Thứ Ba, 31 tháng 8, 2010

PHẬT PHÁP

.
Meditation 2.

Không gian các thành tựu khoa học bao gồm các khái niệm, tiên đề, bổ đề, định lý, định luật, hệ quả, tính chất, các ứng dụng kỹ thuật, v.v.. dù được diễn đạt dưới dạng bạch văn hay dưới dạng công thức, bảng biểu, chương trình máy tính nào đi nữa thì tất cả các thứ đó đều là tổ hợp của các mệnh đề, là thứ phải được chắc chắn rằng tính đúng sai rõ ràng! À ra thế, cái không gian đó là một không gian hai chiều được sinh trên bộ vectơ cơ sở {Đúng, Sai}. Không gian đó dù có vĩ đại đến như thế nào đi nữa thì cũng là một không gian phẳng hai chiều. Nhưng cuộc sống thì không phẳng, nó không chỉ có các mệnh đề, không chỉ có lý lẽ, không phải bao giờ cũng lượng hoá được sự đúng sai, chưa nói đến tính đúng sai của các mệnh đề còn phụ thuộc vào tập vũ trụ mà nó qui chiếu vào! Người ta cũng có thể chống đỡ cho những lựa chọn không chắc lắm của mình trong cuộc đời bằng cách dựa vào một thứ gọi là logic mờ (fuzzy logic), nói đúng là đúng bao nhiêu phần trăm, nói sai là sai bao nhiêu phần trăm, tức là rốt cuộc phải dựa vào những thứ xác suất ngẫu nhiên thực ra không ngẫu nhiên tí nào! Mà khoa học về sác xuất thì rành rành là một ngành toán học. Toán học thì chưa bao giờ bước chân ra khỏi nhị nguyên luận cả! Vậy thì có một cái không gian được sinh ra trên bộ vectơ cơ sở có số chiều còn lớn hơn hai, mà không gian các thành tựu khoa học vĩ đại kia chỉ là một không gian con khiêm tốn của nó mà thôi! Ơ hơ… con người và các thành tựu nhận thức khoa học của nó – dĩ nhiên là đàng hoàng đứng đắn một nước – hoá ra chỉ là một phần rất nhỏ của các nhận thức về tự nhiên. Bởi vì con người, dù cho nó có đủ thứ thiết bị máy đo, dù cho nó có đủ thứ cảm biến độ nhạy siêu việt, dù cho nó sẽ chế tạo ra thứ máy đo nào đi nữa, hoặc xây dựng được lý thuyết về độ đo nào đi nữa, thì rồi tất cả các thứ đó chỉ có thể được nhận thức bởi con người khi biến nó thành các chỉ số hiển thị nhận thức được qua các giác quan của con người, ie: nhãn nhỉ tỉ thiệt thân ý. Các thứ đó rồi sẽ trở thành nhận thức qua quá trình bất biến “sắc-thọ-tưởng-hành-thức”. Và nó bị giam trong quá trình nhận thức đó, bởi chính quá trình nhận thức đó! Nhận thức của con người về vũ trụ - và do đó là nhân sinh quan - phụ thuộc vào cách mà nó sử dụng được phương tiện nào để định tính và định lượng vũ trụ. Vũ trụ trong quan niệm của người Trung quốc chẳng hạn: Tứ phương thượng hạ viết vũ, vãng lai cổ kim viết trụ. Vũ trụ gồm không-thời gian đó, phản ánh sự qui chiếu đơn thuần cảm giác đơn thuần của con người về vũ trụ bởi các giác quan, rồi sẽ phản ánh vào nhân sinh quan của nó. Không gian gồm bốn phương trên dưới, thời gian là một dòng chảy bất diệt, đều đặn, không cùng trong quá khứ và trong tương lai:

Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất kiến lai giả.
Niệm thiên địa chi du du
Độc sảng nhiên nhi thế hạ! (*)
Nhưng rồi năm tháng trôi qua, phương tiện đo tối tân hơn, làm “nảy nòi” ra cái ông Einstein, một ngày lộng lẫy nào đó bỗng thấy rằng thật ra thời gian có thể co lại hay dãn ra. Đàng hoàng trở về một ông Từ Thức, đi lạc cõi tiên đâu có mấy ngày, mà sao trong cõi người ta phải chờ đợi mấy trăm năm bây giờ mới gặp lại! Và trong thời ông Einstein thì vũ trụ chẳng biết đâu là tứ phương trên dưới nữa, có chăng là chỉ dựa vào con quay hồi chuyển (gyroscope) để con ong xác định đường đi lối về cho khỏi lạc giữa muôn hoa!
Rồi thời hiện đại lại đẻ ra cái ông Stephen W. Hawking ngó nghiêng trước sau, tìm mãi chẳng thấy thượng đế ngự ở chỗ nào trong vũ trụ. Dò mãi trên đường thời gian mới phát hiện thấy con đường ấy tuyệt lộ ở một đầu quá khứ, còn đầu tương lai thì không biết liệu có một phép nghịch đảo nào đó làm cho nó quay lại chốn ban đầu hay không?
Vậy đó, không có cái gì bền vững ngoại trừ sự thay đổi, ngoại trừ sự vận động, kể cả các thứ thành tựu khoa học. Cái gì cũng vô thường trừ bản thân sự vô thường.

(*) Đăng U châu đài ca của Trần Tử Ngang
Trần Trọng San dịch như vầy:
Bài ca lên đài U châu

Ngoảnh lại trước: người xưa vắng vẻ;
Trông về sau: quạnh quẽ người sau.
Ngẫm hay trời đất dài lâu,
Mình ta rơi hạt lệ sầu chứa chan.

(Hình như tôi đã đi quá xa so với vấn nạn ban đầu,
và những thứ này chắc cũng không mấy thích thú nếu không nói có thể gây dị ứng.
Viết xong đoạn này tôi có ý định dời nó qua một cái blog khác
nhưng như thế thì có vẻ như đánh trống bỏ dùi.
Thôi, đã lỡ nhảy xuống sông thì phải ráng bơi để khỏi chết chìm!
)

Thứ Hai, 30 tháng 8, 2010

PHẬT PHÁP

...
Phật pháp thậm thâm vi diệu.
Meditation 1.

Có người bỗng nhiên đặt cho tôi một câu hỏi: Anh Bình, anh tin có linh hồn không? Dĩ nhiên trong niềm tin của tôi thì tôi trả lời: Có chứ! Thế người đó lại nói tiếp: Vậy anh duy tâm rồi! Tôi lại nói tiếp: Không! Tôi là người duy vật.
Có hay không có linh hồn? Câu hỏi thật là lớn quá. Lớn đến nỗi đó là câu hỏi ám ảnh nhân gian suốt lịch sử loài người, không chừa bất kì ai từ vua quan cho đến cùng đinh thứ dân, từ kẻ trí tuệ sáng suốt đến kẻ ngu ngơ khờ dại, từ người hiền nhân đến kẻ ác tà. Có chăng chỉ có người điên – nhưng tôi không chắc lắm – mới không đặt ra câu hỏi đó! Đơn giản là kiếp nhân sinh rồi cũng dẫn mọi người kia về đến chỗ tận cùng không cùng, đối diện với cái phủ định tuyệt đối không có phủ định lần thứ hai, không có (không (không A)) là A, là cái chết! Và ai cũng muốn biết đằng sau lần phủ định ghê gớm kia là cái gì nữa! Có lẽ đó cũng là câu hỏi mà “khoa học” – hiểu theo nghĩa hiện thời – vĩnh viễn không khi nào có câu trả lời, bất khả tư nghì! Khoa học – cho tới nay - là đường gươm cực kì sắc bén có thể rạch toang gần như mọi màn đêm các u minh ám chướng để cho con người bước ra ánh sáng của nhận thức. Nhưng, chữ nhưng này nằm đúng ngay hàng rào vững chắc của khoa học, nơi chỗ chủ nghĩa duy nghiệm và chủ nghĩa duy lí chống đở cho mọi mê lầm không xâm nhập được vào lâu đài khoa học, nơi mà nhị nguyên luận loại trừ không thương tiếc mọi lấp lững ba phải để cho mọi nhận thức đều được sáng sủa phân minh. Nếu khoa học là đường gươm sắc bén của nhận thức thì câu hỏi này đặt ngay trên cán gươm. Ô hô… không có con dao bén nào có thể gọt được chính cán dao cả!
Vì sao vậy!? Không gian các thành tựu khoa học, kể cả các thành tựu khoa học gần đây nhất của máy tính, của công nghệ thông tin đều phải đặt trên nền tảng nhị nguyên luận, và phát sinh (generate) từ trên nền tảng đó. Ngành khoa học nào cũng phải dựa trên toán học, trên nhị nguyên luận trong cái logic của nó. Đâm đầu vào logic học là đâm đầu vào hố thẳm của tư tưởng. Khoa học có thể đạt tới nhận thức về nguồn gốc phát sinh vũ trụ, về l‎ý thuyết big bang. Trong lý thuyết đó, ngay đúng trước vụ nổ, toàn thể vũ trụ chỉ là một điểm. Vũ trụ là một điểm và một điểm là toàn thể vũ trụ. Một điểm đúng như khái niệm điểm trong toán học, nghĩa là cái gì đó không có bề dầy, không có bề rộng, không có kích thước. Kể từ đó mới có thời gian. Vì thời gian không phải là cái gì khác ngoại trừ sự vận động. Tới đây thì khoa học gặp phải những câu hỏi nghiêm trọng. Đại loại như thực ra có hay không có thời gian? Tại sao con người nhận thức được cái gọi là “hiện tại” trong khi thực tế hiện tại là cái không tồn tại bao giờ mà chỉ có cái đã qua và cái sắp tới mà thôi. Ở ngay cái cán dao đó là một nhận thức khác: Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc. Đúng ngay nơi đó thời gian bắt đầu và thời gian không tồn tại. Đúng ngay nơi đó vũ trụ tồn tại và vũ trụ chưa hình thành. Trong mỗi lỗ đen vũ trụ có gì? Không có gì vì thông tin không thể thoát ra khỏi lỗ đen nhưng cũng chính trong lỗ đen nguyên thuỷ là tất cả, từ đó nở bung vũ trụ. Đúng ngay nơi đó ta buộc phải luận nhị nguyên về cái gọi là nhị nguyên luận.

Vậy tôi đang phủ định khoa học chăng!? Không phải!
Nhưng bây giờ thì quá khuya rồi. Phải đi ngủ thôi. Rồi tôi sẽ viết tiếp

Thứ Ba, 24 tháng 8, 2010

MƯA QUÊ VÀ MƯA THÀNH

...
Ô hô! Hôm nay ông bạn già tôi ai oán quá đổi. Chuyện có gì đâu mà “sân si”! Đó là lời bà vợ của ông bạn tôi nói lại. Chuyện có gì đâu mà sân si! Ừa, bà ấy là phật tử mộ đạo và thuộc lòng bài kinh bát nhã. Bả nhắc ông bạn của tôi, tức là chồng bả: Nè! Thôi đi, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố! Hì hì… thì ông bạn tôi sợ Phật một nhưng sợ… vợ tới không biết bao nhiêu lần nên đành trợn trạo nuốt cái cục giận xuống bao tử, ruột gan cồn cào cháy bỏng, quay đầu xe chạy về Bến Tre một nước!
***
Chuyện có gì đâu!
Là hai vợ chồng ông bạn tôi có ông bạn ở xứ người. Tình cố lý mến thương đã nhiều năm. Lại là bạn học từ thời thanh xuân. Bây giờ đầu đã bạc nhưng vẫn giữ liên lạc, chia sẻ niềm vui nỗi buồn. Thỉnh thoảng người ở xa xứ kia cũng có tấm lòng gởi về quê xứ ít tiền quà để hai vợ chồng ông bạn tôi đi làm từ thiện giúp. Mà hai vợ chồng ông bạn tôi vì dù nghèo thì nghèo thật nhưng tình thương người thì không thiếu. Cái câu bầu ơi thương lấy bí cùng hay cái câu lá lành đùm lá rách một dạ đinh ninh thuộc lòng. Vài hôm lại xếp việc nhà, bỏ bửa chợ để đi làm từ thiện theo nguyện vọng của người xa. Nói về cái tính thương người thì ông bạn tôi – dù có một thời chiến tranh chơi với súng đạn chiến trường - một khi đã bỏ cây súng xuống thì, nói như kinh Phật, quay đầu là bờ, nên hiền lành như đất. Mà đất quê ta hiền lành thật! Con người chơn chất thật! Tôi nhớ hồi nhỏ ở cái xứ Cà Mau heo hút nhà người ta không có vách, trước nhà có cái lu sành nho nhỏ chứa nước mưa để bá tánh thập phương ai có lở độ đường khát nước thì có mà uống (Hình như bây giờ Coca Cola và Pepsi nhiều quá, sẵn quá nên tôi chẳng thấy cái lu sành ấy nữa), mà có lở độ đường ghé nhà người ta hú một tiếng chủ nhà chạy về ra mắt là được. Còn nếu muốn ở lại vài hôm thì người ta cũng sẵn lòng nhường cho chiếc nóp, đãi vài bữa cơm hoàn toàn miễn phí. Xứ ấy cá mắm thiếu gì, ngó xuống bàn chân là thấy ngọn rau, lấy rổ xúc quơ dưới nước là có mấy con cá, đãi khách vài bữa cơm thì có nghèo thêm chút nào đâu, tính toán làm gì? Người ta có khi cũng chẳng hỏi khách là ai, vì sao lưu lạc ở chốn cùng trời cuối đất. Tía tôi giải thích chuyện đó như vầy: Tới cái đất này chỉ có ba hạng người: Hạng thứ nhất nghèo rớt mồng tơi, trốn nợ nên mới tới đây. Hạng thứ hai là hạng trốn tù, chạy vô tới đây – trên là trời cao, dưới là đất rừng rộng mênh mông - dễ gì biết nơi nào mà kiếm. Hạng thứ ba là hạng người làm quốc sự - đầu đội trời chân đạp đất như không – nhưng khó nêu danh tính. Cả ba hạng người đó đừng hỏi danh tính chi cho mất công! Là người với nhau cả, thì cứ lấy tình người mà đãi thôi! Đất Bến Tre không như xứ Cà Mau xưa nhưng cũng là cái xứ hiếu khách. Ông cậu tôi ở Bến Tre có câu nói vui lắm mỗi khi mời khách: Ừa, tới nhà tui chơi đi, tình thương mến thương mà, dù cho ơ bể cũng ráng kêu cạch cạch, đừng lo! Trưa nắng ai lở độ đường ghé hỏi thăm cũng xởi lởi mời vô nhà uống miếng trà cho khoẻ rồi muốn đi tiếp đâu thì đi, gặp lúc trời mưa thì sai con bắc cái ghế ra mời khách ngồi đụt mưa. Ối, mưa ở ruộng, mưa trắng đồng, buồn muốn chết! Vũ vô kiềm toả năng lưu khách mà, đỡ buồn!
Tôi nói lung tung xa quá gần lạc đề rồi! Trở lại chuyện hai vợ chồng ông bạn tôi - mới đây thôi - có nghe ông bạn xa xứ kia nhắn có người bạn ở bển về sẽ ghé ngang thăm. Hai vợ chồng - mặc dù văn kì thinh, lần đầu kiến kì hình – nghe nói bạn thân của bạn bèn tiếp đãi ân cần chu đáo lắm. Theo cái kiểu chịu chơi thiệp liệp, hào hiệp tứ hải giai huynh đệ! Chẳng phải tại vì bạn có tiền quà nước ngoài gì đâu, xin đừng có hiểu lầm! Hai vợ chồng ông bạn tôi sống theo cái kiểu nhà quê, tiền tài như phấn thổ, nhơn nghĩa tợ thiên kim. Ấy là tại vì câu nhơn nghĩa mà thôi!
Lại mới đây, nghe một người bạn của bạn ở bên ấy bị bệnh nan y, gan bị K, bác sĩ chê rồi! Lại nghe anh của người bệnh sắp bay qua bển sẽ ghé chỗ ông bạn nối khố. Thương bạn thương luôn… bạn của bạn. Sẳn có bài thuốc quí, cho vài người cùng chứng bệnh uống rồi, kể cả người trong nhà, vài người hết bệnh, vài người mười phần đở tới tám chín bèn muốn làm phước. Làm phước thôi chớ chẳng lấy xu nào. Thày dặn rồi, thuốc này làm phước, không được lấy tiền! Lấy tiền của con bệnh là tai hoạ tới với mình liền! Bèn ngâm một chai rượu thuốc đủ ngày, sớm bửng bạn già khoác chiếc áo phong sương, chở bà vợ bằng chiếc xe cà tàng chạy lên Saigon kiếm địa chỉ để gởi.
Saigon đô hội, xe đông như ổ mối, áo quần như nêm, rần rần ào ào, nhà cửa địa chỉ lộn xộn như ma trận càn khôn, đường cao đường thấp, lô cốt hố ga rình rập, bửa nay đường hai chiều ngày mai lại thành đường một chiều, nay đúng mai sai không biết đâu mà lường. Phố phường nắng thì nghẹt khói, mưa thì chạy dưới sông, luôn luôn có cái mùi hôi thối đặc trưng. Hôi thật đấy, đến nỗi có lần đi xe đêm từ Trảng Bom về Bến Tre đang lơ mơ ngủ vì mệt mỏi bị đứa nhỏ khều dậy hỏi: Ông ơi ông, tới đâu đây ông? Mắt nhắm mắt mở trả lời: Tới Saigon! Sao ông biết? Nghe cái mùi hôi là biết. Ở Saigon lâu đứng gần người ta là người ta biết mình là dân Saigon liền hà! Giống như chạy ngang Phan Thiết là biết liền mùi thơm nước mắm vậy! Hai vợ chồng bạn già chạy từ Bến Tre lên tới Bình Chánh thì không thấy mệt nhưng qua khỏi Bình Chánh là hai cái buồng phổi già và hai trái tim già ngất ngư ngầy ngật như bị trúng gió! Vậy mà phải chạy lòng vòng tới trưa đứng bóng mới kiếm được cái nhà. Là nhà anh của người bệnh. Cái nhà thiệt đẹp, cái cổng cũng đẹp luôn.
Mưa Saigon! Khi không cái mưa ào ào. Hai vợ chồng tới trước cổng, mưa rào rào trên hai cái đầu bạc. Trong nhà một cô đội nón chạy ra, áo quần đẹp đẽ, đứng sau cổng hỏi trời mưa mà muốn kiếm ai. Thì thiệt tình nói tụi tui ở dưới quê mới lên kiếm chỗ nhà cô đây để gởi tặng chai thuốc. Cô nhỏ thò tay qua cái lỗ ở cổng lấy chai thuốc, nói… Được! Cô nhỏ nghiêng đầu nhìn qua cổng nói bâng quơ: Mưa lớn quá hé! Rồi cô nhỏ chạy vô. Rồi thôi! Hai cái đầu bạc nhìn nhau. Hỡi ơi trời đất vô cùng rộng, nhà cửa phố xá thênh thang, tầng cao tầng thấp, nhà nào cũng kín cổng cao tường, không một chốn dung thân! Hai cái đầu bạc lạnh run nép vô cái tường rào, ngó cái cổng khép kín vô tình, và thấy trên mắt người kia một giọt nước. Có lẽ chỉ có hai giọt nước đó là ấm trong cơn mưa lạnh này mà thôi!
***
Mà tôi nói với ông bạn già thôi ông ơi, tại ông nghĩ vậy chớ người ta thấy chuyện đó là bình thường mà. Thôi đi, lòng ông nghĩ vậy nên ông thấy như vậy chớ chắc cô nhỏ đó cũng là người có học, chắc cũng có một chút xíu văn hoá, không đến nỗi tệ quá đâu!

Thứ Bảy, 21 tháng 8, 2010

Mẹ và dòng sông.

Viết mấy dòng entry hôm qua tưng tửng nhưng nhìn vào cái hình thì lòng dạ buồn lắm, muốn khóc lắm. Bên kia sông chính là bến Cái Cối, nơi ông ngoại đã chèo đò suốt cuộc đời! Nhìn người phụ nữ chèo ghe mà như thấy lại hình ảnh của Mẹ. Hồi mình còn nhỏ nhiều hôm Mẹ cũng chèo ghe đưa mình qua sông đi học, chỉ có điều khi đó là con sông Đầm Dơi, tuốt trong Cà Mau heo hút. Chắc hồi xưa hôm nào ông ngoại mệt hay bệnh thì Mẹ cũng chèo đò thay cho ông! Có phải hình ảnh của Mẹ và chị Hai đó không!? Có phải người ta yêu quê hương từ những hình ảnh ấp ủ trong lòng như vậy không? Mùa này là mùa Vu Lan. Mẹ già như chuối ba hương… Mình thành tâm niệm Phật cầu cho Mẹ được khoẻ, sống lâu.

Cũng cảm ơn nhà báo nào
của tạp chí LIFE đã chụp tấm hình.

Thứ Sáu, 20 tháng 8, 2010

Nghĩ vẫn vơ...


Bến tre có nhiều bến mà đâu có thấy cái bến nào có tre đâu.
Bến tre có ba người con gái đẹp.
Ở cầu Cái Cối có người con gái tên Hồng. Nàng Hồng có đôi mắt đẹp. Hàng lông mi cong vút. Tan học về làm cái đuôi của nàng tôi ngơ ngẫn thấy tại sao sông rộng mà cây cầu ngắn vậy. Nàng có chồng sớm quá không đợi tôi kịp lớn.
Ở cầu Cá Lóc có người con gái tên Phụng. Nàng có đôi bờ môi đẹp hình trái tim. Mỗi lần nhìn nàng trái tim tôi thở loạn xạ. Cứ mỗi lần nàng mở miệng là trái tim của tôi lớn thêm một chút. Tôi chưa kịp hứa với nàng điều gì thì nàng cũng đi lấy chồng.
Ở cầu Kiến Vàng có người con gái tên Hằng. Nàng đẹp trên từng centimét. Ơ hơ… Thuý Vân của ông Nguyễn Du chỉ được mỗi cái nét ngài nở nang so làm sao được bằng nàng Hằng. Đôi lông mày của nàng Hằng đẹp như hai cái càng của con kiến vàng. Đôi lông mày của nàng cắn tôi đau như bị … kiến vàng cắn. Nàng lấy chồng hồi nào tôi không hay.
Ngoại trừ ba người đẹp đó Bến Tre không còn người đẹp nào hết. Hồng Cái Cối, Phụng Cá Lóc và Hằng Kiến Vàng. Nàng nào cũng da trắng như trứng vịt do tắm nước dừa xiêm. Mấy cô khác cũng tắm nước dừa nhưng là nước dừa khô!
Hồi đó tôi ốm như cây tre miểu nên ba cô gái đó như ba cái bến không có tre. Dầu vậy tôi vẫn yêu ba cây cầu. Lạy trời đừng ai một buổi sáng thiếu cà phê nào đó âm mưu đổi tên ba cây cầu dễ thương nhất mực của tôi.
Ông Nguyễn Văn Tí chẳng biết gì về con gái Bến Tre hết. Chị Hai tôi tóc dài đến nỗi mỗi lần gội đầu phải đứng trên cái ghế đẩu, để ông anh rể chải tóc bằng dầu dừa (thơm ác). Tóc dài phết đất, búi thành một búi như củ hành. Bay trong gió đâu mà bay! Chị Hai tôi cũng đẹp nhưng không đẹp bằng ba cô Cái Cối Cá Lóc Kiến Vàng.

Chủ Nhật, 15 tháng 8, 2010

ĐÔI KHI

Đôi khi
Trong đêm khuya
Giật mình nhớ ra
Bốn mươi năm
Tình cũ,
Em,
Hàng phượng đỏ,
Nắng đổ bên sông,
Tà áo dài
Đường chiều gió lộng.

***

Đôi khi
Có gì buồn
Bằng nỗi nhớ trong đêm
Ánh mắt nào
Trách móc
Ám ảnh
Một đời
Không yên giấc
Giọt mưa nào
Rơi lạnh lẻo ngoài hiên.

***

Đôi khi
Bàng hoàng
Ở hai bờ
Giấc mộng
Tay ta dài
Không đủ với tay nhau.
Gió chiều lồng lộng,
Nỗi niềm nào
Để lặng lẻ buông rơi…

Thứ Ba, 10 tháng 8, 2010

Gặp lại...


Năm 1984, về Trường CĐSP Bến Tre với một tâm trạng vừa buồn vừa vui. Buồn vì vừa rời khỏi PTTH Châu Thành với quá nhiều xung khắc, bất đồng quan điểm với nhiều người. Vào thời điểm chế độ bao cấp đang ở cao trào của nó và các quan niệm về giáo dục tưởng là tiến bộ bị các “nhân vật” - lơ mơ về giáo dục nhưng lại nhiều quyền lực - diễn giải một cách hẹp hòi, cục bộ. Khi đất nước “bị đóng cửa do cấm vận” và “tự nguyện đóng cửa do ngu dốt” đã đẩy xã hội vào khủng hoảng kinh tế, vào vực sâu đói nghèo, thì buồn bực là không thể tránh khỏi. Vui vì được giải thoát khỏi những đêm những ngày nặng trỉu ưu phiền, lo toan của người làm công tác quản lý. Vào thời điểm đó – mình còn rất trẻ, mới có 31 tuổi – nhưng đã bạc hơn 2/3 mái đầu. Cổ nhân nói “tâm sầu bạch phát” thiệt là quá đúng! Có khi chỉ qua một đêm mà mây trắng cả đầu chứ chẳng chơi. Vậy là lại được thực sự đứng trên bục giảng, thực sự cầm lại viên phấn, vui quá!
Lớp H3K8 Toán là lớp mình được phân công dạy phân môn giải tích cổ điển ngay khi về trường, vừa dạy vừa chủ nhiệm. Thày say sưa dạy và sinh viên say sưa học! Và chỉ sau một năm thì mình không còn sợi tóc bạc nào! Trong cuộc đời làm người chèo đò đưa người qua sông thì mình có một vài lớp học trò mà mình yêu mến hơn các lớp khác. H3K8 Toán là một lớp như vậy!
Hai mươi sáu năm đã trôi qua bây giờ thày trò mới có dịp họp lại. Hai mươi sáu năm xa ngái vậy mà vẫn còn nhận ra từng em. Mừng cho kí ức của mình chưa quá đổi tệ. Học trò giờ đây cũng già gần như thầy, thậm chí có đứa trông già hơn vì mái đầu đã bạc hơn thầy. Có đứa con còn bé nhưng có em sắp sửa làm sui. Và cũng có nỗi tiếc nhớ vì có em đã qua đời!
Ông lái đò mấy khi dám mong người qua đò trở lại. Cuộc sống của ai cũng còn nhiều bến bờ xa phải đi tiếp, đi tới. Khi ông lái đò đã sắp gác mái chèo trong buổi chiều tàn, vui một chút thấy người quay trở lại…

Thứ Ba, 3 tháng 8, 2010

Một chút DALAT.

.
8 giờ 30 tối 24/7/2010.
Phố đêm trước chợ Đà Lạt
GẶP LẠI
Thành phố Đà Lạt từ lâu đã không còn xa lạ, dịp này dịp kia mình đã từng lang thang nhiều ngày các con phố cao phố thấp, ngẩn ngơ với những bụi hồng hoặc đê mê với những thứ hoa mong manh nào đó trên bãi cỏ xanh rờn trong sân của một ngôi biệt thự, quen lắm với ly sữa đậu nành nóng hổi trong không gian mơ hồ của buổi chiều lạnh, trên bờ hồ Xuân Hương, cũng như bên tách cà phê ấm và thơm trong một quán nhạc trên đường Trần Quốc Toản (không biết tại sao lại không nhớ tên quán bao giờ!), ấy vậy mà Đà Lạt vẫn không thôi quyến rũ mình trở lại. Đà Lạt giống như một cô gái dấu yêu mình quen đã lâu lắm, đến nổi có thể hình dung ra gương mặt yêu kiều của nàng khi xa vắng và nhớ rõ mùi hương dịu nhẹ rất riêng của nàng, nhưng vẫn say đắm bồi hồi khi đối diện ánh mắt và nụ cười đầy bí ẩn của nàng mỗi khi gặp lại. Không thể nào không ao ước những ngôi biệt thự nhỏ với thảm cỏ xanh đầy hoa lãng mạn trên đồi, không thể nào không say mê những rừng thông lãng đãng trong sương. Nàng từng đẹp, kiêu sa và nàng giữ vẻ xa cách đủ cho chàng lang thang không thể nào quên được!
Đến Đà Lạt là dịp để sống trong không gian mộng mơ, dù gần đây không gian ấy cũng đã bị dung tục ít nhiều. Một số con phố Đà Lạt bây giờ có vẻ gì đó của một Chợ Lớn dở hơn Chợ Lớn, và con người Đà Lạt xưa kia mình biết vốn hết sức lịch thiệp, ân cần - không phải thứ lịch sự nghề nghiệp của các cô ở quầy tiếp tân trong khách sạn mà ngay cả một cô bé bán bắp cũng có một thứ ngôn ngữ dịu dàng, ấm áp như gánh bắp luộc của cô - thì bây giờ khó gặp nữa...
***
Ba giờ sáng,
Tháp nhà thờ trong đêm sương
ĐÊM
Đêm đầu tiên trở lại Đà Lạt mình muốn đi dạo một đoạn bờ hồ Xuân Hương, nhưng hồ đã cạn khô vì đang được nạo vét và cải tạo. Muốn vòng sang bên kia bờ hồ để hy vọng được nghe nhạc Trịnh trong cái quán quen thuộc thì phải đánh một vòng khá xa, vì phải né khu vực công trình, chân lại hơi đau nên đành trở lên cái quán cao cao trên đường Minh Khai. Quán này chỉ được vẻ ngoài còn cà phê vừa mắc vừa tệ (Trình độ pha cà phê thì hạng bét. Một cái phin móp méo chảy tọt không kịp tan, cái còn lại nghẹt cứng chẳng xuống giọt nào. Cuối cùng được một thứ nước ghê ghê như vẻ băng giá của cô phục vụ...), cộng thêm thứ nhạc ồn ào tạp nham khiến người đẹp của mình phải nhíu mày. Người đẹp không phải Tây Thi nên nhíu mày thì trông chẳng ra làm sao cả, nhìn cứ y như mặt hồ Xuân Hương không có nước (!). Nản lòng quá nên chỉ chụp vội hình phố đêm Đà Lạt, cố nuốt cho xong cái gọi là cà phê rồi trở về khách sạn.

Ba giờ sáng, không ngủ được nên ra trước balcon đứng lặng nhìn trời đêm Đà Lạt. Trời lạnh nhưng sảng khoái. Trong hơi mưa nhẹ, tháp nhà thờ mờ xa huyền ảo như ở xứ thần tiên nào. Chỉ tiếc là tỉ lệ zoom của máy ảnh nhỏ quá nên những chi tiết của quầng sáng lung linh không thể nào nắm bắt được.
***
CÁP TREO
Gần đây mình buộc phải bớt thú đi bộ và leo dốc vì vậy nên muốn dùng cáp treo đi từ đồi Robin đến Hồ Tuyền Lâm. Lần trước đến Đà Lạt cũng định đi cáp treo nhưng hôm đó gió lớn quá nên cáp tạm ngưng hoạt động, lần này may mắn hơn nên có thể quan sát gần như toàn cảnh thành phố.

Một góc Đà Lạt nhìn từ đồi Robin, nơi bắt đầu tuyến cáp treo.
Đà Lạt ngàn thông nhìn từ cáp treo.
Đi dọc theo đường đèo hoặc đứng trên triền dốc nhìn xuống những đồi thông, nghe tiếng gió đi qua trên những ngọn thông đã rất thích nhưng ít phút ngồi trên cáp treo cho mình sự thú vị khác, cảm giác của cánh chim bay là là trên những ngọn đồi, trên những ngọn thông lá non xanh mướt, thấy núi rừng mênh mông tận dãy núi mờ xa thật đẹp.
Hồ Tuyền Lâm
và Thiền viện Trúc Lâm
nhìn từ cáp treo
Cuối tuyến cáp, thiền viện Trúc Lâm và hồ Tuyền Lâm hiện ra như trong một bức tranh thủy mặc. Mặc dù là thiền viện nhưng do du khách quá đông nên chẳng thấy không khí trầm mặc thiền tính ở đâu cả. Nhiều lần tới đây mình ao ước có một lần được nghe tiếng chuông chùa ngân nga lan ra trên mặt hồ, giữa sự tĩnh lặng của núi rừng, để nghe lòng êm lắng lại, nhưng bao giờ mình mới có cái diễm phúc đó !? 
Bước xa khỏi thiền viện một chút thôi thì giá dịch vụ ở đây thuộc loại "hãi hùng", kể cả khi bạn ghé quán dùng cơm chay! Tính ra giá dịch vụ ở đây mắc hơn nhiều so với giá ở Vịnh Hạ Long và nếu đi thuyền qua phía bờ kia của hồ Tuyền Lâm thì giá của một chai vang Đà Lạt sẽ gấp đôi giá của nó tại chợ Đà Lạt, còn nếu bạn muốn ăn uống thì nên coi chừng bởi giá một dĩa rau trộn dầu olive - tại xứ sở nổi tiếng về rau nhiều và ngon - có thể làm bạn hoảng hốt! Kinh nghiệm "đau thương" đó khiến mình đến đây chỉ để nhìn ngắm và vãn cảnh thiền viện mà thôi!

***
LANG BIANG
Mặc dù hướng dẫn viên đề nghị cả đoàn hủy dự định viếng đỉnh Lang Biang vì ở đó mây đang phủ dày đặc và mưa rất lớn, xe lên không an toàn, nhưng có thể máu mạo hiểm khiến cả đoàn đều giơ tay quyết định cứ lên. Mua cái áo mưa mỏng te, gió thổi phần phật, mặc vào mới chút xíu đã rách toẹt. Leo lên chiếc U-Oát cũng ướt nhẹp, ngồi lúc nhúc. Đường đèo ngoằn ngoèo, trơn, tiếng máy xe gầm gừ trong tiếng mưa rào rạt, anh chàng tài xế liên tiếp vừa mới đánh tay lái sang trái lại đánh sang phải, căng thẳng đến nổi không buồn trả lời câu hỏi nào của ai trong đoàn, chỉ khi lên tới đỉnh núi mới buông một tiếng "Phào!"

Ở đây độ cao 1950 mét, nhìn xuống lũng chẳng thấy gì vì mây mù dày đặc. Gió giật từng cơn mưa núi phù phù, sợi mưa bay ngang ngang. Thôi thì vào quán gọi hai ly trà gừng cho mình và người đẹp. Hóa ra lại rất lãng mạn, vừa nhấm nháp vị ngọt nồng của ly trà ấm giữa hai bàn tay, vừa nhìn vũ điệu của những ngọn thông lắc lư bên ngoài cửa kiếng !
Thông trên đỉnh Lang Biang: "Làm cây thông đứng giữa trời mà reo"

***

Đợi chờ trong sảnh khách sạn Lê Vũ
NGƯỜI ĐẸP

Nhìn cái hình này xem. Người ngồi bên phải là người đẹp của mình đó. Nàng cười rất tươi phải không? Như một đóa hồng của Đà Lạt vậy. Đà Lạt làm cho nàng đẹp hay nàng làm cho Đà Lạt đẹp hơn!?
***


TRÀ TÂM CHÂU


Trên đường về, ghé chỗ trà Tâm Châu. Ở đó phục vụ trà và cà phê miễn phí. Không gian rộng lớn và lịch sự. Nhưng bạn đừng uống thứ trà đá và cà phê đá phục vụ ở ngay lối vào, thứ trà tầm thường và cà phê tầm thường đó cũng giống nơi khác thôi! Nếu bạn có đủ thời gian, hãy ghé cánh trái của tòa nhà - ở đó ít ồn ào - bạn sẽ thấy một cô bé với bộ đồ pha trà tuyệt vời (coi chừng: nếu bạn còn trẻ chứ không phải già như tôi thì bạn có thể say đắm cô bé đấy!). Hãy để cô bé thong thả pha trà Ô Long của Tâm Châu mời bạn. Phải mất một chút thời gian. Hãy nghe cô bé nói về nghệ thuật pha trà và hãy chậm rãi thưởng thức chén trà được mời. Chén trà đó nhỏ xíu nhưng cũng đủ cho mình thấy cuộc đời đẹp và đáng sống!

***
NỖI NIỀM



Nhiều thứ đã và sẽ thay đổi phải không? Suối Cam Ly giờ đây chỉ là một dòng chảy nhỏ giữa hai bờ kè bê tông. Thác cũng có thể cạn dòng phải không? Pongour từng nổi tiếng vì vẻ đẹp hùng vĩ mà bây giờ chỉ còn trơ vách đá khô. Nhưng khi bạn thật sự yêu ai hay yêu một vùng đất nào đó thì tình yêu có thể là vĩnh cữu. Dù mọi thứ có đổi thay nhưng rồi bạn sẽ nhớ nàng tha thiết. Như nhạc sĩ Minh Kỳ, một ngày nọ bạn sẽ gọi thầm Đà Lạt ơi, Đà Lạt ơi phải không?

Thác Pongour hầu như cạn nguồn nước.