Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

Chuyện cũ ở quê.



Anh Ba đã về rồi. Coi ảnh cũng như vậy, không có gì thay đổi. Nếu có khác là khác ở mái tóc có thêm nhiều muối một chút vậy thôi. Chị Tư nói ảnh ở lâu xứ người, chỗ người ta văn minh hiện đại mà không thấy ảnh thay đổi gì hết trơn! Ảnh trừng mắt gắt gỏng:
-         Đổi cái gì, cái gì hả!!?
Chị Tư hết hồn im re. Nói vậy chứ ảnh cũng thay đổi! Thấy ảnh không, đi ra đi vô lầm lì, hết ra sau vườn ngồi ngó mông lung ra đám ruộng lại ra trước dựa cột nhà buồn xo, đâu có hoạt bát như hồi trước! Ảnh cũng già rồi mà. Ngoài 60 rồi, ai mà chẳng vậy!
Mợ hai bệnh đã trầm kha lắm rồi. Nằm hoài vết hoại tử ở lưng to hơn cái bàn tay. Cả nhà sợ lắm mới điện cho ảnh về. Kêu ảnh về đâu có dễ. Ở xứ người thì cũng như xứ mình thôi, phải làm việc cật lực mới có cái mà bỏ vô miệng. Ờ thì bây giờ cũng đi xe hơi riêng đó chớ. Thứ mà ở quê mình cả đời chắc gì có được! Mà cũng phải nai lưng ra để trả tiền xe, tiền nhà chớ bộ ai cho không sao! Ảnh chỉ xin nghỉ làm được hai tuần thôi. Ngồi máy bay đi về cũng hết ba bốn ngày rồi. Ngày mai ảnh lại phải lên sân bay để về bển rồi. Không về mất việc thì làm sao!? Kiếm việc làm có dễ đâu!
Anh Ba quì dưới chân giường mợ hai khóc nức nở, nói run run:
-      Má ơi… Má! Má có chết thì Má chết sớm đi. Chớ con đi rồi Má chết thì lấy ai đội khăn tang… Má ơi!
Bà Tám hàng xóm nước mắt lưng tròng chửi đổng:
-      Thằng cha nó! Trời hởi… có đứa con nào lại cầu mong bà già mình chết sớm không! Sao mầy bất hiếu vậy hả mậy!?
Nói vậy chớ rồi bà Tám cũng đở ảnh dậy nói dịu dàng:
-      Thôi con! Con người ta có cái số. Tại cái số nó vậy! Mầy đừng khóc lóc quá chỉ đi không được, không siêu thoát được. Thôi có chuyện cho mầy lo nè… đi lên chùa thỉnh cho chỉ bộ đồ tì-lư để khi chỉ đi rồi có cái để mà tẩn liệm, để Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn vong linh chỉ. Đi đi con!
Anh Ba đứng dậy lủi thủi xách chiếc xe đạp của chị Tư đạp xiên xẹo chạy lên chùa…

***

Anh Ba là anh vợ của tôi, con của Cậu Hai, má vợ tôi thứ ba.  Anh đi lính được mấy năm thì hòa bình. Học tập cải tạo đã đời gần chục năm rồi về. Cửa nhà xiêu vẹo hết trơn. Chị Ba hồi đó đẹp là vậy mà mấy năm chồng đi học tập cải tạo kinh tế gia đình gian khổ quá thấy cũng hom hem già háp. Cái chức sĩ quan làm hại ảnh. Thỉnh thoảng ảnh cũng nói tui đi lính chưa từng bắn chết ai mà học tập lâu quá trời… ứ hự! Hồi Cậu Hai còn sống cậu gắt: Thì mầy là sĩ quan… thì ở tù lâu chớ sao! Ảnh nín thinh. Ai dè nhờ ở tù lâu nên tới chừng có cái diện HO thì ảnh xin đi Mỹ dễ hơn người ta.
Hồi đó chiến tranh ác liệt, ở quê bom đạn dữ quá! Ráng nấng níu ở quê nhưng rồi tới đận mấy trái bom napalm làm chết một lúc ông ngoại, bà cố và 4 đứa cháu trong hầm trú ẩn thì cậu hai phải quyết định cho ảnh lên Saigon, vừa khỏi bom đạn vừa học hành dễ hơn. Nhưng lí do chính là để trốn lính! Ảnh lên ở nhà Má tôi. Bà già tôi nuôi tất tần tật con cháu ở quê lên. Cả một đám con trai đêm nào cũng nằm ngủ dưới đất xấp lớp, nói đủ chuyện quê chuyện thành. Có một bữa ai cũng khen bữa nay má Ba cho ăn ngon, cơm gạo nàng hương, canh chua cá bông lau ăn với tép rang dừa thì số dzách. Chỉ có ảnh là chê: 
-        Cô Ba rang tép không ngon bằng Má tui! Má tui rang tép ăn ngọt lịm nghen mấy ông.
Ai dè Má tôi nghe được. Bà già tức lắm… hôm sau mới hỏi:

-    Thằng ba, Chị Hai má mầy rang tép ngon làm sao hả!?
Ảnh trả lời tĩnh khô:
-      Má con không có rang giống Cô Ba. Tép má con đi xúc về còn nhảy tách tách. Cắt đầu cắt đuôi bỏ vô chảo, rang với muối hột … ăn ngọt lắm.
Bà già nín thinh, rớt nước mắt nói háy:
-      Tép rang muối mà ngon hơn tép rang dừa của Cô Ba hả con. Mầy nhớ Mẹ mầy hả con!

***

Rốt cuộc ảnh cũng đi lính. Trốn lính hoài không được thì… đi lính vậy! Mà là đi sĩ quan hẳn hoi vì ảnh có bằng tú tài, nhưng cậu Hai tôi dặn:
-      Đừng làm cái gì ác nghe mậy!
Ảnh cười cười:
-      Đừng bắn viên đạn nào hả? Khó à nghen!
Hồi ảnh sắp đi Mỹ tôi muốn mua vật gì tặng ảnh làm kỷ niệm mới hỏi ảnh thích cái gì. Tức cười không chứ… sở thích của ảnh chắc chẳng giống ai:
-      Dượng hai mua giùm tôi cuốn lịch sử Việt Nam!
-      Chi vậy anh Ba?
Ảnh trầm ngâm:
-      Tôi sợ con tôi rồi đây nó quên hết lịch sử cha ông dượng hai à! Mà có khi tôi cũng quên nữa là… Mua cho tôi mang theo để tôi dạy con tôi dượng hai à!
Thì ảnh hiền khô như vậy đó, mà tôi cũng ngại không dám hỏi ở bển ảnh có đọc cuốn lịch sử đó không!

***

Mợ hai tôi chết mà không có ảnh ở bên. Cái khăn tang của ảnh xếp để ở một góc bàn thờ. Khói hương bay quấn quít.

Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Thơm thảo góc vườn




Một thân mưa nắng đã đành,
Bưởi thơm, ai biết để dành cho ai?




Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

Về lại với ta.





Đi bỏ vườn nhiều ngày, mưa bão vùi dập vườn hoang, cỏ dại mọc dày. Thế nhưng ở một góc vườn mấy gốc lan vẫn lặng lẽ ra hoa, cây bưởi vẫn say trái. Bây giờ người trở lại là giữa thu, thứ mùa thu của nam bộ không bao giờ có lá vàng rơi và trăng không khi nào sáng tỏ. Mùa thu của những cơn mưa đêm dào dạt và giấc ngủ lẻ loi khó khăn của kẻ già thường bị ngắt quãng bởi tiếng gió lộng, tiếng côn trùng và bởi cái ướt lạnh lùa qua khe cửa. Giữa khuya chợt nhớ lại bài thơ của Trần Tử Ngang. Ngồi một mình trong căn nhà lạnh với chung trà cũng lạnh dần - nhớ lan man mấy kẻ tâm giao đã về trong đất hết rồi! - chờ sáng, chờ nắng lên để ra xem vườn.






Cảm ngộ
(感 遇)

Lan nhược tự xuân hạ,  蘭 若 自 春 夏 
Thiên uất hà thanh thanh!  芊 蔚 何 青 青 
U độc không lâm sắc,  幽 獨 空 林 色 
Chu nhuy mạo tử hành.  朱 蕤 冒 紫 莖 

 *** 
Trì trì bạch nhật vãn,  遲 遲 白 日 晚 
Niệu niệu thu phong sinh.  嫋 嫋 秋 風 生 
Tuế hoa tận dao lạc,  歲 花 盡 搖 落 
Phương ý cánh hà thành?  芳 意 更 何 成

(Trần Tử Ngang)
 




***

Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2012

Lời chào viết trên chuyến bay đêm.




Chào em, Neckarsulm.
Bụi lavender tím chân tường,
quả tường vi cuối mùa chín mọng.
Nắng đã chớm thu
Lá hạt dẽ vàng công viên,
Rơi rụng.
Chào em, Erlenberg.
Ly rượu vang ngây ngất,
phố đêm lạnh mùi hương.
Đêm nay trăng mơ hồ
soi bóng trên chiếc cánh bay,
Nhìn em nơi đâu dưới mây lãng đãng!
Mộng mị lời chia tay.
Nhỏ nhẹ.


30/8/2012