Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

BÃO...




Nửa đêm bứt rứt dậy nhìn bão ở quê nhà. Ở đây mình đang quá êm ái nhưng nơi kia, tận chân trời, quê xứ ta đang gồng mình trong cơn bão. Mỗi năm mấy cơn bão! Chỉ có lòng lo lắng và buồn thôi... chia sẻ được gì đâu!

Bão WUTIP - 6:32 (giờ Việt Nam)

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

SẮC THU



Mùa hè ở đây nhiều, rất nhiều, loài hoa nở rực rở và không gian thơm ngát mùi hoa oải hương, nhẹ nhàng mùi hoa hồng, nhưng có lẻ mùa thu mới là mùa nhiều màu sắc hơn. Trong khi chờ đón tàn tạ, hình như muôn cây lá đều rướn lên, cố gắng chắt lọc màu nắng đã ấp ủ trong mấy tháng hè, để tinh hoa phát tiết ra ngoài thành một thứ sắc diện diễm lệ buồn rầu của cơn hấp hối. Và khi lá xuôi tay, thở nhẹ một hơi cuối cùng, gieo mình trong gió, mùa đông đến!


Sáng nào thức dậy cũng ghé nhìn qua cửa sổ
xem lá của em đỏ tới đâu rồi. 
Em cây nhỏ ơi khi nào em đỏ hết lá 
thì ta từ biệt nhau nghe.





Nắng thu phai hay "Chiếc lá thu phai" !?

Chỉ đôi thông này vẫn xanh khi mọi cây cỏ
chung quanh đang dần chuyển màu.

Dưới bước chân người
những nấm nhỏ nhoi cũng nhuộm vàng.
Giáo đường Saint Dionysius....

Lối vào công viên  Heilbronn

Muôn lá vàng khô tím trong bóng chiều....



Mặc kệ chiều thu rất lạnh và nắng thu yếu ớt 
em này vẫn phong phanh chiếc áo đầy màu và sắc.

Màu chiều lạnh...

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

CƠM CHÁY.




Người quân tử mà lo nói chuyện ăn với uống thì kể cũng xấu mặt thiệt! Nghe nói trong sách xưa có câu gì đó đại loại … thư trung hữu nữ nhan như ngọc, ie: Quân tử cứ đọc sách đi thì thế nào cũng có lúc gặp người đẹp. Không biết mấy cụ ngày xưa cà rỡn thế nào chứ mình đọc sách cả đời rồi mà có bao giờ thấy có người đẹp trong sách bước ra đâu! Sách vở thì chỉ có mà hành hạ người đời! Mấy cụ nhà mình chắc là dóc tổ! Thôi không thèm làm quân tử nữa, hôm nay nói chuyện ăn uống vậy!  Tại vì hôm nay nửa đêm tỉnh giấc đột nhiên thèm ăn. Ôi trời nhớ miếng cơm cháy và ơ cá kho kinh khủng…

***

Hồi còn nhỏ đi học ở một cái trường nhỏ tí ở Đầm Dơi, Cà Mau. Lâu rồi không thấy một cái trường nhỏ tí như vậy nữa. Trường có hai phòng học nền đất vách ván nhưng sáng sủa và sạch sẻ. Nền đất nện phẳng phiu khô ráo. Không nhớ mái trường lợp như thế nào, chắc là lợp lá xé vì tứ thời bát tiết đều mát rượi. Bàn ghế trong lớp rất chắc chắn và sạch bóng vì Thứ năm nào cũng có giờ vệ sinh để bọn nhỏ đem lá chuối khô vào đánh bóng bàn học. Trường chỉ có hai lớp: lớp năm và lớp tư. Muốn học lớp ba thì phải đi ghe lên tận thị xã Quản Long, xa ngái! Sân trường rộng lắm, dĩ nhiên sân cũng chỉ là sân đất, không có hàng rào gì hết, giờ ra chơi có thể chạy xa tít mù mỏi cẳng thì thôi, thậm chí có thể chạy luôn về nhà. Giữa sân có cây coòng rợp bóng mát, trái của nó rụng xuống có cái vỏ ngọt lịm và hột đem rang thì ăn bắt ngây. Đi học mẹ mua cho cái cặp mỏng te, lâu ngày rách tứ tung banh tàng, lòi ra trong cặp một quyển vở mỏng, một cái bảng đen bằng thiếc, cục phấn trắng, một cây viết chì và một quản bút có ngòi bút lá tre tím ngắt. Bận cái áo sơ mi trắng cụt tay và cái quần xà lỏn đen, một tay ôm cặp tay kia xách tòn teng bình mực tím. Hồi đi thì mình mẩy sạch sẽ, hồi về thì mặt mày vằn vện, tay chân quần áo tèm lem mực tím!
Đường đi học ngang qua nhà một bà. Bây giờ không nhớ bà đó tên gì nữa mà cũng không nhớ rõ mặt. Bà hiền như một bà tiên vậy! Đi học ngang nhà bà, hay gặp bà ngồi bên cái chái nhà không có vách gì cả. Hình như bà nấu cơm tháng cho ai đó vì lúc nào cũng thấy bà phơi một nong cơm cháy vàng rượm… Thấy mình đi học ngang qua bà hay gọi: Thằng nhỏ, vô Bà Hai biểu! Vậy là dạ một tiếng nhỏ rồi vô đứng xớ rớ dưới chái nhà bà. Hôm nào bà cũng bẻ cho một miếng cơm cháy lớn bằng hai bàn tay có phết mở hành… thơm ơi là thơm. Cầm miếng cơm cháy vừa đi vừa ăn. Ăn hết miếng cơm cháy là đến trường, vô học!
Có một hôm không hiểu sao Bà Hai lại cho thêm hai con ba khía gói trong lá chuối. Thằng nhỏ khoái lắm, cất kỹ trong cặp. Hằng ngày trong lớp thằng nhỏ ngồi ở dãy bàn thứ hai nhưng hôm đó lại chạy tuốt xuống dãy cuối ngồi rúc ở đó. Ông thầy Mô không nói không rằng, lén lén coi trong giờ học mà thằng nhỏ làm gì ở dãy bàn cuối. Té ra thằng nhỏ với bạn nó ăn vụng ba khía trong giờ học (Ngon tuyệt đi chớ! Phải không?). Hết giờ học thằng nhỏ bị thầy dắt về tới nhà mắng vốn: Chị coi, nó ăn vụng trong lớp học nè! Nó ăn vụng gì vậy? Ba khía! … À há… mẹ tôi (và cả xóm nữa chớ) cười ngặt nghẻo. Cười nhiều đến nỗi - cho đến bây giờ - cơm cháy và ba khía trốn sâu luôn trong các giấc mơ của tôi!

***

Có cặp vợ chồng anh bạn. Họ sống âu yếm hạnh phúc lắm mặc dù thuộc kiểu rổ rá cạp lại. Dòng chảy cuộc đời của họ làm sao đó mà hồi còn trẻ yêu thương nhau lại… đi lấy người khác. Khổ chưa cái thứ tình yêu thời thổ tả! Mà thôi, chỉ cần biết bây giờ trong bóng chiều của cuộc đời, họ cảm thấy hạnh phúc là được! Qua thời thổ tả thì... được tới thời dịch vật cũng không sao!!!
Tôi cũng hay sống lẽ loi do bà nhà – lí do này lí do kia, lí nào cũng hợp lí - vắng nhà luôn. Sống một mình thì ăn uống gọn nhẹ. Một nồi cơm điện nấu một lần ăn một hai hôm, chỉ cần để điện hâm nó ấm là được. Một thùng mì gói cộng với vài cái lá cách ngoài vườn là thành tô canh đầy hương vị rồi. Thêm một món gì mặn mặn là được! Ăn để sống cho qua ngày chứ phải sống để ăn đâu mà lo quá cho mệt!
Anh bạn đó, chắc cũng nghĩ tôi lủi thủi ăn một mình thì buồn nên hay gọi đến nhà dặn đừng có nấu cơm, tới nhà ảnh ăn cơm… cho vui! Vợ chồng bạn không mời tới ăn cho ngon mà mời tới… ăn cho vui. Cảm động không chứ! Ăn cho vui!  Ảnh biết tính mình nên lần nào tới ảnh cũng lo đi nấu riêng – bằng củi - một nồi cơm nhỏ có cơm cháy ăn với cá kho! Ngon thiệt là ngon… Mà không, phải nói vui thiệt là vui!.... Cũng không đúng… vì hai vợ chồng ấy họ đều có vấn đề về tim mạch và tiêu hóa nên họ hầu như ăn chay, thậm chí chị vợ có ngày chỉ uống nước mà thôi, vui gì nổi! Họ chỉ nấu cho tôi và ngồi im lặng vui vẻ nhìn tôi ăn… Vậy thì không phải nói ngon, không phải nói vui, phải nói … ăn trong cảm động rưng rưng!

***


Vậy đó, một miếng cơm cháy, chỉ một miếng cơm cháy thôi, cũng có thể là thứ tình yêu làm cho người ta rưng rưng được phải không !?



Tiếng sáo...



***





Một chiều xưa trăng nước chưa thành thơ ...



(TRƯƠNG CHI. Nhạc Văn Cao - Tiếng hát Ánh Tuyết)


eùf

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Dấu rêu




Nắng trên mái rêu

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

Một ngày đầu thu ở Neckarsulm.




Cây hạt dẻ 
quán Kaffeehaus Excellent.

Mưa hoài suốt hai tuần, lúc nhè nhẹ lơ thơ những sợi mưa phùn, lúc nghe mưa đi rào rạt trên mái nhà trong tiếng gió giá buốt, bầu trời lúc nào cũng xám ngắt buồn rầu! Thỉnh thoảng cũng lộ ra một chút mặt trời, nhưng là một thứ mặt trời rụt rè, "một chút mặt trời trong nước lạnh", chỉ càng làm cho người thêm tê tái. Không biết Chúa cũng rét hay sao mà những ngày thế này tiếng chuông của giáo đường gần nhà nghe cũng xa xôi và có vẻ sắc lạnh hơn! Và hình như Chúa cũng dậy trễ hơn! Sáu giờ sáng mà hãy còn tối lắm và ít khi nghe được hồi chuông sớm, không biết tại mình ngủ quên hay Chúa cũng muốn ngủ nướng trong những ngày thu buồn như vậy! Có khi Chúa cũng ước chi lại thấy một ngày nắng đẹp!
***
Thế nhưng hôm qua, sau một lúc sương mù sớm mai, trời chuyển nắng hanh, rét ngọt. Nắng bỗng dưng trong như pha lê. Nhìn qua cửa sổ thấy tán lá cây hạt dẻ mọc phía bên kia tường thành cổ đã ửng đỏ màu gạch cũ. Không khỏi liên tưởng dưới tán cây, trên vĩa hè rộng đầu đường Markstraße, chắc đang phảng phất mùi thơm ấm áp của quán Kaffeehaus Excellent. Đi ngang quán này hoài nhưng rất tiếc chưa bao giờ có ý định ghé vô, dù mùi thơm cà phê arabica xuất xứ từ Kenya của nó rất quyến rủ. Đã quá quen với giọt đắng cà phê robusta của Việt Nam mình rồi thì khó mà thích ứng được với "thứ nước đường nhạt có mùi cà phê" này (ngay cả khi nó mang thương hiệu Starbucks đi nữa!). Ngoài trời khá lạnh, chừng 8 độ C, nhưng màu nắng đẹp quá, không gian đẹp quá, thôi thúc phải mặc ấm một chút rồi xuống phố đi ngó nghiêng thứ nọ thứ kia...


Ban đầu đi ra quảng trường Marktplatz để xem chợ phiên có gì hay, nhưng hôm nay chợ phiên lèo tèo chẳng mua được gì nên bèn thả theo mấy con phố đến suối Sulm. Trên đường đi, gần đâu quán El Mojíto, ngạc nhiên vì hôm nay có cả một đám hoa mẫu đơn Nhật Bản nở rộ trắng muốt. Màu hoa trắng tinh khôi, không gian tinh khôi, và lòng tôi cũng tưởng như được lọc sạch tinh khôi.

Gần suối Sulm và gần xóm Hy Lạp, trên đường Bleichstraße có một khóm vườn nhỏ, hôm trước đã thấy nhú lên mấy cái hoa krokos. Đây là một loài hoa xuất xứ từ Hy Lạp, nở khi chớm thu. Mỗi hoa có ba tua nhụy mỏng manh được lấy phơi khô làm gia vị, thuộc một trong những loại gia vị cực sang và cực đắt. Mình không quan tâm lắm tới chuyện gia vị sang hay đắt nhưng mình rất muốn nhìn rõ mấy tua nhụy của nó khi mãn khai. Hoa mọc thẳng lên từ đất khô và lạnh, trông rất đặc sắc. Thần thoại Hy Lạp kể rằng Krokos là bạn thân của thần Hermes. Một ngày nọ trong lúc chơi trò ném đĩa với nhau, Hermes đã ném nhầm đầu Krokos. Chàng trai trẻ ngả xuống chết và ba giọt máu của chàng đã rơi vào tâm hoa, biến thành tua nhụy của đóa hoa từ đó mang tên chàng. Hôm nay mấy đóa hoa đã mọc cao khỏi đất lạnh nhưng hãy còn e ấp chưa thấy được ba dòng máu của chàng Krokos. Hẹn vài hôm nữa sẽ trở lại vậy...




*
Hôm nay suối Sulm nhiều nước. Trong không gian yên tĩnh muốn được đứng mãi trên cầu để nghe tiếng suối chảy róc rách miên man. Nắng đẹp mơ hồ. Những vạt nắng thưa, vừa nhẹ vừa mỏng, soi qua dòng nước trong, tới thấy cả những tảng đá dưới đáy. Không thể nào không nhớ tới bài hát của Văn Cao: "... Từng hẹn mùa xưa cùng xây nhà bên suối. Nghe suối róc rách trôi hoa lừng hương gió ngát. Đàn nai đùa trong khóm lá vàng tươi...". Ở đây, bên bờ suối này, cũng có căn nhà đúng như thế, đẹp giản dị và lãng mạn như thế! Không phải của Văn Cao, cũng không phải của mình. Hiện thực này có phải chỉ là giấc mơ, chỉ là ảo ảnh, chỉ là phù vân ?! Ở đâu hồn người nhạc sĩ tài hoa ngày đó trong bước đi nhẹ của gió bên dòng suối kia?! Ơi người ơi... một hôm nào dòng suối sẽ khô, ngày thu sẽ qua, bóng nắng mờ phai, người đi mất dấu, rồi còn lại gì!?






***


Bên kia suối, song song với bờ thành cổ, thu đã nhuộm vàng lá vài ngọn cây trong công viên. Thu chỉ vừa sang, lá phong vẫn chưa đổi màu. Chừng nào mới thấy "rừng phong thu đã nhuốm màu quan san"? Chừng nào lá rụng!? Chừng nào lòng thu mới ngang ngữa cơn sầu!





Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

Thơ và nhà thơ...

Cao Thoại Châu



Rắc rối đời con trai
Rắc rối đời con gái
Một cộng một thành hai rắc rối
Hòa vào nhau thành một nhiêu khê
Ghé thăm nhau rồi lại ra về
Chân nhỏ làm thành đường đi trọn kiếp

Tà áo mỏng làm sao đủ ấm
Cách xa nhau không một ngày vui
Sông vì vậy chảy vòng quanh núi
Non cao làm nguồn nước về xuôi

Rắc rối đời ngôn ngữ chênh vênh
Rắc rối đời kẻ làm thơ chơi trò nghiệt ngã
Những buổi chia tay sầu phủ kinh thành
Cung nữ cũng buồn như vua chúa

Những cây cầu bị dòng sông từ bỏ
Vô công đi nối lại hai bờ
Sầu nay đem nối sầu xưa
Hai sầu cộng thành hồn thi sĩ!

Lấy của nhau những điều có thể
Bâng khuâng còn lại những điều không
Khi nhà thơ ra đứng trong vườn
Ông ấy chẳng khác gì cây cối

20-9-2013
  
Đọc bài thơ mà không hiểu gì ráo bèn hỏi nhà thơ:

Không biết tiểu đệ có quá tệ không!!! Nhưng tình thiệt tiểu đệ không hiểu và cũng không cảm được ý của bài thơ này! Không biết đại ca có định theo trường phái văn học phi lý hay không vậy? Nếu được đại ca giải thích - dù có bị rầy rà một chút - thì cũng rất cảm ơn (và cảm kích!)


Thì được Cao Thoại Châu trả lời như vầy:

Thì thế đó! Hãy tửng tửng sẽ hiểu và cảm!


Trời hỡi, làm sao cho tưng tửng! Ơ hơ... định cầu viện tới Bùi Giáng, nhưng Bàn Dúi lại đi chỗ khác chơi rồi! Thì thôi, cảm thán một chút vậy...

Chữ chảy vào câu chữ chết chìm
Bài thơ nằm chết giữa vườn tiên
Ba năm đất mọc cây tưng tửng
Ra trái tinh cầu, lệ hoa viên!

***



Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

Học từ cào cào và hoa dại




Mấy bông cúc này chụp bên lề đường
"Đất dạy cho ta nhiều hơn bất cứ thứ gì, vì đất cưỡng kháng lại ta...". Câu đó là của Saint-Ex ngay trong dòng đầu tiên của tác phẩm Cõi người ta (Terre des hommes). Saint-Ex là một nhà văn vĩ đại vì vậy tôi không có ý định thêm vào đó điều gì lộng lẫy hơn! Chỉ có điều khi nhìn xuống đất thì tôi thấy cào cào và hoa dại! Và chỉ cào cào và hoa dại cũng đủ dạy cho ta bài học sống hạnh phúc! Tôi yêu những thứ hoa dại. Đi đây đó, trên đường xuôi ngược, tôi mê đắm những thứ nở e ấp, khiêm nhường bên đường. Những thứ hoa dại đó nhắc cho tôi nhớ bản thân sự sống đã là ý nghĩa đầy đủ cho sự sống... và cuộc đời ơi, tôi yêu người ngay cả trong những khổ đau nhất mà tôi từng trải! Những ảnh tôi chụp đây chỉ là những hoa dại mà tôi gặp trên bước đường. Không mấy người dừng lại để nhìn một đóa hoa dại! Hoa dại ơi có sao đâu, góp một chút sắc màu cho cõi tạm tự thân nó đã là một niềm vui thiên thu...!

Có vẻ như đây là đóa bồ công anh cuối mùa.
Mọc dại bên hông lề đường công viên 

Bồ công anh sau khi đã tàn!
Chờ gởi cho gió những đóa hoa mùa sau.

Cúc dại ...

Pensée mọc dại...

Em cào cào ơi, em chơi có vui không!!

*******

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Ruộng hoa.




Hoàng tử bé xem ra ưng ý với chú ngựa tơ!
Ngựa yêu ơi,
Bờm phất lên,
Tung vó lên,
Bay tới những tinh cầu!
  • Chiều nay trời bớt mưa dù hãy còn rất âm u. Cả nhà bèn đi chợ phiên ở Bad Wimpfen. Chợ phiên này chỉ bán đồ cũ của trẻ em (babybasar). Chợ rất đông. Chưa tới chợ mà đã thấy dài dài không còn chỗ đậu xe, hóa ra dân Đức cũng khoái đồ second-hand. Mua được cho cháu ngoại con ngựa gỗ cũ nhưng hãy còn rất tốt. Trên đường về gần Untereisesheim thấy một cái ruộng hoa hãy còn nhiều hoa rất tươi, rất đẹp. Ghé vào cắt một bó hoa về chưng...





Blumen selbst schneiden (Hoa tự hái...)


Ở đầu ruộng có bảng giá:

- Lay-ơn 60 xu một gốc
- Hướng dương 60 xu một gốc
- Các thứ khác 20 xu một gốc.

  • Mua 10 tặng 1
(Có cái kéo cắt hoa để sẳn ở đây...)
Làm ơn tự tính tiền rồi bỏ vào cái khe phía dưới.


Lay-ơn, hướng dương, hoa cúc và thược dược


Có lẽ là của nông trại đằng kia 
nhưng không thấy ai trông ruộng cả! 
Có lẽ trời lạnh quá nên chủ nhân trùm mền rồi!













Tự chọn, tự cắt, nếu thích thì nhổ nguyên bụi cũng được...

Tác phẩm sắp đặt của ngày hôm sau...

***