Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2007

Xóm già.

Cái xóm này bây giờ kì lạ. Dần dà bọn trẻ đi làm đâu hết. Này nhé: Ông Tư sống một mình trong căn nhà sang trọng cực kì ở đầu xóm, ông sống thui thủi trong một căn nhà ba từng lầu, hàng rào cao ngang đầu người. Nhìn vô nhà ông thường chỉ thấy một con chó nằm buồn giữ cái cổng cực đẹp luôn luôn đóng kín và ... vắng ngắt. Con cháu ông tụi nó đi Mỹ hết rồi. Tụi nó cứ giục ông "đoàn tụ gia đình". Nhưng ông chẳng muốn đi đâu. Ông đi thì ai hương khói cho Bà Tư nào! Chả lẽ để cho Bà Tư lạnh lẽo nằm một mình sau vườn?! Hai vợ chồng Ông Bảy mới kì lạ. Bà Bảy về hưu bệnh rề rề. Ông Bảy quấn quít bên Bà Bảy suốt ngày cứ như một cặp vợ chồng son. Sáng bảnh là thấy ông đi chợ. Hai ông bà ăn chay trường nhưng vài hôm lại thấy ông mua kí cá biển loại lụn vụn. Cho con mèo ngổ ngáo ăn. Không có con mèo ông biết nói chuyện với ai bây giờ. Dĩ nhiên ông cũng trồng đủ thứ bông, để giết thì giờ ấy mà, nhưng bông thì không biết nói chuyện, mèo thì có thể gừ gừ khi bị Bà Bảy chì chiết một cách thân mật. Con gái ông ghét loài mèo, chó. Thỉnh thoảng cô ả có về - như đi thăm bẩy - Ông hay hài hước nói vậy, cô ả chỉ phán một câu "!". Thế là ông tạm thời cấm cửa con mèo một hai hôm cho cô ả đừng càu nhàu. Và ông rón rén cho con mèo ăn phía sau nhà. Vừa cho ăn ông vừa vuốt ve âu yếm thì thầm - Mai mốt hả vô nhà nghe con. Ngoài này lạnh không con. Nè vô cái chái đựng vỏ dừa ngủ nghe con. Nghe mà bắt ớn! Tức cười nhất là Bà Bảy hay tích trữ đủ thứ chai lọ đồ nhựa cũ mèm, bị cô cả lấy bỏ ra ngoài hàng rào và "bị" con mẹ Tư "đồng nát" gom đem bán sạch. Thế là Bà Bảy và con mẹ Tư sau đó cãi nhau kịch liệt. Bà Bảy tức tối "Con mẹ Tư đó, con mẻ hổng biết là con nhỏ để tạm ở đó vài hôm lấy vô chứ có bỏ đi đâu!". Còn con mẹ Tư thì cười hì hì "Kệ! Cho bả tức!". Con mẹ Tư cũng sống một mình, nhà con mẻ như đống rác, con mẻ cũng già rồi đâu còn hơi sức mà dọn dẹp. Nói tới lũ con hả? Con mẻ chép miệng thở dài "Nó ở đây với tui để báo cô à. Lo mà quơ quào để sống chớ! Nó đi tức là nó kiếm được cái ăn. Tui khỏi phải lo nó đói ăn đói mặc". Rồi con mẻ hạ giọng "Tui còn lo được cho tui mà!". Ngẫm cho kỹ thì con mẹ Tư nói ... cũng đúng.

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2007

Chờ bão

Mây mù từng giờ qua lại thêm dày, trĩu nặng. Gió chưa mạnh, chỉ thỉnh thoảng kéo lướt qua, thậm chí còn có vẻ yên bình hơn cả những ngày mưa bình thường giữa mùa. Nắng cứ yếu-ớt-âm-u và hơi ngộp ngộp. Người ta hỏi nhau bão tới chưa. Các dự báo bão cứ ra rả trên đài … 12 giờ tới … 36 giờ tới … có thông báo cho các trường nghỉ học ngày mai. Vậy là bão tới gần lắm rồi hả? Ừa … chắc vậy rồi. Đi đường lo lắng nhìn những hàng cây … cây này to quá … cây này có nhánh gie ra dài quá … Ngày thường thấy nó bóng mát thế, bây giờ thấy sợ sợ .. Coi chừng gió thổi nó gãy rớt lên đầu thì khốn! Ngó cây dừa cạnh nhà bây giờ thấy sao nó cao thế và gần nhà quá! Ái chà buồng dừa kia mà bay lên mái nhà thì cứ y như bị dội bom! Không gian bỗng nhiên có nhiều đe dọa quá.

Đêm. Gió lặng. Sao gió lặng thế nhỉ? Bão nó đang nấp ở đâu vậy? Nó đang đi qua đi lại lượn lờ ngoài biển hả? Nó như con ma còn nấp đâu đó trong vườn. Ngủ đi nào … đã bảo là sáng mai nó mới vô tới! Còn bây giờ nó … mới gần gần thôi. Chậc! biết thế … nhưng hơi thở của nó đã thấy lạnh lạnh rồi. Thôi … chả sao cả! Cái gì tới sẽ tới. Cái gì phải làm thì làm rồi. Ngủ thôi!

Thứ Năm, 1 tháng 11, 2007

Canh hến.

Ông Hai đi chợ. Cái chợ nửa quê nửa thành. Vì là chợ ngoại ô. Để coi mua cái gì đây? Mua cái gì rẻ rẻ thôi! Ăn để mà sống chớ có phải sống để mà ăn đâu! Mà cái chợ đời cũng kỳ lắm! Mua cái gì ăn rẻ quá người ta cũng soi mói: “Ôi cái ông đó nghèo chết được. Đời nào ổng mua món ngon”. Kể cả người bán cũng đôi khi có cái giọng điệu khinh rẻ đó! Trong đời ông có mấy lần “cay đắng” cái chuyện mớ rau con cá rồi. Cay cực thay cho anh hàn sĩ! Tâm hồn có khi ở trên mây nhưng hai chân phải đứng trên mặt đất chứ. Mà có phải đất bằng đâu! Nhiều khi phải đứng trên đống bùn nhảo nhoẹt! Lạng quạng là té vô vũng bùn ngay.
Cái hồi ông còn đi làm! Lương ba cọc ba đồng, lãnh ra chưa được ba ngày đã hết. Mà ông có “xài” cái gì đâu! Sớm bửng ông mới đi chợ với anh bạn. Đi loanh quanh không biết mua cái gì cho sống được lâu lâu một chút. Hồi may, hai ông tướng gặp một bà bán cá trông cũng có vẻ phúc hậu. Trong rổ là một mớ cá con lụn vụn. Coi bộ cá cũng tươi. Chà mớ cá này mua về kho khô ăn nhín nhín thì hai ông tướng cũng sống được cả tuần. Ừa thì mua đi hai chú! Bà bán cá nói như vậy. Rẻ mà! Thôi thì mua. Cân đong đo đếm xong bà bán cá liền nói với giọng thông cảm “Mấy chú mua được mớ cá rẻ đó! Mấy hôm nay người ta mua cá này cho heo ăn dữ lắm” . Ối trời ơi! Chưa ăn sáng mà có cái cục gì đó khi không mắc ngang trong cần cổ!
Cũng chưa tởn! Lần đi chợ ông thấy mớ khoai lang rẻ bèn mua liền. Đem về sáng hôm sau nấu lên cho cả bọn cùng ăn. Chẳng ai ăn được củ nào. Anh bạn hầm hầm! Hỏi sao không ăn? Đáp ”Ôi! Có gì đâu! Tại cái giống khoai ông mua là giống 3 – 5 – 0 – 9. Cái giống này nó hay sùng từ trong bụng sùng ra nên không muốn ăn.”
Vậy đó. Bây giờ ông lại đi loanh quanh trong chợ. Biết mua cái gì? Mà chợ trưa rồi, món ngon người ta mua hết trơn! Bỗng có một cô nhỏ, cũng cở con gái ông thôi, cái áo pull vàng tươi nhưng hai bàn chân với mấy móng chân phèn vàng nghín, níu ông. “Ông ơi mua dùm con mớ hến này đi ông”. “Mua đi ông ơi cho con về kịp chuyến đò!”."Rẻ lắm!". Ông chợn vợn … bởi vì bằng cuộc đời của ông thì ông thừa biết khi người ta phải đi xúc hến bán thì người ta cũng gần tới đáy cuộc đời rồi. Bởi vì hến ở ngoài sông ngoài rạch. Chờ nước ròng xuống mà xúc. Chẳng phải đất của ai. Ông cũng đã từng đi xúc hến! Ông bà hay nói ví von “Cạp đất mà ăn!”. Chưa tệ lắm vì còn đất để cạp. Tệ hơn phải nói “Xúc hến mà ăn!”. Coi bàn chân của con nhỏ kìa! Cái mặt còn trẻ mà hai bàn chân nứt nẻ, móng chân như lưỡi mai xơ xác. Không mua giùm nó mớ hến không chừng con nó đang khóc ngất ở nhà chờ mẹ về bú!
Vậy là ông mua mớ hến! Còn cho thêm con nhỏ hai trăm bạc lẻ! Cái này đem về nấu canh bồ ngót chắc bả khen ngon chớ không cự gì ông đâu!

Thứ Ba, 16 tháng 10, 2007

HỒI TƯỞNG TRÊN CHUYẾN XE



Giáo Hoài đưa tôi ra bến xe đúng nửa đêm. Gió đùa mát lạnh làm người ta tỉnh ngủ. Bến xe ít người. Một chiếc Toyota 12 chỗ ngồi đang chờ số khách ít ỏi. Trong quán lá ven đường, dưới ánh điện vàng vọt, mấy người đàn ông, điếu thuốc lập lòe trên môi im lặng. Xe chạy đúng giờ mặc dù sau lưng tôi còn nguyên một băng trống. Ẩn nấp trong bóng đêm, nhà cửa - vườn tược loang loáng hiện ra sáng rực dưới ánh đèn pha, phô diễn nỗi niềm bí mật của giấc ngủ, rồi biến đi cũng nhanh như khi xuất hiện. Con đường dằn xóc quá đỗi, lẫn trong tiếng tài xế chửi rủa vô số ổ gà trên mặt đường nát bấy là tiếng sủa hoảng hốt của một con chó hoang vừa nhảy vội vào lùm cây lức ven đường. Gió thơm mùi lúa, phảng phất mùi xăng dầu. Không ngủ được, tôi đành ngồi lắng nghe những câu chuyện bâng quơ, rời rạc của đám hành khách đi cây số 125 – Long Khánh kiếm miếng cơm. Những câu chuyện nửa nông dân, nửa dân nghèo thành thị làm tôi miên man hồi tưởng lại tháng ngày qua.
Lâu lắm rồi tôi mới trở về Thạnh Phú. Lần này chủ yếu là về thăm gia đình bác Hai, nhằm ngày giỗ đầu tiên của bác Hai gái. (Mấy đứa con tôi vẫn quen gọi bác Hai gái là “Bà ngoại” vì lòng yêu mến chăm sóc khi nó còn bé tí, chập chững tập đi những bước đầu tiên). Hai vợ chồng tôi, giáo viên, nghèo rớt mồng tơi, ngày trước tá túc cạnh nhà bác để đi dạy ở trường Phổ thông Trung học Thạnh Phú. Hai bác dành cho chúng tôi một căn nhà nhỏ, trước là của vợ chồng anh Ba con bác. Năm 1977 do mất mùa liên tiếp, dân Thạnh Phú đói trắng con mắt, vợ chồng anh Ba với mấy đứa con đã bỏ đi Cà Mau làm mướn. Đồ đạc trong nhà gồm một cái giường cũ, cái bàn tròn, hai cái ghế đẩu. Tất cả là do bác Hai và bà con chung quanh cho vợ chồng tôi mượn. Không chỉ có vậy, thỉnh thoảng mấy đứa trẻ còn đem cho ếch chúng soi được, hay bó rau đắng hái ngoài đồng. Như thế cũng đã là thiên đường cho hai trái tim vàng mới cưới sống nhờ vào đồng lương ít ỏi.
Hồi đó bọn chúng tôi gồm 6 người, đợt giáo viên đầu tiên sau năm 1975 nhận quyết định của Sở Giáo dục về trường Thạnh Phú. Ban đêm chợ huyện còn tù mù đây đó mấy bóng đèn trứng vịt của mấy xề bánh trái ăn đêm. Người mua người bán không trông rõ mặt nhau. Giống một cái chợ ma! Vợ tôi, ngày đó là cô giáo trẻ - vốn là dân Sài Gòn nói: “Lần đầu tiên nhìn thấy cảnh chợ đêm, buồn muốn rã rời!”. Khu trường bọn tôi dạy là hai dãy trường cũ. Trước kia là trại lính gì đó. Trong khoảng sân nhỏ có ba cây phượng vĩ còi cọc chưa thấy trổ hoa bao giờ, còn cỏ may thì mọc tốt tươi tới bắp vế, dẫu cho hàng trăm bàn chân học sinh dẫm đạp hàng ngày thì chúng vẫn kiên trì vượt lên cao mãi. Anh em chúng tôi, giáo viên của trường, thương yêu nhau lắm. Mà không thương yêu nhau sao được. Dân tứ xứ không thôi mà! Không dựa vào nhau thì dựa vào đâu? Vả lại còn các em học sinh nữa. Chúng ngoan ngoãn, hiền lành, chất phác, nhiều em rất chăm học. Lớp 11, 12 mà có đứa đi học còn đi chân không. Có đứa vào lớp ngồi yên như phỗng, chăm chú như uống từng lời giảng, khép nép và chuẩn mực khi nói chuyện với thầy cô. Mà chúng tôi, thầy cô giáo trẻ, nhiều khi cười giỡn như quỷ (duy có học sinh là không biết điều đó mà thôi). Mãi cả năm sau bọn tôi mới biết là đứa ngồi yên như bụt ấy đã có vợ từ lâu. Một buổi nó đi học, một buổi về nhà cùng vợ đi đóng đáy.
Anh em chúng tôi yêu nghề biết bao, yêu những học trò của mình biết bao. Chúng trong sáng và là niềm mơ ước của chúng tôi về tương lai. Bài giảng chúng không hiểu hết, chi đoàn TNCS động viên chúng tôi dạy phụ đạo. Đến cả chú Chín Là (ông từ của trường) cũng nói: “Tội nghiệp quá mà!”. Thế là Ban Giám hiệu sắp giờ phụ đạo. Bạn tôi, có người nhận đến 30 tiết một tuần … thế mà anh vẫn vui. Còn tiền phụ trội hả? - Chờ đó. Đến tết Congo hẵng hay! Nói vậy thôi, lên lớp dạy là niềm vui, là hơi thở của chúng tôi, có gì phải từ chối. Sau giờ lên lớp, chúng tôi quây quần trong “căn phòng ấm cúng” ngăn đôi. Một bên là “nhà” ở tập thể. Một bên vừa là văn phòng Ban Giám hiệu, vừa là phòng họp giáo viên. Trong cái “văn phòng” này tôi còn nhớ như in tiếng cười hà hà của anh Chuẩn lẫn trong tiếng lầu bầu của giáo Tấn như minh oan cho một việc gì đó kỳ cục, chen vào đó là giọng anh Dợn lắp bắp: “Như thế này nhé! Như thế này nhé!...”. Cũng trên bàn họp hội đồng đó, những đêm hè trực trường, một mình tôi giữa khung trường vắng ngắt, nằm thao thức trong tiếng đờn cò não lòng, ai oán của chú Tám Bu được đệm theo bằng tiếng ngắt – ngang, ngắt – ngang của đám ếch nhái rộ lên trong mảnh ruộng gần trường.
Dĩ nhiên, chúng tôi không chỉ có tiếng cười. Xen vào đó là những ngày nặng nề khi giữa chúng tôi có người đành rời bỏ bục giảng, khi gánh cơm manh áo của gia đình đè lên vai mỗi người ngày một bức bối hơn, khi người bỏ dạy, chuyển đi ngày một tăng thêm. Còn anh em mới ra trường, kể cả dân địa phương lại không muốn về trường. Ngôi trường tự nhiên xơ xác ra, các tiết trống nhiều đến nỗi không xếp thời khóa biểu cho lớp học liên tục được. Giờ nào cũng có lớp nghỉ học, vắng thầy cô. Học sinh nhìn chúng tôi im lặng. Trong mắt của các em có câu hỏi mà chúng tôi không trả lời được. Và cũng trong những ngày tháng nặng nề đó, vợ chồng chúng tôi đến ở căn nhà nói trên. Nói là nhà chớ nó cũng xiêu vẹo không khác cái chòi là mấy. Hàng ngày con bé Thủy, cháu ruột bác Hai, vẫn chạy sang chơi. Nó gầy nhom, ở trần, bận một cái xà lỏn bạc phếch màu phèn, hay ngồi bệt xuống đất ngay cột cửa kể đủ thứ chuyện thấy được cho tôi nghe. Tôi chỉ cần ậm ờ là đủ, vì thường tôi bận soạn bài hoặc dỗ con. Cũng có khi nó đứng dựa vào chiếc bàn tròn, nhìn vào giáo án hoặc mấy quyển sách tôi đang dùng với ánh mắt kỳ lạ, thèm thuồng. Hẳn là nó thèm đi học! Ba má nó bỏ đi mỗi người một phương tự nuôi thân còn không muốn nổi. Nó sống với bác Hai, mà bác Hai thì nghèo xơ, có mảnh ruộng mỗi năm làm được một vụ nay bị rầy nâu, mai bị nước mặn chụp, thì đi học làm sao được chớ? Tôi về kỳ này bác gái đã không còn, bác Hai im lặng ít nói. Hai bác cháu ngồi uống trà trong căn nhà vắng vẻ. Ngoài trời, mưa đêm lâm thâm. Mười ba năm rồi, vợ chồng anh Ba chưa về. Giọng bác Hai bùi ngùi: “Chắc vợ chồng con cái nó chết mất xác rồi, chớ sao tới bây giờ không có một chút tin gì!”. Tôi nghe rờn rợn, trước mắt chừng như hiện lên những dãy xuồng ba lá kéo sau chiếc đò chạy vô Cà Mau. Ôi! Chiếc xuồng ba lá và một gia đình nghèo đói lênh đênh giữa dòng một con sông lớn. Đang giữa câu chuyện, một cô gái có nét xinh đẹp, cái đẹp mộc mạc của thôn nữ, đẩy cửa bước vào, ngạc nhiên vì sự có mặt của tôi, nói vội: “Thưa ngoại, Thưa thầy…” rồi vội vàng bước trở ra. Bác Hai nói: “Con Thủy đó thầy… bây giờ nó lớn rồi … chữ nghĩa thì không có … nên tôi để nó đi ở đợ cho bà X. ngoài chợ!”
Cái chợ mới của Thạnh Phú tôi đã thấy qua. Đồ sộ, đẹp, hai bên đường các tiệm buôn sung túc, điện Trị An về tới sáng trưng, vui vẻ. Đi từ đầu chợ đến ngã tư chùa Bình Bát, mặc dù mãi chăm chú tránh các vũng lầy do cơn mưa dai dẳng rải dài trên mặt đường, tôi vẫn kịp nhận ra sự đổi thay của cái thị trấn này. Ánh điện néon hòa với sắc màu của chương trình truyền hình hắt ra, soi lên những vũng nước tồn tại hàng chục năm qua mỗi khi mùa mưa đến, lấp lánh trên mặt nước đen bóng. Còn bà X. nào đó mà bác Hai nói đến, chắc cũng ở đâu trong dãy phố này.
Sáng hôm sau bước vào khoảng sân sạch sẽ của trường cũ, tôi đi như mò tìm lại quá khứ. Những em học sinh đứng dưới hiên lớp nhìn tôi như kỳ lạ, dò xét. Không hiểu sao bây giờ tôi cũng đọc thấy trong mắt học sinh những câu hỏi. Thói quen nghề nghiệp đã hình thành quá vững chắc chăng? Giáo Hoài đang giảng bài trong lớp ra hiệu mời tôi vào văn phòng ngồi chơi, rồi tự nhiên tiếp tục bài giảng của mình. Trong văn phòng, nhiều anh em ở khu tập thể đến trò chuyện với tôi; chuyện nổ như bắp rang. Lúc đó tôi mới biết khung trường này của hệ B, còn hệ A đã dời sang khung trường mới. Hết tiết dạy, Hoài xuống văn phòng và chở tôi qua khung trường mới.
Cái gây ấn tượng đầu tiên là khung trường mới quá đẹp, bề thế. Trước cổng tấm bảng nhỏ ghi tên trường đính một cách khiêm tốn mà trang trọng trên bức tường xây đá rửa sang trọng. Đang giờ ra chơi, học sinh tập thể dục giữa giờ. Những tà áo dài bay lượn uyển chuyển theo các động tác nhẹ nhàng như bướm trắng. Trong sân, hai dãy bạch đàn tốt khỏe, vươn thẳng lên trời xanh. Sân cỏ đầy nắng vàng. Thứ nắng óng như tơ, mát như thạch. Vài cây phượng nhỏ đang khoe mấy cành xanh mướt. Tôi tin rồi chúng sẽ mọc lên tươi tốt, sẽ là bóng mát cho những đàn em thơ, sẽ rắc những cánh phượng đỏ rực như màu cờ đang phấp phới giữa sân trường xuống thảm cỏ. Màu đỏ mà tuổi học sinh đã qua nào cũng nhớ nhung.
Anh Dợn, phó hiệu trưởng, tiếp tôi trong văn phòng riêng. Giáo Hà và anh tâm sự với tôi về những ngày xây dựng trường. Rồi như đối với một vị khách quí là tôi (mà tôi thì chỉ là một gã lãng du đột nhiên trở về quê cũ), anh dẫn tôi đi xem từng phòng học nền lót gạch bông sạch bóng, bàn ghế còn mới tinh nguyên, sực nức mùi gỗ. Vườn nhà ai kế bên trường gie mấy nhánh cây như với lấy hành lang, âu yếm. Anh dẫn tôi đi xem hội trường, phòng may mặc có đến hàng chục máy may, thư viện… Một cái thư viện đẹp đẽ, trang nghiêm. Đứng giữa sân nhìn ba bên bốn phía: nào lớp học, nào văn phòng, hội trường, tường xây đá rửa sang trọng. Anh Dợn còn nói đến kế hoạch của trường sẽ thành lập phòng máy vi tính. Tôi cứ để anh nói về giấc mơ của anh, của các đồng chí của anh. Cái giấc mơ mà mười năm trước đây tôi đã từng mơ, duy là tôi chẳng dám mơ nhiều như vậy…
Buổi chiều, tôi đi thăm học sinh cũ của mình. Những em bây giờ là giáo viên của trường. Các em đã trưởng thành, giờ đây truyền lại cho đàn em nhỏ niềm say mê học tập, cầm lấy tri thức nhân loại như vũ khí chiến đấu chống lại cái nghèo vật chất, cái nghèo tinh thần o ép dai dẳng quê hương mình bấy lâu nay. Nhiều năm đã trôi qua, như một cái chớp mắt, tôi đã thành ông giáo già từ lúc nào không hay. Bây giờ, nhiều khi tôi phải tự nhủ: cái gì tôi đã dạy cho các em thì bản thân tôi có thực hiện được không? Những lý tưởng, lẽ sống mà tôi đã dạy, tiếc thay không phải điều nào tôi cũng thực hiện được. May sao tôi cũng còn biết dằn vặt về điều đó!
Buổi tối tôi và giáo Hoài chào bác Hai để ra về. Trên chuyến xe này tôi tiếc là chưa gặp con bé Thủy để an ủi nó, vì chủ nó đã kêu nó đi từ chiều. Mà tôi biết phải an ủi nó điều gì?! Nhiều người quen tôi cũng không gặp như anh Mười Chiến, anh Bảy Hiếu, những người đã để lại dấu ấn sâu đậm của mình đằng sau ngôi trường mới đó. Tôi chợt nhớ ra lời nhắn của anh Bảy Hiếu qua vợ tôi: “Chị nhắn với anh Bình là Bảy Hiếu vẫn mạnh giỏi, và vẫn nghèo như hồi nào!”.
Năm giờ sáng. Chuyến xe đã kiên trì nuốt hết con đường đầy ổ gà đang dừng lại. Cầu bắc Hàm Luông kia rồi. Dòng sông hình như êm ả nhưng đen ngòm, chứa đầy sự đe dọa. Bên kia sông ánh điện rực sáng bầu trời. Xe xuống phà. Trời hửng sáng. Không hiểu sao tôi thấy lại con bé Thủy gầy còm, đứng dựa bàn, nhìn vào giáo án của tôi nói nhỏ nhẹ: “Mai mốt con cũng đi học hả thầy!”.
(Tháng 9 năm 1990).

Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2007

Chiều đi qua Phụng Hiệp

Hò ơi … Sóc Trăng nghèo quá
Tôi qua Rạch Giá, ghé xuống Cà Mau.
Chèo chống lao đao tôi về Phụng Hiệp.
….
Con kinh Ngã Bảy này gợi cảm với tôi không phải vì tôi từng ở đó mà bởi vì tía tôi đã từng gắn bó với nó, như cái câu hát đau lòng kia. Tôi cứ thắc mắc hoài tía tôi đã cắm xuồng ở đâu, ở ngả nào trên khúc kinh này. Cái thắc mắc đó không khi nào được giải đáp bởi vì tía tôi đã mất từ lâu. Chừng tôi còn nhỏ thỉnh thoảng có nghe tía nhắc tới đoạn sông này, nhắc tới cái đêm mưa mà tía rét run, bệnh hoạn thập tử nhất sinh, một mình thoi thóp giữa lòng xuồng tam bản nhìn qua bên kia sông chỉ thấy lập lòe cơ man nào là đom đóm giữa cái trời tối đen như mực không nhìn thấy được bàn tay xòe trước mặt.
Tía tôi hồi đó mình ênh chèo chống một chiếc xuồng bán ơ, bán nồi đất và bán muối. Và tía về cắm sào ở dòng kinh Ngã Bảy! Chắc tía cũng không có được cái hạnh phúc đau đớn đầy lãng mạn của anh bán chiếu … mà danh ca Út Trà Ôn đã rao:

Hò ơ... Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm
Công tôi cực lắm, mưa nắng dãi dầu.
Chiếu này tôi chẳng bán đâu.
Tìm em không gặp... Hò ơ...
Tìm em không gặp tôi gối đầu mỗi đêm...


Chắc tía chẳng quen thương cô gái nào ở kinh Ngã Bảy này, nếu không thì đây phải là quê ngoại của tôi rồi chẳng chơi. Kinh Ngã Bảy này chỉ làm tía nhớ tới thời loạn ly nghèo khó mà thôi. Nhưng như nhà thơ nào đó có viết:

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở.
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn.

Phụng Hiệp chỉ là đất ở của tía nhưng lại là tâm hồn của … tôi!

Cứ mỗi lần có dịp rong ruổi trên chiếc xe gắn máy cà tàng về Sóc trăng hay Cà Mau là tôi lại ghé Phụng Hiệp. Cây cầu Phụng Hiệp chẳng đẹp đẽ gì sao lại làm tôi bồi hồi quá mức! Ấy là tôi không tránh khỏi cái cảm giác tía tôi hẳn còn đâu đó trên mấy dòng kinh kia! Vậy là tôi phải tìm ghé một cái quán ven sông. Một cái quán võng với những chiếc võng mắc giữa hai cái cột bé tí dành cho khách đi đường mệt mỏi nghỉ dừng chân. Mà phải là một cái quán sát bờ sông, có thể nhìn ra mặt sông. Buổi chiều gió sông mát rượi, nằm đung đưa trên cái võng kia, nhìn lục bình trôi thơ thẩn để lơ mơ nhớ về tía tôi. Không biết tía đã có từng ghé chỗ bờ sông này không ha? Cái đứa con mồ côi mồ cút từ năm 12 là tôi, bốn mươi mấy năm lang bạt kì hồ, giờ đây về lại chốn này, thèm thuồng nghe lại tiếng rày la vừa nghiêm khắc vừa ôn tồn của tía. Thèm thấy bóng dáng chèo ghe của tía trên chiếc ghe nhỏ. Cái ước mơ nhỏ nhoi chẳng bao giờ còn có được!

***

Ừ thôi .. dầu là kinh Cái Côn, Bún Tàu, hay Mang Cá, Xẻo Vông gì đó thì rồi cũng hợp lưu về Ngã Bảy. Đó … xe vừa tới đó, tiếng lơ xe: “Tới Ngã Bảy rồi, bà con ai xuống bước ra!”. Và bên kia sông ai vừa kêu “Tới Ngã Bảy neo lại đợi nước lớn”. Người ta ở lại Ngã Bảy … để tìm kiếm, để đợi chờ. Còn tôi, tôi lại ra đi … và chỉ để lại một chút hồn tôi gắn bó.

Thứ Tư, 25 tháng 7, 2007

Xem tranh

… Nàng chợt đứng sửng lại trước bức tranh. Đó là một bức màu dầu vẽ một cảnh quê. Trong tranh là một cái chợ quê với mấy sạp hàng chỏng chơ trông có vẻ tàn tạ trong ráng chiều. Ở hậu cảnh khói lam chiều mờ phủ mấy ngọn cây bên con sông vắng. Thưa thớt mấy người đang dọn thúng mũng lên một chiéc xe thổ mộ. Tim nàng như thắt lại nghẹn ngào. Cái chợ ấy với nàng giờ đây xa lắm! Những hơn nửa vòng trái đất! Nàng chợt thấy lại mẹ mình quanh năm tần tảo chạy chợ nuôi nàng suốt thưở ấu thơ. Cái chợ quen thuộc với nàng đến nổi giờ đây giữa bảo tàng bài trí sang trọng này nàng vẫn tưởng như có thể nghe thấy cả mùi vảy cá hong khô trong nắng, mùi mấy bó rau thơm héo khô cuối ngày, thậm chí nàng còn tưởng tượng được đằng sau vách chợ màu vàng úa kia có một vệt nâu thẩm do mẹ ngồi tựa vào đấy bao năm sau gánh hàng. Giọt nước mắt tự nhiên trào ra và lăn xuống đôi môi mặn chát đang mím lại của nàng …

CON NGỰA NĂM CŨ.


Năm nào gần tết bà cũng ráng về quê, dù tuổi tác đã quá nhiều. Qua cái tuổi “cổ lai hi” lâu rồi, nhưng nhờ ơn trời phật bà hãy vẫn còn mạnh khoẻ. Và khi nào còn đi được thì bà vẫn còn muốn về quê. Mà về quê đâu có phải gần gụi gì ? Những hơn nửa vòng trái đất đấy chớ! Có phải chỉ đi bằng các phương tiện hiện đại không đâu? Đoạn đường cuối cùng, gần dăm chục cây số không thôi là đoạn đường trần ai! Bởi vì con đường xấu quá cỡ, xe cộ dằn xóc “thấy mụ nội!”. Đó là cách nói quen thuộc của bà để diễn tả cái ê ẩm của đoạn đường! Nhưng ê ẩm gì thì bà vẫn cứ thích về mặc cho mấy đứa con năm nào cũng cằn nhằn. Không phải chúng cằn nhằn bà do lo tiền bạc chi cho mỗi chuyến đi về. Tiền bạc kiếm cũng vất vả, nhưng bà xài tằn tiện lắm số tiền trợ cấp xã hội để phụ vào số tiền mấy đứa con cho thêm trong mỗi chuyến về quê. Bà cũng biết chúng làm lụng cực nhọc như thế nào ở cái đất Bắc Mỹ này thôi! Đổ mồ hôi tha phương cầu thực đâu có dễ dàng gì! Chúng cũng phải sợ những ngày thất nghiệp chớ! Chúng cằn nhằn là vì thấy má đã cao tuổi, mỗi năm mỗi về, đi một thân một mình ... thiệt là lo quá!

Bà muốn về là vì hai lẽ: Thứ nhất, đứa con gái của bà còn ở lại quê. Có chồng thì phải theo chồng. Được cái là hai vợ chồng nó sống cũng thuận hoà, đủ ăn, mấy đứa cháu cũng nên người. Thôi con người ta ai cũng có cái số. Bà nhớ lá số tử vi của con gái mình bị “triệt” ở cung thiên di. Con bà vì hoàn cảnh không đi thăm bà được thì bà đi thăm nó vậy. Bà nhớ con, nhớ cháu mà. Lẽ thứ hai nghe ra hơi kì cục: Bà thầm mong gặp lại ông lão, dù hai người sống ly thân cũng gần nửa thế kỷ rồi. Hồi đó thì bà giận ông, nhưng như người ta ví von:

Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng !
Mà cũng đến tội. Bà năm nào cũng về mà chớ có gặp được ông lão. Hễ bà về thì ông không về hoặc ông đã đi rồi. Đi tận bên Úc kia. Vì ông sống bên đó với bà sau. Hai ông bà già chỉ gắn với nhau bằng một sợi dây mỏng manh là đứa con gái còn ở lại Việt nam. Ông Tơ bà Nguyệt lầm lẫn gì đâu? Sợi dây tơ hồng bị đứt mà không làm sao cuộn lại cho được!

Người ta về quê thì hay mướn xe con, xe taxi đi cho khoẻ còn bà vẫn cứ tót lên xe đò. Hồi nẵm bà đi buôn chuyến, chiếc xe đò đã thành quen thuộc với bà rồi. Xe chạy một đỗi lâu, bà mải lo mấy món quà cho cháu, soạn tới soạn lui có mấy món, mà xe tới bến phà hồi nào không hay! Tới chừng ngó ra cửa xe thấy dòng sông nước lớn chảy bập bềnh mấy tay lục bình, bên kia sông mấy cây dừa lão đưa ngọn chọt lên nền trời xanh trong thì bà biết sắp tới đoạn đường dằn xóc.

Thiệt gió sông mát quá! Bây giờ phà chạy nhanh nên bà chỉ vừa kịp nghĩ như vậy là qua phà rồi. Chớ ngày xưa cái vụ chờ phà, qua phà thì bà ngán tới xương. Bà cũng tưởng lầm! Con đường bây giờ làm lại phẳng lì, xe chạy cứ êm bon bon. Chưa kịp nói hết câu chuyện với người ngồi bên là tới ngã tư vô chợ. Còn một đỗi gần chục cây số nữa mới tới nhà. Bà xuống xe giữa một vùng nắng ấm ngai ngái mùi phân bò và tiếng kêu ơi ới lộn xộn, tiếng mấy con heo bị nhốt kêu eng éc, tiếng rao bánh dừa dẻo nhẹo của một đứa không biết con ai. Con cháu ai sao bà không biết vậy kìa? Hồi xưa bà gói bánh dừa ngon nổi tiếng. Bánh của bà có khi còn bán lên tới tận chợ Sài Gòn. Mấy nhà gói bánh bỏ mối ở đây ai mà bà không biết, không quen! Bà đứng trù trừ một hồi, mặc cho mấy đứa xe gắn máy kêu réo. Bà chờ xe ngựa. Lạ thiệt mấy chiếc xe ngựa đâu mất tăm. Bà cảm thấy mỏi chân. Tới giờ uống thuốc rồi đây. Trước khi ra sân bay bác sĩ của bà đã đặt sẵn các viên thuốc vào hộp, chia thành từng ngăn cho từng buổi, từng ngày và ân cần dặn bà uống thuốc đúng giờ. Bệnh tiểu đường làm khó cho đôi chân xưa nay tần tảo của bà. Vả lại nắng càng lúc càng làm nóng lưng. Ở bển thì lạnh thấu xương mà về đây mới trưa một chút là ấm lên rồi! Bà chậm rãi vào một quán nước ngồi nghỉ, kêu làm cho bà ly trà nóng để bà uống thuốc. Con nhỏ quán vui vẻ dọn cho bà ly trà vừa tức cười vì ở xứ này có ai tính tiền ly trà cho được. Người ta tính tiền cà phê, nước ngọt chứ trà là uống không, không tốn xu nào. Con nhỏ này cũng lạ, ngó bà chăm chăm, làm bà phải hỏi:
- Ông Tám Tửng khoẻ không cháu?
Tám Tửng ngày xưa là chủ quán này, lúc cái quán mới chỉ có vài cái ghế cái bàn xiêu vẹo bằng gỗ dừa. Tám Tửng có chiếc xe ngựa hồi đó chuyên chở hàng ra chợ, ra xe cho bà. Con nhỏ cười khúc khích nói một hơi:
- Ông Tám sang cái quán này cho má tui rồi bà ơi. Ổng già rồi không chạy xe nữa. Ổng về bên rẫy rồi. Khoẻ. Lâu rồi ai còn đi xe ngựa cọc cạch nữa. Bến xe ngựa dẹp gần năm nay rồi!
À ra vây! Một dãy từ “rồi” làm bà thấy con nhỏ này ăn nói ngộ nghỉnh. Cái gì cũng rồi, Như một sự khẳng định quá khứ đã sang trang. Làm bà nhớ như hồi xưa bà giáo Hạnh dạy bà về “passé antérieure” hay “passé simple” vậy. Bà chỉ được đi học có mấy năm vậy mà cái gì bà được học thì bà nhớ dai hết sức. Ổng già rồi! Lâu rồi! Xe ngựa dẹp rồi! Còn cái gì rồi nữa ...ha?
Nhìn ra ngoài nắng, gió chướng thổi làm cuộn lên đám bụi mù mịt lẫn mấy cọng rơm khô trắng xoay vòng trên mặt đường đất cát, nhiều vệt bánh xe xắc xuống mặt đường thành rãnh ngoằn ngoèo sóng trâu. Năm nay dứt mưa sớm nên mới giữa tháng chạp mà đất đã bủng ra. Đất này giữa trưa đi chân không thì chỉ có nước luộc chín gan bàn chân thôi! Bà không muốn đi “xe ôm”. Cái lắc lư của xe ngựa dễ chịu chứ cái xóc tưng tưng của xe gắn máy làm bà sợ thấy mồ. Huyết áp cao như bà mà xe bị ngã một cái là coi như về tây phương cực lạc. Nhà bà cũng không còn xe ngựa. Hồi bom napal làm cháy nhà, cháy hầm làm chết tía và bà nội với mấy đứa cháu của bà thì mấy con ngựa kéo xe cũng lần hồi bán đi hết, nhà của bà chỉ còn sống nhờ vào mấy công đất rọc sau giồng trồng bốn mùa đủ thứ hàng bông mà thôi. Vậy bà đi vô bằng phương tiện gì bây giờ? Bà nhớ mấy con ngựa của tía quá. Con Ô đen bóng nhảy, ưa gõ móng cộp cộp xuống khúc cây be nền chuồng mỗi khi nhác thấy bà ôm bó cỏ, bó lúa trộn với trứng gà sống và đường thùng ra máng ăn cho nó. Con Tía đỏ hung mạnh thấy ớn, mấy lần nổi chứng hí vang trời, đá bể tanh bành hết mấy cái mái vú chứa nước mưa khiến bà phải đi gánh nước ngọt tuốt dưới Dì Sáu muốn xệ cả vai. Mấy con ngựa đẹp quá, dong dỏng cao, vai chân chắc khoẻ với đám lông bờm êm mướt cả tay. Và cái bà khoái nhất là lượm mấy cái lông đuôi ngựa để đi vòng mấy con cá kèo bên rẫy. Sáng nào, chừng nghe tiếng mõ công phu vọng lại, bà cũng theo cha đánh xe ra chợ. Chiếc xe ngựa chậm rãi lịch kịch đi trong sương mờ buổi sớm, còn bà thì ngủ gật lắc lư vì chưa đã giấc. Chưa ra tới chợ thì xe đã đầy khách. Ngày nào cũng bao nhiêu khách. Trên xe chở đủ thứ gà vịt, bánh trái, vải sồ thường bày bán ở một cái chợ nông thôn. Buổi chiều lại bắt con ngựa khác ra chợ, chở đồ hàng xén của má về. Về tới nhà là vừa nghe tiếng trống thu không. Cũng có những ngày ế chợ, xe chạy không giữa trưa hè nắng gắt. Hai bên vệ đường bông giấy nở đỏ ối chói chang, bông hoắc hương rừng vàng hực ngào ngạt. Con ngựa thở phì phì, bước chậm lạt sạt trên cát bủng nóng hầm hập đầy lá khô. Đi một đỗi tới đình phải buộc cho nó nghỉ dưới gốc bưởi. Tía bà và mấy người đánh xe ghé uống trà với đường phèn, nói chuyện trời trăng cho tới xế mới về!
Vậy là bà phải nhắn thằng cháu đánh xe bò ra rước bà vô thôi ! Coi! Kêu ai nhắn bây giờ? Dợm thấy có người kêu xe vô chợ là bà giục con nhỏ quán:
- Nè nhắn dùm bà. Xe kia kìa! Kêu thằng Đực Dũng đánh xe bò ra chở bà với đám quà lỉnh kỉnh này nghe.
Con nhỏ “rồi!” một tiếng, chạy a ra thằng “xe ôm”, lớn giọng:
- Nè nhắn dùm Anh Dũng đánh xe ra rước ...
Con nhỏ bỏ lửng, quay lại hỏi:
- Ra rước ai?
- Rước bà ngoại tư.
- Rồi!
Con nhỏ lại “rồi” nữa. Chắc bà phải kêu nó bằng con “Hai rồi”, con “Năm rồi” gì đây! Trong khi chờ đợi bà thầm nghĩ không biết hồi nhỏ mình có giống con “Năm rồi” này không? Cũng hay siêng năng chạy tới chạy lui nhắn giùm người này, kêu giùm người nọ. Bà lại nghĩ tiếp chuyện mấy con ngựa. Mờ trong trí nhớ xa lơ xa lắc của bà chiếc xe ngựa kết lá đủng đỉnh của đàng trai chạy leng keng trong tiếng pháo. Pháo nổ ran quá. Người đánh xe phải quát tháo om sòm con ngựa đang lồng lên. Chiếc xe nhờ đó mới dừng lại, để bà đang lụng thụng trong chiếc áo dài vải màu hồng cánh sen, nhờ tay mấy cô dâu phụ kéo lên xe. Và còn bao nhiêu chuyện nữa ...

Cả giờ đồng hồ sau Đực Dũng mới ra tới. Cái thứ xe bò ắc ê này rề rà chờ muốn hụt hơi. Bà chưa kịp hỏi thì con nhỏ quán đã tía lia:
- Anh ơi, Nãy giờ bà ngoại chờ anh lâu lắm rồi đó!
Ơ! con nhỏ mau miệng này. Kêu bà ngoại ngon hơ. Thùng xe cao quá Đực Dũng và con nhỏ phải đở bà lên xe. Bà mệt nhọc không muốn nói. Trước khi thét ví cho con bò quay đầu xe Đực Dũng còn quay lại cười với con nhỏ nữa! Đoạn đường dài quá. Rồi bà cũng lên tiếng. Bà muốn hỏi về con gái mình:
- Dì hai mày lúc này ra sao?
- Dạ khoẻ. Tháng rồi có về đám giỗ Ông cụ. Vui vẻ. Mà Dì hai lúc này bận bịu lắm.
- Nghe Dì hai mày nói ổng có về không?
- Dạ! Nghe Dì hai nói qua tết Ông ngoại tư mới về. Mà cũng không chắc ... Tại qua tết lo cho dì út bên bển lấy chồng.
Bà lặng thinh. Qua tết thì bà đi rồi!
- Nè ba má mày lúc này ra sao?
- Dạ đỡ. Trúng mùa .. trúng luôn vụ tôm.
- Không ai chạy xe ngựa nữa hả?
- Dạ. Ít khách quá không ai chạy nữa.
Thấy bà tư lự, Đực Dũng òn ỉ:
- Bà cho thêm tiền cháu mua chiếc xe nghe.
- Mua xe ngựa hả?
- Dạ không. Mua xe gắn máy.
- Mua làm chi?
- Chở người ta bằng xe đạp quê thấy mồ.
- Người ta nào?
- Thì con nhỏ hồi nảy đó.
Hèn chi! Bà lại hỏi:
- Con “Năm rồi” đó hả? Má mầy biết chưa?
- Gì? Đâu phải tên “Năm rồi”. Nó tên con Sáu Nâu mà! ... Ăn hỏi hồi tháng sáu. Ra giêng cưới.
- Để coi.
Không hiểu bà muốn để coi điều gì: chuyện đám cưói hay chuyện chiếc xe gắn máy? Đực Dũng cũng không dám hỏi thêm. Quảng đường bỗng nhiên dài thêm ra. Cứ thế hai người, một già và một trẻ, im lặng theo đuổi hai ý nghĩ cho đến khi về tới sân nhà.

Hôm qua đi mệt vậy mà bà vẫn dậy sớm. Ngồi trên võng nhìn ra mấy gốc mai đã trãi lá, lộc non và nụ hoa đang nhú. Mai này trổ đúng mồng một đây! Nắng ban mai thật đẹp. Nắng hắt trên tường làm sáng một mảng vuông vừa treo vừa dán cả chục tờ lịch. Các tờ lịch in thật đẹp đủ thứ hiệu xe gắn máy, xe du lịch, có cả các cô người mẫu xinh đẹp nhưng không có cô nào giống con Sáu Nâu! Duy chỉ có một tờ in hình chiếc xe ngựa bên con suối xanh rì. Phía dưới tờ lịch, mấy đứa nhỏ giành nhau nói. Đứa nói lịch này của dì hai gởi về, đứa cãi lịch của chú Tám mua. Có một đứa bỗng nhiên cất lên trọ trẹ:
Khớp con ngựa ô ... là khớp con ngựa ô. Khớp cái kiệu hoa ...
Cả đám trẻ hoà lên om sòm. Một chút gió lay động mấy tờ lịch. Bị bao vây bởi đủ thứ xe hơi, xe máy lộng lẫy chung quanh, chiếc xe ngựa trong tranh hoảng hốt như muốn chạy ra. Bà ngồi im lặng trên võng nhớ đâu đâu.
Có khi nào lại như ngày xưa?

Vương Đức Bình

Thứ Hai, 25 tháng 6, 2007

Quê hương


Cái gì đó sâu thẳm trong lòng ta. Nơi đó có con sông tuổi thơ cùng bạn bè tắm mát. Nơi đó có mộ của cha ta yên nghỉ giữa cánh đồng lúa xanh rờn. Nơi đó lòng ta thổn thức, đau đớn trong những ngày binh lửa, phiền muộn những tháng năm nghèo khó. Nơi đó có người con gái ta không bao giờ quên được cả khi tóc đã bạc quá nửa mái đầu! Đó là nơi trái tim của ta được giữ trong lửa ấm yêu thương.

Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2007

ĐÒ ĐÊM


Đò chạy lâu quá, chắc cở bốn năm giờ sáng mới tới! Ngó thấy quầng sáng chưa? Chưa hả? Thôi để kể chuyện nghe. Trong dòng họ nội ngoại tôi, không hiểu sao phái nữ ai cũng đẹp người, cứ như Hằng Nga ấy. Mà cô tôi tên là Hằng Nga thiệt. Chỉ trừ có một người rất xấu. Ấy là Mẹ tôi. Ối cha … nói Mẹ mình xấu người là chuyện không đứa nhỏ nào chịu được. Bởi thế lúc bé tôi gây hấn suốt với mấy đứa con bác, con chú, con cô để “bảo vệ nhan sắc” cho Mẹ tôi mỗi khi bị bọn chúng trêu chọc! Cái bọn hỗn láo ấy cứ nói mẹ tôi giống Chung Vô Diệm. Tôi thì chẳng biết Chung Vô Diệm là cái gì, con gì hay là người gì, nhưng chắc là ghê gớm dữ lắm ra sao đó nên chúng mới ví von để chọc tôi. Nhưng rồi ngày càng lớn lên tôi cũng phải công nhận Mẹ tôi không được đẹp người cho lắm. Mẹ tôi đen đúa, cao lớn, thô kệch, tiếng nói rổn rảng… và nấu ăn dỡ tệ! Như mới nói đó các cô, các bác gái của tôi rất đẹp. Cô tôi chẳng hạn, khuôn mặt trái soan, trắng như trứng gà bóc, duyên dáng , và nấu ăn thì ai cũng khen.
***
Không phải ông Nội đi hỏi vợ cho Ba tôi. Chuyện Ba gặp Mẹ là như vầy: Ông Ngoại tôi làm nghề chèo đò ở tuốt Bến tre. Và con gái của ông lái đò cũng phải quanh năm với mái dầm thôi. Cái dân làm nghề hạ bạc thì trắng cái nỗi gì khi suốt ngày phơi mặt, phơi lưng ra nắng ra sóng, kể cả khi cái nắng sóng ấy là của con sông Hàm Luông cực kì êm ái. Có một điều kì lạ là Mẹ tôi được đi học. Nghèo kiết xác thì làm sao đi học! Đi học thuê. Chuyện lạ! Nhưng mà nhớ coi hồi đó ở Bến Tre có một Ông Nguyễn Đình Chiểu căm hận Phú Lang Sa vô cùng - đến đổi cục xà bông còn không muốn xài - chỉ xài nước tro để gội đầu mà thôi (cái này tôi không biết chắc, nhưng tôi nghe bà Ngoại nói lại như vậy). Vì vậy có người không muốn con mình học cái thứ chữ của tây tà, bèn mướn mẹ tôi đi học thay vậy. Thế là bên ngoại tôi Mẹ trở thành người duy nhất biết chữ. Ông bà ngoại tôi sướng rơn, các cậu các dì tôi sướng rơn. Thể hiện cái sướng rơn đó là không cho Mẹ tôi đụng chạm gì cái chuyện bếp núc hết, chỉ có phải chèo đò và đi học thôi.
(chắc là khách ngủ rồi - sẽ tiếp)

Thứ Tư, 13 tháng 6, 2007

Bến đò Phước Long

Buổi chiều, con đò vắng khách neo vào gốc bần. Nắng nhạt trãi rộng trên mặt sông mênh mông đầy ắp phù sa. Tiếng bìm bịp kêu nghe khắc khoải. Sóng vỗ oàm oạp vào tấm ván làm cầu đò. Cô lái đò ngồi buồn ngân nga nho nhỏ câu ca dao:
Sông dài cá lội biệt tăm.
Phải duyên chồng vợ nghìn năm cũng chờ.
Không biết cô tình cờ mà ngâm như vậy hay là tình thiệt một nỗi nhớ mong.

Lỡ nhịp

Bất ngờ bất chợt có em.
Đến như một thoáng giữa đời hoang vu.
Bất ngờ bất chợt có em.
Như một nốt lặng phù du điệu buồn.
Hồn tôi tầm tả mưa tuôn.
Cung đàn lỡ nhịp, em ru ngập ngừng.
Tay tôi đã trót dây buông.
Hò xang xê cống ... cung thương ngại ngùng.
Bất ngờ bất chợt mất em.
Đàn tôi dây đứt vô phương .... hỡi đàn!

Gặp trăng giữa phố

Ô kìa trăng vừa mọc
Em đến tự khi nào?
Nắng chiều chưa kịp tắt
Dung nhan Kiều xanh xao.
***
Lối chợ không phải quen
Gặp nhau chiều đột ngột
Ta nhìn trăng mơ ước
Trăng rằm, đường chiêm bao.

Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2007


Có ai chia sẻ chút lòng cho chăng!?

La Guitarra                         Lục huyền cầm.



The cry of the guitar Khởi đầu
begins. tiếng khóc Guitar.
The cristal goblets of dawn Chén pha lê vỡ
shatter. rượu ngà sớm mai.
The cry of the guitar Khởi đầu
begins. tiếng khóc guitar.
It is useless to silence it.Hoài công
It is imposible Bất khả
to silence it. để mà im hơi.
It weeps monotonously Giọt đâu đơn điệu,
like water weeps, bồi hồi.
like the wind wails Gió đâu than thở,
over the fallen snow. một trời tuyết sương.
It is impossible Vô phương
to silence it. ém tiếng nỉ non.
It weeps for things Ai hoài mấy cuộc sắt son
distant. nghìn trùng.
The sand of the hot South Phương Nam cát nóng chập chùng
aches for white camelias. Đau lòng chi bấy một vùng trà mi
The arrow without target, Tên bay loạn chẳng hướng chi.
the evening without morning,Chiều tà chinh chiến hứa gì sớm mai.
and the first bird Và kìa ... oanh nhỏ bi ai
dead upon the branch, Lìa cành chết giữa đêm dài,
weep. Xót thương.
O guitar Đàn ơi ... đàn, hỡi Guitar!
heart grieviously wounded Nát tim đau xé
by fives knives! Dao ngà ngón tay.
(Bản dịch: Vương Đức Bình 12/6/2007)


Bản gốc:

La Guitarra

Empieza el llanto de la guitarra
Se rompen las copas de la madrugada
Empieza el llanto de la guitarra
Es inutil callarla, es imposible callarla.

Llora monotona como llora el agua,
Como llora el viento sobre la nevada.
Es imposible callarla,Llora por cosas, lejanas.

Arena del sur calliente
Que pide camelias blancas
Llora flecha sin blanco
La tarde sin manana.

Y el primer pajaro muerto
Sobre la rama. guitarra
Corazon malherido por cinco espadas.

                     Federico Garcia Lorca.

Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2007

Nhớ đất.

Cà Mau 45 năm trước hãy còn hoang vu, phèn mặn và nghèo xơ xác. Ba Mẹ dẫn một bầy con trôi dạt về đây kiếm sống. Ông Ngoại nhờ người quen gởi cho mấy trái xoài. Người quen chèo ghe cả tuần mới tới nơi thì xoài úng hết trơn! Mẹ đem hột xoài đi trồng. Chiều nao Mẹ cũng ra sức chăm sóc tưới tắm cho cây xoài ẻo trước nhà. Cây xoài giâm chân trong đất phèn mãi không chịu lớn, không chịu ra hoa. Mẹ nhìn mơ hồ về phương trời xa nói khẻ khàng "Con biết không ở chỗ Ông Ngoại đất tốt lắm. Cái hạt rơi xuống là cây mọc lên trái xum xuê liền hà". Trong mắt Mẹ có một giọt nước rưng rưng. Hồi đó con tưởng thèm một trái xoài mà Mẹ khóc ...

Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2007

Ly dị

Hàng xóm có đôi vợ chồng nhà quê ly dị sau những lần cãi vả kịch liệt. Ban đầu nghĩ cũng kì lạ vì con cái của hai người đã lớn, đã đi làm hết cả. Anh chồng qua nhà tâm sự "Anh biết không .... cả năm có bao nhiêu ngày mưa thì tôi có bao nhiêu đó đêm buồn! Sao mà trời mưa đêm bây giờ buồn quá vậy!". Nghe cứ tưởng như tâm sự của một nhà thơ! Rồi một hôm lại nghe chị vợ nói với con "Thôi ..... tụi con đừng cản má! Để má sống được một ngày hạnh phúc cho riêng má là má mãn nguyện rồi!".
Hai trái tim cùng buồn, cùng khao khát hạnh phúc lại phá tan tành hạnh phúc của nhau!

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2007

Các Bác già ơi.
Khi người ta lớn tuổi ... đột nhiên một ngày nào đó người ta bỗng nhận thấy thế giới này là của những người trẻ. Và có cái gì đó đang dần vuột khỏi tầm tay của mình! Phong cách sống, ý thức xã hội .v.v... Ngay cả cái cách mà phần lớn nhân loại buồn vui trong cuộc đời bây giờ cũng lạ lẫm với mình. Bỗng nhiên người ta trở thành kẻ xa lạ. Nhân vật trong vở kịch lớn này của cuộc đời sắp hết vai diễn! Ái chà ... người ta kêu lên "Òu sont les neiges d' antant?" hay là "Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?" và người ta gật gù với câu thơ "Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương". Một ngày đột nhiên ngộ ra bài thơ "Tiền bất kiến cổ nhân/ Hậu bất kiến lai giả/ Niệm thiên địa chi du du/Nhiên dữ dư chi thế hạ!" sao hay thế ?! Thôi ... thế là hỏng rồi! Mây trắng bay trên đầu rồi sao? Cuộc sống vẫn đẹp thế cơ mà? ơi cuộc sống ơi chậm lại một chút đi!
Đấy ... hoa vẫn nở đấy. Sắc màu lóng lánh đấy, mùi hương ngào ngạt đấy. Nhưng chắc không phải dành cho các bác đâu. Thôi thì các bác ạ ... cố gắng mà giữ cho mắt mình vẫn sáng, mũi mình vẫn thính vậy!