Thứ Ba, 24 tháng 11, 2009

Sợ blog

(Hay Thơ gởi chị Ngọc Hạnh)


Thế là có một cái blog tôi vẫn xem hàng ngày đóng cửa vĩnh viễn rồi! Thế giới blog cũng nhộn nhạo như cuộc đời vậy, chỉ có điều nó không có biên giới hữu hình mà thôi. Khi tôi nhờ Google dựng lên cái blog của mình thì tôi chỉ định làm một thử nghiệm. Vào thời điểm đó tôi nghiệm ra rằng - trong thế giới Internet - người ta bỏ quên những người lớn tuổi. Cũng phải thôi! Trong đời thực khi anh có tuổi, và nếu anh có một chút tinh ý, là có thể nhận ra mỗi một ngày qua cuộc đời càng lúc càng xa mình. Này nhé, hãy nhìn những dòng xe đang chạy ào ạt ngoài đường kia. Tất cả bọn họ là những người trẻ. Họ đang chồm lên trong cuộc sống. Những người lớn tuổi ở đâu hết ha? Nếu họ còn đủ sức họ đang đi chậm rãi bên lề đường kia, tập thể dục để - với một chút hy vọng tuyệt vọng - kéo dài niềm vui được sống. Này nhé, ta vào siêu thị nhé. Cặp mắt của anh phản bội anh rồi! Hàng hóa được sản xuất và được chứa trong các bao bì chữ quá nhỏ mà anh không thể nào đọc được. Thị phần của những người già nhỏ bé đến nổi các nhà sản xuất không bỏ công ra để ý đến in bao bì sao cho ông già bà lão có thể đọc được mà không cần cặp kính (lở bỏ quên ở nhà/trong xe). Vào thời điểm đó trong thế giới công nghệ thông tin người ta đang tán dương tuổi trẻ, như chính cái tuổi trẻ của công nghệ này vậy. Ví như: Người trẻ thì tiếp thu công nghệ nhanh hơn, không vất vả quên tới quên lui một thao tác "dễ òm"! Người trẻ thì hào hứng kết bạn để chat, để trưng mình ra trên các mạng xã hội, để nhí nhố chia sẻ với nhau những trải nghiệm mới mẻ của cuộc sống số. Người trẻ là thị phần khổng lồ cho các sản phẩm công nghệ thông tin. Người lớn tuổi ở đâu vào lúc đó? Họ đang e dè nhìn thứ máy móc lạ lẫm có vẻ sẽ đe dọa những thói quen sống của họ... Và tôi dựng nên cái blog của mình để nói một thứ tiếng nói khác cái đang vốn có trong cuộc sống số. Điều kì diệu là khi tôi tiếp cận với chuyện viết blog thì tôi nhận ra mấy điều sau đây:

1. Blog rất có lợi cho những người lớn tuổi: Khi ta có tuổi tác, một trong các điều đáng sợ là sự suy giảm khả năng ngôn ngữ. Số lượng từ vựng theo tuổi tác sẽ giảm nhanh. Bình quân một người chỉ dùng khoảng 800 từ trong cuộc sống của mình. Chỉ các nhà văn do phải suy nghĩ và viết nhiều mới có khả năng sử dụng đến khoảng 3000 từ. Không biết có nghiên cứu khoa học nào về số lượng từ vựng của những người lớn tuổi không nhưng tôi áng chừng - sau khi ghi thử ra giấy - người lớn tuổi chỉ sử dụng khoảng trên dưới 200 từ mà thôi. Thể hiện rõ nhất điều này là người lớn tuổi hay ngập ngừng khi phải diễn đạt các ý tưởng trừu tượng hoặc tinh tế do phải gắng nhớ lại các từ vựng liên quan. Viết blog chính là một cách để duy trì khả năng ngôn ngữ, chống lại bệnh lãng trí.

2. Sự cô đơn: Người lớn tuổi dễ rơi vào cô đơn, hầu hết bạn bè của tôi đều như thế. Con cái chúng ta đều lớn cả rồi. Chúng phải sống cuộc đời của chúng, sống với công việc của chúng, sống với cái thế giới của chúng. Chúng phải ra đi khỏi mái ấm mà ta đã vất vả cả đời xây dựng cho chúng. Như chúng ta trong quá khứ vậy, chúng phải xây dựng cái mái ấm của riêng chúng ... để đến một ngày chúng cũng sẽ cảm thấy cô đơn khi cháu chúng ta lớn lên! Khi người ta chỉ sống một mình, may mắn thì còn cái phân nửa thứ hai kề bên, suốt những ngày tháng dài vắng lặng, thậm chí có khi cả tuần/cả tháng không nói chuyện với ai trừ nói với mấy con mèo, con chó trong nhà, thì người ta mới biết thực sự thế nào là cô độc/cô đơn. Khi đó blog là một cứu cánh tốt. Gần đây tôi thấy những blog do người lớn tuổi viết ngày càng nhiều. Tôi đọc thường xuyên - có thể nói là hàng ngày - khoảng trên dưới một chục blog loại đó: Blog Have a Daily cup of Mrs. Olson của một bà tự giới thiệu đã có 5 đứa con và 6 đứa cháu ở Utah-USA; Blog của Ông già Jumarao ở Puerto Rico; Blog trước đây của chị; .v.v. những blog mà tôi chưa bao giờ nêu lên trong mục Blog thích xem... Blog giúp chúng ta duy trì được mối quan hệ của mình với cuộc đời. Hãy nghĩ xem ở đâu đó trên thế giới này vẫn còn ít nhất một người vẫn chăm chú đọc mình, nghe mình, như tôi vẫn chăm chú đọc chị hàng ngày trước đây vậy, thì mình vẫn còn thuộc về thế giới này. Những buồn, những vui, những lo lắng của mình sẽ được chia sẻ. Quan tâm làm gì tới câu chữ - mình có tính trở thành nhà văn nhà thơ quái gì đâu - hãy viết như mình sống, mình thở, mình cảm nhận cuộc sống và ... để gió cuốn đi. Đừng đóng blog của mình lại, đừng đóng các comment lại, hãy để lòng mình mở ra. Sao ta quay lưng với bạn bè vậy? Sao ta quay lưng với người ta yêu? Sao ta quay lưng với người yêu ta vậy? Hãy yêu, hãy giận, hãy ghét, nhưng đừng đóng lại cỏi lòng mình! Chị không viết cái blog đó nữa. Lí do thì đã được chị phân trần trong cái mail gần đây nhất rồi. Tôi đã có ý định post cái mail đó lên đây với tiêu đề Thư từ Paris nhưng sợ chị không bằng lòng nên thôi. Ừ thì mình viết về chuyện con cái, sự lo lắng trước khi về hưu, chuyện các bà bạn đi gym, chuyện cái tay đau, nói chung là chuyện đời thường. Được quá đi chứ. Hay chị muốn viết chuyện chính trị! Ôi giời ... bỏ quách Robert Mugabée, quăng đi Sarkozy, mặc kệ Obama hay thậm chí Ông Nguyễn Tấn Dũng đi. Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào! Chuyện đó là của những người trẻ! Hãy để cho những người trẻ biết chịu trách nhiệm về tương lai. Chuyện gì thuộc phần mình trong cuộc đời mình đã làm rồi. Mình đã từng phải chịu trách nhiệm về lũ trẻ rồi. Bây giờ đến phiên chúng phải học bài học về trách nhiệm với cuộc đời, với lịch sử!


Tôi chờ xem, chờ nghe những tiếng nói từ xa xôi, vọng lại đây đó tiếng nói khẻ khàng, nhẹ nhàng, những câu chuyện của chúng ta: Buồn ... vui ... yêu ... ghét cuộc sống!

Thứ Hai, 23 tháng 11, 2009

Tuyệt cú





Thiên thu nhốt kín nỗi niềm
Đêm về bới mộng ta tìm bóng ta
Nỉ non dế dỗ trăng tà
Nghe buồn như tiếng hồn ta thở dài
......
......
TRÚC GIANG
(Trích khổ đầu bài thơ MAI VỀ của Phạm Trúc Giang )

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2009

Có ai biết không?

Có lẽ đây là hai câu thơ tình đau đớn nhất! Có ai biết lai lịch hai câu này không?

Bán sinh phong cốt lăng tằng tẩm
Nhất phiến u hoài chỉ vị khanh

(Nửa đời sương gió ngang tàng
U tình một khối vì nàng đấy thôi).
Hình như có nhiều dị bản, nhưng chỉ nhớ được
như vậy không biết có đúng không?

Thứ Hai, 16 tháng 11, 2009

Anh, em và thế giới.

***


Những ngày vắng em anh làm gì? Em vẫn thường hỏi như vậy mỗi khi em đi vắng hơi lâu. Thông thường thì anh sẽ làm ra vẻ hờ hững đáp: - Ờ, thì nấu hai bữa cơm. Anh ghét ăn cơm tiệm! Không có gì đáng chán và đáng sợ hơn là ngồi cô đơn trước một bữa cơm trong tiệm. Anh đã ăn quá nhiều những bữa cơm lặng lẽ giữa rất đông người như thế trong cuộc đời. Nỗi cô đơn trước bữa cơm sẽ biến thức ăn thành một thứ thuốc độc làm suy kiệt nhanh chóng trái tim của một người. Cho nên dầu thế nào thì anh cũng sẽ ráng chạy về nhà tự nấu cho mình một bữa cơm, dọn ra bàn một cách tươm tất, và tự nhủ mình đang ăn cơm trong một khung cảnh gia đình – mà thật ra giờ đây nhiều lúc chỉ có mình anh.

Anh làm gì trong một ngày dài vắng em!? Chính anh cũng ít khi để ý. Đã từ lâu anh đã đánh mất cái trước kia vốn là thói quen: lên lịch cho mọi hoạt động của mình. Gần hết một cuộc đời sống cho những tờ lịch, những kế hoạch, không chỉ lên lịch cho mình mà trước đây anh còn là người lên lịch cho nhiều người khác. Anh từng là một người có quyền lực – dù thứ quyền lực não nề đó cũng không có chi lớn lắm – và anh được quyền lên lịch cho cuộc đời nhiều người. Quyền lực đồng nghĩa với khả năng sắp xếp cuộc sống cho người khác, buộc người khác sống theo lịch trình của mình dù họ có muốn hay không. Có thể nhân danh cá nhân thần thánh hóa, biểu tượng hóa để có thứ quyền lực đó, đó là cách các vương triều vẫn làm. Có thể nhân danh số đông, nhân danh chủng tộc để làm điều đó, đó là cách để con người biện minh cho lí do nhiều cuộc chiến tranh, đó là cách quyền lực khuất phục ý chí của cá nhân và thậm chí khuất phục thân xác của tha nhân. Có thể nhân danh sự mặc khải về một sự phán xét cuối cùng, dựa trên nỗi sợ hãi về khoảng trống sau cái chết, dựa trên một lời hứa về thiên đường ở kiếp sau, một thiên đường mà không biết có ai đã tới đó chưa, vì chẳng có ai trở về để xác nhận! Đó là cách các lãnh tụ tôn giáo đáng kính đã làm. Có thể nhân danh thiên đường trần thế, ở đó rượu bia chảy như suối, thịt cá nhiều vô số, gái đẹp nõn nà, xe cộ sang trọng. Đó là cách các chú Pinokio thời thượng bị dẫn dụ vào cõi đào nguyên. Hay đơn giản hơn hết – trong trường hợp của anh chẳng hạn – nhân danh xếp trên nữa, nhân danh thế trên đe dưới búa để thực thi quyền lực, để chơi trò chơi quyền lực. Và riêng em, em nhân danh tình yêu để đòi anh nhớ đi ngủ đúng giờ - đừng có thức khuya, nhớ ăn cho hết các thứ em đã chuẩn bị sẵn trong tủ lạnh, nhớ mặc cái áo em đã ủi để sẵn, nhớ cho con cá chép trong hòn giả sơn và lũ mèo con mèo già của em ăn.
Hôm qua vắng em anh đã làm gì hả? Có một chuyện thú vị lắm, anh lang thang trên mạng, anh làm một kẻ cô đơn trên mạng, chờ coi có ai quen không cũng lang thang như mình. Không có ai cả, cái thế giới này vắng tanh, các blog quen thì có những bài cũ xì, thậm chí cái blog của cô bạn đáng yêu hôm nay cũng vĩnh viễn đóng lại các comment. Trong một web site có một cái thống kê rất ngộ nghĩnh: Top 100 most powerful people – Top 100 những kẻ quyền lực, đứng đầu là Barak Obama, rồi đến Giang Trạch Dân (Hu Jintao), rồi đến Vladimir Putin, có cả Osama Bin Laden nữa ở thứ hạng 37, và .v.v Chán! Những gương mặt đó thì có liên quan gì đến anh và em chứ. Top 100 quyền lực! Hồi năm ngoái năm kia đứng đầu chắc là Bush … bây giờ Bush về vườn rồi, cái bệnh phát ngôn trật vuột, theo tuổi già của Bush, chắc ngày càng nặng hơn! Hồi năm kia năm kìa chắc có bà đầm thép Thatcher trong danh sách. Bây giờ Thatcher chỉ là một bà già đau yếu, lãng trí, chờ tiếng gọi của thiên thu mà thôi. Em có nhớ mấy xếp của mình không? Mấy xếp đó bây giờ nằm trong lòng đất cả rồi. Đôi khi người ta tự an ủi mình: Hùm chết để da. Trời đất, một miếng da khô thì có ý nghĩa gì đối với thiên thu cát bụi! Mấy xếp thu hoạch cho mình vô số bằng khen, giấy khen. Mấy cái thứ đó bây giờ các xếp xuôi tay để lại cả rồi, chờ cho mối ăn mà thôi! À, đó là những kẻ từng có quyền sử dụng thời gian của kẻ khác, họ sống thêm bằng thời gian lẽ ra kẻ khác sống, nhưng rồi họ cũng hết thời gian. Con người là một con vật có tính xã hội, mỗi con phải tự nguyện đóng góp một phần quỹ thời gian được sống của mình vào ngân hàng thời gian – không có lời và cũng không được trả lại vốn, để cho mỗi con được cảm thấy mình là một phần của xã hội.
Anh thành một kẻ nổi loạn với thời gian rồi. Bây giờ ngồi một mình, chỉ một mình, thì thích làm gì là làm thôi, chẳng có kế hoạch gì hết!
…..
Mà thôi, hình như em chẳng thú vị gì với chuyện Obama hay Osama vớ vẩn này, anh đi xem trong tủ lạnh còn lại thứ gì đây!

Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2009

dưới trăng


Ta làm đạo sĩ
Ngồi thiền dưới trăng
Trăng tà nguyệt bạch
Cõi hồn hoang mang

****

Đôi dòng bát nhã
Nhiếp lòng đa mang
Ta làm đạo sĩ
Nàng ánh trăng vàng.

****

Tu không thành đạo
Nợ trần không tan
Tay rơi tràng hạt
Không quên hồng nhan

****

Xin tu kiếp nữa
Kiếp này bỏ hoang
Xin tu kiếp nữa
Sầu tình sẽ tan .

Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2009

Nói chuyện với ma.

Ngồi buồn nói chuyện với ma chơi.
Thơ thẩn nghe ma tỏ mấy lời.


(1)
Lão Tư hay nói chuyện với ma. Hàng xóm của lão kháo nhau như vậy để dọa mấy đứa trẻ hay vô vườn của lão hái trộm. Nhưng đó là chuyện xưa, vì bây giờ lão đã là ma rồi, không còn nghi ngờ gì nữa việc lão nói chuyện với ma.

Cục đất chỗ lão ở dễ sợ lắm. Ban đêm muốn tới nhà lão ai cũng ngại ngần. Phải đi qua một con đường nhỏ quanh co dài hụt hơi. Hai bên đường cũng có vài căn nhà nhưng do khu đất đó trước đây vốn là nghĩa địa được giải tỏa nên còn nhiều nhiều chỗ cỏ dại mọc um tùm. Cuối con đường có một cái miếu nhỏ phủ phía trước tấm màn che đỏ lòm, dòm vô trong thấy một bát nhang cắm đầy nhóc chân nhang. Trong miếu có một đôi câu đối chữ nho mà xóm giềng chẳng ai còn biết đọc, chẳng biết miếu thờ ai nhưng ai cũng e dè kẻ khuất mày khuất mặt nên nhang đèn cũng không đến nỗi hoang lạnh. Sập tối nào lão cũng ra thắp một ngọn đèn dầu tù mù đặt gần bát nhang. Trong đêm tối nhìn vô cái miếu hồng hồng mờ ảo ai cũng ớn lạnh.

Vườn của lão bắt đầu từ chỗ cái miếu cho tới bờ kinh. Căn nhà của lão ở cuối vườn, phía sau một rừng chuối xiêm và mít tố nữ. Lão sống hiu hắt với đứa con gái thất tình dở khôn dở dại. Lão lại còn cái bệnh đái tháo đường trầm kha, chân cẳng hay sưng phù nên ít muốn đi đâu. Thế giới của lão chỉ là từ cái miếu cho tới bờ kinh. Nói đáng tội, xóm giềng cũng có cho lão kéo về nhà một cái bóng điện. Lão để cái bóng đèn trắng ởn đó sáng suốt đêm mặc cho trước đây bà lão vẫn than phiền về tiền điện mỗi tháng.

Hầu như ban đêm lão không ngủ, đi đi lại lại âm thầm quanh quẩn. Một hồi thấy bóng lão bên song cửa, chút xíu lại thấy lão lặng lẽ cù rù bên vách sau, chẳng biết để làm gì! Đứa con gái đêm nào cũng mớ khóc gọi ú ớ tên tình nhân giữa tiếng ho khan sù sụ vì lạnh của lão. Ai hỏi vì sao không ngủ thì lão chỉ nói gọn tại không buồn ngủ. Mà nhân gian cũng kì, vì sao lại nói buồn ngủ? Người ta có vui, có thơ thới trong lòng thì mới ngủ ngon được. Còn như lão - trăm nỗi muộn phiền , buồn đâu từ đời ông bà ông vải truyền lại - buồn thì làm sao mà ngủ được! Không ngủ được thì làm gì trong đêm vắng đây? Không biết từ hồi nào lão lại mắc cái chứng độc thoại trong đêm. Hồi sinh thời bà lão hay càm ràm chuyện lão rù rì trong đêm nhưng từ khi bị lão quát: - Nói chuyện với cái đầu gối mà cũng bị bà cấm nữa hả! thì bà lão mặc kệ.


Đêm nay lão lại không ngủ. Lão ngồi bên cửa sổ mở ra vườn. Ngoài vườn tối om. Đêm im ắng, trừ tiếng gió chướng đi xào xạc trên ngọn cây - Để cửa mở cho mát mẻ, lão thường nói vậy. Lão thương con quá đổi, thấy con nhỏ đau khổ lão đứt từng đoạn ruột. Nhưng chuyện duyên số mà, cái dây xích thằng đâu phải muốn buộc vô ai cũng được. Mình thương người ta mà người ta không thương mình thì thôi! Đó là lão nghĩ như vậy nhưng cô con gái lại không chịu thế, bằng chứng là cô lại ú ớ nói mê kìa. Đã nói chuyện tình mà … dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng! Không biết cô nằm mơ thấy gì nhưng gương mặt của cô trong mơ nhíu lại một nét âu sầu khó tả. Cứ thức suốt như lão thì có khỏe hơn không, khỏi phải chịu đựng các giấc mơ nặng nề.
Bài này tôi viết về vài người quen.
Đoạn còn lại tôi viết vất vã quá vì tôi sợ
không khỏi xúc phạm đến người đã khuất.
Chỉ có điều tôi đã có đoạn kết như sau:
.........
Chỉ đến sáng khi con gái lão thức dậy, gọi mãi không thấy lão Tư đâu, đi ra sau nhà chỗ cái sàn nước thì thấy lão đã chết cóng ở đó từ hồi nào. Trên mặt sàn nước còn mấy cái bánh ít ướt sương đêm. Người ta nói - chẳng có ai kiểm chứng được – khi mở mấy cái bánh ít đó ra chỉ thấy toàn là đất và nước.
Dù sao tôi cũng sẽ cố gắng viết cho xong cái bi kịch còn lại,
viết cho xong cái bi kịch mà tôi đã lỡ biết và lỡ muộn phiền!
Đừng phiền nếu bạn phải chờ biết phần còn lại

Thứ Năm, 12 tháng 11, 2009

Sóng cuốn bài thơ

Cảm hoài


Gởi người tha thiết bài thơ tặng
Qua đò thơ chìm nơi nước nông
Sóng nhỏ nào ngờ đêm gió lặng
Cồn hoang đò lật ướt theo dòng.

Thứ Ba, 10 tháng 11, 2009

Một mình.

Em đi vắng mấy hôm sao lâu thế.
Tôi ngồi thừ, nhà trống gió mênh mang.
Bếp thiếu lửa, chén cơm tôi nuốt vội,
Đàn thì buồn uể oải chẳng nên câu.

***

Hồn chợt yếu vắng em sao lạnh quá.
Nắng ngoài hiên không đủ sưởi hồn tôi.
.....

Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2009

Mượn đở câu thơ

Đêm nay lại thức cả đêm, vì cái máy tính bị virus siêu đa hình hành hạ quá nặng, đến nỗi BKAV pro phải gởi riêng Vovescanner.exe để quét sâu toàn bộ các ổ đĩa. Mỗi ổ đĩa cần quét gần 2 tiếng thế là mất gần hết đêm. Trong khi phải chờ máy quét xong để làm report online gởi BKAV - không thể để công việc lại sáng mai được vì chỉ cần tắt máy là ngày mai có khả năng phải setup lại Windows do bị đánh sập kết nối Internet - bèn đọc lăng nhăng mấy cái blog quen thuộc. Định viết một bài mà rồi chữ nghĩa đi đâu hết không biết! Quay ra lấy tập thơ của Cao Thoại Châu đọc thì thấy điều mình muốn nói, muốn viết Cao Thoại Châu đã viết rồi (Mà còn sâu sắc hơn!). Thôi mượn mấy câu của đại ca Cao Thoại Châu đặt lên đây thay cho tâm cảnh của mình vậy:


Khi không tìm thấy thư tình
Tôi ngồi ôn lại bóng hình ngày xưa
Còn nguyên không thể xóa mờ
Mới như cơn gió thoảng qua rất gần

***

Xa nhau thì đã xa rồi
Hình như cũng có hai người nợ nhau
Sông sâu mắc nợ cây cầu
Con đò nợ bến khi nào trả xong

***

Hai người cách một mùa đông
Cách nhau một bếp than hồng thế thôi
Mùa đông vừa kịp tới nơi
Lá đi trốn nợ hai người khó mang.

***

Mênh mông nối tiếp mênh mông
Cành khô củi mục một dòng về xuôi
Bên này lở, bên kia bồi
Lòng tôi cũng sụp một vài chỗ theo

***
...................



(Trích: Cách một mùa đông. Cao Thoại Châu -Tập thơ Ngựa Hồng, trang 115)


Lòng tôi cũng đang sụp một vài chỗ khó mà lấp đầy đây!

Thứ Ba, 3 tháng 11, 2009

Tuổi già hiu quạnh...


(Ảnh của Duy).

TẢN MẠN VỀ NỖI NHỚ

1. Có nhiều điều bình thường chẳng ai để ý gì cho đến một ngày bỗng nhớ da diết điều bình thường vắng đã lâu ấy. Một người bạn cũ chẳng hạn, đã lâu không thấy hình thấy bóng, đột nhiên một hôm giở một tờ nhạc ố vàng còn ghi nguệch ngoạc nét bút bạn chú thích trên mấy nốt nhạc, làm nhớ quá tiếng đàn của bạn. Cuộc đời có biết bao nhiêu ngả rẽ: thời cuộc, chiến tranh, miếng cơm manh áo, hoặc giả chỉ là do mê say chân trời xa lạ nào đó mà đi biệt tích. Ban đầu chỉ là nỗi nhớ một tiếng đàn rồi cái nhớ cứ rộng ra dần như một vết dầu loang trong kí ức. Nhớ guitar recital đêm nào trong một quán cà phê gần đại học xá Minh Mạng. Mỗi người trình tấu một bản, chuyên nghiệp hay tài tử chẳng luận bàn, chỉ cốt gởi cho nhau nghe một chút tình. Lại nhớ thêm dáng đi gầy gầy của bạn trên con phố vắng thơm lừng hoa dầu một đêm tháng chạp lành lạnh. Hai gã trai vừa đi vừa hát:

Tôi đi từ lúc trăng tơ,
trăng một miền hoa cỏ…
Trăng lên từ cửa ô xa vẫn chưa mờ …(1)

Thời gian sao mà nhanh thế! Đi từ cái buổi trăng tơ đó tính ra giờ đã được 38 năm. Ba mươi tám năm của đủ thứ vật đổi sao dời, lòng người điên đảo. Trong buổi chiều vắng, ngồi một mình với bản nhạc cũ trên tay, vẫn nghe vọng lại từ xa thẵm vạn ngày tiếng dây reo nức nở của bản Sầu Chopin.

2. Hà Nội lãng mạn, hẳn rồi! Người Hà Nội nào mà không nhớ những phố đêm thơm mùi hoa sữa (dù thứ cây ấy đem trồng ở miền nam thì hoa tỏa một mùi nồng không chịu nổi). Người Hà Nội nào mà không nhớ Hồ Gươm với tháp Rùa trầm mặc, nhớ hồ Bảy Mẫu mênh mang mờ trong sương sớm, nhớ những mùa rét ngồi uống một chén chè lề đường đậm ngây ngất, kề bên một ông rít một hơi cái điếu cày rồi thong thả thổi ra một bụm khói thuốc lào đặc quánh. Hà Nội khác hẳn Saigon. Saigon ồn ào náo nhiệt, rần rần, vội vã. Tưởng như Saigon không có gì để nhớ, không có gì để lắng đọng. Vậy mà có một người ở Hà Nội nhớ Saigon quá đỗi!
Tôi trốn học đi loanh quanh trong Hà Nội, ngó nghiêng hồ này cảnh nọ. Mỏi chân, thèm thuốc thì nhớ ra đã bỏ quên bật lửa ở khách sạn. Ghé một cái nhà bề ngang nhỏ xíu chưa được hai mét, cái tủ kiếng đựng hàng cũng nhỏ xíu. Sợ người ta không nghe được giọng miền nam bèn lấy phương ngữ miền bắc ra hỏi – Này, chị bán cho tôi chiếc bật lửa. Lạ chưa, chị chàng nhìn tôi rất kì lạ, nửa như tha thiết, nửa như giận dỗi, mím môi một lúc mới nói được một câu: - Anh nói cái hột quẹt đi, em tặng anh hai cái liền! Ơ … đặc sệt giọng nam bộ! Cặp mắt của chị chàng long lanh chờ đợi: - Nói đi anh, nói cái hột quẹt đi! – Thì … bán cho tui cái hột quẹt! Trời ơi, một giọt nước mắt ứa ra, kèm theo hai cái hột quẹt đặt lên tủ kiếng là một giọng lí nhí thủ thỉ: - Em nhớ ở trỏng quá! Hồi đó em ở gần chợ Cầu Ông Lãnh! – Không về thăm nhà à! – Em theo chồng, chưa có tiền, mười mấy năm rồi chưa về.

Sầu tha hương nào mà không kèm theo nỗi nhớ, có khi chỉ là bắt đầu từ hai tiếng “hột quẹt”!



(1) Lời bài hát trong trường ca "Con đường cái quan" của nhạc sĩ Phạm Duy.