Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

NHỚ




  • Một:


Đó là những ngày mưa dầm bên bờ sông Mỏ Cày, đâu khoảng năm 1985-86. Có một lớp Toán, một lớp Văn. Khi đó mình dạy Giải tích cổ điển còn Hàm Luông dạy Văn học dân gian, bồi dưỡng cho mấy lớp chuyển tiếp thi từ cao đẳng lên đại học. Mỗi ngày, sau giờ dạy, hai anh em xuống nhà ăn sát bờ sông, ngồi ăn co ro trong hơi mưa lạnh thổi mờ mịt mặt sông. Thời buổi bao cấp hãy còn nặng nề, dù là giảng viên thỉnh giảng được Phòng Giáo Dục Huyện Mỏ Cày rất ưu ái, khẩu phần mỗi bữa cơm của hai anh em thường cũng chỉ được một tô canh chua tép – bạc hà và một đĩa tép rang hay cá hủng hỉnh kho. Tội nghiệp Lê Nguyễn Hàm Luông lúc ấy đang bị đau răng, có bữa phải nhờ cấp dưỡng nấu cháo chan nước cá kho ăn cầm hơi, vừa ăn cháo vừa chảy nước mắt dầm dề, thành ra khẩu phần của Hàm Luông bị mình (đau khổ) ăn hết ráo!
Buổi tối Phòng Giáo Dục bố trí hai anh em ngủ trong một phòng học ban ngày được bố trí làm hội trường. Gió luồn qua mấy lam gió lạnh tê tái. Năm đó Mỏ Cày chưa có điện (hoặc có điện chỉ để phục vụ hạn chế mà thôi!) nên hai anh em yêu cầu được cấp đèn dầu phục vụ cho việc thức soạn bài. Mỗi đêm được cấp một lít dầu lửa để thắp cái đèn dầu ABC to đùng! Vì vậy khoảng chừng 11 giờ đêm là… hết dầu. Có đêm hết dầu thắp đèn nhưng còn mấy bài tập đã cho học viên mà còn chưa kịp giải, chưa kịp ghi ra giáo án, nên đành nằm thao thức trong đêm giải thầm trong đầu. Trong hơi ẩm lạnh lẽo, mưa rỉ rã, không gian vắng lặng, đột nhiên vọng lại đâu đó tiếng võng kẻo kẹt lẫn tiếng ru con trong đêm trường:

Gió … mùa thu mẹ ru… mà ru con ngủ… ầu ơ… 
Năm canh trường… là.. năm canh trường là... thức đủ vừa năm… ầu ơ

Tiếng ru vừa ấm áp, vỗ về, vừa buồn đâu đó xa vắng trong lạnh lẽo như tiếng rơi của những giọt nước mắt. Giọt nước mắt làm nhớ mãi một tiếng ru của lòng mẹ, lòng người … Giọt nước mắt êm ái như dòng Hàm Luông vỗ về nuôi nấng con thơ. Bởi vì con người không chỉ lớn lên từ no ấm và nụ cười, con người còn lớn lên từ gian khổ và nước mắt, đem theo trong hành trình cuộc sống của mình tiếng ru của mẹ! Có ai nỡ quên tiếng ru của mẹ không?  Có ai nỡ phản bội tình yêu của mẹ không? ….

Và như thế đó chúng tôi đã thiếp ngủ mà quên lạnh lẽo!

  • Hai:



Bài thơ này Hàm Luông viết tặng hôm 30/5/2013. Trong buổi tiệc chia tay về hưu và được bà nhà mình diễn ngâm ngay lúc đó. Bài thơ nằm yên đó trong cặp từ lúc ấy.

Hôm nay, ở đây, xa quê ta vạn dặm, đọc lại và nhớ thương….

NHỚ 

(Tặng Vương Đức Bình)

Chắc là nhớ lắm, phải không anh? 
Phấn trắng bảng xanh vẫn nhớ hoài 
Tháng hè mưa ướt đường trơn trượt 
Anh đã đi về những tháng năm. 

*** 

Bè bạn, học trò gửi lại đây 
Bao nhiêu kỷ niệm nhớ đong đầy 
Mấy mươi năm chắc anh hoài nhớ 
Kỷ niệm một đời, ôi thiết tha! 

*** 

Góp thành kỷ niệm, nói gì hơn 
Thương nhớ người anh dạ luyến thương 
Con đường giáo dục, ai từng bước 
Trải một tình yêu, bao vấn vương. 

(Lê Nguyễn Hàm Luông) 



Neckarsulm, 29/7/2013.

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

(HỒI KÝ)... MỆT NGHỈ HƯU





Được thực sự nghỉ hưu đã gần 2 tháng. Trước khi nghỉ thì chỉ mong được nghỉ cho lẹ vì tình thiệt lúc đó người đã mệt mỏi quá sức với quá nhiều giờ giảng trên thời khóa biểu, với cả lô tài liệu kỹ thuật phải đọc dồn dập, với cả đống bài chấm mà giáo vụ khoa cứ phải ghi tên lên bảng nhắc nhở vì không mấy khi mình hoàn thành được đúng thời hạn. Vả lại trái tim của mình dạo này cũng yếu đi nhiều rồi. Theo cách nói vui của bạn bè là coi chừng "nhồi-máu-con-chim" (nhồi máu cơ tim!)... Vài năm gần đây mỗi lần dạy ở các phòng trên lầu 3 là hồi nào cũng xảy ra chuyện sinh viên vào lớp xong phải ngồi chờ rất lâu vì mình còn đang đứng thở "lấy hơi lên" ở chiếu nghỉ giữa cầu thang! Vậy thì nên về hưu cho lẹ, xê ra chỗ khác chơi, đỡ khỏi làm phiền cuộc đời! 

Mình đã suy nghĩ đơn giản là về hưu rồi thì chỉ là về vườn, sẽ sung sướng lắm nếu cả ngày chỉ loay hoay với cỏ với sâu mà thôi. Nghĩ như vậy cũng có phần đúng. Đúng là hai tháng nay suốt ngày mình chỉ loay hoay với cỏ với sâu. Đầu óc thanh thản! Nhưng khỏe thì không khỏe được tí nào bởi vì cỏ thì mọc nhanh hơn tốc độ làm cỏ và tình cảnh thì chỉ có "mình ên" vật lộn với đất đai! Thử nghĩ mà coi, một mình đốn hạ và bứng cái gốc cây bằng lăng to một ôm mất đứt một tuần lễ, phá bụi tre đằng ngà um tùm lại thêm một tuần lễ nữa! Dọn dẹp cây lá đâu đó cho gọn gàng là mệt thè lưỡi... Còn chuyện lũ sâu thì... một chuyện tổn thất khó chịu đựng được là việc mấy con mối tấn công tủ sách. Cái vụ này còn đáng sợ hơn cháy nhà! Nhiều cuốn sách được nâng niu, ki cóp cất giữ bấy lâu nay, thậm chí có quyển từ 195x, bỗng chốc nát nham nhở giữa đôi càng nhỏ tí của lũ mối. Trong căn nhà nhỏ bé của mình kiếm một chỗ đặt sách tránh xa lũ mối quả thật là việc khó quá! Trước đây vợ chồng mình tự hào có đến cả ngàn quyển sách thì bây giờ điều đó trở thành nỗi lo triền miên! Lại mất hơn 2 tuần "vật lộn" với mối! Và mọi thứ thì phải làm cho lẹ, không được trì hưỡn để còn chạy đi thăm cháu ngoại ở xa tít mù nữa! Hóa ra được nghỉ hưu mà lại mệt xác gấp đôi gấp ba so với lúc còn đi làm! Bởi vậy chẳng viết lách gì được. Thậm chí thấy bài thơ của nhà thơ Hoàng Lộc đề cái tựa "chộ" mình tí chút, mình định để lại tí 'còm' cho vui vui mà cũng oải quá không ọ ẹ nhấc tay nhấc bút gì được. Buông cưa buông rựa ra là chỉ muốn ngả lưng đánh một giấc để hồi sức mà lao động tiếp! 

Té ra buông công việc của anh thày giáo để làm anh nông dân thực sự thì không dễ tí nào!

Mọi thứ trở nên bề bộn ....






Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Nửa đêm Neckarsulm...




Có chiếc xe nào vừa chạy ào qua dưới đường làm mình tỉnh giấc mơ. Giấc mơ thiệt kì cục! Nằm mơ thấy mình đang giảng một bài toán... đang nói tới phương trình của một cái lò xo cầu! Kì cục là vì mình chỉ từng giảng bài phương trình mặt cầu chứ có nói tới lò xo cầu bao giờ đâu. Hình như mình đang bối rối vì mấy công thức trên bảng chưa phù hợp với ý định biểu diễn một thứ co dãn như vậy. Và càng bối rối hơn khi quay lưng lại thì thấy học sinh trốn học đâu hết trơn! 

Phòng học vắng ngắt vừa quen vừa lạ. Hình như đó là một lớp học rất cũ kĩ hồi mình dạy ở Thạnh Phú vì nó có mấy lớp vôi tróc lỡ ẩm mốc và mấy cái bàn học trò trên nền xi măng chông chênh. Hình như nó là một cái phòng học ở dãy lầu gần con sông Thanh Bình của lớp H3K8 của trường Sư Phạm cấp II Bến Tre vì với lớp đó thì mình mới nói tới tọa độ cầu và phương trình vi phân và cái màu vôi nhàn nhạt lem luốt không biết gọi là màu gì. Cũng hình như là một cái lớp học bên trường PTTH Châu Thành A vì thỉnh thoảng nghe tiếng xe lên phà Rạch Miễu chạy ầm ỉ ngang trước trường và mình phải dừng bài giảng ít phút mới giảng tiếp được. Cũng hình như là cái phòng học của lớp K1CNTT (công nghệ thông tin - nhưng lớp này thì mình chỉ dạy toán rời rạc, phương pháp toán học trong công nghệ thông tin và lập trình - có biểu diễn mặt này mặt kia bao giờ đâu!) Mà thôi ở đâu cũng kệ! Quan trọng là mấy đứa học-trò-sinh-viên chán học bỏ lớp trốn đâu hết để lại ông thầy cô đơn ngơ ngác trên bục giảng. 

Ờ... nhớ cái hình cầu mình vẽ trên bảng... Phải rồi đó là cái mặt trăng mà. Đêm qua nửa đêm cũng tỉnh giấc nhìn qua cửa sổ thấy mặt trăng trôi lừng lững trên nền trời mây lưa thưa. Trăng cũng không tròn lắm vì rằm đã qua mấy hôm rồi nên mình đã nghĩ trăng giống cái lò xo. Nhưng đêm nay trăng đâu rồi sao chưa thấy... có lẽ mình tỉnh giấc sớm hơn đêm qua chăng!


 Clair de lune (Claude Debussy)

Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

Ngồi bên hiên chùa Hội Phước.






Trong chánh điện có tượng
Phật tánh ở ngoài sân
Bỗng thấy ta thong thả,
chuông chùa lắng tiếng ngân
Ngồi chơi bên ngạch cửa,
ngắm sen nở đóa hồng.
Rung rinh sợi tơ nhện,
lóng lánh kiếp hồng trần.


Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

CHIỀU MƯA ĐÀN KHÚC SAKURA.




Này em đây khúc hoa đào
Hồn tôi sương khói phả vào sợi tơ
Dây này giọt lệ tình thơ
Dây này gươm báu thép hồng lung linh
Dây này huyền ảo bóng hình
Trăm năm một cõi thuyền tình xót xa
Sáu dây tuôn chảy lòng ta
Mưa trong vườn vắng vọng ra tiếng sầu
Này em đây những cơ cầu
Nghe trong dấu lặng mấy sầu thế nhân!

***



Tôi đàn khúc SAKURA trong cô đơn.
Khúc này do Francisco Tarrega soạn cho guitar.
Tiếng đàn đã chảy vào hư vô bởi chẳng ai nghe cả.
Có sao đâu, bởi vì cuối cùng tôi đã tìm được sự tĩnh lặng cho lòng mình!
Còn bây giờ xin cùng tôi để lòng mình lắng xuống,
 bước ra khỏi mọi hư vọng.
Hãy để cho đàn koto vang lên tiếng ngân của sự tĩnh lặng,
long lanh vẻ đẹp phù du của một mùa hoa đào.