Chủ Nhật, 22 tháng 6, 2014

Tưởng nhớ mùa hè...









Hè về !
Xa xôi thầy cũ bạn xưa. Viết một bài thương nhớ.
Cũng gởi đăng ở Blog của Hội quán Nhường Trà.

THẦY VÀ BẠN CŨ


Tôi ít có bạn học thân thiết để mà nhớ mặt nhớ tên và cũng ít gần gũi thầy cô của mình. Đơn giản là vì hồi tôi còn nhỏ ba mẹ cứ phải đổi chỗ ở hoài. Ba mẹ kiếm sống vất vả, lúc thì ở một cái huyện tít mù xứ muỗi Cà Mau, bước ra khỏi nhà mấy bước là đụng rừng sậy rừng đước mịt mùng, khi thì ăn nhờ ở đậu nhà ông bác ở Sài Gòn, ở một con đường nghe cái tên cũng tức cười – đường Da Bà Bầu - cơm cháo không mấy no lại quay đầu về Sóc Trăng sống với ông bà nội, suốt ngày nhong nhong ngoài ruộng với mấy con cua đồng và với mấy đứa nhỏ mốc cời người dân tộc Khmer. Cái kiếp trôi sông lạc chợ như vậy dù không đến nỗi phải bỏ học nhưng thậm chí có lớp mới vào học hơn tháng, chưa kịp thân với bạn nào đã phải lặng lẽ xách bị đệm đi xứ khác. Chẳng những không nhớ bạn cũ mà ngay cả thầy cô cũ hồi tôi còn nhỏ bây giờ cũng chỉ nhớ được thầy Mô khai tâm tôi hồi lớp năm và lớp tư, còn thì kí ức của tôi tệ đến nỗi vô phương nhớ được các thầy cô khác đã dạy tôi hồi tiểu học, đệ thất và đệ lục.

Phần lớn kí ức của tôi trong quãng đời học tập là từ lớp đệ ngũ trở đi vì từ đó việc học tập của tôi mới đi dần vào ổn định. Ba mất sớm, khi tôi mới 12 tuổi, thế là mẹ dẫn cả bầy con về quê ngoại Bến Tre! Nhưng trước đó phải lên Sài Gòn ăn nhờ ở chực hết nhà của bác rồi nhà của cậu đâu gần cả năm, lơ ngơ láo ngáo chẳng học hành gì! Khi tôi được nhận vào lớp đệ ngũ Trường Trung Học Công Lập Kiến Hòa thì đã gần hết đệ nhất lục cá nguyệt, không biết mẹ năn nỉ thầy hiệu trưởng làm sao để thầy cho tôi được vô học nữa! Hậu quả là lớp có 52 học trò thì hầu như tháng nào tôi cũng hạng 50 hoặc 51. Không biết đứa nào xui rủi học dở hơn tôi hạng 52 thì tôi… không nhớ! E hèm… vậy cũng tốt, có đứa hạng bét dở hơn thì tôi cũng đỡ quê! Trừ các môn âm nhạc, vẽ, còn thì chỉ có môn Việt văn của thầy Nguyễn Văn Cò và môn Pháp văn của thầy Nguyễn Duy Oanh là tôi ấm ớ được chút đỉnh, còn mấy môn khác tới giờ học là tôi sợ bị kêu trả bài đến xanh mặt! Đặc biệt tới giờ môn toán của cô Uyển là trái tim của tôi nó rớt tọt xuống dưới chân, mỗi khi bị cô gọi lên bảng là trái tim đập phình phịch giữa hai cái chân ốm nhách run rẩy đi muốn té! Vậy đó, nhưng tôi cũng lên được lớp đệ tứ sau khi bị thi lại mấy môn. Hồi đó thi rớt bằng trung học đệ nhất cấp thì vô quân trường Quang Trung là cái chắc. Mẹ lo sợ lắm nên mùa hè năm đó mẹ mua cho tôi mấy cuốn sách giúp trí nhớ mỏng dính để tôi tự ôn, tự lấy lại căn bản! Dù vậy tôi làm gì có thời giờ để học cho chu đáo như mấy đứa khác. Mẹ phải đi làm, mấy đứa em còn nhỏ lắm nên tôi phải lo tất tần tật chuyện giặt giũ, gánh nước, kiếm củi và nấu cơm. Ngày nào cũng xách cái rổ xúc nhảy xuống con kinh trước nhà để chao tép và nếu tệ lắm thì mỗi ngày phải ráng kiếm cho được một tô hến mới có cái gì mặn mặn dằn bụng đi học. Làm gì có thời giờ học bài. Ôi trời, cái khó làm ló cái khôn! Vậy là tôi nghĩ ra cách học: Trước hết phải đọc thuộc lòng đề bài, nhớ hết các giả thiết và yêu cầu chứng minh (Để thuộc lòng đề toán thì chỉ cần ít phút thôi!) Nhờ nhớ như vậy tôi không cần phải cầm cuốn sách hay cây viết nữa. Rồi tôi phải tập tiếp một khả năng nữa: ngồi giặt quần áo cho mấy đứa em cũng suy nghĩ về bài toán, đang ở dưới mương chao cá lòng tong cũng suy nghĩ về lời giải bài toán, đang đi ngoài đường cũng suy nghĩ về bài toán, thậm chí đang ngủ cũng suy nghĩ về bài toán. Đó là một khả năng hoàn toàn có thể luyện tập được (Nhưng xin bạn nào đang đọc lời trần tình của tôi đây đừng bắt chước cái kiểu đó trong lúc lái xe nghen, tôi không chịu trách nhiệm đâu!). Khả năng đang ngủ mà vẫn suy nghĩ là một khả năng hoàn toàn có thật. Minh chứng là sau này, khi đã làm thầy giáo dạy toán rồi (sic), nhiều đêm tôi vẫn sực tỉnh giấc giữa cơn mơ thấy mình đang giải mấy bài toán khó đã ra cho sinh viên mà chưa kịp viết vào giáo án hoặc không có đủ thời giờ ban ngày để giải ra cụ thể. Cũng nhờ khả năng đó mà lên lớp 12 tôi thoát nạn khi bị thầy Lê Văn Trinh kiểm tra bài tập: trong lúc có một đứa đang giải toán trên bảng – hình như là Nguyễn An Cư - thì thầy đi kiểm tra mấy đứa chuẩn bị bài ra sao. Tới bàn tôi thầy biểu mở tập ra cho thầy coi. Có trời đất chứng giám! Cuốn tập của tôi trống trơn không có lấy một dòng bài giải. Có lẽ thầy giận lắm nên hỏi một câu cụt lủn: Sao hả !!? Tôi gải đầu lắp bắp: Em có giải rồi. Thầy hỏi một câu còn cụt hơn: Đâu ? Tôi đáp rụt rè: Em chưa ghi vô tập. Tôi chắc là thầy nghĩ cái tên này vụng chèo… mà cũng vụng chống đây. Tôi còn nhớ thầy cười… một nụ cười khó hiểu: Giỏi hen, vậy lên bảng giải cho tui coi! Trời đất, tôi bước lên bảng trong trạng thái của một cơn mê sảng… Trong cơn mê đó tôi đã giải tròn trịa bài toán. Sau đó thầy chỉ cười độ lượng và hừ một tiếng xóa tội cho tôi!

Nhưng mà khả năng đó cũng không làm tôi “vượt lên chính mình” được. Phải có hai người quan trọng mà trời đất sắp xếp để giúp tôi lấy lại lòng tự tin, giúp cho tôi thấy rằng tôi không phải là đứa chuyên ở gần hạng bét, và rằng tôi… cũng có chút giá trị nào đó trong cuộc đời!

Người thứ nhất là thầy Trần Thanh Sao, thầy dạy tôi môn vật lí hồi lớp đệ tứ. Tôi thích cách dạy của thầy lắm: khoan thai, mạch lạc và hấp dẫn. Nhưng như đã nói trên, tôi là đứa học trò không hồi nào thuộc bài (hiểu theo nghĩa đọc vanh vách cái gì được chép vô tập). Bởi vậy mỗi lần ấp úng lên trả bài là tôi có nguy cơ nhận cây gậy dưỡng già hoặc con ngỗng về nấu cà ri! Lần đầu tiên thầy gọi tên lên trả bài, tôi ngắc ngứ đứng trồng cây trên bảng, tự nhiên quên đâu hết trơn bài học. Thầy hỏi hiền từ: Em chưa học bài hả? Tôi đáp lí nhí: Dạ, em hiểu bài nhưng không đọc lại được. Thầy đưa cho tôi cục phấn và nói: Em hiểu làm sao, cứ nói lại coi. Tôi lấy lại bình tĩnh, và tôi bỗng dưng “thông minh đột xuất”! Cầm lấy viên phấn tôi trình bày lại như mình hiểu về điện trở, cường độ dòng điện và điện thế cũng như các công thức liên quan. Thiệt tình là khi trình bày xong tôi đã đứng ngây người chờ “kêu án”. Dè đâu thầy cười hiền từ nói gọn: Tốt! Tôi được điểm tuyệt đối. Nếu tính theo thang điểm 10 thì đó là điểm 10 đầu tiên trong cuộc đời học trò của tôi. Dù sau này tôi còn được nhiều điểm 10 khác, kể cả sau này khi tôi học ở Trường Đại Học Bách Khoa, mỗi lần nhớ lại cái điểm 10 đó tôi còn muốn khóc. Trước điểm 10 đó hình như tôi chỉ làm cho các thầy cô bực bội vì… ngu. Điểm 10 đó và sự ôn tồn của thầy đã mở tung cánh cửa tâm trí cho tôi. Nếu thầy Mô là người đã khai tâm cho tôi thì thầy Trần Thanh Sao mới là người mở trí cho tôi. Gần đây đọc một bài trong tạp chí Scientific American nghiên cứu về vai trò cốt yếu của người thầy dạy khoa học trong thời đại công nghệ thông tin – thời đại mà tri thức tràn ngập không gian thông tin, chỉ cần gõ một dòng từ khóa vào Google và một cái nhấp chuột là có gần đủ các tri thức cần biết - người ta xác định rằng điều quan trọng nhất của người thầy ấy là truyền được cảm hứng và lòng yêu khoa học cho học sinh chứ không phải bản thân cái khối lượng kiến thức cần phải nhồi nhét. Tôi mang ơn và may mắn biết bao có được một người thầy đức độ và “đi trước thời đại” như thế trong cuộc đời.

Người quan trọng thứ hai là thằng bạn tên Việt. Việt nó học giỏi toán thì khỏi phải nói rồi mà nó còn giỏi nhiều môn khác nữa. Tôi thích nó và hay tới nhà nó chơi trước tiên không phải tại vì nó giỏi. Tôi thích nó trước tiên vì… nó không có Ba giống như tôi. Tại sao nó không có Ba thì tôi không biết, và cũng không nên biết. Thời kì chiến tranh đó đừng hỏi vì sao người đàn ông không thấy có mặt ở nhà! Cái câu hỏi đó khó trả lời hoặc là một câu hỏi nguy hiểm! Má nó là một người phụ nữ mộc mạc, rất hiền, có một sạp bán guốc ngoài chợ. Má nó và mẹ tôi quen nhau, thỉnh thoảng mẹ cũng sai tôi đem mấy đôi guốc mòn sứt quai của bà tới nhờ má nó đóng lại bộ quai mới, cũng là một lí do để tôi đến nhà nó. Lí do khác là nó chẳng bao giờ “chộ” tôi vì những kiến thức tôi bị thiếu sót, mất căn bản, và nếu tôi vẫn còn u ơ thì nó thân ái nhắc lại một cách nhẹ nhàng, giải thích tận tường như thể nó là thầy của tôi vậy. Cứ thế, cho đến lớp 12 thì tôi cũng được “ngang ngửa” với nó rồi. Nói rằng tôi thân với nó thì cũng không thân. Việt là đứa con ngoan, chăm chỉ hạt bột, trừ đến trường tôi không thấy nó đi chơi, còn tôi là đứa đôi khi lêu lổng – thậm chí “cúp cua” và có lần còn bị cấm túc. Khi đi đâu chơi hầu như tôi quên nó mà đi với bạn khác. Giả sử tôi có rủ rê nó – ví dụ đi uống cà phê nghe Ca khúc da vàng của Trịnh Công Sơn ở quán Giao Châu (không phải tôi đã đến hồi dư dả gì đâu, chỉ là nhịn ăn sáng để uống cà phê tối mà thôi) - chắc nó cũng không đi đâu! Dù vậy, nó quan trọng đối với tôi, cả trong học tập lẫn trong tình bạn. Còn tôi có quan trọng đối với nó không thì tôi không biết. Biết làm sao được khi bạn có một người bạn luôn luôn trầm tĩnh, kín đáo, chẳng khi nào nói với bạn chuyện gì trừ chuyện học!


          Thời cuộc gây ra biết bao nhiêu ngả rẽ trong cuộc đời. Những nhánh sông rồi mải miết chảy về phía trước, chẳng bao giờ gặp lại. Tôi với nó cũng vậy. Tính ra đã gần 40 năm rồi bặt tin nhau. Có một lần họp mặt ở quán Nhường Trà, thấy tôi ngồi chông ngốc một mình, và chắc cái bản mặt của tôi giống cái đám un hay sao đó nên một bạn trong ban tổ chức đến hỏi: Sao ngồi cô đơn vậy? Không gặp bạn cũ nào à? – Đúng rồi có khi người ta cô đơn kinh khủng giữa một đám đông những người quen biết. Nhà thơ Lamartine đã viết “Un seul être vous manque, et tout est dépeuplé!”. Lamartine viết câu đó vì mất người tình Envy. Còn tôi, tôi không mất một người tình, chỉ là thiếu một người bạn mà hồn tôi cũng trống vắng vô cùng.

eTf


Thứ Năm, 5 tháng 6, 2014

Cướp biển cấp nhà nước.








Không thể nào gọi sự việc này bằng một cái tên khác được: Cướp biển cấp nhà nước!


Hãy suy nghĩ xem Trung Quốc có còn xứng đáng
là một thành viên của Hội Đồng Bảo An - Liên Hiệp Quốc
hay không !




Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

Con chó sói tưởng nhầm con trâu là con cừu.




Ông Jean de La Fontaine (1621-1695) của nước Pháp có viết một bài thơ ngụ ngôn như vầy:

Le Loup et l'Agneau

La raison du plus fort est toujours la meilleure :
Nous l'allons montrer tout à l'heure.
Un Agneau se désaltérait
Dans le courant d'une onde pure.
Un Loup survient à jeun qui cherchait aventure,
Et que la faim en ces lieux attirait.
Qui te rend si hardi de troubler mon breuvage ?
Dit cet animal plein de rage :
Tu seras châtié de ta témérité.
- Sire, répond l'Agneau, que votre Majesté
Ne se mette pas en colère ;
Mais plutôt qu'elle considère
Que je me vas désaltérant
Dans le courant,
Plus de vingt pas au-dessous d'Elle,
Et que par conséquent, en aucune façon,
Je ne puis troubler sa boisson.
- Tu la troubles, reprit cette bête cruelle,
Et je sais que de moi tu médis l'an passé.
- Comment l'aurais-je fait si je n'étais pas né ?
Reprit l'Agneau, je tette encor ma mère.
- Si ce n'est toi, c'est donc ton frère.
- Je n'en ai point. - C'est donc quelqu'un des tiens :
Car vous ne m'épargnez guère,
Vous, vos bergers, et vos chiens.
On me l'a dit : il faut que je me venge.
Là-dessus, au fond des forêts
Le Loup l'emporte, et puis le mange,
Sans autre forme de procès.

Lê Trọng Bổng dịch cái truyện thơ đó ra như vầy:

Lý kẻ mạnh bao giờ cũng nhất 
Xin chứng minh lập tức châm ngôn 
Một hôm có chú cừu non 
Ung dung uống nước trên dòng suối trong 
Nơi lão sói đói thường mò đến 
Lúc này đây xuất hiện bất thần: 
"Tên kia sao dám táo gan 
Nước của ta, mày tới làm đục lên? 
- Tiếng sói thét giữa cơn điên 
Táo gan ta phải trị liền mới xong" 
Cừu thưa: "Xin Đức Ông chớ giận 
Mà xét cho thực trạng như vầy 
Nơi con đang giải khát đây 
Nằm dưới nơi uống của Ngài rất xa 
Vậy không thể nói là làm đục" 
"Chính mày vầy bẩn nước đây mà 
Ta còn biết được năm qua 
Miệng mày từng nói xấu ta rồi còn" 
"Nói chi khi má con chưa đẻ 
Nay con còn bú mẹ hàng ngày?" 
"Chẳng mày thì thằng anh mày" 
"Nhưng con đâu có" "Lũ bay rành rành: 
Mày này, mấy thằng chăn, lũ chó 
Chẳng tha ta, ta rõ hết rồi 
Chuyến này phải báo thù thôi" 
Sói già vừa nói dứt lời 
Đã lao lên quật tơi bời cừu con 
Cắn chết tha lên non ăn thịt 
Mà chẳng cần xét xử gì hơn.


Đó là chuyện ngụ ngôn xưa! Nhưng có nói đi thì cũng có nói lại như vầy: Con sói đó đã làm ăn thành công nhiều cú ở Tây Tạng, xứ đó chỉ có các nhà sư chuyên tâm niệm Phật và quay luân xa nên biểu mấy con chó ngao mặc kệ cho nó hoành hành vì tin rằng thế nào có ngày nó cũng bị quả báo, chờ cho nó xuống âm phủ rồi hãy tính sổ. Nó cũng có vài lần đột kích xứ sở của đàn bò thiêng, cắn chân mấy con bò nhưng gân bò vừa cứng vừa lạnh nhá không nỗi, và bị bò đá thì cũng không phải là chuyện dễ chịu lắm. Nó cũng thò tay ra biển Nhật Bản khều móc đám cá kình của Thái Dương Thần Nữ. Đám cá kình ngày xưa ở eo Đối Mã lầm lì bảo nhau hãy đợi đấy! Bây giờ nó lần mò xuống Biển Đông nói với muôn loài rằng hồi thời ông cố tổ nó có đi qua đây vậy đây là đất là biển của nó! Đám đông cười ồ trêu nó: Vậy xứ sở của mấy con gà Gaulois là của mấy con thiên nga Hy Lạp, vì thần Zeus từ trên đỉnh Olympe mấy ngàn năm trước đã có sai con cháu dong thuyền tới bến Marseille và… Little Saigon chắc là của Việt Nam vì ở đó bây giờ dân Việt đông lắm. Nó cáu tiết và ngắc ngứ cãi chầy rằng từ thời ông Bành Tổ có nói đất bốn phương đều là của Tam Hoàng Ngũ Đế và trong Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân cũng nói ngoài biển của Nam Thiệm Bộ Châu có đảo Hoàng Sa rồi, không tin xem lại Tây Du Ký hồi thứ nhất có phải là đúng như vậy không!? Bà con lại tức cười quá nói đâu phải đảo Hoàng Sa mà là nước Ngạo Lai của xứ Hoang Đường ấy chứ.
Ở ven bờ Biển Đông là xứ sở của trâu. Con trâu hiền lành, chậm chạp, chỉ ưa làm ruộng. Con trâu tắm nước Biển Đông mà lớn, cứng đầu vì có cái sừng nhọn hoắc nhưng hiền lành không làm hại ai. Con trâu xưa nay bơi ra bơi vào đảo Hoàng Sa tắm mát và làm bạn với lũ chim biển bổng nhiên thấy con sói ra ngồi chình ình trên đó. Không những thế, con sói còn lảm nhảm câu La raison du plus fort est toujours la meilleure (lý của kẻ mạnh hơn bao giờ cũng nhất). Tội nghiệp con sói cô độc vì ai cũng ngán cái tánh tráo trở và làm càn nói càn của nó, lòng tham làm mờ mắt nó và Biển Đông nhiều đá ngầm làm nó quờ quạng nên nó tưởng Biển Đông là con suối nhỏ và con trâu là con cừu non. Nó ngỡ thế giới phẳng bây giờ còn là thuở hồng hoang, chỉ có nó với con cừu! Không biết cái gì sẽ xảy ra nếu nó cắn chân con trâu nữa ha !! Có khi ông La Fontaine rồi lại phải viết thêm một cái chuyện ngụ ngôn nói về một con sói cô độc thò tay vào hủ kẹo, bốc hết kẹo trong một nắm tay – bỏ bớt thì tiếc - và không thể nào rút tay ra được, trong khi sau lưng nó đang có hai ba con đại bàng nhìn chằm chằm.



hïg