Thứ Ba, 3 tháng 11, 2009

TẢN MẠN VỀ NỖI NHỚ

1. Có nhiều điều bình thường chẳng ai để ý gì cho đến một ngày bỗng nhớ da diết điều bình thường vắng đã lâu ấy. Một người bạn cũ chẳng hạn, đã lâu không thấy hình thấy bóng, đột nhiên một hôm giở một tờ nhạc ố vàng còn ghi nguệch ngoạc nét bút bạn chú thích trên mấy nốt nhạc, làm nhớ quá tiếng đàn của bạn. Cuộc đời có biết bao nhiêu ngả rẽ: thời cuộc, chiến tranh, miếng cơm manh áo, hoặc giả chỉ là do mê say chân trời xa lạ nào đó mà đi biệt tích. Ban đầu chỉ là nỗi nhớ một tiếng đàn rồi cái nhớ cứ rộng ra dần như một vết dầu loang trong kí ức. Nhớ guitar recital đêm nào trong một quán cà phê gần đại học xá Minh Mạng. Mỗi người trình tấu một bản, chuyên nghiệp hay tài tử chẳng luận bàn, chỉ cốt gởi cho nhau nghe một chút tình. Lại nhớ thêm dáng đi gầy gầy của bạn trên con phố vắng thơm lừng hoa dầu một đêm tháng chạp lành lạnh. Hai gã trai vừa đi vừa hát:

Tôi đi từ lúc trăng tơ,
trăng một miền hoa cỏ…
Trăng lên từ cửa ô xa vẫn chưa mờ …(1)

Thời gian sao mà nhanh thế! Đi từ cái buổi trăng tơ đó tính ra giờ đã được 38 năm. Ba mươi tám năm của đủ thứ vật đổi sao dời, lòng người điên đảo. Trong buổi chiều vắng, ngồi một mình với bản nhạc cũ trên tay, vẫn nghe vọng lại từ xa thẵm vạn ngày tiếng dây reo nức nở của bản Sầu Chopin.

2. Hà Nội lãng mạn, hẳn rồi! Người Hà Nội nào mà không nhớ những phố đêm thơm mùi hoa sữa (dù thứ cây ấy đem trồng ở miền nam thì hoa tỏa một mùi nồng không chịu nổi). Người Hà Nội nào mà không nhớ Hồ Gươm với tháp Rùa trầm mặc, nhớ hồ Bảy Mẫu mênh mang mờ trong sương sớm, nhớ những mùa rét ngồi uống một chén chè lề đường đậm ngây ngất, kề bên một ông rít một hơi cái điếu cày rồi thong thả thổi ra một bụm khói thuốc lào đặc quánh. Hà Nội khác hẳn Saigon. Saigon ồn ào náo nhiệt, rần rần, vội vã. Tưởng như Saigon không có gì để nhớ, không có gì để lắng đọng. Vậy mà có một người ở Hà Nội nhớ Saigon quá đỗi!
Tôi trốn học đi loanh quanh trong Hà Nội, ngó nghiêng hồ này cảnh nọ. Mỏi chân, thèm thuốc thì nhớ ra đã bỏ quên bật lửa ở khách sạn. Ghé một cái nhà bề ngang nhỏ xíu chưa được hai mét, cái tủ kiếng đựng hàng cũng nhỏ xíu. Sợ người ta không nghe được giọng miền nam bèn lấy phương ngữ miền bắc ra hỏi – Này, chị bán cho tôi chiếc bật lửa. Lạ chưa, chị chàng nhìn tôi rất kì lạ, nửa như tha thiết, nửa như giận dỗi, mím môi một lúc mới nói được một câu: - Anh nói cái hột quẹt đi, em tặng anh hai cái liền! Ơ … đặc sệt giọng nam bộ! Cặp mắt của chị chàng long lanh chờ đợi: - Nói đi anh, nói cái hột quẹt đi! – Thì … bán cho tui cái hột quẹt! Trời ơi, một giọt nước mắt ứa ra, kèm theo hai cái hột quẹt đặt lên tủ kiếng là một giọng lí nhí thủ thỉ: - Em nhớ ở trỏng quá! Hồi đó em ở gần chợ Cầu Ông Lãnh! – Không về thăm nhà à! – Em theo chồng, chưa có tiền, mười mấy năm rồi chưa về.

Sầu tha hương nào mà không kèm theo nỗi nhớ, có khi chỉ là bắt đầu từ hai tiếng “hột quẹt”!



(1) Lời bài hát trong trường ca "Con đường cái quan" của nhạc sĩ Phạm Duy.

1 nhận xét:

Nguyễn Tấn Phúc nói...

Nỗi nhớ! Nỗi nhớ chạy dài theo năm tháng. Mình đã tới hồi “”già sinh tật”” rồi Anh ạ! Một chút bâng quơ, một chút xíu gợi nhớ có thể làm mình như nười mất hồn cả buổi. Thôi, chứ để cho những dòng sông trôi đi. Sông cứ trôi, cứ trôi. Hãy để cho những cơn gió cũ qua rồi đời vẫn mát. Để cho mỗi góc phố, mỗi con đường và cả những buổi chiều hò hẹn nằm trang trọng trong góc nhỏ của tim mình…