Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

CHIỀU TRÊN ĐỒI WEINSBERG.



Chiều êm ! Lên đồi Weinsberg ngắm chiều phai...
......

Mời em lên núi cao thanh bình 
Cỏ non phơn phớt ôm chân mình 
Mời em rũ áo nơi đô thành 
Cùng ta lên núi cao thanh thanh 
Em ơi ! Đây con đồi dài, như bao nhiêu mộng đời 
Nghiêng nghiêng nghe mặt trời yêu đương

....

Cỏ hồng - Phạm Duy
Trình bày: Thái Thanh.

19:15 - Hãy còn chút nắng

19:16

19:36- Đây nắng chiều phai...
19:38

19:40

19:56 - Đóa hồng Tequila bên đường.


20:00 - Lối mòn đá tảng (Steinweg) ngang vườn táo ! 


20:14 - Tím bóng tà dương .... 8 giờ tối rồi... về thôi!



Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

DẶN LÒNG




 
   Cứ trải lòng ra để sống

   Đời vui được có bao ngày

   Chó ngáp... thân này đứt bóng

   Ngang đầu lưa nhúm... tro bay?







Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

SCHWÄBISCH HALL





Cầu Henkersbrücke                 
trên sông Kocher                 


Nghe nói phố cổ Schwäbisch Hall có bảo tàng tranh tượng Würth đang triển lãm chủ đề con người với thế giới loài vật và có mấy cây cầu gỗ mái che gợi nhớ lắm đến Chùa Cầu Hội An. Schwäbisch Hall cũng không xa Neckarsulm, chừng 60 km, bèn sửa soạn một chuyến cuối tuần đi thăm. 

Cầu gỗ mái che...





Bên lề MauerStrasse

Sau  lưng là phố cổ của Schwaebisch Hall....
nổi tiếng với đặc điểm kiến trúc nhà-nửa-gỗ (half-timbered houses)



Sự hòa hợp trong đối lập giữa đường nét kỹ hà 
của kiến trúc với nét mềm mại của thiên nhiên.

Từ cầu cũ nhìn sang cầu gỗ mái che:

Ngòi đầu cầu nước trong như lọc,
Đường bên cầu cỏ mọc còn non. (*)


Có cả hai con thiên nga thơ thẩn 
làm không gian thêm lãng mạn.

Cầu gỗ mái che (bên trong)
Sử dụng vật liệu toàn bằng gỗ. 
Cấu trúc mạnh mẽ với lan can, dầm, sàn cầu to lớn vững chắc 
theo chủ nghĩa công năng và thực dụng.

Nhìn từ phía phố cũ 

*****************************************

SO SÁNH VỚI CHÙA CẦU HỘI AN (LAI VIỄN KIỀU)

Sự trầm mặc minh triết nhìn từ phía sông Thu Bồn.
Nét sâu mầu u nhàn thể hiện rõ trong kiến trúc

Kiến trúc thanh nhã và phong phú 
bên trong Chùa Cầu Hội An.

****************************************



Nhà thờ Thánh Micheal (Stadtkirche St. Michael). 
Trước nhà thờ, phía dưới ngoài thềm ba là chợ phiên.
Đối diện phía bên này đường là Tòa thị chính của Schwäbisch Hall.
Chiều tối sẽ có một lễ hội nên cửa nhà thờ đã trang trí cổng trái tim.

Chợ phiên bán đủ thứ trái cây rau củ, giống chợ nông thôn ở Việt Nam. 
Rau củ bánh trái ở đây được bán trực tiếp từ nông dân đến tay người mua. 
Giá ở chợ này mắc hơn nhiều so với mua trong siêu thị (hoặc online!) 
nhưng người mua vẫn rất đông - thậm chí quá đông - 
vì tin rằng thực phẩm này sạch (bio) và ngon hơn. 
Đây là chợ mà giao dịch phải dùng tiền mặt...

Lêu lêu...Cháu tui ngồi ngay dưới thềm bậc thang 
nhà thờ St. Michael để... bú.


Tòa thị chính nhìn từ bậc thang thềm ba nhà thờ St. Michael

Đang diễn ra một cái đám cưới.
Những người tham dự hôn lễ đang diễu hành
 với bong bóng trắng tinh khôi hình trái tim

và... chúc mừng ... !!!
những trái tim đã bay bổng....!!!!

Wa.... đang mùa vận động bầu cử.
Áp phích cổ động của Đảng Cộng Sản...


Quá trưa rồi, trước khi ra về....

Nghỉ trưa ở một quán nước... bên bờ sông Kocher
Ghé trở lại vào thăm bảo tàng nghệ thuật tranh tượng Würth. Rất thú vị nhưng lại không được chụp hình bên trong bảo tàng!!!

Trước bảo tàng nghệ thuật tranh tượng Würth
Chẳng lẽ bịa chuyện về chú ngựa đất nung


và chuyện chú dê vàng này


mà tôi thì rất muốn biết điều gì sẽ xảy ra với chú ngựa nhong nhong và chú dê cỏn khi đứng mãi ở đây. Không biết lát nữa khi tôi ra về và bảo tàng đã vắng khách thì các chú có kháo với nhau điều gì về tôi không!?





*****







(*) Trích "Chinh phụ ngâm khúc" - Đoàn Thị Điểm.

Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

ĐI XEM NSU-MUSEUM


BẢO TÀNG XE HAI BÁNH CỦA ĐỨC VÀ (CỦA) NSU Ở NECKARSULM 





Mặt trước nhà bảo tàng với chỉ một hàng chữ đơn giản...
Trước đây đi bộ qua lại ngang cái bảo tàng này nhiều lần mà chưa ghé vô! Có lẽ vì cái tánh hay trọng hình thức của dân Việt Nam mình nó ăn sâu vào người quá nên "hơi lơ là" với cái gì bên ngoài có vẻ xuề xòa cũ kĩ và đơn giản. Thật vậy nhà bảo tàng này - không xa ga xe lửa Neckarsulm - kề một công viên nhỏ yên tĩnh, là một cấu trúc gồm hai tòa nhà cổ khá đơn điệu liên kết với nhau bằng một kiến trúc kính và kim loại có phần lạnh lẽo u tối, và mặc dù nó được giới thiệu trang trọng trên bản đồ du lịch thì cái vẻ giản dị của nó hơi khó hấp dẫn những khách tình cờ. Nhưng đó chỉ là vẻ ngoài của nó thôi, hãy bước vào để khám phá sự phong phú không ngờ những thứ mà nó có! Giá vé chỉ 4.5€, khá rẻ so với những điều thú vị mà bảo tàng đem đến cho người tham quan, nhất là ai đến từ một xứ sở mà chiếc xe gắn máy là phương tiện di chuyển hằng ngày không thể thiếu được của gần như toàn bộ dân chúng!


Phía sau nhà bảo tàng nhìn từ phía công viên.

Hiệu xe SACHS của Đức này từng rất phổ biến
ở Việt Nam, thậm chí máy nó kéo mạnh đến
 nỗi mấy ông "xe lôi gắn máy"
ở Miền Nam một thời rất ưa dùng!


Một ví dụ rất tốt về quá trình dịch chuyển tư duy
từ "sáng tạo xe đạp" đến "sáng tạo xe mô tô".

Chiếc này sản xuất từ năm 1909

và dùng truyền động nửa giống dây sên nửa giống dây cu-roa
(vì đai truyền động làm bằng những miếng da thuộc ghép lại)

Sản xuất từ năm 1931,
hơi giống với cấu hình chiếc Vélo Solex của Pháp -
từng rất điệu đà với tà áo dài của Việt Nam 
trong những năm 50 (thế kỷ XX) - 
nhưng có mấy điều khác:
1. Động cơ được gắn lên xe đạp kiểu đòn giông,
chứ không phải trên dạng sườn xe đạp nữ như Vélo.
2. Vélo dùng truyền động trục lăn tiếp xúc trực tiếp
trên bánh xe trước trong khi chiếc xe này...

dùng truyền động dây sên (chaine)
từ nhông xuống đùm 
bánh trước.


Sản xuất từ 1914 nhưng chiếc này đến 496 phân khối 
và có gần đủ mọi thứ như một chiếc xe mô tô hiện đại


Có ngạc nhiên không !?
Neckarsulm sản xuất từ 1905



Xe mô tô bánh xích! 

  • Tư duy Đức thực tế một cách rõ nét!
Đường Kolpingstrasse và hẻm Benefizgasse
của Neckarsulm bị tàn phá trong WWII, 
hậu cảnh là các bức tường còn lại 
của nhà thờ Saint Dyonysius

1936 ....

Cũng từ 1936.
Xem cái "pô đuôi cá" ấn tượng chưa!

Dáng thanh thoát gợi nhớ chiếc Goebel
từng rất quen thuộc với dân Miền Nam Việt Nam


Bố trí không gian triển lãm trong bảo tàng không được hợp lí lắm, có lẽ là do nó phải chịu ép trong khuôn phép của tòa nhà vốn rất cổ. Tôi đã rất bối rối và phải loay hoay vài lần để tìm lối đến các phòng trình bày, phải đi qua các cầu thang hẹp té bí hiểm mà không thấy một sơ đồ chỉ dẫn nào cả. Tôi đã đi lòng vòng trong bảo tàng gần 2 tiếng để xem đủ thứ xe máy, từ những chiếc xe Đức thời "ông cố", những chiếc với động cơ Wankel, những chiếc mô tô rất xưa động cơ dung tích hàng ngàn phân khối có tiếng nổ máy "rất ấn tượng", một chiếc xe kềnh càng dùng động cơ của Roll Royce,... đến chiếc xe màu đỏ lộng lẫy và tiếng nổ rất êm của hãng HONDA, mà vẫn chưa hết những điều muốn xem và muốn biết. Chẳng hạn tôi rất muốn biết tại sao dòng xe gắn máy SACHS hoặc GOEBEL một thời rất quen thuộc và thậm chí phổ biến tại Việt Nam lại phải nhường thị trường này cho HONDA, SUZUKI và KAWAZAKI ?? Tại sao - không được như các tên tuổi MERCEDES, VOLSWAGEN, BMW hay AUDI trong công nghiệp xe hơi - ngay trên đất Đức ngày nay những chiếc xe mô tô NSU hay MAICO lại phải nhường chỗ cho Harley Davidson ??

Rốt cuộc đến khi ra về tôi mới phát hiện còn khá nhiều chỗ trong bảo tàng mình chưa xem! Không biết có cái cầu thang nào hay khuôn cửa hẹp nào tôi đã bỏ qua?! Hay chính bảo tàng muốn thể hiện ý tưởng nền công nghiệp xe hai bánh, xe mô tô của Đức, bắt đầu từ những sáng tạo tuyệt vời, đã phải đi qua những khuôn cửa hẹp...!

***







Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

Bắc Sơn.



Xa quê nghe "Sa mưa giông" của Bắc Sơn.
Nhớ quá Ba Mẹ, nhớ mái lá tuổi thơ,
nhớ kinh Tam Sóc - Sóc Trăng và cánh đồng Đại'n Tân.

Sa Mưa Giông
Nhạc sĩ: Bắc Sơn.


Dẫu mà trời còn làm mưa lâu dài, giọt buồn giọt tủi đêm ngày, cây cột mè rui... mái lá nghèo... cũng đừng dột xiêu! Dẫu mà cơn nắng bấy lâu, mà dây bầu mày còn không héo, mới mưa dầm mày lại héo dây.
Cha ơi, sao cha chưa về, nhà trên bếp dưới vắng tanh. Đợi với trông mỏi mòn. Ngoài kia mưa dầm, cha còn dầm mưa. Tàn cơn mưa dầm, mẹ gần về chưa?
Trời sa mưa giông, cho mưa heo gió mèo! Cây cầu cha bắc qua sông để mẹ về, nước tuột nuộc dây! Trời sa mưa giông! Thua buồn, con bãi đưa đò cũng lạnh lùng bỏ mặc dòng sông nên không có chuyến đò nào đưa.
Dẫu mà trời còn ngàn năm cứ mưa hoài, để thèm thuồng giọt nắng rớt sau hè, con vẫn ngồi nhen bếp lửa hồng nuôi ngọn đèn chong. Thế nào tia nắng cũng lên trên giàn bầu. Mẹ trồng cha hái, bữa cơm nghèo... chén canh cá cắm câu.




Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

Hoa xứ lạ




Con đường
(cho xe đạp)đi Heilbronn
bên trái là sông Neckar
bên phải có cửa hàng
của Pflanzen-KØlle
Không như tôi là kẻ chỉ ưa hoa đồng cỏ nội, mấy ông bạn ở quê nhà mê đắm hoa lan. Mấy bạn già này thấy ở đâu có thứ lan lạ thì trong túi còn bao nhiêu tiền cũng dốc ra mua về cho được (mà có khi còn dám mượn nợ nữa cũng nên!). Nghe nói ở chỗ nào có thứ lan lạ lại không nề hà cái xương sống cũ mục, nay cụp mai thụn, chạy chiếc xe cub 78 "dồng-cà-cồng" cũ sì tới xem. Say sưa lan đến như lão Văn Tài, trời mưa gió lốc sập một mái nhà, không lo nhà sập đè chết mà khư khư cúi đầu đưa cái lưng ra đở tấm tường ngã, ôm trong lòng giò lan quí sợ hư giò lan, vậy có điên không chớ!

  • Văn Tài có bạn chiến đấu là "Bái" Diệp (Gọi là ông Bái vì nhà ở kế đình Phú Dân, sớm hôm lo thắp hương cho thần hoàng và đàn xã tắc). Bái Diệp bịnh gần chết mà không lo! Từ phòng hồi sức ra đang còn ngáp-ngáp thấy bà Liên (vợ Bái Diệp) đứng kế bên mi mắt thâm quầng, nước mắt còn đọng vũng, không hỏi thăm cái gì mà khóc, lại hỏi mấy giò lan ở nhà bữa nay ra sao ?!!!!...
Hoa bán trong siêu thị Kaufland.

  • Văn Tài và Bái Diệp làm thành một cặp thân thiết mê hoa... Tìm được ở đâu một giò lan mới hay giò lan nào có hoa đẹp Văn Tài cũng đem tới nhà Bái Diệp treo để cùng nhau ngắm nghía! Khi Văn Tài - vốn là người gốc Hoa - đi du lịch Trung Quốc - được Bái Diệp dặn đi chơi đâu thì đi, chớ có ra Hoàng Sa hay Trường Sa, ra đó thì đừng trách anh em không nhìn mặt nhau nữa à nghe! Văn Tài đi chơi một tháng mới "dìa"... Chẳng biết đã đi chơi những đâu. Bái Diệp hỏi đi thấy có gì hay? Văn Tài trả lời cụt lủn "Ở bển không có hoa lan!" rồi thôi!



***


  • Tôi đi lòng vòng ở xứ này, ngắm nghía hoa dại đã mãn nhãn thì nhớ tới bạn bè bèn đi ngắm hoa lan. Hoa lan không phải là loại hoa ôn đới nhưng ở đây người ta đã trồng thành công hoa lan thương phẩm rất đẹp và có nhiều màu không thấy có ở quê mình. Tôi ngạc nhiên và rất khâm phục công nghệ trồng hoa ở đây. Hãy xem nhánh lan màu nâu hay nhánh lan màu xanh cobalt này xem! Những giò lan có lá xanh mướt cứng cỏi, mạnh khỏe và bộ rễ thì... khỏi chê. Giá đắt vượt khỏi khả năng cái hầu bao của tôi nên tôi phải trở đi trở lại nhiều lần để ngắm nghía chúng trên kệ hoa và để... tự suy ra bằng cách nào (công nghệ) mà người ta trồng được như vậy!
    Cuối cùng tôi chỉ chụp được mấy tấm hình này! Ôi... Tôi không thể đem về tặng các bạn giò lan thật thì tôi bèn tặng bạn tấm hình vậy!

Hoa lan bán ở Pflanzen-KØlle


Hoa lan bán ở Pflanzen-KØlle