chợ nước sông, nay người này mai người khác với một cô gái ngây dại thần kinh!
- Con có hỏi rồi. Trừ ông già Bảy thợ mộc ra còn sáu người. Trừ 5 ông làm công khuân vác đàng hoàng ra còn ….
Không biết tại sao nó lập luận như vậy được kìa, làm sao ai biết ai đàng hoàng kìa, mà nó hỏi ai vậy kìa!? Ông giáo ngồi lặng thinh quên hết cảnh vật xung quanh đến nỗi một con kiến vàng từ nhánh cây rớt xuống vai bò lên mặt cắn một phát vào khóe mắt chảy nước mắt ràn rụa mới tỉnh ra.
- Ừ! Thày với con đi tìm hỏi ba con vậy. Mà biết nhà ở đâu không?!
- Dạ biết!
- !?
- Con có tới mà cái bà ở nhà đó dữ quá con không dám hỏi! Thày giúp con…
Thế là hôm sau ông giáo chở thằng nhỏ đi tìm cha. Đường xa quá, chạy lòng vòng trong vườn dừa đi lạc mấy chập, phải chạy trở ra hỏi lại rồi mới trở vào. Gần tới nơi thằng nhỏ sợ bèn nói ông giáo cho nó xuống ngồi ở cái quán cóc bên đường. Một mình ông giáo dò hỏi tới nhà người ta. Là một cái nhà gạch không lớn và có vẻ bừa bãi. Lạch bạch đi ra ngó khách là một bà, nói đúng hơn là một con mẹ có cái mặt rất đanh, thảo nào thằng nhỏ không sợ sao được! Hôm trước nó gặp con mẹ này đây. Nó hỏi tên Tám Gà là con mẻ trợn mắt ngắm nghía nó từ đầu tới chân. Không biết thằng nhỏ có vẻ gì giống với thằng cha Tám Gà đó không mà con mẻ sau khi quan sát kỹ lưởng bèn nạt đùa một hơi:
- Hỏi làm gì? Không có thằng chả ở nhà? Cả ngày nhậu nhẹt không? Không biết!
Thằng nhỏ hết hồn không dám nói thêm tiếng nào, đi về luôn.
Ông giáo lấy giọng từ tốn:
- Chào bà!
- Hỏi ai? Chuyện gì?
Con mẹ này ăn nói trổng không, khó đây! Ông giáo nhủ thầm như vậy.
- Bà cho tôi hỏi thăm chú Tám.
- Ông là ai vậy? Đâu có quen!
- Tôi quen với ông chủ trại mộc hồi xưa chú Tám làm ở đó…
Ông giáo nói đại vậy chớ có quen với ông chủ trại cưa hồi nào đâu. Hy vọng con mẹ này đừng hỏi tới thì hư chuyện! Trại cưa mà nói lộn thành trại mộc…
- Ông chủ trại cưa nhờ tôi gởi lời thăm chú Tám…
- Không có ở nhà, đi làm vườn rồi.
- Chú Tám đang làm ở đâu hả bà? Tôi gặp chú được không? Đi ngã nào hả bà?
- Đường vườn lòng vòng lắm.
- ?
- Ra đầu đường, chỗ cái quán người ta chỉ cho!
Chưa gì là đuổi mình rồi, không cho khách uống một chén trà nguội nữa, tệ quá! Ông giáo quay xe trở ra cái quán. Thấy ông giáo đi ra thằng nhỏ đang ngồi rầu rĩ tươi ngay nét mặt:
- Làm sao hả thầy?
- Chưa được gì! Để hỏi tiếp.
Thằng Hoàng giống như trái banh bị xì hơi, cái mặt thành méo sẹo. Kêu ly trà đá uống cho đỡ khát rồi nhẫn nha hỏi chủ quán về Tám Gà. Té ra thằng cha này hồi xưa mê đá gà, thua xiểng liểng nợ tứ giăng, còn thêm cái tội trai gái lung tung, bị con vợ còng đầu về quê, oánh lộn một trận dữ dội rồi không cho đi đâu nữa. Tám Gà đang làm cỏ mướn ở xóm trên. Để thằng Hoàng ngồi đó, ông giáo lội bộ băng vườn qua xóm trên. Tám Gà đang làm cỏ. Để coi cái con mắt, cái mũi, cái miệng …có chỗ nào giống với thằng Hoàng không? Hơi giống … mà cũng không giống lắm! Ông giáo băn khoăn, tần ngần.
Tám Gà đang lom khom kéo cỏ thấy ông giáo thì ngạc nhiên:
- Ông là ai vậy? Kiếm ai vậy?
- Chú Tám phải không?
- Thì .. tui. Hỏi tui hả?
- Dạ. Có chút việc! Nghỉ tay cho tôi hỏi chút được không chú Tám?
Hỏi thăm vòng vo chuyện ở trại cưa một hồi rồi ông giáo mới vô đề:
- Chú có mấy đứa con?
- Ba đứa.
- Ở đây hết hả? Có đứa nào gả cưới xa không?
- Không, ở gần đây hết. Gả cưới gì đâu. Đi theo đập dập thì có!
Tám Gà đột nhiên ngồi xê ra, ngó ông giáo cảnh giác. Ông giáo nửa đùa nửa thật:
- Có gởi cho bà nào đứa nào nữa hông đó!?
Tám Gà hấp háy con mắt, ngó quanh quất, nhăn mặt.
- Tôi nói nghiêm chỉnh đó chú, chú thương cho!
Tám Gà cúi xuống, bậm bặm môi, quay mặt chỗ khác, đổ quạu:
- Đừng giỡn.
- Thì tôi có giỡn đâu. Tôi cất công đi xuống tới đây gặp chú đâu để giỡn!
- Không phải con tui!
- Ai không phải con chú? Tôi đã nói gì đâu.
- Không chắc con tui.
- Ai không chắc con chú?
- Hôm trước có đứa xuống đây rồi. Tui đã nói hỏng phải!
Vậy là con mẹ kia đã truy vấn Tám Gà rồi chắc, thằng cha này có vẻ sợ vợ.
- Thì tôi đã nói gì chú đâu. Tôi chỉ hỏi thử vậy thôi.
- Không chắc không thử gì hết. Tôi không nhận. Nhiều thằng cũng làm ở đó mà…

Ông giáo ngồi yên nhìn Tám Gà. Ông ngờ rằng cách đây hơn hai mươi năm bà lão kia cũng nghe cùng câu từ chối đó. Nói gì nữa đây? Không, không cần phải nói gì thêm! Tám Gà bực bội cầm con dao cùn chặt bụp xuống đất làm cọng cỏ đứt gốc bay văng xuống mương.

Ông giáo trở ra dắt thằng Hoàng về. Ông cũng phải nói lại cái câu ông từng thấy sợ kia: Không biết, biết làm chi nữa! Biết mà chi…?


***

Có một dịp ông giáo đi Saigon. Bà Nỉ bây giờ có một cái quán cơm bình dân. Ghé ăn mười ngàn một dĩa cơm. Trả tiền đàng hoàng chớ không ăn “cơm chùa” như hồi nẵm nữa. Vừa ăn chậm rãi vừa kể câu chuyện thằng Hoàng cho Bà Nỉ nghe. Bà Nỉ nghe với cặp mắt ráo hoảnh. Nghe xong bà Nỉ chỉ chép miệng đọc câu ca dao:
Có cha có mẹ thì hơn
Không cha không mẹ như đờn đứt dây.


Bến tre, 30/9/2009.