Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2020

TRÒ CHUYỆN MÙA DỊCH.


·       Bố ơi ! Chị lớn ở bên Đức có ổn ko? Châu Âu ko kiểm soát nổi dịch. Nhìn số ca tăng lên chóng mặt quá!

  •        Ồ. Gia đình Bố vẫn đang ổn.. Cảm ơn nhé!
·       Dạ Bố và Cô giữ gìn sức khỏe nha!
·       ?
·       Dạ con còn ở sg Bố ơi. Trốn kĩ trong nhà, Ko dám đi đâu
·       Vậy là tốt con ạ.
·       Dạ. Đừng đi lung tung Bố à. Giờ bên ngoài nguy hiểm. Ở nhà cũng có thú vui
·       Ồ... bố trốn trong nhà lâu rồi! Bố có còn trẻ đâu để dám chủ quan!
·       Ăn ngủ đọc truyện xem phim trồng cây lau nhà dọn dẹp. Chỉ là ko tiền. Chắc vài tháng nữa uống nước trừ cơm
·       Hay đấy. Vậy đi con, cho nó lành. Coi vậy chứ không đến nỗi đâu. Bố từng sống qua nhiều cảnh đời rồi. Kinh nghiệm cho bố suy nghĩ rồi sẽ có cách vượt qua thôi!
·       Ráng cho qua 13 tháng năm 2020 này. Tại tiền mặt còn chừa ko nhiều! Mua đất mua nhà hết rồi. Nên nếu 5 tháng nữa mà ko ổn là đói

·       Nếu mười ngày nữa chúng ta qua được thì chúng ta thành công! Còn kịch bản tệ nhất (mong nó sẽ không xảy ra, không tổn thất quá lớn) thì cũng không quá tháng tư đâu. Nhưng như nhìn vào những gì chúng ta đang làm được, những gì đang còn sơ hở, thì xác xuất thành công, vượt qua đại dịch là lớn hơn nhiều.
Còn bài toán không kéo dài đến 5 tháng đâu. Nếu thất bại thì... chỉ cần 1 tháng thôi thì cở nước Mỹ cũng tan hoang, không còn gì để bàn!
·       Tình hình căng lắm Bố ơi. Khắp nơi. Lung tung. BN100 đi nhà thờ liên tục. Khu đạo đó giờ Bik bao nhiêu mầm bệnh. Mỹ đã đứng nhất rồi
·       Lo lắng thì nên, chớ lo sợ thì cũng bằng thừa! Hãy tuân thủ những qui định, yêu cầu về cách ly phòng dịch. Điều đó cứu chúng ta đấy. Cho tới giờ này thì thế giới cũng chưa bao giờ có thuốc đặc trị cúm (nói gì trị con corona này, còn vaccin thì với trình độ y học của thế giớ hiện nay cũng chỉ ngừa được một loại cúm khi mùa dich của cúm đó đã qua (!)) Vì vậy cách ly phòng dịch là biện pháp duy nhất khả thi HIỆN NAY trên toàn thế giới. Ở TRONG NHÀ: ĐỪNG CHẠY LUNG TUNG. HÃY NHỚ KỶ ĐIỀU ĐÓ!  Bố đói bụng ròi.... đi ăn cơm đây. Hi hi.
·       Dạ. Bye Bố. Chúc Bố ăn tối vui vẻ


Thứ Hai, 23 tháng 3, 2020

Giữ vững trận địa.




Bến Tre có ca nhiễm covid-19 đầu tiên! Suy nghĩ…


Cả thế giới đang oằn mình dưới tốc độ lây nhiễm covid-19. Chúng ta cũng vậy! Đến giờ này chúng ta vẫn còn an toàn, vẫn còn kiểm soát được dịch bệnh. Đó là nhờ công ơn của rất nhiều người. Đó là công ơn của các y bác sĩ, điều dưỡng viên ở các bệnh viện đang điều trị cho các bệnh nhân covid-19. Họ quá dễ bị phơi nhiễm, họ có thể phải làm việc đến bị kiệt sức, chỉ vì đó là trách nhiệm và lương tâm của họ. Đó là vô số bộ đội, dân quân, công an đang cố gắng khoanh vùng ngăn dịch, đảm bảo cho đồng bào chung quanh không bị lây nhiễm và cung cấp cho người bị cách ly những nhu yếu phẩm cần thiết để tồn tại trong mùa dịch, họ phải ở sát nách vùng báo động cao để giữ cho xã hội lớn hơn vẫn an toàn và hoạt động kinh tế không bị sụp đổ. Họ không có lựa chọn nào khác bởi đó là trách nhiệm của họ. Họ là những tiếp viên hàng không cùng phi hành đoàn vẫn phải lên những chuyến bay rất đáng sợ để đưa về từ vùng dịch những đồng bào muốn về tổ quốc để lánh dịch, lánh nạn. Sau mỗi chuyến bay là họ bị cách ly khỏi gia đình, con thơ vài tuần và họ có thể bị lây nhiễm chỉ bởi một sơ xuất nhỏ. Họ làm điều đó bởi vì đó là trách nhiệm và lương tâm của họ, tình thương của họ đối với mọi người. Còn rất nhiều, nhiều người khác trong bộ máy chống dịch của đất nước đang phải vận động hết sức, để giữ cho chúng ta an toàn, đứng vững trong cơn đại nạn này của nhân loại.

Nói cho hình ảnh đấy là họ đang “chống càn”, chống giặc, giữ vững trận địa bằng mọi giá trừ cái giá sinh mạng của người khác.

Vậy xin các bạn nhớ ơn họ một cách thiết thực bằng cách đừng cố ý hay vô tình đặt thêm lên vai họ gánh nặng nào khác. Xin các bạn đừng đòi hỏi nhiều quá. Đừng có nói tôi thèm cà phê StarBucks quá, hay thèm nho Mỹ, thèm táo New Zealand. Đừng chê khu cách ly không sang trọng hay thiếu một vài tiện nghi không mấy cần thiết. Đừng chê giường bộ đội nằm đau lưng. Đất nước vẫn còn nghèo, thậm chí rất nghèo so với nhiều nước khác vẫn đang khủng hoảng trong mùa dịch… và đất nước đang cố gắng giữ an toàn cho bạn bằng mọi khả năng của mình. Đừng than thở hạn chế đi lại làm bạn buồn quá! Những điều đòi hỏi-stressing đó là bình thường, thậm chí có phần đáng yêu, trong một cuộc sống bình thường. Nhưng bạn đang đứng trước một lựa chọn sống chết của nhiều người (và có thể sẽ là của bạn và người thân của bạn!), lựa chọn khó khăn của đất nước! Bạn là một trong số gần trăm triệu công dân của đất nước. Xin hãy cùng tôi là một phần trăm triệu của trăm triệu người đó. Xin hãy đứng cùng hàng với mọi người, đừng đòi hơn người khác!

***

Xin các bạn giữ bình tĩnh và nếu cần thì ngồi yên để chiếc thuyền nhỏ của chúng ta an toàn vượt qua sóng gió! Xin hãy tuân thủ những qui định về y tế, dịch tễ, hành vi xã hội để những người có trách nhiệm yên tâm chống giặc, chống càn!



Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2020

Vô đề.




Cháu ơi. Nơi đó hãy bình an nhé...





Không được đi học. Ở nhà mè nheo.
Minh Khang bị Má Tiên bắt đi tìm lá diêu bông !?
Còn ở đây:

Hì hì... mấy chú mấy bác chuẩn bị đấu với tụi Cô-rô-nà!
Hiệp sĩ gáo dừa tới rồi đây! Tụi bây nhào vô là tao cho biết tay!

Hình này chôm trên Net. Không xác định được bản quyền sáng tạo của ai
và của thợ chụp hình trứ danh nào!

Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2020

Một ngày giữa mùa khô hạn



Hôm nay....

  • Giữa mùa dịch bệnh, cách ly, khô hạn, nước mặn đắng. Trong vũng nước cạn đầy bùn sình còn mấy chục con cá sặc cá rô vẫn ráng sống thoi thóp chờ mưa.
  • Những đứa trẻ không tới trường để lánh dịch vẫn hồn nhiên chơi đùa... rồi chúng sẽ đi học lại và lớn lên!
  • Cây vẫn tiếp tục ra những chồi, lá non xanh tươi, thậm chí vẫn kết trái đầy cành.
  • Hoa vẫn nở....

Cái gì rồi cũng sẽ qua... cuộc sống vẫn sẽ tiếp tục như nó phải vậy...










Thứ Năm, 19 tháng 3, 2020

THÔNG TIN Ở ĐÂU ?


Trong cơn đại dịch toàn cầu này. Đứng trước nguy cơ bị con corona vô hình tấn công, người ta dễ bị tác động bởi các tin tức của các hãng "Thông tấn vĩa hè", "Bà Tám Facebook" hoặc "Cô Ba Youtuber" tác động. Phần lớn những thông tin đó thuộc loại tin lắp-ráp-đầu-cua-tai-nheo-mình-sư-tử-chân-lợn-lòi (thành một con quái vật hãi hùng!) hoặc phỏng đoán, hoặc theo các thuyết âm mưu, không dựa trên bằng chứng hoặc số liệu hay phân tích lôgic nào, mà kẻ đưa tin không hề nghĩ mình phải chịu trách-nhiệm-xã-hội hoặc y từ chối trách nhiệm đó. Nhưng vì vô số lí do bạn lại cần thông tin, và bạn có quyền đòi hỏi được có thông tin theo luật định. Vậy trong cơn bão những thông tin và số liệu chênh nhau trên toàn cầu, trên Internet, bạn phản ứng và lựa chọn thông tin như thế nào!?

***

1.   Nên biết các số liệu cập nhật trên các trang tin đôi khi chênh nhau do sự chênh lệch múi giờ và do việc mỗi nước cập nhật thông tin vào các giờ khác nhau.
2.   Thông tin số liệu thay đổi nhanh đến mức mà ngay chính quyền sở tại cũng gặp khó khăn trong việc cập nhật. Thuật ngữ sử dụng trong các bản tin đôi khi cũng gây nhầm lẫn. Trường hợp của Trung Quốc và Italia là một ví dụ điển hình.
3.   Thông tin có thể bất định và đôi khi mâu thuẫn giữa hôm trước và hôm sau do sự lúng túng, do chính sách và phương sách đáp ứng tình hình có thể thay đổi nhanh chóng của chính quyền sở tại. Những vấn đề về xuất nhập cảnh, cấm bay, cấm biên, giới nghiêm và phong tỏa có thể xảy ra hoặc thay đổi đột ngột. Thái độ của chính quyền của ông Trump là một ví dụ rõ ràng. Sự bất nhất của Trump, sự bất đồng - đôi khi "đốp chát"- giữa Trump và báo chí cũng như với các nhà khoa học Mỹ về tình hình cũng là một ví dụ!

***
Vậy gọi là tương đối tin cậy bạn có thể đọc ở đâu:

- Tin trong nước (và tiếng Việt): Bạn có thể theo dõi báo Tuổi Trẻ online (tuoitre.vn) Trang này luôn có bài cập nhật về "Dịch Covid-19 trong ngày xx-x" khá đầy đủ và tin cậy. Dĩ nhiên còn nhiều tờ báo khác cũng tốt nhưng đây là một trường hợp kịp thời, tin cậy được và tốt.

- Bạn nào có quan tâm về tình hình ở Mỹ: Bạn có thể theo dõi trang của CNN (edition.cnn.com). Trang này luôn có bài dạng live update (thậm chí update trong mỗi phút). Bạn có thể thấy ở đó các số liệu, dữ liệu, quan điểm của các nhà khoa học liên quan và cần thiết. Trang này cũng là trang mà bạn không phải trả tiền để được đọc đầy đủ thông tin. Dĩ nhiên bạn phải đọc được khá tốt tiếng Anh (kiểu Mỹ).

- Bạn nào quan tâm về tình hình "tâm dịch" ở Châu Âu thì có thể theo dõi DER SPIEGEL hoặc một số tờ báo lớn của Pháp như: Le Monde hoặc Le Figaro. Điều phiền toái thứ nhất là bạn phải trả tiền để được đọc đầy đủ một số bài viết (phần còn lại bị che mờ không đọc được). Mặc dù vậy bạn có thể chỉ cần đọc tóm tắt đoạn đầu của bài viết là đủ. Điều phiền toái thứ hai là vốn ngoại ngữ không cho cho phép bạn đọc được nguyên văn! Để khắc phục phiền toái này nếu bạn sử dụng Google Chrome thì bạn có thể yêu cầu trình duyệt này thực hiện việc dịch tự động qua tiếng Anh trang đang xem. Hoặc bạn đang sử dụng trình duyệt Cốc Cốc của Việt Nam (sử dụng mã nguồn của Google Chrome! Chất lượng tương đương Chrome!) thì nó sẽ - mặc định - dịch ngay sang tiếng Việt cho bạn. Bài dịch chưa hoàn hảo, nhưng trong chất lượng chấp nhận được.

- Số liệu cập nhật gần như tức thời (có thể tin cậy được và bạn cũng không phải đăng kí người dùng) về nhiều mặt của đời sống thế giới, trong đó có số liệu về dịch Covid-19: 

Worldometer - real time world statistics 
hoặc Coronavirrus Update (Live)

Trang này thì nhiều khi nó cập nhật nhanh số liệu đến... chóng mặt!

---------------------------------------------------------------------------------------



  • Bài này không nói các báo khác hay các trang nào khác là không đúng, không tin cậy!
  • Tôi chỉ nêu các trang tôi thấy tin cậy thôi mà! Xin hiểu dùm.







Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2020

Cảm ơn các nghệ sĩ



Đúng là nghệ sĩ có thể đem lại cho chúng ta niềm vui, nụ cười, yêu thương cuộc sống, nhẹ lòng
trong những hoàn cảnh, thời khắc u ám nhất của nhân loại.

Cảm ơn. Cảm ơn!





Dịch COVID-19 ngày 15-3: Ý thêm gần 3.500 ca nhiễm mới, Anh lên 1.140 người - Ảnh 2.
Một bức tranh tường ở bệnh viện Papa Giovanni XXIII ở Bergamo
- địa phương có nhiều người nhiễm COVID-19 nhiều nhất ở Ý,
là hình một y tá chăm sóc "đất nước hình chiếc ủng" bọc trong lá cờ Ý,
với thông điệp "Cảm ơn tất cả mọi người" - Ảnh: Il Giorno

Thứ Năm, 12 tháng 3, 2020

Toán học và dịch bệnh.




Suốt mấy ngày nay mình rất lo lắng vì dịch bệnh Covid-19, lo ngại sự bùng phát dịch tại Việt Nam mình. Điều đó là phải thôi, vì đây là quê hương mình, đồng bào mình. Cái gì đó ảnh hưởng đến sinh mạng của đồng bào (trong đó có gia đình mình), đến an bình no ấm của quê hương thì không lo sao được! Nhưng quan sát cách mà cả nước đang chống dịch mình cảm thấy có phần yên tâm. Những biện pháp quyết liệt và kịp thời đang được thực hiện. Tuy kết quả cuối cùng thì chưa biết! Chúng ta chống dịch theo tinh thần “Tận nhân lực, tri thiên mạng!”. Làm cho hết sức, bằng mọi khả năng có thể, chứ không chịu buông tay!

Nhưng mình còn lo lắng ở một chốn xa nữa. Nước Đức! Vì ở đó có hai con mình và đứa cháu ngoại rất đễ thương. Một nước Đức đẹp đẽ, trật tự và văn minh; một nước Đức của nhà toán học thiên tài Gauss; của nhà triết học Karl Marx mà mọi con người bị bần cùng và bị bóc lột – dù đồng ý với ông hay không - phải cần biết tới; một nước Đức của nhiều nhạc sĩ lừng danh như J. S. Bach, Beethoven, Wagner với những tác phẩm tuyệt vời; một nước Đức đầy lãng mạn và sâu sắc của Goethe, Hermann Hesse và Schiller. Và thậm chí nước Đức của một nhà phân tâm học nổi tiếng mà mình rất dị ứng: Sigmund Freud! (nói thật, đôi khi mình ghét ông này do mình có lí do để nghĩ ông này nói xàm!)


Nhưng hãy quay lại với lý lẽ. Người Đức vốn hay tư duy và hành động theo logic! Một thứ logic toán học khá lạnh lùng! Vâng, hãy cùng mình “tư duy” theo như những gì Thiên thần Angela Merkel (Angela có nghĩa là Bà Tiên đấy mà!), thủ tướng Đức, vừa trình bày hôm nay ngày 11/3/2020 về phản ứng của Đức trước tình trạng dịch đang lây lan nhanh chóng trong khối EU, đặc biệt là trong nước Đức. (Ở đây tôi xin mở ngoặc để nói rằng tôi không có ý định phê phán gì Bà Merkel hay chủ trương của nước Đức. Đó là chuyện nội bộ của nước Đức và có lẽ cũng là của khối EU. Chỉ có Bà Merkel đáng kính, với gánh trọng trách trên vai Bà, mới có quyền quyết định thế này hay thế kia. Tôi không có quyền gì trong chuyện đó đâu nhé. Tôi chỉ là người làm toán khá tò mò và làm thử vài phép toán, con tính liên quan mà thôi!).

Nào chúng ta làm toán nhé!

Giả thiết của bài toán thế này:
- Nước Đức có dân số hiện nay là 80 triệu người (con số này tôi lấy trên Wikipedia, chắc không sai số nhiều đâu).
- Ngày hôm nay là ngày 11/3/2020.
- Số ca nhiểm covid-19 hôm nay của nước Đức là 1565 người với 2 ca tử vong
- Phản ứng của Đức là:

  • Trong khi đó tại Đức, phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Berlin ngày 11-3, Thủ tướng Đức Angela Merkel dẫn lời các chuyên gia cho rằng hầu hết người dân sẽ nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2), và vì hiện nay không có cách chữa trị cụ thể, mục tiêu của Đức là làm chậm sự lây lan.
  • "Khi virus (corona) đang hiện hữu, người dân không có miễn dịch và cũng không có liệu pháp điều trị lúc này, vì vậy 60 tới 70% dân số sẽ bị nhiễm. Hiện nay quá trình ngăn chặn phải tập trung vào việc không làm quá tải hệ thống y tế thông qua việc làm chậm sự lây lan của virus", hãng tin Reuters dẫn lời bà Merkel.

(Trích bài đăng: Có hay không chuyện Anh, Đức chủ động cho dịch COVID-19 lây lan diện rộng? trên báo tuổi trẻ online ngày 11/3


-        Một giả thiết cần cân nhắc: Mỗi ca bệnh sẽ lây cho 1 người khác nữa sau 24 giờ. Riêng giả thiết này có độ ngờ rất lớn, tùy thuộc nhiều vào biện pháp phòng chống dịch của mỗi cộng đồng và cũng chính chỗ này mà Bà Merkel nhấn mạnh: Làm chậm sự lây lan! Giả thiết này là giả thiết trước đây khi dịch bắt đầu bùng phát tại Vũ Hán để ước lượng số ca nhiễm bệnh theo thời gian. Nếu những con tính dưới đây mà sai thì là sai từ chỗ này (gọi là sai số lan truyền - erreur propagande - trong phép tính)! Tức là chúng ta không thể trả lời chừng nào thì xảy ra ca kế tiếp nữa! Vậy thì chúng ta có lẽ phải chờ vài hôm nữa với các số liệu nhiễm bệnh và lây lan mới. Nhưng thời gian vẫn trôi và số liệu mới đó lại bất cập (trừ khi dịch bệnh đã được thanh toán và chúng ta làm việc với những số liệu thống kê cuối cùng). Vậy chúng ta “tạm” dùng con số đáng sợ này và nói rằng những tính toán dưới đây đều có thể sai bét nhè từ ở chỗ này này… Giả thiết này có nghĩa là dịch sẽ phát triển trong cộng đồng theo cấp số nhân mà công bội là 2. Các số hạng kế tiếp của cấp số đó tăng lên gấp đôi sau mỗi 24 giờ. Vì dịch chưa chấm dứt nên chúng ta cũng không có số liệu về thời gian trung bình mà một bệnh nhân được chữa khỏi. Do đó mình giả thiết thêm rằng:
-        Tỉ lệ lan nhiễm đó không thay đổi trong suốt thời gian được tính toán.
-        Không có bệnh nhân nào phải tử vong (Lạy Trời mình rất mong như vậy!)
-        Cũng không bệnh nhân nào hoàn toàn hết bệnh trong suốt thời gian tính toán, ie: (bệnh nhân đó + bệnh nhân mới) sẽ là tác nhân gây nhiễm tiếp tục trong suốt bài toán của chúng ta (Tôi cũng lạy trời thời gian tính toán của chúng ta sẽ ngắn thôi!)
-        Một cách lạc quan, chúng ta cho rằng chỉ có 60% dân số bị nhiễm mà thôi. Đấy là cận dưới mà Merkel nêu ra! Lạc quan đấy nhưng tôi cũng bồn chồn vì trong 3 đứa con cháu của tôi sẽ có thể có hơn 1 đứa bị bệnh (E hèm… 1,8 đứa đấy chứ!)

Câu hỏi là:

Tới khi nào thì chúng ta đạt được con số 60% đó?

Bài toán này đã được đơn giản hóa nhiều rồi để chúng ta – không cần khả năng toán học của Gauss – bạn nào quên mất tiêu ba cái công thức về cấp số nhân cũng có thể nhẫm tính được.

Nào chỉ làm toán nhân và nhẫm tính mà thôi!
60% của 80 triệu là: 48 triệu người.
Ngày 11/3:      1.565 (người)
Ngày 12/3:      3.130
Ngày 13/3:      6.260
Ngày 14/3:      12.520
Ngày 15/3:      25.040
Ngày 16/3:      50.080
Ngày 17/3:      100.160
Ngày 18/3:      200.320
Ngày 19/3:      400.640
Ngày 20/3:      801.280
Ngày 21/3:      1.602.560
Ngày 22/3:      3.205.120
Ngày 23/3:      6.410.240
Ngày 24/3:      12.820.480
Ngày 25/3:      25.640.560
Ngày 26/3:      51.281.120
Ngày 27/3:      102.562.240

Vậy 16 ngày nữa thì điều đáng sợ đó đã (có nguy cơ) ...!

Với các giả thiết trên, thì dù là lạc quan nhất, chúng ta cũng chỉ có không đầy một tuần để hành động trước khi hệ thống y tế, bệnh viện sụp đổ. Bài toán của Bà Merkel bây giờ là làm chậm sự lây lan: Làm sao để một người bệnh lây cho ít người càng tốt và thời gian lan nhiễm càng chậm càng tốt.

-        Giải pháp chiến lược của Việt Nam là cách ly ngay, điều trị cách ly ngay tức khắc. Tức là đưa công bội của cấp số nhân đó phải về bằng 0 nếu thời gian còn cho phép.

-        Còn Bà Merkel, không hiểu bà sẽ tính toán thế nào! Hởi con cháu của Gauss!

Thứ Ba, 10 tháng 3, 2020

Đa nghi thời Cô Vy 19.



Thời buổi mắc dịch, ai cũng lo lắng, ai cũng cố thủ trong nhà ngại ngần tiếp xúc hay đi đâu. Mình cũng không phải ngoại lệ.
Vậy làm gì với ngày dài tháng rộng đây?
Thì đi tới đi lui sửa chữa lặt vặt mấy thứ trong nhà. Thấy đường ra sau bếp buổi đêm tối om, phải ra đến bếp rồi mới bật được công tắc đèn. Vậy bèn nghĩ đến chuyện lắp đặt cho đường ra sau bếp một cái đèn cảm ứng để “vợ yêu” (sic) đi tới đi lui cho dễ, cũng tránh cho cô ấy có nguy cơ trợt té ở bậc tam cấp! Nghĩ tới là làm liền. Xách xe chạy ra một cửa hiệu bán thiết bị điện trang trí – gia dụng. Hỏi mua bộ thiết bị đèn cảm ứng di chuyển. Người đẹp trông cửa hiệu đang chơi với đứa con còn nhỏ. Cô ấy xinh đẹp, niềm nở và lịch thiệp giới thiệu cho mình vài loại thiết bị và nhãn hiệu khác nhau. Khốn nỗi tháng này trời nóng bức quá, trong cửa hàng thì không có quạt, mặt mày mình mồ hôi chảy thành dòng và tự nhiên hơi ngứa cổ. Lấy khăn mouchoir ra lau mặt rồi đằng hắng, khọt khẹt một tiếng. Cô ấy đột nhiên bước lùi lại, buông mấy tờ tiền giấy mình vừa trao xuống mặt quầy như bị phỏng, nhìn mình cảnh giác như vừa gặp phải quái vật (hay là hung thần!). Lấy tay đẩy đứa bé ra xa và chộp vội chiếc khẩu trang đeo lên mặt mũi! Ôi trời, mình phải bảo cô ấy là Bến Tre đang an toàn và nói đùa… tôi đang khỏe mạnh hơn cô đấy!
Thôi chắc không nên đi đâu cho yên!



Ngày dài quá, vậy thì tranh thủ mang bản Bi Khúc (Élégie) của Johann Kaspar Mertz ra tập trong những lúc buồn tênh. Chắc phải mất vài tháng mới tập xong bản nhạc khó trời ơi ấy. Khi nào hết dịch thì đàn cho bạn bè đến nghe chơi.









Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2020

XIN LÀM ƠN.







Cuộc họp khẩn của UBND TP Hà Nội bắt đầu lúc 22h30 tối 6-3, do bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền báo cáo trước cuộc họp cho biết bệnh nhân COVID-19 thứ 17 của Việt Nam, đầu tiên ở Hà Nội, là N.H.N., 26 tuổi, quản lý khách sạn, địa chỉ ở phố Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội, vào viện ngày 5-3 (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cơ sở Kim Chung). 


😟😟😟😢😢😢


Thiệt là tức mình! Như vậy công sức phòng dịch, dập dịch của cả nước, bao nhiêu tiền của nhân dân đổ ra, chịu đựng tổn thất kinh tế khôn lường suốt mấy tháng trời nay có nguy cơ bị đổ sông đổ biển!

Bà con ơi! Ai ở đâu làm ơn ở yên đó! Hạn chế đi lại hay tụ họp dùm cho. Không phải lúc để vi vu du lịch, sống ảo hay ăn chơi tụ họp!!! Đành rằng như thế là làm khó rất nhiều cho hoạt động kinh tế. Du lịch, đường sắt, hàng không, kinh doanh sản xuất, giáo dục đang chịu thiệt hại rất nặng... nhưng vẫn hơn là gây nguy cơ bùng phát dịch, tổn thất về con người!

Xin làm ơn tuân thủ các yêu cầu về cách ly và phòng dịch! Xin làm ơn! Tui năn nỉ bà con đó a!


Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2020

CÁNH DIỀU TUỔI THƠ





Chiều về.
Nắng hè đã dịu trước sân.
Gió chướng hiu hiu, nhẹ nhàng.
Ngước nhìn... bỗng thấy mấy cánh diều!


Tuổi thơ nào đang bay bổng, an bình?







Chú thích: Quên điều chỉnh thời gian! Đồng hồ của máy ảnh của mình chạy sớm hơn 1:30. Thực tế khi chụp là 18:05