Thứ Hai, 25 tháng 10, 2010

Dự án Bauxit, dàn khoan Macondo, BP và 20 tỷ đô la.

...

Bình tôi không phải là chuyên gia kinh tế-quốc phòng hoặc quan hệ quốc tế, lại càng không phải là người am hiểu về môi trường và khai khoáng, nên lâu nay chỉ làm một việc là “dựa cột mà nghe” vụ bauxit ở Tây nguyên. Mấy ngày này nghe người ta bàn ra tán vào vụ bauxit nhiều quá, nên dẫu là “thất phu” cũng thấy mình “hữu trách” với chuyện của nước non, và cũng động lòng muốn thỏ thẻ đôi chút!

Trong năm nay có hai vụ ô nhiễm môi trường lớn:

Một là vụ tràn dầu do cháy nổ ở dàn khoan Macondo của công ty BP. Vụ tràn dầu ngay trước bờ biển bang Mississippi của xứ cờ hoa làm ô nhiễm vịnh Mê-hi-cô đến nỗi ngài tổng thống Obama nổi giận đòi BP bồi thường thiệt hại môi trường đâu chừng 20 tỷ đô la. Có “chút xíu” 20 tỷ đô la mà anh BP thất điên bát đảo, suýt sập tiệm khi giá chứng khoán của ảnh tuột dốc cái rột trong một sớm một chiều. Nghĩ mà thương anh BP, ảnh làm ăn có trách nhiệm nên năn nỉ được bồi thường. Và cũng thấy làm cái anh nước lớn sướng thiệt! Đúng là miệng ngài Obama có gan có thép, nói một tiếng là BP răm rắp tuân theo. Nghĩ như dân An Nam mình có chín con rồng sắp sửa mắc cạn vì hết nước, không biết nghìn năm “thăng long” lần này mấy con rồng đó rồi có “thăng” được không!? Hồi còn nhỏ - ngày nào cũng phải đi gánh nước- nên Bình tôi nhớ là mỗi năm thành phố Bến Tre chỉ bị nước mặn không quá ba ngày, vậy mà gần chục năm nay năm nào Bến Tre cũng bị nhiễm mặn hơn một tháng khiến dân tình khốn đốn. Ở đầu nguồn có “ông lớn” thâu tóm nguồn nước – mặc kệ chín con rồng con chết khát - vậy mà đâu có ai dám ọ ẹ cái gì đâu!

Cái vụ thứ hai là vụ vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Hungary gây ra nguy cơ ô nhiễm con sông cực kì lãng mạn của nhạc sĩ J. Strauss. Cái con sông mà là mối tình của đất và nước của nhiều quốc gia châu Âu: sông Danube. Cả Châu Âu xao xuyến, lo lắng. Cái vụ này mới làm nhiều nhân sĩ trí thức thấy bức xúc khi cân nhắc tới chuyện bauxit ở xứ ta. Nghĩ thiệt tội, alumin ta khai thác rồi đem bán rẻ cho “ông lớn”. Ông lớn đang giàu lên từng ngày, kinh tế ông lớn đang rất cần nhôm. Phải có nhôm thì “ông lớn” mới chế tạo máy bay và tên lửa được. Không có máy bay tên lửa hùng hậu thì ông lớn làm sao xấc xược và ngang ngạnh đòi cho được miếng lưỡi bò quan trọng ở Biển Đông. Không có miếng lưỡi bò đó ông lớn làm sao giữ vững vị trí nền kinh tế thứ hai trên thế giới và ôm mộng lên ngôi thứ nhất! Có nhà trí thức của ta đã tính rồi, khai thác bauxit chẳng làm cho dân ta giàu thêm. Nhưng nghĩ cũng thiệt tội, nếu mùa khô mà bụi đỏ bay qua xứ Đế Thiên Đế Thích hay lỡ ra vỡ hồ chứa bùn đỏ tràn xuống Nam Bộ hay ô nhiễm Biển Hồ thì hậu duệ của Đế Thích có dám đòi ta bồi thường 20 tỷ đô la không ha!? Chắc có người suy nghĩ “hổng dám đâu!”. Có người suy nghĩ như vậy thiệt đó mà!

Chủ Nhật, 17 tháng 10, 2010

CẢNH BÁO BÃO MEGI

MỘT CƠN BÃO DỮ DỘI ĐANG VÀO PHILIPPINE.
Hôm nay bão đang ở cấp 5 (theo thang đo bão nhiệt đới), sức gió đang trên 250 km/h. Có thể thấy mắt bão rất rõ trên ảnh vệ tinh (nguồn http://www.tropicalstormrisk.com/tracker/dynamic/main.html
Dự báo trong 120 giờ tới (5 ngày nữa) bão sẽ vào vịnh Bắc Bộ với sức gió xấp xỉ 200 km/h.
-----
Cập nhật:
Hôm nay (20/10/2010) bão đã chuyển hướng lên phía bắc, đi vào vùng biển giữa Hong Kong và Đài Loan

Thứ Ba, 12 tháng 10, 2010

ĐÔI TAI LỪA.

...
Thần thoại Hy Lạp có chuyện vua Midas là một bậc anh hùng, nhưng khốn thay vua có đôi tai lừa. Chuyện kể rằng hồi đầu đôi tai của ngài cũng như mọi người thôi nhưng sau ngày lên ngôi, vua có vinh dự tham gia ban giám khảo cuộc thi tài âm nhạc giữa hai thần Pan và Apollon. Ai cũng nói tiếng đàn lyre của Apollon hay hơn tiếng sáo của thần Pan, chỉ có vua là nói ngược lại. Thần Apollon giận dữ biến đôi tai của vua thành tai lừa. Từ đó vua phải mũ ni che tai để không ai biết mình có đôi tai kì dị và cũng để không phải nghe những lời đàm tiếu.
Dầu vậy vua vẫn phải hớt tóc. Chuyện vua hớt tóc là nỗi kinh sợ của các bác thợ cạo xứ Phrygie. Cầm cái dao cạo sắc ngọt lịm kề lên cổ vua để… cạo hàm râu ăn uống dơ hầy của vua đã đủ cho thợ cạo run bắn người. Không run sao được khi chung quanh vua là đám kiêu binh gươm giáo sáng ngời, còn sáng hơn cái dao cạo nhiều! Nhưng điều bí mật ở chỗ thợ cạo nào hớt tóc cho vua cũng đều mất tiếng một cách khó hiểu.
Có một anh thợ cạo khốn khổ. Anh cạo tới chỗ lỗ tai của vua thì khám phá ra sự kì quái. Vua thấy anh run quá bèn hỏi ngươi thấy đôi tai của ta như thế nào. Anh thợ cạo nghĩ mình còn vợ yếu con thơ, sợ vợ con bị họa lây, bèn gắng gượng nói hạ thần thấy nhiều người có đôi tai cũng giống vậy, có gì lạ đâu! Vua khoái quá cho về an toàn, chỉ có điều phải hứa không được phát biểu linh tinh, không được nói năng thiếu tổ chức.
Cơ khổ! Hồi đó thành Phrygie chưa có nết-niếc, chưa có cái vụ bờ-lốc, nên anh thợ cạo bị ẩn ức không biết tỏ cùng ai. Anh bèn đi thật xa, tới một chỗ hoang vu, đào một cái lỗ thiệt sâu. Anh chõ cái miệng của mình vào cái lỗ nói thì thầm: Vua Midas có tai lừa… vua Midas có tai lừa… vua Midas có tai lừa… Nói xong anh như trút được gánh nặng phải ôm trong bụng bấy lâu nay, thơ thới ra về.
Thần khẩu hại xác phàm! Chỗ cái lỗ lại mọc lên một đám sậy. Một đám sậy biết tư duy nên cứ mỗi lần gió thổi qua lại gieo trong gió câu: Vua Midas có tai lừa… Vua Midas có tai lừa…
Câu truyện này là tôi kể cho ông già hớt tóc của tôi nghe chơi. Ở tiệm hớt tóc bình dân mà, người ta kháo với nhau đủ thứ chuyện trong khi chờ tới phiên làm sạch mặt mũi mình. Ông già cười ngặt nghẽo làm tôi cũng sợ run. Ông lo cười mà đẩy một dao vô cổ tôi thì... tiêu đời trai trẻ. Ổng hỏi vậy chớ đoạn kết của câu truyện ra làm sao, có hậu không? Tôi đâu có nhớ, cái truyện đó tôi học quá lâu rồi, nên xạo thêm một đoạn như vầy:
Thần Apollon có lời nguyền chừng nào vua Midas chịu bỏ cái mũ ni và chịu nghe cây sậy nói thì đôi tai sẽ trở lại bình thường.

Chắc phải có gió lớn lắm thì tiếng nói của cây sậy mới đến được tai vua Midas. Còn vua Midas bỏ cái mũ ni ra hay sai lính đốn cây sậy thì tôi không biết.

Thứ Tư, 6 tháng 10, 2010

PHẬT PHÁP

Meditation 6

Thế giới tâm linh là cái gì? Linh hồn là cái gì? Có lẽ đó là một trong những câu hỏi ám ảnh nhân loại nhất. Hầu hết (nếu không nói là tất cả) các tôn giáo đều khẳng định sự tồn tại của linh hồn. Sự khẳng định này dựa trên cơ sở bạn phải có niềm tin tôn giáo, tức là thứ niềm tin không thể biện giải được và cũng không cần biện giải. Có tin có thấy! Nhưng như thế thì bạn lại dễ rơi vào một trong những nguỵ biện mà logic hết sức tránh xa. Thứ nguỵ biện đó có tên gọi là "lấy kết luận làm tiền đề - post hoc ergo propter hoc!".  Một niềm tin kiểu đó chẳng khác nào bạn sẽ kết luận mặt trời mọc là tại vì gà gáy sau hàng ngàn hàng vạn năm bạn "kinh nghiệm" hể gà gáy là mặt trời mọc hoặc mặt trời mọc là gà gáy. Từ xa xưa có một ông Khổng Tử lừng danh né tránh vấn đề đó bằng cách nói "kính nhi viễn chi", bởi chưa có ai chết rồi mà lại lừng lững trở về giữa nhân gian bằng xương bằng thịt như cũ để nói cho thiên hạ biết mình đã đi đâu và làm sao lại trở về được. Khoa học hiện đại chỉ cố gắng tiếp cận với cái gọi là giác quan thứ sáu và chưa bao giờ có câu trả lời dứt khoát. Còn bình dân nói chung là người ta kể những câu chuyện ma hồi hộp, hấp dẫn, ghê rợn hoặc huyền bí chẳng bao giờ xác định được tính chân thật của sự kiện!

Con người có lẽ là sinh vật lạ lùng nhất trong chúng sinh. Con người có một khả năng nhận thức mà cho tới nay chưa thấy có ở các sinh vật khác. Khả năng đó là con người có thể tự vượt ra khỏi nhà tù ý niệm đang có để nhận thức về chính mình, để nâng cao hơn trí tuệ của chính mình, để có các ý niệm khác. Điều đó chẳng khác nào một robot có khả năng nhận thức về chính chương trình đã lập trình sẵn cho mình và có khả năng nâng cao "trí tuệ" để tự-tái-lập-trình cho mình ở một mức cao hơn. Phân tâm học của Freud thì xem hành vi (và do đó nhận thức) của con người như biểu hiện bên ngoài của một thứ vô thức thống trị bởi libido tình dục. Tâm lý học hành vi thì dựa vào thí nghiệm phản xạ có điều kiện của Pavlov mà ông Marx khái quát hoá thành: "Con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội". Những quan niệm đó rốt cuộc ràng buộc khả năng nhận thức của con người trong nhà tù phẳng, hai chiều các ý niệm hoặc có tính chất thuần tuý sinh vật, hoặc biến con người với chữ Người viết hoa thành một nhân vật thụ động trong mối quan hệ bầy đàn! Chỉ cần thêm một bước nữa là các quan niệm đó dẫn tới F. Nietzsche! Câu hỏi linh hồn là cái gì thực chất là câu hỏi liên quan đến bản chất và nguồn gốc của trí tuệ con người, về khả năng tự tái lập trình đã nói kia. Đó là một câu hỏi nghiêm túc chưa bao giờ có câu trả lời chính xác.

Con người để lại các sản phẩm tinh thần của mình vào (hoặc chuyển hoá tinh thần vào) các phương tiện vật chất. Khi ta cầm một cái chén cổ ta có thể nhận thức được trình độ tinh thần của ông cha (đã khuất) trong hình thức, trong vật liệu cũng như công nghệ để làm nên cái chén đó. Khi ta nhìn thấy vết đạn pháo to đùng còn để lại trên tường thành Thăng Long ta có thể biết được ông cha ta đã thủ thành Hà Nội như thế nào trước sự tấn công của quân Pháp và Hoàng Diệu đã can trường ra sao. Ngay các di sản phi vật thể như một điệu lý, một câu hò, cũng cần phải được ghi lại qua một phương tiện vật thể nào đó gián tiếp.

Phương tiện (media) tức là môi trường vật chất để ghi lại nội dung tinh thần. Phần tinh thần qua nội dung mà tôi viết đây, bạn đang đọc đây, được ghi lại trên một đĩa DVD nào đó, một ổ đĩa cứng nào đó trong các web server của Google ở Mountain View (San Jose), California. Tôi cũng ghi lại nội dung này trên ổ đĩa cứng ở máy tính của tôi, trên thẻ USB của tôi. Bài thơ mà bạn đọc được trên blog của nhà thơ Cao Thoại Châu cũng được ghi lại trên HDD của Google nhưng có lẽ còn có một bản ghi trên giấy ở Long An (nếu ông ấy có thói quen xưa cũ đó). Tất cả các phương tiện đó đều khác nhau về trạng thái vật chất nhưng "nội dung" của "tinh thần" thì không hề thay đổi. Vậy có thể nào quan niệm con người - cụ thể là thân xác con người - chẳng qua chỉ là phương tiện, là cái áo để mặc cho tinh thần (hoặc gọi bằng một từ khác: linh hồn). Có thể nào quan niệm linh hồn chính là thông tin được lưu trữ trong phương tiện thân xác? Linh hồn chính là nội dung của thông tin được mang bởi thân xác?

(Ở đây ta gặp một vấn đề về khái niệm: Thông tin là gì? Có thể nói gọn, mặc dù không chính xác lắm: Thông tin chính là đại lượng biểu diễn sự thay đổi trạng thái, biểu diễn sự vận động. Sự vật sự việc nào đó không vận động, không thay đổi trạng thái thì không có thông tin. Nhưng sa đà vào vấn đề này sẽ dẫn entry này đi quá xa khỏi ý chính).

Lại nảy sinh câu hỏi khác: Nội dung của thông tin đó có mất đi không khi không còn phương tiện lưu trữ? Linh hồn có tồn tại độc lập với thân xác không?.v.v. Để tránh những câu hỏi bất - tận - không - cùng đó, cuối cùng phải dùng một ba cách: Cách thứ nhất, sử dụng một hệ tiên đề và các khái niệm ban đầu không được định nghĩa (hoặc không thể định nghĩa). Cách thứ hai, viện dẫn tới thượng đế, tới một đấng chí tôn nào đó. Cách thứ ba, nhận thức về một nguyên lý chi phối toàn thể sự vận động của sự vật sự việc. Cách thứ nhất và cách thứ hai thực chất là một. Cách thứ nhất rốt cuộc cũng hình thành một thứ thượng đế trong khoa học mà thôi!

Còn nguyên lý? Nguyên lý nào? Có nguyên lý nào bất biến hay không? Câu trả lời hãy còn xa lắm!

Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2010