Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012

TẢN MẠN với bạn, về bạn...



Viết - thương tặng Nguyễn Tấn Phúc,
và những người chèo đò quen biết…

1. Bạn ta đau cái thể xác vô thường mà cũng đau luôn cái phần hồn không yên tĩnh. Không biết vì thương bạn hay cũng chính là thương ta, nhìn bạn ta đau mà lòng ta khắc khoải! Vì ngoài bạn thì mấy ai hiểu được ta, còn ta thì không dám chắc hiểu được hết mọi ngóc ngách tâm hồn của bạn. Biết đâu có khi ta thương ta trong cái hình hài của bạn, trong nỗi đau của bạn không chừng! Ta với bạn có chung một kẻ học trò. Kẻ học trò học cái nghề đưa đò của ta với bạn. Có lần ở nhà bạn ta đọc được trên vách, ngay cạnh giò lan:


Toán lai thế sự kim năng ngữ
..
Thuyết đáo nhân tình kiếm dục minh ..
..................
Gẩm lại sự đời vàng biết nói
Nhắc tới tình người kiếm muốn reo


Hai câu đó không biết bạn treo để nhắc bạn, để nhắc ta hay để nhắc kẻ học trò kia nỗi niềm của La Sơn Phu Tử? Ông lái đò thì có gì đâu ngoài…  một con đò, một bến sông, một thanh gươm. Ông lái đò thì chờ đưa tráng sĩ qua sông. Tráng sĩ qua sông (hề) không trở lại, gươm thiêng (hề) vẫn giữ ở bến sông…!!! Thanh gươm của ông lái đò – giữ hoài không trao được cho ai – thì cũng chỉ để làm cái sào đò, để cho con đò đừng trôi tầm bậy mà thôi. Ngồi trên con đò một buổi chiều vắng, trong cái lụi tàn hoàng hôn màu ráng đỏ, đối diện với cái bóng của mình, nhìn dòng sông trôi, nhìn thanh gươm cũ xì, lụt nhách chống lên be đò làm cái chỗ máng mái chèo, ông lái đò đau thương tư lự. Đau nỗi tuổi già và đau nỗi gươm cùn!

La Sơn Phu Tử thiệt là chính đại chân nhân! Còn ông lái đò là ta và bạn thì… đôi khi cuộc đời chỉ là để đến chơi thôi mà. Dù níu kéo gì đó thì một ngày kia cũng xa bỏ bến sông. Có khi nào thấy dòng sông của ngày hôm qua giống với dòng sông của ngày hôm nay đâu!? Nhân tình mỗi sát na một khác, huyễn mộng lung linh thì biết quơ kiếm vào đâu? Nhắc tới tình người kiếm muốn reo nhưng chỉ sợ kiếm reo rồi lại không còn tình người! Thế nên kẹt lại ở cái bến đò, ôm thanh gươm mỗi ngày mỗi cùn lụt, nhìn con nước trôi hướng này rồi lại nhìn con nước trôi hướng kia, khi đầy khi cạn. Trôi thế nào thì cũng là con nước! Rơi vào nỗi khổ trilemma của ngài nam tước Münchhausen! Nhấc ta lên như thế nào đây? Tự tay nắm đầu tóc của mình để nhấc bổng mình lên à! Mà con đò cũng có được nhấc theo không!?

2. Cũng trong chiều nay, đọc lại blog của bạn mới thấy lại... ta thật là đáng trách. Hai năm trước bạn viết cho ta như thế này

“….

Hoang mang bơi giữa phàm trần
Trăm bờ ảo vọng, nghìn tầng quạnh hiu!

Oh! Giai điệu và gam màu rất hợp. Sao mà mũi tên như kẻ chỉ nằm gọn ngay giữa hồng tâm của TP thế…?? Còn 50% n
ữa của 2 câu trên, chờ hoài…Tức anh ách… Anh B ơi! Hình như; dang dở, lỡ làng, một chút gì đó vắng và thiếu thì mới đọng phải không Anh ?"

Đáng trách là trong những ngày tháng đó ta quên không đọc bạn đã viết gì, do đó câu hỏi đâu có tới tâm trí của ta đâu! Đâu có comment trả lời trả vốn gì đâu. E hèm… ta không phải là nhà thơ nhà văn gì ráo nên những câu ta viết ra trong những lúc hứng chí (hoặc sầu đời…!) ta chẳng bận tâm để nhớ bao giờ! Nhiều khi viết không đầu không đuôi rồi quên luôn. Hai câu bạn níu kéo được trong kí ức ở một tuần trà nào đó giữa “đôi ta” thiệt tình đã bị ta quên khuấy đi mất mãi cho tới chiều nay. Sự quên khuấy đó hóa ra là thất thố với lòng chờ đợi của bạn. Ta của hồi viết hai câu bỏ dở đó với ta của bây giờ không biết còn có gì giống nhau không? Sự đời vốn vô thường mà! Vậy thì viết nối vào cho đủ khổ thơ hóa ra là lấy keo dán sắt dán cái nụ hoa khô của năm xưa vào cái đài hoa mới của năm nay à!? Nhưng không viết tiếp thì lại giống như chuyện nấu canh chua mà lại quên bỏ me à!? Thiệt là không biết phải làm sao! Cái này thì lại là một thứ dilemma khác nữa rồi!


1 nhận xét:

Góc trời riêng của ai đó nói...

Bài này làm con thực sự xúc động, nhất là hình ảnh người chèo đò, con đò, thanh gươm trong bài viết.