Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Tháng 7 vu lan




Thưa ba, thưa mẹ, con đã về.






Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012

Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

Trong chiều dần im hơi....

Trong chiều dần im hơi 
Người ngồi thương nhớ bao ngày vui 
Một ngày xưa cũ 
Đời còn đang tơ.... 
Là ngày hai đứa chúng ta còn thơ...



Nắng xuống chiều lên sâu chót vót...
(Tràng Giang - Huy Cận)

... Đường chiều êm.

Bồng cháu ra xem vườn nho...

Hẹn một mùa trỉu quả...

Chòi trong ruộng nho... 

Với bụi hoa hồng rất xinh...

Ngồi yên lặng trong chiều êm... !
"Hồn ta như vạt nắng, theo làn gió đìu hiu..."
Đêm dần buông.
Dưới lũng kia mơ hồ một chút tà huy còn sót lại!

***
***********************************



(Célèbre  Valse - Johannes Brahms.
Lời Việt (Mối tình xa xưa) của Phạm Duy - Thái Thanh trình bày)

**-----------**

Thứ Ba, 21 tháng 8, 2012

Làng Erlenbach.






(Làng này, rất đẹp, đẹp như thơ, 
nằm trên một sườn đồi, 
sản phẩm chủ yếu là nho và đủ thứ rượu nho. 
Đây là đêm lễ hội rượu vang của làng)

Giếng làng....

Dọc đường làng có rất nhiều tượng.
Dân làng rất ngoan đạo.

Đường trong làng hoa cỏ với mùi hương.
Cối ép nho cũ cách điệu thành chậu hoa.

Dàn nhạc tài tử của làng trong đêm lễ hội rượu vang.
Văn nghệ quần chúng nhưng hay ra phết!



***

Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

Dễ thương Strasbourg.




Tính tới tính lui kể như không qua Pháp được! Mặc dù bà chị bên ấy trông mong quá chừng, nhưng thời gian còn lại quá ít và cũng bận bịu. Cũng không phải bận bịu gì nhiều! Chỉ là một tí thì cháu ngoại khóc e e, một tí thì đòi bú, và một tí thì ông ngoại bà ngoại phải chộn rộn bồng ẳm hát ru vậy thôi. Thằng bé nhỏ tí cũng ngộ! Được sinh ra ở trời tây xa tít nhưng lại mê hát ru thấy sợ. Ca dao Việt Nam mình thì thường thường là... buồn thấy mồ! Ví như ầu ơ "Ví dầu cầu ván đóng đinh..." nghe buồn trắc trở làm sao đâu, còn câu "Gió đưa cây cải về trời... " thì buồn mênh mông thăm thẳm! Hình như nhà văn Thạch Lam - nếu mình nhớ không lầm - có viết cái truyện kể cô chị ngồi đưa em ngủ, chỉ lắng nghe tiếng ru của chính mình thôi, mà cô cũng đủ buồn rơi lệ! Chỉ cần bà ngoại hát ru ví dầu vài câu ca dao là cái miệng còn chút xíu như con chim con lại chúm chím như cười và ngủ êm ái ngon lành trên tay bà ngoại, mặc kệ trước đó dù má nó ra sức hát đủ thứ tiếng tây tiếng u thì nó cũng cứ khóc ngằn ngặt! Vậy dù chỉ bảy tám trăm cây số nữa thì tới Paris mà đành gác qua dịp khác thôi! 

Nhưng ở đây muốn ăn món Việt Nam xem ra hơi khó. Ở Heilbronn có một cái "siêu thị" nhỏ tí cũng bán thực phẩm Việt nhưng muốn ăn tới những món độc như rau muống nấu canh chua nghêu, hột vịt lộn, khổ qua, mắm cá linh, mắm thái hay kiếm chai nước mắm Phú Quốc loại ngon thì... phải đi hơn 200 cây số qua Strasbourg vậy. Ở đó có siêu thị PARIS STORE có gần đủ những thứ của một cái chợ Việt thông thường và nhân viên bán hàng toàn là người Việt. Qua chỗ đó nghe tiếng Việt vui tai lắm! Ừ... thì chạy qua Strasbourg.... coi như cũng là qua Pháp! Một công đôi chuyện, đi du lịch kiểu ba lô thăm ít chỗ Strasbourg luôn vậy!

"Bên cầu biên giới tôi lặng nghe dòng đời..." (*): Sông Rhine. 
Trước mặt là Strasbourg và... Paris,
nhưng phải chạy tới... khuya mới tới Paris!
Mình không phải người Pháp nhưng nền văn hóa Pháp thì nó thấm khá sâu trong người qua những bài học từ thuở nhỏ nên vừa mới qua khỏi biên giới Đức - Pháp thôi cũng đã cảm thấy bồi hồi! Lại có thể đọc hiểu những biển chỉ dẫn mà cả tháng trời trên đất Đức đã làm mình vật vả lẫn hồi hộp vì không biết nó chỉ dẫn cái gì. Không hiểu những bảng chỉ dẫn lắm khi trở nên nguy hiểm dù chỉ là để... đi bộ! Ví dụ mình thấy ở Đức thì người Đức khi sắp vào giao lộ luôn luôn để ý nhường người đi bộ qua đường trên vạch băng qua đường, đặc biệt ở trong vùng ưu tiên đi bộ, đi xe đạp  - gọi là zone 30 - tài xế luôn chạy dưới 30 cây số giờ và từ xa khi thấy bạn sắp qua đường thì chắc chắn họ sẽ lịch sự dừng xe chờ cho bạn qua xong. Từ đường nhánh vào đường lớn hoặc gặp giao lộ đồng cấp tài xế luôn để ý xe ở bên phải lẫn bên trái của đường cắt ngang và họ sẽ không vào giao lộ chừng nào trên đường cắt ngang còn thấy xe trong tầm mắt. Hình như ở Pháp không phải vậy, tài xế từ trong đường nhánh thản nhiên vù ra - dù họ cua sát lane bên trong - rất đáng sợ. Vì vậy chạy trên đường cứ thấy bảng chỉ dẫn - không thấy ở Đức bao giờ - "CÉDEZ LE PASSAGE"  (Xin chú ý nhường đường!) để tránh bị tông vô hông cái rầm! Và mấy ông Pháp thì cũng rất kì cục trong cái vụ bảng chỉ dẫn. Coi cái hình chụp dưới đây - ở một giao lộ của Strasbourg - là tức cười...
Biển báo ở trên cùng : Hướng vào đường cao tốc A4, A35;
Biển thứ hai: AUTRES DIRECTIONS (Những hướng khác!);
Biển thứ ba: (Place de la République) Quãng trường Cộng Hòa;
Biển cuối cùng: Bưu Điện (Bureau de Poste).
Bạn có hiểu được cái biển thứ hai nói gì không!? Tôi thì chịu!
Đây là một ví dụ tuyệt vời về khả năng của người Pháp
để làm một thông báo "bự chành oành" mà không chứa chút xíu thông tin nào!
Đến nơi đây cũng nhớ lại nhiều điều nằm sâu trong kí ức được học mấy chục năm trước. Nhớ vùng này (vùng  Alsace-Lorraine) có một con vật được yêu mến là con cò, bởi vì đây là con vật sẽ trở về mỗi năm khi mùa xuân đến, để làm tổ trên mỗi ống khói. Đây cũng là vùng giành qua giật lại giữa người Đức và người Pháp. Và nhớ câu truyện cảm động nhất - trong số những câu truyện cảm động đầy chất thơ được viết bằng một lời văn hết sức nhẹ nhàng trong sáng - của nhà văn Alphonse Daudet: truyện "Buổi học cuối cùng".

Strasbourg đang trong những ngày cuối hè nóng nhất trong năm, và mùa thu cũng đang lấp ló trong màu cây lá. Nếu nước Đức cho ta cảm giác mọi thứ đều được sắp xếp, chăm sóc chỉnh chu thì nước Pháp cho ta cái cảm giác phóng khoáng, tự do, thân mật và đôi khi có một chút hài hước. Mình không đủ thời gian để thăm những thứ "chính qui" hay "đáng xem" của Strasbourg như gợi ý của các tua du lịch. Mình chỉ đủ thời giờ lang thang một chút góc này một chút phố kia để khám phá những thứ vốn là đời thường của nó. Và như vậy mình khám phá ra khía cạnh dễ thương của Strasbourg. Cái "khía" dễ thương nằm ở những tên đường, tên phố. Những tên đường tên phố làm mình nhớ "Hà Nội băm sáu phố phường / Hàng gạo, Hàng đường, Hàng muối trắng tinh,..." Ở đây cũng vậy mình lang thang để bắt gặp phố Do Thái (Rue des Juifs), phố chợ cá (Rue du vieux marché aux poissons) dẫn xuống một cái bến đò dọc giờ đây chỉ chở khách du lịch, phố hàng mộc (Rue des charpentiers), phố học trò (Rue des étudiants), thậm chí có một con phố nhỏ tên Phố heo sữa (Rue des cochons de lait). Những con hẻm nhỏ xíu, cũ kĩ, gợi lên niềm thân mật. Cả trên một cái quảng trường lớn trước nhà thờ Đức Bà lừng danh cũng chỉ có mấy cái khách sạn 3 sao và mấy cái  café-terrasse hẹp té, chật chật. Ồ... tôi yêu cái vẻ cũ kĩ nhỏ nhắn đó. Và khi ngồi trầm ngâm bên tách café Viennois thơm nhẹ, nhâm nhi với kem bơ ngọt dịu trước quán La Cigogne (với giá rất bình dân!), nhìn nắng hắt trên sa thạch màu hồng tía của các pho tượng nhà thờ Đức Bà, để lòng vang lên bản nhạc Come back to Sorriento chen lẫn với tiếng ngân nga của thánh ca, thì cũng đủ để trở thành khách giang hồ thiệp liệp!    


Chào Strasbourg.
Đang ngày nắng đẹp nhưng em có thấy đã chớm thu?

Con kinh này nước đang còn trong xanh nhìn tới đáy
nhưng hàng cây bên bờ đã bắt đầu ngả màu
. 
Mới chớm thu thôi.
Lá chỉ mới trở mình.
Vàng thu còn đợi
Sao nàng thiên nga này đã cô đơn!
Tạm quên một chút năm tháng mùa thu
để sống lại đời tình nhân.
Chợ đồ cũ. Giống y một góc phố của Saigon!
Sân trước Nhà thờ Đức Bà (Parvis de la Cathédrale Nôtre-Dame de Strasbourg).
Có cái quán cà phê tên Con Cò (La Cigogne)
mà không thấy cò đâu hết.
Trên một cái ống khói có một cái tổ cũ xì mà cò bay đâu rồi!?
Nhà thờ được xây dựng bằng sa thạch hồng có vân tím.
Một phần hình chụp bên cánh phải của nhà thờ Đức Bà
cho thấy sự phong phú và phức tạp của điêu khắc trang trí.
Nhà thờ cao 142 mét nên du khách khó mà tìm thấy
một góc chụp được toàn thể (nhà thờ).
Bấm vào đây để xem: Thông tin chi tiết về nhà thờ (tiếng Pháp) (hoặc tiếng Anh).
hoặc nếu bạn muốn viếng nhà thờ (vidéo sphénoramique)

Tình nhân dưới bóng giáo đường.
Phố chợ cũ (Hàng cá) - RUE VIEUX MARCHÉ AUX POISSONS



Phố thợ giếng nước (RUE DES BATELIERS)

Phố hàng mộc (RUE DES CHARPENTIERS)

Phố cháy! 
(Chỗ này có sự mơ hồ! 
Phố nhà cháy hay là Phố hàng nướng! 
Hi hi...)

Phố học trò (rue des étudiants)

Xóm bia bọt ! (Le Village de la bière).
Không biết nếu dịch cho thoáng theo phương ngữ  miền nam
có nên gọi là "Xóm Nhậu" hay không!

Thực ra đây chỉ là tên một cửa hiệu!


(*) Câu nhạc của Phạm Duy trong "Bên cầu biên giới".

Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2012

Êm ả Heilbronn




1. Một.

Cách làng Neckarsulm chỉ năm sáu cây số, Thành phố Heilbronn bên dòng Neckar nhỏ đến nỗi chỉ chiếm chưa đầy một cột chú thích trên trang giấy 3 cột của quyển hướng dẫn du lịch vốn đã được in khổ nhỏ. Do từ cuối thế kỷ XIX Heilbronn từng là trung tâm công nghiệp chủ yếu của bang Württemberg nên nó bị tàn phá nặng nề trong đệ nhị thế chiến. Hầu hết là công trình xây dựng mới nên nhiều kiến trúc hiện nay của Heilbronn mang phong cách gần với chủ nghĩa công năng và thực dụng, thoát ly khỏi nét lô xô lãng mạn của các mái dốc tam giác đều màu nâu đỏ, các khung gỗ có thanh chéo lệch và các cửa sổ lá sách phân bố đều đặn trên các bức tường nhám rất đặc trưng của kiến trúc Đức. Mấy lần đi ngang Heilbronn thấy nó hơi giống với Tp Hồ Chí Minh ở chỗ nó cũng có lô-cốt làm đường dựng tùm lum trông rất... nản! (Nó đang làm hệ thống đường xe điện - và nghe nói cọc-cà-cọc-cạch mấy năm rồi chưa xong!). Nhà cửa ở Heilbronn thì phần lớn là khối vuông hình hộp kiểu Mỹ trông xấu tệ và (xin lỗi) trông rất buồn chán! Có thể phân biệt khu vực của Heilbronn với Neckarsulm bằng vùng đệm của Forum Audi. Chỉ cần xe qua khỏi vòng xoay chỗ Forum này của hãng Audi là thấy lại vẻ quen thuộc của nét kiến trúc cổ điển Đức.

2. Hai.
SLOW FOOD!
 Một cách từ chối lối sống công nghiệp hối hả!
Nói vậy thôi chớ dân Đức cũng có thói ăn nhanh kinh lắm!

Nghe con cái quảng cáo về chợ phiên ở Heilbronn nên muốn đi cho biết chợ phiên ở đây ra làm sao. Chỉ cách Neckarsulm ít phút chạy xe. Ghé ngang hồ bơi nước khoáng nóng Sole''a gởi xe rồi đi dọc theo bờ sông Neckar. Ở nhánh cụt này của dòng sông hình thành một cái hồ cạn hơi nhỏ hơn bờ hồ Trúc Giang - Bến Tre một chút. Trên mặt hồ một con sâm cầm lẻ loi đang thản nhiên kiếm ăn trên mấy lá bông súng, bên cạnh đó trong bờ mấy con vịt và mấy con bồ câu coi bộ nhởn nhơ đang sưởi nắng. Không gian có gì đó rất yên bình, nhịp sống chậm rãi... Đi một đỗi dọc bờ sông thì tới Tòa Thị Chính. Ở chính diện tòa nhà có một cái đồng hồ thiên văn xưa, thấy sách ghi là của ông thợ đồng hồ Isaak Habrecht, gồm ba mặt tròn . Mặt tròn thứ nhất trên cùng thể hiện sự vận động của bầu trời sao nhìn qua thiên đỉnh, mặt tròn thứ hai là đồng hồ có kim giờ kim phút với chữ số La Mã. Hai bên mặt tròn thứ hai này có hai tượng nhỏ và phía dưới có hai con dê cụng sừng nhau. Dưới hai con dê đang quyết đấu là một con gà trống đứng trong một cửa sổ nhỏ nhìn ra. Dưới nữa là mặt tròn thứ ba thể hiện vòng cung hoàng đạo với đầy đủ các biểu tượng chòm sao chiếu mệnh thuộc chiêm tinh học. Được bố trí ngay trước sân của tòa nhà, chợ phiên - không có nhà lồng chợ - hơi giống cái chợ nông thôn ở ta với lèo tèo sáu bảy sạp (gian) hàng. Một gian hàng bán đủ thứ rau củ quả: cà tô mát, mấy giỏ táo, rau thơm, khoai tây,... và một gian hàng có một ông tây cao lêu nghêu bán mấy thứ gì đó trông giống như bao tử hầm tiêu hay thịt kho tiêu (!?). Thấy trên quầy của ổng có cả một hủ ớt xanh ngâm giấm bốc mùi thơm hết biết và mấy lọ mật ong dán nhãn thô sơ ghi là mật ong lavender, mật ong hoa gì gì đó, mật ong mùa hè,... Đặc biệt trong một cái dĩa ổng còn để mấy cục xà bông làm nhớ tới mấy cục xà bông hồi xưa ở nước mình. Trên mấy cục xà bông ghi rõ sản xuất ở một làng của Pháp, mà còn ghi thêm SANS PARFUME.. (Không mùi hương gì ráo! - Nghĩa là xà bông này chỉ có mùi dầu dừa thôi, như xà bông nâu nâu, đóng thành cục vuông vuông hiệu Cô Ba hồi xưa vậy chớ không có pha thêm hóa chất hay chất tạo mùi nào khác!). Đừng tưởng cục xà bông thô mộc và cứng ngắt đó rẻ nghe! Ở cái xứ này sản phẩm nào mà ghi nhãn là tự nhiên, không có pha chế gì thêm, sản phẩm này của địa phương thì... ai cũng ưa, và nó có giá trên trời, dân sang mới dám xài a! Để ý thấy dân tình ở đây người ta ủng hộ sản phẩm của địa phương. Cái gì ghi trên nhãn REGIONALE FRISCHE AUS DEUTSCHLAND, nghĩa là đồ lô - sản phẩm của địa phương, của nước Đức thì dù nó chỉ là một gói đậu bún, đậu ve là nó đắt hàng và nó cũng mắc gấp hai gấp ba thứ khác cùng loại được nhập khẩu! Ở đây rẻ nhất là đồ của cửa hàng 1 Euro - gọi như thế vì hầu hết các món chỉ có giá 1 hoặc 2, 3 euro là cùng - và nếu để ý kỹ thì thấy phần lớn là hàng Made In Cháy Nhà (China). Mua cái thứ đó khi trả tiền dễ gặp cái cười khinh mạn, khinh khỉnh của cô bán hàng lắm - Tôi không dám thêm bớt hay có tinh thần dân tộc cực đoan đâu, cái này là kinh nghiệm thực tế và trực tiếp đấy! Ngoài ra còn thấy một gian hàng thức ăn chậm (SLOW FOOD) mà không biết phục vụ món gì? Sợ vô đó hỏi mua một tô mì gói bị cô bán hàng biểu chờ cổ đi mua gói mì, mua ít cọng hành và chờ bắc ấm nước sôi thì ... teo bao tử luôn quá!

3. Ba.

Trước tòa thị chính.
Trên balcon tầng 1 sắp diễn ra lễ cưới cho một đôi lứa nào đó.
Nhiều ông bà dự lễ cưới đang đứng nghiêm trang nhìn lên và
chờ... chính ngọ để nghe tiếng chuông và
chờ mấy cái bong bóng hình trái tim màu đỏ được thả lên trời.
Các giá trị truyền thống vẫn còn được trân trọng giữ gìn!
Trong hồi chuông có cả tiếng gà gáy -
và hai con dê dưới cái đồng hồ cụng sừng nhau quyết liệt.
Bạn có nghe có thấy không?
Tôi quay phim không kịp nên không nghe đủ 12 tiếng chuông!
12 giờ trưa. Tòa Thị Chính chuẩn bị làm lễ thành hôn cho đôi lứa nào đó. Dưới sân nhiều ông bà ăn mặc nghiêm trang dự đám cưới, đứng thành một nhóm nghểnh cổ chờ xem... chuông đổ, gà gáy và dê cụng sừng! Sau đó vổ tay rào rào khi chùm bong bóng hình trái tim màu đỏ thắm được thả lên trời. Được dịp vui tôi cũng vổ tay thiệt lớn phụ họa vô luôn! Ở bên góc chợ có một chiếc xe hoa đang đợi sẵn. Không thấy ai mời mình đi ăn đám cưới hết! Thôi đi chỗ khác chơi vậy!




























Và chiếc xe hoa trang nhã cho cô dâu chú rể
đang chờ ở bên góc chợ phiên!

4. Bốn

Lại thả bộ qua quãng trường nhà thờ Thánh Kilian. Được xây dựng từ nửa cuối thế kỷ XIII, nhà thờ là một trong ít kiến trúc sống sót qua cuộc chiến tranh, nó có nét hao hao giống với Nhà thờ Đức Bà của Saigon. Quảng trường quanh nhà thờ khá rộng bao gồm cả một cái giếng cổ thấy đề là giếng thiêng có thể chữa bệnh. Tôi có đến quan sát cái giếng này nhưng thấy mấy cái vòi nước của giếng không có cái vòi nào có nước chảy. Hình như nước cam lồ ở đâu cũng vậy, ít khi nào được ban cho kẻ trần tục! Lại có một cái giếng phun ào ào. Ở cái giếng này có mấy bức tượng diễn tả một ban nhạc bằng đá đang chơi tích cực! Nước chảy ra ào ào từ mấy sợi dây đàn (bằng đá! dĩ nhiên!) của cây cello và từ miệng kèn clarinette,... Một trong số các tượng của cái giếng phun này là một khuôn mặt nhăn nhó, chắc là thính giả của ban nhạc đá. Nước mắt nước mũi cũng chảy ra ràn rụa từ khuôn mặt này. Không biết đá cũng khóc vì nghe nhạc cảm động hay vì ban nhạc chơi tệ quá!


Quãng trường nhà thờ St. Kilian.
Giếng thiêng ở bên cánh trái nhà thờ.

Chuyện riêng ở quãng trường nhà thờ St. Kilian:
-  Cháu ngoại tui thì tới giờ bú đây mà!
E hèm... đi chơi mà có kèm theo dịch vụ bú nữa,
chắc bị đóng thuế gấp đôi quá!


Ban nhạc đá!

Dàn kèn 

Nhạc sĩ và đàn cello...

Thính giả này nước mắt nước mũi tùm lum!
5. Năm - Cảm nhận khác...


Kiến trúc này rất khác biệt
so với đường nét quen thuộc của kiến trúc cổ điển Đức,
nó có cấu trúc mạnh mẽ và đường nét thanh thoát nhưng tạo cảm giác về một tính cách lạnh lẽo. 

Không gian kiến trúc thiếu bản sắc Đức,
làm cho người ta dễ lẫn lộn 
với một không gian nào đó ở Mỹ,
ở Úc 
hay thậm chí với một góc phố Saigon hiện nay. 

Neckar nhìn từ trên cầu tháp Goetzen.
Con sông ở khúc này nhỏ xíu, chỉ đáng gọi là con rạch,
nhưng được giữ gìn rất sạch đẹp 
và tàu bè làm du lịch thì tấp nập. 

Rõ ràng sự sạch sẻ của con sông chẳng những đã đẻ ra sự sống, duy trì sự sống, mà còn đẻ ra tiền nữa!!

Trên cầu tháp Goetzen.
Ở chân cầu này (phía tháp Goetzen) 
có một chỗ để lứa đôi nào muốn thề sông hẹn biển
đến móc các ổ khóa -
còng cuộc đời mình 
vô bản khế ước trăm năm.
Đôi lứa móc ổ khóa vào đây
coi như đã ký kết xong hợp đồng trăm năm
không cần chờ chính quyền 
hay đoàn thể
thị thực gì ráo cho thêm "rách việc"!

Đò dọc lơ mơ nằm đợi khách du...

Con đường rợp bóng mát với hàng cây bao báp cổ thụ ven bờ sông Neckar.



Ở đây, TÂY ĐỨC. Tình cờ mình phát hiện trên bức tường này một dòng chữ đã mờ theo năm tháng
 KAMP DEM KAPITAL - CHIẾN ĐẤU CHỐNG CHỦ NGHĨA TƯ BẢN.
Bạn có nhận thấy dòng chữ (màu tím than) đó không!
Điều đó nhắc nhở lịch sử đầy vinh quang và cũng lắm mâu thuẩn của nước Đức:

1. Đất nước của nhà soạn nhạc lừng danh và có thể cũng là vĩ đại nhất thế giới: BEETHOVEN.
2. Đất nước của tác giả tác phẩm Faust thâm trầm và sâu sắc: GOETHE!
3. Đất nước của nhà toán học vĩ đại trong số các nhà toán học vĩ đại: GAUSS.
4. Đất nước của những nhà triết học lớn nhất châu Âu và có tầm ảnh hưởng toàn thế giới: KARL MARX / NIETSCHE / KANT. Đất nước là nơi xuất tích sự phê phán triệt để chủ nghĩa tư bản và hình thành tư tưởng chủ nghĩa xã hội khoa học, nhưng cũng từng là nơi đã tồn tại chế độ rất ghê tởm của Adoft Hitler.

Dòng chữ đã mờ theo năm tháng kia nếu không để ý nhìn thì không thể nào thấy được!
CON NGƯỜI ƠI, HÃY CẢNH GIÁC! Julius Fucik đã kêu lên như thế!
***