Thứ Hai, 22 tháng 9, 2008

Đêm


Cúi mình nghe đêm sâu
Tiếng gà khuya lạc lõng.
Rón rén bước chân về
Hồn hoang trong ngõ vắng!

Thầm thì một mình ta.
Người đâu chia nỗi niềm?
Có nghe ta buồn lạ
Cuối đêm này thiết tha.

Đêm sâu thêm nỗi sầu
Nỗi sầu sâu hơn đêm.
Ta yêu Người ma ám
Hồn vắng sầu đêm đêm.


(02:30 - 22/9/2008)

Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2008

Phạm Thị Ngọc Phượng




Có một thời xa lắc xa lơ, lúc còn ở đại học xá Minh Mạng - đầu năm 1975, lượm được một bài thơ viết tay - thơ tình - của một người cho tới bây giờ cũng chưa từng gặp gỡ. Bài thơ được mình viết vào một tập nhạc. Ấp ủ ở bìa sau. Gần như lãng quên. Chỉ gần như thôi vì vài năm lại được mình dở ra xem một lúc, bâng khuâng. Người thơ là ai? Bây giờ ra sao? Không biết! Biết làm sao được tình thơ đó đi về đâu sau những giông bão của thế sự! Những người trẻ tuổi đó bây giờ ắt đã vào mùa thu cuộc đời. Tình của họ có mãi đẹp không? Làm sao mà biết được. Chỉ còn lại đây bài thơ trên tay mình.
CHÀNG NÀNG.

Nào đâu là duyên
Muôn năm không tan?
Nào đâu là hoa
Ngàn năm không tàn?

Chờ ai - chờ ai - dìu trăng đi trong đàn.
Cho trăng - cho trăng - đừng rơi lang thang
Chờ ai - chờ ai - chìm trong tim nàng
Dìu mơ - dìu mơ - trôi theo hài lan.

Tình ơi! Sao mà là yêu?
Người ơi! Sao mà là anh?
Ồ không! Duyên chưa là yêu
Đành thôi! Yêu không là anh
Ồ không! Mơ không là nàng.
Thì thôi! Trăng không là đàn.
17-01-1974
Phạm Thị Ngọc Phượng
12C1 (niên khóa 1974-1975) - Gia Long.

Thứ Hai, 15 tháng 9, 2008

Ngẫm nghĩ bình dân.

Tôi viết cái blog này. Dĩ nhiên là vì tôi muốn trải lòng mình ra trên ... màn hình. Tôi cũng cố gắng "văn hoa" một chút để lở có ai đọc cũng không đến nổi khó chịu vì chữ nghĩa lục cục lòn hòn chớ tôi không mong mình trở thành nhà văn nhà thơ gì ráo! Cái thế giới của các nhà văn nhà thơ có phần hơi xa lạ đối với tôi. Đôi khi tôi hiểu họ. Đôi khi tôi cảm tưởng họ quan trọng hóa vấn đề mà rốt cuộc cuộc đời cũng tự nó sẽ giải quyết được (bằng cái cách mà thực tế ... tìm thấy câu trả lời trong thực tế!). Có khi tôi cũng tự hỏi mình bảo thủ chăng? Cũng không biết nữa! Thế giới bao giờ cũng thuộc về những người trẻ. Và chính họ làm nên thế giới. Gần đây tôi sợ nghe nhạc trẻ. Sợ hẵn hoi. Bởi vì có lần tôi nổi nóng suýt chút nữa đá bể cái TV vì nghe một ca sĩ hát nhạc Trịnh Công Sơn theo kiểu cà giựt! Và quá nhiều lần tôi không chịu nỗi ca từ của các nhạc sĩ hiện nay. Tôi biết nhạc, chơi đàn cũng kha khá nhưng giờ đây tôi rất thường xuyên "tắt bụp" các chương trình ca nhạc vì "nuốt không trôi". Trước đây tôi cũng thích đọc tiểu thuyết, tập thơ này nọ nhưng giờ đây lắm khi tôi ... ớn nhợn cách viết của các nhà văn. Đủ thứ cách viết: tưng tửng, gây sốc, nhợn nhạo! Tôi đã đọc Jean Paul Sartre và Françoise Sagan, Kafka. Tôi đã gồng mình đọc văn học phi lí, đổ mồ hôi đọc En attendant Godot. Tôi đã yêu mến Vũ Trọng Phụng. Họ viết về cái sự buồn nôn, cái sự phi lí, siêu thực, sự ô-trọc-trần-trụi nhưng tôi không buồn nôn khi đọc như giờ đây nhiều lúc tôi ... buồn nôn thật sự! Gần giống như ăn cá tra sống!
Xin thứ lỗi cho tôi! Tôi biết rằng cần tôn trọng quyền tự do tư tưởng. Tôi cũng biết rằng các nhà văn nhà thơ, nhạc sĩ họ là thư kí cho cuộc đời của chúng ta, cho thời đại của chúng ta. Tôi cũng ước mơ phải chi Hữu Loan, Nguyễn Bính, Trần Dần, ... không phải trải qua những lối gian truân, khốn nạn. Xin thứ lỗi cho tôi nếu tôi là một ông già Khốt Ta Bít. Nhưng quả thật xin đừng cho tôi ăn cá tra sống!

Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2008

Mấy câu để sống một đời.

Năm tôi học lớp 12 (1970-1971) tại trường Trung học Kiến Hòa tôi có may mắn được học môn văn với thày Nguyễn Đăng Phu. Người mà sau đó để lại đôi câu đối ghi trước cổng trường. Đôi câu đối đó bây giờ bị che lấp bởi một lớp xi măng dày!

Hàm dưỡng nhân luân minh tuấn đức
Hoằng khai khoa học tác tân dân.

Rồi tôi vào đại học sư phạm và đi dạy. Đời nhà giáo nhiều nỗi nhiêu khê theo sự thăng trầm của lịch sử đất nước. Mỗi lần tôi trăn trở về nghĩa vụ của mình với thế hệ mai sau là tôi nhớ lại đôi câu đối đó. Mỗi lần tôi "mất lửa" là tôi nhớ lại lời thày dạy:

Sĩ bất khả dĩ bất hoằng nghị.
Nhậm trọng nhi đạo viễn.

Xã hội đổi thay từng ngày. Đất nước hòa bình, thống nhất, lớn mạnh. Quan điểm về giáo dục cũng đổi thay theo thời thế. Nhưng cái gì cũng có mặt trái của nó! Có khi nào đó người ta đang dè bĩu "tính sĩ" và người ta thực dụng hơn cả ở nơi đẻ ra quan niệm thực dụng. Có thời người ta phê phán John Dewey và giờ đây người ta còn đi xa hơn nhiều John Dewey bằng cách biến môi trường giáo dục thành một cái chợ lao nhao nhân danh sự đổi mới. Hãy nhìn xem các cái gọi là trung tâm luyện thi, trung tâm ngoại ngữ, các lớp liên kết - liên thông bát nháo, các "trường đại học, lớp đại học" mà cơ sở vật chất của nó được thuê vội vàng, nhơm nhớp cũng để vội vàng thu tiền bán chữ. Chất lượng của nó "Chỉ có mình mới biết với nhau!". Và "kẻ sĩ" kia chỉ còn biết ngậm ngùi!

Cái tính sĩ thiệt ra cũng có cái dở của nó. Nó hay quay lưng lại với cuộc đời mỗi khi không vượt qua được khó khăn. Nhưng nếu nó là một cá nhân nhỏ nhoi trong xã hội - hoặc loại xã hội mặc định cho nó là một cá nhân nhỏ nhoi, không thuộc hàng công dân hạng nhất - buộc nó làm một anh hùng thì có hợp lí không? Kẻ sĩ ngậm ngùi quay đầu về vườn có phải là một thái độ đáng phê phán không? Một đường gươm nguyên bá cũng phải tùy thời. Bánh xe lịch sử có con đường đi riêng của nó không mấy phụ thuộc cá nhân. Phải chăng Khổng Minh để Lưu Bị "tam cố thảo lư" không phải vì muốn thử thách họ Lưu mà dư biết rằng có vì nghĩa cả mà hành xuất thì rồi cũng chẳng nên cơm cháo gì? Bài sau là tôi nhớ mấy chục năm nay, thuộc lòng để làm hành trang cho mình:

Cư thiên hạ chi quảng cư.
Hành thiên hạ chi chính vị.
Lập thiên hạ chi đại đạo.
Đắc chí dữ dân do chi.
Bất đắc chí độc hành kì đạo.
Phú quí bất năng dâm.
Bần tiện bất năng di.
Uy vũ bất năng khuất.
Thử chi vị đại trượng phu.

Thày dạy và tôi nhớ, không dám quên, không dám làm sai! Tôi chỉ nói không dám làm sai chớ không nói tôi đã làm được!
Hôm nay trung thu. Theo lệ thì các bạn cũ sẽ đến thăm thày - như các năm trước thì cũng có tôi. Nhưng năm nay tôi không đi được thôi thì viết bài này để nhớ thày vậy!

Thứ Tư, 10 tháng 9, 2008

TIẾNG ĐÀN

(Cũng để nhớ La Tùng Sơn)
Cung thương là tiếng đàn,
Cung nam là tiếng người.
(Cung đàn xưa - Văn Cao)



Dẹp giặc xong, tướng quân - khi đó hãy còn trẻ - theo lối mòn về qua đây thì trong rừng kia, trên ngọn núi cao, đã có đôi cây ngô đồng trăm năm đứng cao vút trên mõm đá. Lá ngô đồng nhuộm vàng trong gió thu. Vẻ đẹp của buổi chiều phai khiến tướng quân phải dừng lại ngây ngất. Truyền quân dừng lại lập thái ấp. Buông gươm cởi giáp, mặc lại chiếc áo vải - cầm lại chiếc cày - để cùng người đẹp thề hẹn năm xưa khơi thuỷ lập điền. Cuộc đời tướng quân tưởng được yên lành nhưng thái bình vừa hưởng được mấy năm thì chẳng may mùa đông khắc nghiệt nọ phu nhân lâm trọng bệnh mệnh chung. Tướng quân đem tình yêu của mình an táng bên đồi dưới gốc ngô đồng. Rồi từ đó ngày nào cũng nhìn về hướng cây ngô đồng trên đỉnh núi như thầm mong thấy lại người xưa.

Năm tháng trôi qua. Bao nhiêu mùa xuân đã thổi trên ngọn cây những làn gió mát đến từ biển Đông. đem theo khi thì lời véo von của đại dương, lúc lại nghe ầm ì dữ dội tiếng sóng bổ ghểnh dội dài theo những bờ đá chênh vênh xa tắp. Ngọn cây thở gió xuân để đâm chồi nẩy lộc. Rể ăn sâu trong lòng đất chắc tải nhựa lành cho lá mượt thêm xanh. Hè sang vang rộn tiếng chim chích choè và tiếng lảnh lót ngân dài sang trọng mà tha thiết của đôi chim phượng hoàng tìm nhau. Đêm hè thầm thì tiếng đất, nỉ non tiếng lũ dế mèn dưới những bụi cây rậm rạp tăm tối - thỉnh thoảng lại im bặt – kinh sợ lắng nghe tiếng gầm oai vệ của chúa sơn lâm đi tuần đêm và cả tiếng giận dữ tru tréo của bọn chó sói giành nhau một con mồi bạc phước. Nhiều đêm, giữa những chớp lóe xé toạc cả đất trời, giữa cơn mưa rừng sấm động, vọng lại ầm ầm tiếng cây rừng gảy đổ trôi va vào vách đá trong con lũ quét qua lũng. Mưa nguồn chớp bể dữ dội thấm đẫm cả hồn cây. Mùa thu đến. Những giọt mưa thu nhè nhẹ thánh thót rơi. Trầm lắng trong không khí mùi hoa cúc dại ướp thêm hương vào sớ gổ cây ngô đồng. Rồi một mùa đông đến, lá ngô đồng rụng hết, cơn bão tuyết dữ dội làm ngã một cây ngô đồng, phủ lên nấm mồ, phủ lên những lời than vãn lẫn âu yếm của tướng quân những khi đến viếng mộ. Một cây còn lại trầm mặc đứng chịu tang giữa trời băng giá trắng xóa màu tuyết.

Cây ngô đồng ngã, nhựa cây ứa ra như máu đào, thấm cả vào tuyết bạch, làm thành một thứ như hổ phách đỏ hồng. Gỗ tỏa mùi phương mộc. Cây ngô đồng đổ trên đất lạnh, theo ngày tháng vỏ bong ra để lại lõi cây ngày càng sắc lại màu huyết dụ. Có nghệ nhân thấy gỗ quí bèn đem về, bỏ ra mấy năm gia công thành cây đàn đẹp. Cần đàn thẳng và thon thả như cánh tay của phu nhân. Lưng đàn phẳng mịn, vững chắc như vách đá, như tấm lưng hổ tướng. Eo đàn êm ái như tấm thân của người thiếu phụ. Lại lấy tơ ruột của loài kì lân già làm dây đàn. Lòng đàn mỗi khi thổi vào vang lên những âm thanh kì bí. Chưa ai có thể dùng cây đàn họa lên bản nhạc được. Dây đàn quá cứng, nhiều người đến thử đàn nhưng tiếng đàn ai cũng rời rạc không nên khúc nên tình.

Người ta đem đàn tặng cho tướng quân – giờ đây tóc đã bạc quá nửa mái đầu. Biết bao sương gió chiến chinh đã làm cho tướng quân tưởng đã quên ngón đàn ngày nào. Ôm đàn trong lòng, tướng quân vuốt ve mặt đàn bóng như mặt nước hồ trên núi. Tướng quân không đàn mà chỉ thì thầm to nhỏ với đàn bao nỗi đau đời, những gian truân đã qua, các ngày vinh quang đã trãi và những khổ nhục đã từng. Tướng quân kể với đàn những ngày xuân đầm ấm khi phu nhân còn lộng lẫy xiêm y, ngày hè đỏ lửa, ngày thu sầu muộn, ngày mùa đông giá. Vậy mà đàn chợt run lên: Nhớ quá tiếng gió đi qua ngọn cây, nhớ tiếng gầm của hổ dội qua vách đá, nhớ tiếng suối róc rách vang lừng khe đá, nhớ giọt mưa thu .... Đàn hát lên, hòa điệu với tướng quân. Tiếng đàn như lưu thủy, như hành vân, như véo von bài ca chốn quê nghèo, như trận mạc ầm vang tiếng thét, như bão lửa của dòng quân tiến dữ dội vào trận địa. Bi tráng như tiếng thở gấp gáp của người lính ngã gục nơi sa trường. Rồi tiếng đàn nồng thắm thiết tha như tình yêu lứa đôi một ngày nắng đẹp, như tiếng mẹ ru con êm ái trong đêm trường, như những giọt sầu rơi.

Tướng quân có đàn đâu... chỉ có lòng đàn tự ngân lên bao kỷ niệm, bao nhớ nhung. Mọi người lặng im để nghe, mắt ai cũng rưng rưng lệ.


Vương Đức Bình 02/06/2002
Một truyện cổ tích Nhật Bản.
Viết lại cho con gái đọc lúc con học đàn.

Bài kệ chăn trâu



Tặng La Tùng Sơn
Trâu buộc cội cây già
Cỏ khô trâu không thỏa
Đem trâu thả trong đồng
Cỏ non bên khe đá.

Trâu chạy mất núi cao
Tìm trâu khắp mọi ngã
Ai dè trâu bên khe
Dắt trâu về nôn nã

Ngồi chơi dưới góc chợ
Trâu nằm ngủ lim dim
Cởi đi dây dắt trâu
Ta và trâu thong thả ...

Chiều xuống trâu theo về
Ta cùng trâu một ngã
Thênh thang đường sáng trăng.
Thênh thang đường sáng trăng.


11/12/2002

Cao Thoại Châu

Chiều sông Ô

Tám năm biệt xứ Giang Đông
chiều nay vỗ ngựa vung gươm trở về
đường gươm loang loáng sao khuya
đường gươm nổi sóng trên bờ Ô Giang.

Tám năm vạch đất phong vương
một thời thiên hạ xô nghiêng một người
bao nhiêu thân đổ đầu rơi
ngẩng lên vẫn thẹn với người Giang Đông.

Tịch ơi, lỡ một đường gươm
bá vương xuống đất thịt xương rối bời
giận mình quên uống cho say
anh hùng thiếu rượu vẫn hay kẹt đường.

Đi cho đất lở trời long
về đây khép lại một vòng tử sinh
trời chiều ngút tỏa Ô giang
chiếc yên vắng chủ ngựa sang một mình
trên con thuyền bé lênh đênh
bốn chân xếp lại buồn tênh ngựa hồng

01-90

Thứ Hai, 8 tháng 9, 2008

Lại được tặng bài thơ


Cao Thoại Châu

THƯỢNG KINH HÀNH

Tặng Vương Đức Bình


Ôm chiếc nóp thượng kinh thăm kẻ chợ
mặt khờ trân ngơ ngác giữa kinh thành
nơi phố nhà day mặt ngó nhau trân
như chàng rể ngó trân bàn thờ nhà vợ
ta chôn chân trên lòng đường xớ rớ
giữa kinh thành đầy ních những phu nhân
mà đất trời cũng nổi cơn ghen
họ vẫn đẹp như hồi ta biệt tích
con chim hờn chim bay đôi cánh xếp
con cá si tình con cá lật trên sông
tiếng phu nhân như tiếng nước về đồng
để lại ruộng màu phù sa ấm áp

Lòng ta đấy khi không thành đức Phật
thành Chúa Trời trong buổi khai thiên
hoa cỏ sơ sinh trên nền đá bạc
mà vải sồ chưa phủ hết thiên nhiên.
Vải sồ ơi, đừng phủ thiên nhiên
quý phu nhân đâu muốn thành ẩn sĩ

Kiến ngãi bất vi vô dõng giả
vả cuộc trần đâu thiếu chỗ dung thân
lòng ta đấy tu đã tròn nửa kiếp
nửa dòng trong dòng đục xin dâng

Nhà cửa thị thành không có tên riêng
họ gọi nhau bằng vài con số
dân kẻ chợ thích xây nhiều chợ
chợ bán trời, bán chim bán chó
bán thánh hiền văn chương chữ nghĩa
có chợ bán người họ cũng bán ta luôn.

Nhớ ngày xưa có một phu nhân
mua ta về bởi vì ta có số
nàng nhốt ta trong chiếc bồ đựng lúa
xa thị thành cho khỏi rong chơi
thói hư hèn thị dân dễ gây thành dịch
nước chảy huê trôi lúc nào chẳng biết
chỉ những hoàng hôn phủ xuống êm đềm
ta lấy thơ trải ổ lót phu nhân
đồ vô dụng chẳng thèm cho đọc

Cuộc thế nhá nhem dễ đâu tìm hạnh phúc
dân thị thành không thể biết như ta
nhìn lại cố tri dăm mái đầu đã bạc
mặt già khằng không dễ nhận ra nhau
những dáng lom khom đang dò từng bước
trên đường đời trơn tuột gồ ghề
đời lăn đi trên những vòng xe
để lại đường những vết hằn nghiệt ngã

Gã khờ trân lai kinh thăm kẻ chợ
không khi nào rời chiếc nóp trên tay
rượu giang hồ đã cạn hết đêm nay
hắn bỏ đi rồi theo một cơn say
theo tiếng gọi của chiếc bồ đựng lúa
còn lại chiếc bầu không của riêng ai
tặng các phu nhân vô vàn khả kính

SG 1990



Ghé chút lời:
Gã khờ trân theo chiếc bồ đựng lúa
Rượu cạn rồi đâu dễ tỉnh cơn say.
(V Đ Bình)

KIM TRỌNG - NGƯỜI LÀM HỎNG MỘT TÌNH YÊU

Cao Thoại Châu


Hình như không ai dư thời gian làm một cái thống kê xem trong các tác phẩm văn chương - đếm được hết những cuốn, những bài này cũng là không tưởng - có bao nhiêu mối tình. Tình yêu nguyên nghĩa chứ không phải những chắp nối đực - cái hay khá hơn, những cuộc tưởng là tình yêu nhưng thực tế vô hình trung chỉ có tính lấp những “hành vi hỏng”. Khó thì khó thế, nhưng đọc truyện Kiều nhiều người nghĩ và cho là tuyệt vời chuyện tình Kim-Kiều! Người ta khen thì nhiều, chỉ “nảy nòi” (chữ của một cô nhà văn đa tài) một vài người khó chịu về “mối tình” này. Khi hai muơi năm trước đây, trong một cơn bi phẫn, người viết nghĩ về truyện Kiều, mang Kiều ra ... bói và không ngờ gặp ngay chàng Kim, bèn giáng cho mấy câu “Hiểu vì sao đời ông khánh tận/ Giữa chiều vàng mà vó câu Kim Trọng/ Chàng bù nhìn làm hỏng một tình yêu
Khi gặp Kiều, chân dung Kim Trọng, một anh chàng chỉ mới thuộc U 16, 17 gì đó, đã bị nhạt nhoà đi vì một người Kiều gặp ít phút trước: Đạm Tiên, nhân vật mà tôi cho là đẹp nhất, thành công nhất của cụ Nguyễn, càng làm cho chàng hiện rõ một anh công tử bột, sinh ra chỉ để ... lấy vợ chứ khó là một người tình. Có lẽ Nguyễn Du là một nhà Nho chân phương cho nên nhân vật Kim Trọng mới chỉn chu hết chỗ, bóng mượt quá chừng, ở chàng không có sự đam mê, một thứ cần để đốt cháy trái tim yêu. Và cái rõ hơn cả, Kim Trọng được dựng nên như một nhân vật điển hình quá, nhất là ước lệ quá, “Đề huề lưng túi gió trăng/sau chân theo một vài thằng con con”. Mà nơi họ diện kiến lần đầu lại cũng ước lệ không kém “Hài văn lần bước dặm xanh/ Một vùng như thể cây quỳnh cành giao”, một người điển hình có nghĩa là cứng nhắc nên chỉ được cho kết nghĩa Châu Trần với những phụ nữ bình thường, Kiều gặp phải là khổ cho cô rồi! Người đàn ông “hoàn chỉnh” từ dáng mạo, gia đình và cái gì cũng đàng hoàng không góc cạnh và hiếm có trong đời thực như thế, khó lòng tạo ra và dẫn dắt một tình yêu đúng nghĩa vì tình yêu như là con thuyền ra biển, mấy khi biển lặng như trong hồ. Có thể nhìn ra ngay, mối tình Kim-Kiều không thể có những bất trắc nội sinh vốn là của những kẻ yêu nhau như sấm như sét để bất thình lình không muốn tiếp tục yêu nữa mà chẳng cần một lý do nào. Về Liêu Dương hộ tang chú, Nguyễn Du đã cho chàng một cái cớ để đi xa chứ không phải một tình huống của con tim mang “mệnh biệt ly”. Mối tình ấy vậy nên không có bất trắc tự thân, bị tác động của ngoại cảnh cho phù hợp với tính khí nhu nhược của chàng Kim. Ở một người con gái tài hoa, đa tình đa cảm và có lẽ có hơn chàng đôi ba tuổi và cũng dám xé rào “Nàng rằng : quảng vắng đêm trường/ Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa” của một thời cách nay cả mấy trăm năm như Thuý Kiều thì với tính cách ấy Kim không phải một người mang đến cho cô mối tình lớn.

Khi bọn tham quan ô lại và lũ đầu trâu mặt ngựa mở đầu 15 năm lưu lạc của Kiều, thì trong giây phút ấy, cô đã thốt lên những lời can tràng “Trót lời hẹn với lang quân / Mượn con em nó Thuý Vân thay lời”- lang quân chứ không phải tình quân. Vì chữ tín chứ không phải vì trái tim! Và Kim Trọng đã lấy Thúy Vân, nói có hơi thô bạo, anh cần vợ và cần Thuý Vân để nhớ Thuý Kiều, nhiều lý giải như thế nhưng đúng được bao nhiêu phần? Nhớ lại khi từ Liêu Dương trở lại, biết người hứa hẹn nên duyên cầm sắt đã đi vào thảm hoạ, chàng thanh niên này đã “Vật mình vẫy gió tuôn mưa/ Dầm dề giọt ngọc thẫn thờ hồn mai/ Đau đòi đoạn, ngất đòi thôi/ Tỉnh ra lại khóc, khóc rồi lại mê” thì đúng là ... Kim Trọng. Về mặt cuộc sống, việc chàng lập gia đình với Thuý Vân là hợp logique , nhưng chính trong cái logique diễn ra quá nhanh chóng này lại cho thấy một sự ước lệ không phá cách trong bản chất của Kim.
Lạ thay, trong ba người đàn ông của Kiều - Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải - thì những câu thơ hay nhất, hay một cách kinh điển, nhà thơ lại dành cho chàng Thúc “Người lên ngựa kẻ chia bào/ Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san/ Dặm hồng bụi cuốn chinh an/ Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh/ Người về chiếc bóng năm canh/ Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi / Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường”. Phải vì Thúc Sinh tuy sợ vợ - Hoạn Thư ai mà chẳng ngán - nhưng anh ta là nhân vật sinh động, rất người và đam mê ?
Đọc Kiều, những trang bi kịch của nàng đều hay đến rơi lệ, vì 15 năm luân lạc Kiều sống với những kẻ lừa đảo có, từ tâm có, nhưng trên hết đó là con người thật không phải hình nộm. Và nhạt biết bao đoạn Kim Kiều tái hợp. Trong hoàn cảnh ấy mà anh chàng Kim Trọng vẫn khăng khăng đòi nên vợ nên chồng “Chàng rằng: Nói cũng lạ đời/ Dẫu lòng kia vậy còn lời ấy sao? (...) Duyên kia có phụ chi tình/ Mà toan sẻ gánh chung tình làm hai”. Trước sau Kim Trọng chỉ là một người chồng tốt, tròn trịa và chỉ muốn ... làm chồng! Cũng may là Nguyễn Du đã kịp thời can thiệp “mang tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ”, bằng không thì anh chàng Kim làm sụp đổ hết cả!




************ Lạm bàn ******************
Bài này được đại ca Cao Thoại Châu tặng để đăng ở đây. Tại hạ rất cảm kích nhưng thấy Kim Trọng bị "mắng" quá nên đem lòng ái ngại cho chàng Kim - Dù trong bụng cũng nói nhỏ "Đáng đời!". Tại hạ cũng không ưa Thúc Sinh. Thằng cha này bạc nhược! Dám đam mê mà không dám yêu. Hình như đại ca không mấy đếm xỉa tới Từ Hải? Nguyễn Du đã đạo diễn cái chết của Từ Hải thiệt là "tròn trịa". Cái chết này "tốt" quá nên để đến 300 năm sau giọt nước mắt tình của Từ Hải vẫn còn đọng cứng trong vành mi chăng? Vậy lấy ai để khóc Nguyễn Du đây?

Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2008

Chỉ nhớ được hai câu.

Nỗi nhớ dài như một dòng sông,
Mênh mông chảy không đầu không cuối.
(Lê Nguyễn Hàm Luông)

Có những ngày buồn, giờ buồn. Nỗi buồn đến từ nơi đâu không rõ. Như rất nhiều chi lưu trong một lưu vực mênh mông giờ đây góp thành một "châu thổ buồn". Làm sao mà biết được giọt nước này đã đến từ đâu!? Tìm một người bạn. Dẫn hắn ra quán cà phê. Cái quán cũng buồn, lèo tèo vài khách. Chủ quán không buồn quan tâm tới khách, chỉ cặm cụi cắt tỉa mấy cây mai, mấy giò lan. Lặng yên nghe Hàm Luông nói. Tâm sự của hắn cũng giống như giòng Hàm Luông, chảy hoài mênh mông không hết. Hắn quá hiền hậu, y như những câu thơ của hắn. Suốt đời hắn (và thơ hắn cũng vậy!) mê mẫn dòng sông, con đò dọc-ngang, hàng cây me bên cái đình hiu quạnh. Suốt đời hắn cũng hiu quạnh, ngơ ngác. Hắn thèm bục giảng, thèm bình một câu thơ với lũ sinh viên lao nhao. Nhưng lâu rồi người ta tước đi cái quyền đó của hắn bằng quá nhiều lí do mà một kẻ ngơ ngác như hắn chỉ biết càu nhàu với vợ và với bạn. Hai câu thơ này mình chộp được của hắn giữa hai hớp cà phê. Mấy câu còn lại mình quên rồi. Chỉ nhớ mắt hắn long lanh, hơi ướt.