Thứ Năm, 30 tháng 7, 2009

Lẩm cẩm về "lí thuyết thông tin"

Mấy ngày hôm nay vật vã với mấy cái blog. Blog này và hầu hết các trang blog của các thân hữu, các blogger của Google đều không thể truy cập được. Nhiều người quen có lẽ hơi đa nghi bèn gọi cho mình tới tấp: Sao kì dzậy? Có ai chơi xấu mình không? Hay mình bị blocked, bị filter rồi? Mình viết "hiền" quá mà sao cũng "chặn" mình dzậy? Hóa ra trong thời đại công nghệ thông tin, ở ngay trung tâm của một nhà cung cấp thông tin khổng lồ là Google, nơi tự hào cho rằng mình đã thực hiện được tiêu chí "thông tin trên đầu ngón tay", cũng có những nghi vấn từ người dùng mà không dễ gì lí giải và hóa giải. Có khối lí do để "đổ thừa" cho việc anh không truy cập được một trang web: Đường truyền của anh tệ quá, nó phải retry hoài và nó rớt mạng! Cái máy của anh nó bị virus rồi, mấy con virus tội phạm đã chiếm hết tài nguyên máy tính của anh rồi nên trình duyệt không chạy nỗi nữa! Có quá nhiều link từ trang của anh mà mấy cái link đó bị "die" rồi nên cái trang của anh nó chập chờn sương rơi "hiu" mai! Nó bị tấn công bởi cái thứ quái quỉ gì đó có tên gọi là "từ chối dịch vụ dOs"! ... và khi người ta đã thử hết cách, mệt phờ cả râu rồi mà không tìm được nguyên nhân thì thế nào cũng dẫn đến mối nghi ngờ "Ai vậy ta, ai chặn mình vậy ta, ai bóp hầu bóp họng mình vậy ta, ai muốn bịt mồm mình vậy ta? - Ta có làm hại gì ai đâu mà hại ta vậy?" Cái thứ nghi vấn đó khó có lời giải thích được!
Khi đó sự im lặng của thông tin lại có một ý nghĩa kinh khủng. Bởi sự im lặng tự thân nó chứa khối lượng thông tin bất xác có thể diễn dịch tùy ý mỗi người, giống như một dấu lặng trong bản nhạc vậy. Cảm xúc đem lại do một dấu lặng lớn gấp nhiều lần các dấu hữu thinh khác. Sát na trong đó dấu lặng được truyền đi để lại trong mỗi người sự tự vấn về chính mình và về thế giới. Hữu hạn đồng nghĩa với vô cùng trong một sát na đó!
Tôi loay hoay mở hoài blog của nhà thơ Cao Thoại Châu mà không thành công! Thế là tôi bèn dùng một cách cổ điển để vượt qua firewall là mở một site khác có đường link tới blog của ông. Thành công! Tôi đọc được gì từ blog của nhà thơ đáng kính đó? Chẳng gì cả trừ một dòng: jhkkmkm,, Nghe như ông đang nghiến răng gầm gừ! Tôi đã đọc rất nhiều thơ của ông, những lời thơ rất đẹp của một con người tài hoa. Nhưng dòng này có phải là thơ không?! Nó còn ngắn hơn cả một bài thơ hài cú của Nhật Bản và cái "từ" này - nếu có thể gọi là một từ - chắc không có trong bất cứ cuốn tự điển nào trên thế giới. Tôi bất ngờ, nghẹt thở, và tôi bật cười. Nếu đây không phải là một từ vậy nó là một dấu lặng! Tôi biết khi gõ nên dòng đó là lúc ông đang bực bội lo sợ do không truy cập được blog của chính mình, giống như bị lạc đứa con của mình ở đâu vậy.
Ồ! cái dòng gần như vô nghĩa này giống như một tập hợp rỗng! Có mà không! "Chiếu kiến ngũ uẩn giai Không, độ nhất thiết khổ ách. Sắc bất dị không, Không bất dị sắc; Sắc tức thị không, Không tức thị sắc!" Bát nhã Ba la mật tâm kinh đã nói thế mà! Hiểu sao cũng được! Hì hì ... Không mà có!

Thứ Tư, 22 tháng 7, 2009

TẢN MẠN VỀ NHỮNG CON ĐƯỜNG.

1. Từ nhỏ không hiểu sao tôi rất thích những con đường, và thích đi trên đường. Tôi không thích nơi mình muốn tới, mà nhiều khi tôi cũng không biết mình muốn tới đâu, đơn giản là tôi thích lang thang trên đường. Mẹ tôi mắng: Đồ cái thằng ma-cà-bông. Hồi còn nhỏ thì tôi cứ tưởng mẹ nói tôi là đứa hư hỏng, như một thứ ma quỉ nào đó. Mãi sau tôi mới biết cái âm ma-cà-bông đó xuất phát từ tiếng tây vagabond mà từ điển Larousse định nghĩa là “Qui erre çà et là. Personne sans domicile”. Dịch ra tiếng ta thì rằng là “cái giống lang thang không nhà”. Thiệt tình thì tôi là đứa có cha mẹ hẳn hoi, có nhà có cửa dù rằng phần lớn cuộc đời của ba mẹ tôi là ở nhà mướn … và bị đuổi nhà hoài muốn chai mặt. Vậy đó, tôi không thích ở trong nhà mà thích ở ngoài đường. Cũng xin nói thêm sở thích của tôi không có gì giống với mấy em tuổi teen con của mấy đại gia hiện nay ưa “dạt vòm”. Đơn giản là tôi thích vẻ đẹp của những con đường, và có thể lắm, là thích cái thứ bí mật ở đằng xa, cuối nơi con đường, sau những chân trời. Một khi đã ra khỏi nhà là tôi cứ đi, bị quyến rũ bởi những thứ lạ lẫm trên đường và đi mãi … hết biết đường về nhà. Do cái tính thích lang thang vơ vẩn đó mà hồi bé tôi đã đi lạc vài lần! Rất may lần nào ba mẹ (và những người hàng xóm tốt bụng) cũng tìm lại được tôi.

2. Cái thị xã Cà Mau bé tẹo của tôi, tới bây giờ vẫn nằm một chỗ êm ái nhất trong trái tim tôi. Đó là chốn chứa đầy những kỷ niệm thơ dại của tôi mà tôi còn nhớ được. Và cái tôi nhớ nhất là con đường đi từ tòa hành chánh mãi cho tới Tắc Vân. Thuở đó con đường ấy rất vắng, lâu lắm mới có một chiếc xe chạy qua, hai bên đường đầy cỏ dại men theo một dòng sông đục lừ ngăn cách phía bên kia một cánh đồng rộng mênh mông. Tôi 10 tuổi đi lan man mình ên trên con đường đó ngắm nghía những thứ cỏ dại, và hơi kì cục nếu tôi nói rằng đôi khi tôi ngồi hằng giờ bên bờ sông để chỉ nhìn những con ba khía, những con còng bé xíu chạy tới chạy lui. Tôi cũng hay mang theo một gói muối hột để có khi cũng nhâm nhi vài trái muối chín trăng trắng hồng hồng ven đường một cách đê mê. Bầu trời mênh mông và gió lồng lộng. Một vài lần vơ vẫn trên con đường đó – bước chân vô định - tôi cũng lang thang vào sân bay Cà Mau. Cái sân bay dân sự chỉ có một phi đạo và một nhà ga thường xuyên vắng như chùa Bà Đanh. Tôi ngồi đó trên thềm nhà ga, chẳng ai buồn để ý chi một đứa bé mốc cời, mơ màng nhìn theo những hành khách sạch sẻ, tươm tất và sau đó tưởng tượng tới những đám mây mà chiếc DC-3 hai cánh quạt sẽ lướt qua. Chiếc DC-3 sơn một cái đầu rồng xanh của hãng Hàng Không Việt Nam gầm rú chầm chậm bò từ taxiway ra phi đạo. Tôi thích cái phút chiếc máy bay ngừng một chút ở đầu phi đạo trước khi chạy lấy đà cất cánh. Đấy là phút bắt đầu của một chuyến phiêu lưu, dĩ nhiên là trong trí tưởng tượng của tôi.

Tôi rời khỏi Cà Mau năm 1966 và chỉ trở lại lần đầu vào đâu năm 1998. Tôi trở lại con đường Tắc Vân – Cà Mau không phải bằng đôi chân trần của tuổi thơ mà bằng chiếc cub 78 cà tàng. Chở theo sau lưng “bà xã thân yêu”. Tôi đã huyênh hoang với vợ tôi đủ điều về vẽ hấp dẫn của con đường. Tôi đã hồi hộp chờ đợi gặp lại con đường đó trong mấy mươi năm. Tới Tắc Vân đã 4 giờ chiều và tôi bắt đầu chạy chậm rãi để thưởng thức cho thỏa lòng nhớ của tôi. Nhưng tôi không làm sao tìm lại được con đường của ngày xưa! Nhà cửa bám đầy hai bên đường, dơ bẩn với những thứ kiến trúc ghê tởm không chịu được. Cứ như một thứ mồng gà hoa khế nào đó kí sinh và làm tàn úa con đường của tôi. Cái phi trường ngày xưa có thể nhìn thấy phi đạo từ con đường bây giờ bị che chắn đâu mất.

Sau đó tôi chán đến nỗi chỉ ở lại Cà Mau có đúng một đêm – trong một cái khách sạn xây trên một cái đầm đã bị lấp (cái đầm đó ngày xưa nước sạch và trong vắt, nhiều muỗi nhiều sậy, nhưng tắm bữa trưa ở đó thì mát tận xương. Vậy là tôi mất con đường và cái đầm). Sáng hôm sau tôi rời khỏi Thành phố Cà Mau như chạy trốn. Nếu không chạy trốn tôi có thể còn mất nhiều thứ nữa!

3. Hồi nhỏ, học Pháp văn, tôi thích đoạn sau đây trong cuốn Cours de langue et de civilisation Française (II): “Mais, petite, ou grande, large ou étroite, la route de France reste aimable comme les villages qu’elle traverse. Elle est égayée par le chant des oiseaux, caressée par l’ombre des nuages ou des beaux arbres qui la bordent.” (Nhưng dù nhỏ hay to, rộng hay hẹp, con đường của nước Pháp để lại niềm thân ái như những làng mạc nó chạy ngang qua. Nó ríu rít tiếng chim, được mơn trớn bởi bóng mây hoặc những tán cây ven đường). Tôi chưa bao giờ đến Pháp, nghĩa là chẳng có chút xíu kỷ niệm gì với đường xá làng mạc của nó, nhưng những con đường như vậy thực đáng nhớ và có thể làm cho người ta lưu luyến cả một vùng đất!

4. Nỗi nhớ nhung những con đường nhiều khi không do con đường đẹp. Hãy nghe “Xóm đêm” của Phạm Đình Chương:
Đường về canh thâu.
Đêm khuya ngõ sâu như không mầu,
qua phên vênh có bao mái đầu
hắt hiu vàng ánh điện câu.
Đường dài không bóng.
Xa nghe tiếng ai ru mơ màng.
Mưa rơi rơi xóa lối đi mòn.
Có đôi lòng vững chờ mong.
…….


Khó mà biết được Phạm Đình Chương đã viết về xóm nhỏ nào. Trên tiết điệu tango habanera dìu dặt, êm ái, lời nhạc là một bài thơ tha thiết. Dù có khiên cưỡng đi nữa tôi cũng thích nghĩ Phạm Đình Chương đã, bằng tài năng âm nhạc của mình, tả rất thực tình và cảnh những hẻm nhỏ của quận 4 – Saigon những năm 60 của thế kỷ trước. Quận tư của dân lao động nghèo với những căn nhà xập xệ vá chằng vá đụp treo một cái bóng đèn thiếu điện vàng quạch. Cái thuở mà quận tư Saigon còn có thể nghe một tiếng ru con trong đêm mưa và tiếng võng đưa kẻo kẹt lẫn trong tiếng còi tàu âm u - vọng lại từ Bến Nhà Rồng - trong khi người về khuya phải dò dẫm trong ngỏ hẻm lầy lội, vừa đi vừa trầm tư về một kiếp nghèo. Người ta có thể nhớ nhung một con đường như thế không? Có thể lắm! Tôi còn nhớ một bài hát – lâu quá nên quên tên tác giả - như vầy:
Xin chọn nơi này làm quê hương dẫu cho khó thương.
Xin chọn nơi này làm quê hương dẫu chưa thanh bình.
Khi mùa mưa về còn lem nhem bước trên ngõ trơn.
Khi giặc lan tràn còn lo âu trắng đôi mắt đen
.....
Ta còn những người ngồi quanh ta với đôi trán nhăn.
Nghe lòng quặn sôi lên giữa cơn mộng lành....
.....
Bài hát giúp người ta bước qua những ngỏ hẻm lầy lội mỗi mùa mưa về miễn là ở đó còn tìm thấy đám bạn chân tình, miễn còn giữ mãi niềm hy vọng, miễn còn bao thứ khác mà người ta có thể yêu mến trong cuộc đời mình...

5. Con đường không phải chỉ để đi và đến. Con đường mang theo nó những giao tiếp, chứa trong nó những hạt giống của tâm hồn:
Con đường có lá me bay
Chiều chiều ta lại cầm tay nhau về ….
.......
Nhiều năm về trước – ngay khi còn chiến tranh - người Saigon có cái thú: “Bát phố chiều chủ nhật.” Người ta đi ra phố, không phải để đi đâu, không phải để làm gì, chỉ đơn giản là hưởng cái thú lang thang trên vĩa hè nhìn ngắm. Có thể lắm do chiến sự ác liệt ngoài kia, xa khỏi thành phố một chút thôi, làm người ta không còn chỗ nào để thư giãn trừ lang thang loanh quanh trong thành phố. Nhưng muốn loanh quanh như thế thì phố xá cũng phải dễ chịu. Đừng quá ồn ào chen lấn và xe cộ cũng ít thôi. Có như thế thì Nguyên Sa mới viết được:
Nắng Saigon anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông.
...
Đường xá của Saigon bây giờ xe máy ầm ỉ, khói xe mù mịt, khi nắng thì ngột ngạt, khi mưa một chút là ngập thành những con kinh nước bẩn đen ngòm. Cứ nghĩ phải bước ra khỏi cửa là ngán ngẫm rồi. Dù em có là người mẫu và mặc vải gì đi nữa thì … cứ kẹt xe bởi ba cái lô cốt, bị chiếc xe sau đẩy tới, bị chiếc xe buýt lấn bên trái, bị chỗ giữ xe bên phải đẩy xuống lòng đường … còn tâm trạng nào mà … ! Những con đường của Saigon đã từng góp nên tâm hồn của Saigon giờ đây giết chết lần mòn cái phần tâm hồn đó.

Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2009

Quan sát cuộc đời.

Có hai điều đáng sợ nhất trong cuộc đời: có tiền và có quyền. Hai thứ ấy mà không đi kèm với có tài và có đức thì tai họa nằm ngay sau lưng.

Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2009

TRƯỚC CƠN BÃO

Bui một tấc lòng ưu ái cũ
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều Đông.
(Nguyễn Trãi)
Blog này, tại đây, tôi đã muốn viết những lời yêu thương, chỉ những lời yêu thương. Tôi đã muốn viết về những giọt nước mắt, cũng chỉ những giọt nước mắt của tình yêu. Từ trong mảnh vườn nhỏ hiền hòa, tôi mơ về một thế giới ở đó các dân tộc tôn trọng nhau. Nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng dừng. Từ biển trời xa đã lấp ló cơn bão dữ đang lớn dần. Tiếng kêu gào binh đao đã truyền đi trong đêm. Lời dặn con cháu, thế hệ mai sau, đã được nghiêm khắc nhắc nhở. Ngọn đuốc lại được thắp lên. Một lần nữa máu lại cần sẳn sàng hiến dâng để giữ đất giữ nước. Như nhiều ngàn năm qua, dân tôi chẳng mấy khi được yên hưởng thái bình vì một kẻ thù luôn hống hách trước cửa nhà. Giờ đây khi gươm giáo đang được xem xét mài sắc lại, tiếng ôn hòa mỗi ngày qua lại càng khó nói. Kẻ thù truyền kiếp lại không muốn chàng trai cô gái của ta cầm cái cày, tấm lưới cá, ngọn bút êm. Kẻ thù ngày qua ngày khiêu khích ta cầm lại cây súng, thứ mà ta chẳng bao giờ muốn dùng. Tôi còn có thể viết những lời êm ấm áp nữa không – như lòng tôi muốn – hay những lời nóng như lửa cháy, khêu lên cho cháy bùng sự căm giận đang chực trào dâng. Tôi còn giữ cho mình đôi mắt nồng nàn để đến với em nữa không hay giờ đây, cũng như bao người dân vốn hiền hòa của đất nước, sẽ có đôi mắt mang hình viên đạn.

Thứ Tư, 8 tháng 7, 2009

Nhớ


Lâu rồi mình không dậy sớm, vì chỉ ngủ được khi đã quá khuya, lúc đã sang ngày mới, và thức khi đã 6 giờ sáng để chuẩn bị đi làm. Chiều hôm qua loay hoay với miếng vườn mệt quá, lại hơi nhức đầu vì phải dọn đống cỏ mục ủ làm phân dưới nắng xiên khoai chiếu thẳng vào mắt. Vừa ăn cơm chiều xong là mắt díp lại lăn đùng ra ngủ mê mệt sau khi phải dùng một viên panadol. Được ngủ sớm hóa ra mới 3 giờ sáng lại thức. Nằm yên trong bóng đêm bổng nghe xa đâu đó tiếng gà gáy eo óc, mơ hồ. Bổng dưng thấy mình sống lại những đêm êm ái với biết bao nhiêu kỷ niệm lũ lượt hiện về. Ngày xưa vào giờ này – khi tiếng mõ công phu vang lên xa xăm từ chùa Phú Bửu - đã nghe tiếng chiếc xe đạp cà tàng của cậu hai lịch kịch đi từ Đại Điền vào. Sáng nào cậu cũng đạp xe vào sớm để pha trà ngồi nói chuyện khề khà với cậu tư. Trong đêm ẩm mốc mùi thuốc giồng Xuân Lộc của cậu hai thoang thoảng khen khét làm mình cũng phải dậy theo. Cứ vào mùa này sáng nào ngoại cũng nấu mấy nồi bắp. Xuống gian bếp, sật sừ ngồi một góc nhìn lửa bập bùng, lơ mơ nghe tiếng nồi bắp sôi lọc ộc, tiếng gà gáy sáng, tiếng mỏ công phu, tiếng con chim gì đó ở cây dúi bên hè giật mình kêu lích chích, tiếng con gà mái đẻ lạo xạo trở trứng trong thúng để ở góc bếp, tiếng bà ngoại khe khẻ nhắc mình thêm củi vào để giữ cho nồi bắp sôi đều, tất cả thứ tiếng của sự sống đang cục cựa trong đêm tĩnh lặng của miền quê. Ôi trời, sao mình nhớ những thứ tiếng ấy da diết vậy, sao mình thèm nghe lại tiếng bà ngoại kêu “Bình ơi, rửa mặt, ăn chén cơm đi con rồi gánh bắp ra chợ!”. Bà ngoại tất tả đi trước, dáng đi lúi húi của một đời tần tảo. Gánh bắp nhún nhảy trên vai, mình theo sau ngoại ra chợ Đại Điền. Cái thứ bắp luộc mới nấu còn sủng nước nặng nhức vai! Quơ ngọn đuốc lá dừa chập chờn, cả hai bà cháu lặng thầm đi trên đường đất còn mờ tối và ướt đẩm sương đêm.
Những người ấy đã lần lượt theo nhau sang thế giới khác từ lâu. Miền quê ấy cũng không còn như xưa. Cái không gian đó mình đã mất rồi. Trong mờ sáng nay mình chỉ thoáng gặp lại những ngày cũ đó trong hoài niệm, nhờ một tiếng gà gáy sớm.