Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

Đêm đọc Hoàng Lộc


Đêm nay qua trông nhà giùm cô em gái. Căn nhà không xa phố chợ, chỉ cách một dòng sông. Bên kia sông phố chợ rực rỡ ánh đèn nhưng ở đây đìu hiu kinh khủng.

Hoàn toàn tĩnh mịch. Thứ âm thanh duy nhất nghe được là tiếng thạch sùng chặc lưỡi ngoài hiên! Cũng không phải rãnh rỗi gì nhưng trong đêm sâu buồn hoang vắng này chỉ còn muốn ngồi bó gối để nói chuyện với chính mình mà thôi. Nói chuyện với chính mình có khi không phải là độc thoại mà là nghe tiếng nói của người kia vang vọng trong tâm tư của mình. Ấy là khi mở quyển thơ của Hoàng Lộc ra đọc lan man!

Cô em gái vừa gởi về quyển thơ còn mới tinh thơm, trang nhã. Hơn một trăm bài thơ! Chắc phải còn lâu mới đọc hết cả trăm bài đó! Thơ chớ có phải giáo trình đâu mà phải đọc tuần tự hoặc đọc cho nhanh. Câu thơ đâu chỉ có chữ nghĩa, cú pháp. Câu thơ là món quà của một cuộc đời riêng, là sự rung động tế vi của một tâm hồn đòi lan tỏa tới kẻ tha nhân. Câu thơ có thể được viết ở một không gian nào đó, một thời điểm nào đó, trong một cõi phù vân thực mà huyễn mộng, theo trang giấy run rẩy tới đây, trong đêm sâu này, để “cho dẫu phù vân” cũng có thể giao hòa một nhịp tâm tư:
...
ta nằm im
một mình nghe
cái thinh không
lạnh
bốn bề thinh không
và nghe tiếng gió trong lòng
thổi như xé buốt trăm năm trễ tràng
(nằm nghiêng với bệnh, trang 68)
Vậy đó ta với người giờ đây chia sẻ cái-thinh-không-lạnh-bốn-bề-thinh-không. Ta đọc một bài ở trang này, trầm ngâm trong cô quạnh, nghe lòng ta lòng người nói với nhau. Ta bỏ một bài ở trang kia vì không nói gì với ta trong cái đêm sâu này.

Tập thơ là của một kẻ đã luống tuổi đời, kẻ ngắm nhìn hoa còn tiếc vẻ đẹp của ngày nào năm trước: Đào hoa y cựu tiếu đông phong! Cái ảo ảnh của người tình nhân xa rồi của năm xưa vẫn còn hoài, làm tình làm tội:

năm mươi năm đời ta
                    hoài con bướm thức
hoa vàng nhà em đêm khờ - trở giấc
thì ra có thiệt mùa xuân
bướm đã già rồi –
                tội lắm – tình nhân !
(thơ xuân của bướm già - trang 46)

Ơ hơ! Hoa có nở vì bướm già đâu. Chẳng phải đã có kẻ ngày xưa bùi ngùi:

Kim nhật hoa tiền ẩm
Cam tâm túy sổ bôi
Đản sầu hoa hữu ngữ:
Bất vị lão nhân khai.
(Ẩm tửu khán mẫu đơn - Lưu Vũ Tích)

Hôm nay uống rượu ngắm hoa
Cạn đôi ba chén gọi là mua vui
Chỉ e hoa nói lên lời:
Em không phải nở cho người già nua.
(Bản dịch của Tương Như)

Kẻ tình nhân già nọ:

có những bài thơ viết khi nào không nhớ
lật ra dòm – bỗng thấy bóng em trong
có một loài hoa một đời chưa chịu nở
bỗng vì em mà phải nở rất buồn
...
(thơ tình của người có tuổi – trang 176)

rồi tóc trắng phất phơ chiều sương khói
thế xuân thu rẻ rúng chuyện công hầu
tình cũng chảy mỗi dòng theo mỗi cõi
ai trách lòng ta khỏi biển xanh dâu?

câu thơ viết bên kia trời tưởng nhớ
đưa ta về ray rứt giữa canh đêm
trăng phố thị dẫu tàn hiên cổ độ
dễ nguôi khuây những ngọc nát châu chìm.
(mưa cuối đời thơ - trang 47)

Thế thôi chuyện biển xanh tang điền, lấy ai mà trách lòng ai! Sông xưa đã rẽ mấy dòng, tình xưa phố cũ châu chìm giữa đêm! Hoài giang có ai còn thấp thoáng bóng ngà bước qua phố đèn lồng trong đêm trăng? Đâu đó cố hương có ai để chia sẻ nỗi lòng?

Ta làm kẻ xa - người chưa gặp một lần - mà không lạ, trong đêm vắng làm người lắng nghe, để cho giọt lệ Giả Đảo được nâng niu:

Nhị cú tam niên đắc
Nhất ngâm song lệ lưu
Tri âm như bất thưởng
Quy ngọa cố sơn thu.

để cho - khi mà:

...
cây đời ta gãy hết
những ngọn tình phù vân
...
(ngoại ô, đêm - trang 36)

thì ở nơi đây - đêm nay cũng là một đêm ngoại ô - cũng đâu phải cần làm chi nhiều lắm đến hai câu!


hiểu sao nhị cú tam niên đắc
chỉ nửa câu đây đủ khóc ròng
...
(lạc địa - trang 17)

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012

Thầy và cô của mình...

Thầy của mình tinh khiết như đóa sen trắng. Có những lúc tâm tư vật vã đủ chuyện cuộc sống, chỉ cần xách xe chạy qua nhà thầy, nhìn thầy một cái, nghe giọng thầy nhẹ nhàng nói một câu chuyện ngắn nào đó, là lòng cảm thấy bình yên. Thậm chí có những lúc chỉ mong được nhìn thấy thầy thôi, không cần thầy phải nói điều gì, vẫn cảm thấy thầy thấu thị được tất cả, đọc được những gì sâu thẳm trong lòng mình, và đó là một thứ hạnh phúc hết sức kỳ lạ.
Cô của mình thì rất vui, rất hồn nhiên, thứ hồn nhiên mà con người bị tước mất kể từ khi cố xây dựng cho mình cái tháp Babel cao ngất trời. Thứ hồn nhiên – đầy ân sủng và sáng láng như trẻ thơ - đã được Chúa mặc khải cho những ai sẽ được vào nước Chúa.

Mình là tên ngoại đạo, kẻ đầy sân si sầu khổ đứng tần ngần trước cổng chùa, kẻ đầy lòng oán hận thế gian đứng trước ngôi thánh đường. Thầy cô làm cho mình quên mình là một kẻ ngoại đạo…

TẢN MẠN với bạn, về bạn...



Viết - thương tặng Nguyễn Tấn Phúc,
và những người chèo đò quen biết…

1. Bạn ta đau cái thể xác vô thường mà cũng đau luôn cái phần hồn không yên tĩnh. Không biết vì thương bạn hay cũng chính là thương ta, nhìn bạn ta đau mà lòng ta khắc khoải! Vì ngoài bạn thì mấy ai hiểu được ta, còn ta thì không dám chắc hiểu được hết mọi ngóc ngách tâm hồn của bạn. Biết đâu có khi ta thương ta trong cái hình hài của bạn, trong nỗi đau của bạn không chừng! Ta với bạn có chung một kẻ học trò. Kẻ học trò học cái nghề đưa đò của ta với bạn. Có lần ở nhà bạn ta đọc được trên vách, ngay cạnh giò lan:


Toán lai thế sự kim năng ngữ
..
Thuyết đáo nhân tình kiếm dục minh ..
..................
Gẩm lại sự đời vàng biết nói
Nhắc tới tình người kiếm muốn reo


Hai câu đó không biết bạn treo để nhắc bạn, để nhắc ta hay để nhắc kẻ học trò kia nỗi niềm của La Sơn Phu Tử? Ông lái đò thì có gì đâu ngoài…  một con đò, một bến sông, một thanh gươm. Ông lái đò thì chờ đưa tráng sĩ qua sông. Tráng sĩ qua sông (hề) không trở lại, gươm thiêng (hề) vẫn giữ ở bến sông…!!! Thanh gươm của ông lái đò – giữ hoài không trao được cho ai – thì cũng chỉ để làm cái sào đò, để cho con đò đừng trôi tầm bậy mà thôi. Ngồi trên con đò một buổi chiều vắng, trong cái lụi tàn hoàng hôn màu ráng đỏ, đối diện với cái bóng của mình, nhìn dòng sông trôi, nhìn thanh gươm cũ xì, lụt nhách chống lên be đò làm cái chỗ máng mái chèo, ông lái đò đau thương tư lự. Đau nỗi tuổi già và đau nỗi gươm cùn!

La Sơn Phu Tử thiệt là chính đại chân nhân! Còn ông lái đò là ta và bạn thì… đôi khi cuộc đời chỉ là để đến chơi thôi mà. Dù níu kéo gì đó thì một ngày kia cũng xa bỏ bến sông. Có khi nào thấy dòng sông của ngày hôm qua giống với dòng sông của ngày hôm nay đâu!? Nhân tình mỗi sát na một khác, huyễn mộng lung linh thì biết quơ kiếm vào đâu? Nhắc tới tình người kiếm muốn reo nhưng chỉ sợ kiếm reo rồi lại không còn tình người! Thế nên kẹt lại ở cái bến đò, ôm thanh gươm mỗi ngày mỗi cùn lụt, nhìn con nước trôi hướng này rồi lại nhìn con nước trôi hướng kia, khi đầy khi cạn. Trôi thế nào thì cũng là con nước! Rơi vào nỗi khổ trilemma của ngài nam tước Münchhausen! Nhấc ta lên như thế nào đây? Tự tay nắm đầu tóc của mình để nhấc bổng mình lên à! Mà con đò cũng có được nhấc theo không!?

2. Cũng trong chiều nay, đọc lại blog của bạn mới thấy lại... ta thật là đáng trách. Hai năm trước bạn viết cho ta như thế này

“….

Hoang mang bơi giữa phàm trần
Trăm bờ ảo vọng, nghìn tầng quạnh hiu!

Oh! Giai điệu và gam màu rất hợp. Sao mà mũi tên như kẻ chỉ nằm gọn ngay giữa hồng tâm của TP thế…?? Còn 50% n
ữa của 2 câu trên, chờ hoài…Tức anh ách… Anh B ơi! Hình như; dang dở, lỡ làng, một chút gì đó vắng và thiếu thì mới đọng phải không Anh ?"

Đáng trách là trong những ngày tháng đó ta quên không đọc bạn đã viết gì, do đó câu hỏi đâu có tới tâm trí của ta đâu! Đâu có comment trả lời trả vốn gì đâu. E hèm… ta không phải là nhà thơ nhà văn gì ráo nên những câu ta viết ra trong những lúc hứng chí (hoặc sầu đời…!) ta chẳng bận tâm để nhớ bao giờ! Nhiều khi viết không đầu không đuôi rồi quên luôn. Hai câu bạn níu kéo được trong kí ức ở một tuần trà nào đó giữa “đôi ta” thiệt tình đã bị ta quên khuấy đi mất mãi cho tới chiều nay. Sự quên khuấy đó hóa ra là thất thố với lòng chờ đợi của bạn. Ta của hồi viết hai câu bỏ dở đó với ta của bây giờ không biết còn có gì giống nhau không? Sự đời vốn vô thường mà! Vậy thì viết nối vào cho đủ khổ thơ hóa ra là lấy keo dán sắt dán cái nụ hoa khô của năm xưa vào cái đài hoa mới của năm nay à!? Nhưng không viết tiếp thì lại giống như chuyện nấu canh chua mà lại quên bỏ me à!? Thiệt là không biết phải làm sao! Cái này thì lại là một thứ dilemma khác nữa rồi!


Thứ Hai, 13 tháng 2, 2012

SÔNG, CẦU, ĐÒ.. NỖI NHỚ




Cầu Bến Tre 1 (đang thi công)
Tưởng như bóng mẹ vẫn còn trên sông
(Trích từ web site Nguoi Ben Tre)
Cầu Bến Tre 1 trước đây (sau 1975)
(Trích từ web site Nguoi Ben Tre)
Buổi chiều, nước đầy sông chảy te te, cây cầu mới xây trông giống một con cá sấu bự nằm vắt ngang, bốn cái cầu thang lên xuống dành cho người đi bộ trông giống bốn cái chân chống lên hai bờ sông, cái đầu xa khuất đâu tuốt bên Miễu Cái Đôi, còn cái đuôi thẳng đuột thò ra tới tận bồn binh Huê Liên. Ờ... Bến Tre đã có cầu Cá Lóc, cầu Kiến Vàng, cầu Cá Trê, bây giờ gọi cầu này là “cầu Cá Sấu” thì ấn tượng hơn là gọi cầu Bến Tre 1 phải không?

Nước đầy ăm ắp mà tôm cá thì đâu hết trơn. Cái thời mỗi chiều, vào con nước rong tháng 10, lại thấy từng bầy cá linh nổi đuôi đỏ cả mặt sông, ra bờ sông gánh nước thế nào cũng làm lọt vào thùng nước vài con cá, cái thời đó qua huốt hồi nào không hay! Bờ sông cũng không còn mấy chiếc ghe chiếc đò! Ở cái xứ sông nước này mà bây giờ tìm ra một đứa con trai con gái biết chèo ghe thiệt khó còn hơn tìm ra con cá linh tháng tư. Đi dọc theo bờ sông lan man nhìn con nước mấp mé tràn bờ mà nhớ ông bà ông vãi gì đâu. Chỉ có một mặt sông, một dòng chảy mà biết bao nhiêu chuyện “thương hải biến vi tang điền” diễn ra như một thước phim dài.
Không ảnh cầu Bến Tre năm 1968
(Trích từ web site Nguoi Ben Tre)


Nhớ bến đò ngang Cái Cối có cái cầu đò lộ ra những hạt đá sạn trắng tròn tròn nho nhỏ chiều nào cũng ra tắm, quậy đùng đùng trong dòng nước thiệt là sạch, thiệt là mát. Nhớ bóng dáng Mẹ nghiêng nghiêng và dáng khắc khổ của Ông Ngoại chèo đò trên bến sông này. Lại nhớ những chiều tan học, cả đám học trò nhảy ào ào vào con đò khẳm lừ, mặc cho ông lái đò quát tháo chặn lại, để đến khi đò ra tới giữa sông thì đứa nào đứa nấy im re, mặt mày xanh mét, cứng người lo lắng nhìn con nước chảy xiết vuốt dọc theo be chiếc đò chỉ mấp mé dòng nước có mấy phân. Nhớ cây cầu sắt sơn màu bạc và nhớ tuổi 15 tò tò làm cái đuôi của một bông hồng mà chưa bao giờ dám bước lên thêm một bước để làm quen. Ước chi cây cầu dài thiệt là dài, đi hoài không hết! Nàng đẹp như một nàng tiên đâu đó trong cõi thiên thai – cái cõi thiên thai giống như cái hình in trên hộp bánh có bốn chữ Trung Thu Nguyệt Bỉnh – đột ngột hạ giới khiến tuổi 15  ngất ngây và xa cách!
Tang thương 1968. Chợ Bến Tre
(Trích từ web Nguoi Ben Tre)
Rồi tới những ngày dữ dội binh đao!... Quê hương điêu tàn khói lửa! Nhớ hình ảnh một người mẹ trẻ tay dắt đứa con gái chừng bốn năm tuổi hấp tấp dừng bước trước cổng đồn ngay dưới chân cầu. Người mẹ trẻ đó gào lên bi thiết: Anh ơi… anh… anh còn sống không! Không có tiếng trả lời! Tiếng trực thăng, tiếng bom đạn nổ ầm ầm chung quanh là tiếng trả lời! Thứ tiếng trả lời của địa ngục, của lòng hận thù! Không có tiếng trả lời của tình yêu. Rồi cái tiếng than vãn yếu ớt cất lên: Chắc ba chết rồi con… Một tiếng nấc ngắn, rồi một quyết định chắc trong đời người phụ nữ ấy không khi nào dám nhớ lại chỉ trừ trong các giấc mơ hãi hùng: Chạy con, chạy mau con, đi con! Tình yêu không còn trong cái đồn ấy!? Tình yêu nằm lại trong cái đồn ấy!? Hay tình yêu đang tiếp tục sống trong nắm tay dắt díu của người mẹ trẻ?! Nhớ tới lúc chạy tới giữa cầu, quay lại đứng nhìn 3 chiếc trực thăng xả đạn, rocket tới tấp vào mái nhà mới chỉ hôm trước còn là chốn yên ấm của bốn mẹ con. Mái nhà bốc khói nghi ngút. Vậy là con chó Ki, mấy quyển tập mới tinh, lòng giấy thơm phức mới viết có hai ba bài và cây viết hiệu Pilot cắc củm mới mua cháy tiêu rồi. Cả xóm cháy phừng phừng... Nhớ những ngày tháng giêng dòng sông đầy xác người trôi ra trôi vào, tấp vô mố chân cầu lỗ chỗ vết đạn ba bốn chục xác người – có cả xác một con heo - phình trương, lẫn lộn giữa những chiếc ghe có con mắt ghe mở to trầy xước như hoen lệ. Trên bờ một cái chợ tang thương vẫn họp bên cái nhà lồng chợ ám khói lở loét liêu xiêu…
Đò buồn... đợi bán!
Không còn mấy con đò
(Chụp tại Bến Lở)
Người buồn và ván cờ... buồn!
Có những năm tháng xăng dầu hiếm hoi, xe cộ mục nát, quản lý vận tải tồi tệ, chuyện đi xe đò là một cực hình nên đò dọc là một lựa chọn tốt hơn (!). Nhớ những con đò dọc chạy về đêm. Con đò chạy theo con nước, phần lớn thời gian chỉ nổ máy cầm chừng thả trôi theo dòng để tiết kiệm nhiên liệu. Đò Thạnh Phú – Bến Tre chẳng hạn, mỗi ngày chỉ chạy một chuyến, xuất bến ở bến chợ Thạnh Phú lúc 12 giờ đêm. Đi đò phải đem theo cái võng. Xuống đò xong là mắc võng lên. Nằm đong đưa tòn ten, lắc lư theo nhịp sóng, ngủ lơ mơ, thôi kệ chừng nào tới thì tới. Chừng ba giờ sáng thì tới đầu Cồn Ốc, thấy mờ ảo vầng sáng của thị xã Bến Tre, mọi người sột soạt thức dậy. Lại bồn chồn cả tiếng đồng hồ cho tới lúc đò đi qua ánh đèn vàng quạch của dạ cầu Bến Tre. Đò cập vào Bến Lở. Trời còn tối thui, ba chân bốn cẳng đi bộ riết về nhà, gõ cửa gọi: Mẹ ơi, con về nè mẹ ơi…  Bây giờ thì không còn mấy con đò. Trên bến còn thấy một chiếc đò buồn hiu treo cái bảng "ĐÒ BÁN". Mấy tay chạy xe ba-gác, khuân vác không có việc gì làm trầm ngâm ngồi đánh ván cờ. Cái ván cờ cuộc đời mà cả hai bên đều bị chiếu tướng!

Cầu thi công gần xong,
nhìn từ phía Ấp An Thuận - Xã Mỹ Thạnh An
Kí ức dòng sông, cây cầu và những con đò ngang đò dọc! Những thứ đó làm nên lịch sử rất riêng vẫn lung linh ẩn hiện trong những tối về ngồi lại bên bờ sông. Trong sâu thẳm của đêm, tiếng máy nổ của một chiếc ghe bầu nào đó lầm lũi, chỉ thấy hai ánh đèn bên xanh bên đỏ, như nặng nề tâm sự, chậm chạp đi qua dạ cầu. Bây giờ đứng trên lan can cây cầu đẹp đẽ sang trọng – nhìn xa trong bóng đêm – biết ai đó một đời sóng gió giang hồ có còn nhớ không những tháng ngày qua?


Cầu mới và những con mắt đêm...

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

KARAOKE

Già Bảy có thói quen ngủ ngoài hiên nhà. Nhà già Bảy ở cuối miếng giồng, suốt ngày gió đồng lồng lộng thổi miên man. Ngủ ngoài hiên rất mát, thoáng, mà lại không có muỗi nữa thì tội gì mà chui vô buồng cho ngộp! Già Bảy nói lí do chuyện già Bảy ngủ hiên nhà là vậy, nhưng bà Bông hàng xóm thì cho là già Bảy nói vậy mà không phải vậy, bởi vì có bữa đầu hôm thì thấy già Bảy còn nằm thẳng đơ ở đó nhưng chừng 2, 3 giờ sáng bà Bông thức dậy nhổ rau, chuẩn bị hàng bông để đưa ra chợ sớm, ngó qua nhà già Bảy thì thấy cái ghế bố của già Bảy trống huơ trống hoác. Có méc với bà Bảy rồi nhưng chỉ thấy bả cười tủm mà thôi… Khuya nay cũng vậy. Trăng tháng giêng sáng lững lơ. Già Bảy đang nằm lơ tơ mơ ngoài hiên ngắm trăng miệng hát nho nhỏ cái câu "có biết chăng đời trai phong sương…” mà trong bụng bực bội lắm. Bài nào già Bảy thích hát cũng có ca từ êm ái dễ chịu, dễ thương chớ có đâu như mấy bài làm hại của mấy bà hát hồi chiều!
Số là như vầy! Ngẫm nghĩ nhà mình cũng ở chỗ hơi heo hút, hồi xưa ở phố chợ còn biết đến không khí tết, chớ như bây giờ về giồng đây thì đêm trừ tịch chỉ trừ khi có tiếng pháo mới biết xuân sang – mà pháo thì bị nhà nước cấm tiệt rồi – còn thì giao thừa mấy năm nay lạnh tanh, bà con đi ngủ ráo, già Bảy mới mua cái giàn karaoke để tết nhứt hát chơi đón giao thừa.
Bây giờ cái giàn karaoke lại gây rắc rối cho già Bảy. Ai đời ngó xuống mà coi! Hồi chiều già mới sương sương một chút thì mấy bà bèn tước cái micro trên tay già Bảy – gọi là “chiếm đài phát thanh” – để mấy bả hát từ 7 giờ đến gần 12 giờ đêm. Càng hát càng hăng, chị em phụ nữ ban đầu còn hát mấy bài huê tình nhạc nhẹ, riết rồi mấy bả hứng tình hát tới lambada thì già Bảy cũng động kinh luôn. Con heo 2 tạ bên nhà bà Bông cũng giựt giựt hip hop theo nhịp hát của mấy bà. Trời đất ơi, đến đúng 12 giờ đêm, chồng bà Bông hớt hơ hớt hãi từ nhà bển chạy qua tri hô: "Bà con ơi… cứu … cứu… con heo nái của tui nó lên tăng-xông chết rồi…!"
Đó… bây giờ mới thấy rắc rối, thầy bói nói đúng là già Bảy năm nay bị sao La Hầu mà. Bà Bông đổ lỗi cái karaoke làm chết con heo của bả! Vậy hả!? Thôi, mai mốt không cho bả qua hát nữa. Bả mà hát có khi con trâu của bả còn chết nữa là!

(Phụ chú: Theo "tác giả" cái "chiện" này - tức là Già Bảy - thì đây là chuyện thiệt 100%, nhưng chỉ để "tiếu lâm" mà chơi về cái nạn ô nhiểm âm thanh. Già Bảy là người nghiện karaoke nên rốt cuộc giải pháp cho sự cố chết con heo nái mà già Bảy có thể nghĩ tới chỉ là chừng nào thì chồng bà Bông mời Gíà Bảy qua ăn cháo lòng mà thôi!!!)

Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2012

Những ngày nắng đẹp.


Cả gia đình lại sum họp.
Vui quá là vui
Sau chuyến xe buýt nóng quá trời,
Cả gia đình cuốc bộ vào khu Cần Giờ  Resort.
Du lịch theo kiểu ba-lô xem ra làm anh chị sui mệt lữ...
Ăn xong là hết mệt và cười toe thôi mà..

Điều mà bố ưng ý nhất:
Dựng cho bố cái giàn bầu!
"Má gói mấy đòn bánh tét này
để tặng hai chị sui nghe!"
Chuẩn bị ...
Đồng vợ đồng chồng, ta nấu nồi bánh tét...
Lâu lắm rồi bố mới được nghe
tiếng đàn của con gái.
Bản Domino ngày nào
giờ được nghe trong ánh lửa
bập bùng của nồi bánh tét...
Một năm dài thật là dài. Các con đều vất vả sinh nhai ở các nơi xa thật là xa. Thật hạnh phúc được có vài ngày gia đình đều có đủ mặt bên nhau, có cả anh sui chị sui. Vì các con ngay mồng một tết đã phải trở về với công việc của tụi nó nên năm nay cả nhà ăn tết theo kiểu vua Quang Trung. Tức là ăn tết từ 23 tháng chạp để đến 8 giờ sáng mồng một tết là… xong, ai về nơi nấy! Tuy nhiên thật là sảng khoái để được cuốc bộ mấy cây số với anh sui vào bãi biển Cần Giờ, để được trong đêm khuya ngồi nhâm nhi với anh sui tách cà phê nóng (kể cả tách trà Lipton mà anh sui với mình đều nhất trí … chê dở ẹt!), tám với nhau đủ thứ chuyện đời, cùng nghe tiếng reo vi vu của phi lao hòa lẫn trong tiếng sóng biển rì rào ở bãi biển Cần Giờ. Thật sung sướng mấy ngày giáp tết được nhờ hai chàng rể dựng cho bố vợ cái giàn để trồng bầu, trồng bí. Mấy cây cột xi-măng thì mình mua đã gần một năm nay, nhưng nặng quá, sức già một mình không thể nào vác nổi đến vị trí dựng cái giàn, phải chờ đến mấy ngày này và nhờ sức trẻ của hai chàng rể mới xong! Và năm nay lại phục hồi nồi bánh tét. Năm nay không nấu nhiều bánh nữa, vì mùng một tết thì kể như hết tết rồi, chỉ vừa đủ để chia sẻ với mấy bên sui gia, với em út, vậy mà rất vui. Khoảnh khắc ngày xuân rồi qua nhanh, vừa đủ để nhớ nhung những ngày nắng đẹp…

Bella, 4 tháng tuổi,
 thành viên mới của gia đình
đang thắc mắc có gì mà rộn ràng vậy!!!?!.

Nhành lan bé tí này cũng vừa kịp ra hoa



Chút khói lá khô chiều giáp tết, biết đâu rồi sẽ lại bâng khuâng!....

Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2012

Nông sản đầu năm...



Ới bà con ơi! Đầu năm đào được củ khoai mì "cổ thụ". Tính làm bánh tầm khoai mì đây! Có ai tới ăn phụ tui hông?