Thứ Hai, 8 tháng 9, 2008

KIM TRỌNG - NGƯỜI LÀM HỎNG MỘT TÌNH YÊU

Cao Thoại Châu


Hình như không ai dư thời gian làm một cái thống kê xem trong các tác phẩm văn chương - đếm được hết những cuốn, những bài này cũng là không tưởng - có bao nhiêu mối tình. Tình yêu nguyên nghĩa chứ không phải những chắp nối đực - cái hay khá hơn, những cuộc tưởng là tình yêu nhưng thực tế vô hình trung chỉ có tính lấp những “hành vi hỏng”. Khó thì khó thế, nhưng đọc truyện Kiều nhiều người nghĩ và cho là tuyệt vời chuyện tình Kim-Kiều! Người ta khen thì nhiều, chỉ “nảy nòi” (chữ của một cô nhà văn đa tài) một vài người khó chịu về “mối tình” này. Khi hai muơi năm trước đây, trong một cơn bi phẫn, người viết nghĩ về truyện Kiều, mang Kiều ra ... bói và không ngờ gặp ngay chàng Kim, bèn giáng cho mấy câu “Hiểu vì sao đời ông khánh tận/ Giữa chiều vàng mà vó câu Kim Trọng/ Chàng bù nhìn làm hỏng một tình yêu
Khi gặp Kiều, chân dung Kim Trọng, một anh chàng chỉ mới thuộc U 16, 17 gì đó, đã bị nhạt nhoà đi vì một người Kiều gặp ít phút trước: Đạm Tiên, nhân vật mà tôi cho là đẹp nhất, thành công nhất của cụ Nguyễn, càng làm cho chàng hiện rõ một anh công tử bột, sinh ra chỉ để ... lấy vợ chứ khó là một người tình. Có lẽ Nguyễn Du là một nhà Nho chân phương cho nên nhân vật Kim Trọng mới chỉn chu hết chỗ, bóng mượt quá chừng, ở chàng không có sự đam mê, một thứ cần để đốt cháy trái tim yêu. Và cái rõ hơn cả, Kim Trọng được dựng nên như một nhân vật điển hình quá, nhất là ước lệ quá, “Đề huề lưng túi gió trăng/sau chân theo một vài thằng con con”. Mà nơi họ diện kiến lần đầu lại cũng ước lệ không kém “Hài văn lần bước dặm xanh/ Một vùng như thể cây quỳnh cành giao”, một người điển hình có nghĩa là cứng nhắc nên chỉ được cho kết nghĩa Châu Trần với những phụ nữ bình thường, Kiều gặp phải là khổ cho cô rồi! Người đàn ông “hoàn chỉnh” từ dáng mạo, gia đình và cái gì cũng đàng hoàng không góc cạnh và hiếm có trong đời thực như thế, khó lòng tạo ra và dẫn dắt một tình yêu đúng nghĩa vì tình yêu như là con thuyền ra biển, mấy khi biển lặng như trong hồ. Có thể nhìn ra ngay, mối tình Kim-Kiều không thể có những bất trắc nội sinh vốn là của những kẻ yêu nhau như sấm như sét để bất thình lình không muốn tiếp tục yêu nữa mà chẳng cần một lý do nào. Về Liêu Dương hộ tang chú, Nguyễn Du đã cho chàng một cái cớ để đi xa chứ không phải một tình huống của con tim mang “mệnh biệt ly”. Mối tình ấy vậy nên không có bất trắc tự thân, bị tác động của ngoại cảnh cho phù hợp với tính khí nhu nhược của chàng Kim. Ở một người con gái tài hoa, đa tình đa cảm và có lẽ có hơn chàng đôi ba tuổi và cũng dám xé rào “Nàng rằng : quảng vắng đêm trường/ Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa” của một thời cách nay cả mấy trăm năm như Thuý Kiều thì với tính cách ấy Kim không phải một người mang đến cho cô mối tình lớn.

Khi bọn tham quan ô lại và lũ đầu trâu mặt ngựa mở đầu 15 năm lưu lạc của Kiều, thì trong giây phút ấy, cô đã thốt lên những lời can tràng “Trót lời hẹn với lang quân / Mượn con em nó Thuý Vân thay lời”- lang quân chứ không phải tình quân. Vì chữ tín chứ không phải vì trái tim! Và Kim Trọng đã lấy Thúy Vân, nói có hơi thô bạo, anh cần vợ và cần Thuý Vân để nhớ Thuý Kiều, nhiều lý giải như thế nhưng đúng được bao nhiêu phần? Nhớ lại khi từ Liêu Dương trở lại, biết người hứa hẹn nên duyên cầm sắt đã đi vào thảm hoạ, chàng thanh niên này đã “Vật mình vẫy gió tuôn mưa/ Dầm dề giọt ngọc thẫn thờ hồn mai/ Đau đòi đoạn, ngất đòi thôi/ Tỉnh ra lại khóc, khóc rồi lại mê” thì đúng là ... Kim Trọng. Về mặt cuộc sống, việc chàng lập gia đình với Thuý Vân là hợp logique , nhưng chính trong cái logique diễn ra quá nhanh chóng này lại cho thấy một sự ước lệ không phá cách trong bản chất của Kim.
Lạ thay, trong ba người đàn ông của Kiều - Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải - thì những câu thơ hay nhất, hay một cách kinh điển, nhà thơ lại dành cho chàng Thúc “Người lên ngựa kẻ chia bào/ Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san/ Dặm hồng bụi cuốn chinh an/ Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh/ Người về chiếc bóng năm canh/ Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi / Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường”. Phải vì Thúc Sinh tuy sợ vợ - Hoạn Thư ai mà chẳng ngán - nhưng anh ta là nhân vật sinh động, rất người và đam mê ?
Đọc Kiều, những trang bi kịch của nàng đều hay đến rơi lệ, vì 15 năm luân lạc Kiều sống với những kẻ lừa đảo có, từ tâm có, nhưng trên hết đó là con người thật không phải hình nộm. Và nhạt biết bao đoạn Kim Kiều tái hợp. Trong hoàn cảnh ấy mà anh chàng Kim Trọng vẫn khăng khăng đòi nên vợ nên chồng “Chàng rằng: Nói cũng lạ đời/ Dẫu lòng kia vậy còn lời ấy sao? (...) Duyên kia có phụ chi tình/ Mà toan sẻ gánh chung tình làm hai”. Trước sau Kim Trọng chỉ là một người chồng tốt, tròn trịa và chỉ muốn ... làm chồng! Cũng may là Nguyễn Du đã kịp thời can thiệp “mang tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ”, bằng không thì anh chàng Kim làm sụp đổ hết cả!




************ Lạm bàn ******************
Bài này được đại ca Cao Thoại Châu tặng để đăng ở đây. Tại hạ rất cảm kích nhưng thấy Kim Trọng bị "mắng" quá nên đem lòng ái ngại cho chàng Kim - Dù trong bụng cũng nói nhỏ "Đáng đời!". Tại hạ cũng không ưa Thúc Sinh. Thằng cha này bạc nhược! Dám đam mê mà không dám yêu. Hình như đại ca không mấy đếm xỉa tới Từ Hải? Nguyễn Du đã đạo diễn cái chết của Từ Hải thiệt là "tròn trịa". Cái chết này "tốt" quá nên để đến 300 năm sau giọt nước mắt tình của Từ Hải vẫn còn đọng cứng trong vành mi chăng? Vậy lấy ai để khóc Nguyễn Du đây?

Không có nhận xét nào: