Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2007

Chiều đi qua Phụng Hiệp

Hò ơi … Sóc Trăng nghèo quá
Tôi qua Rạch Giá, ghé xuống Cà Mau.
Chèo chống lao đao tôi về Phụng Hiệp.
….
Con kinh Ngã Bảy này gợi cảm với tôi không phải vì tôi từng ở đó mà bởi vì tía tôi đã từng gắn bó với nó, như cái câu hát đau lòng kia. Tôi cứ thắc mắc hoài tía tôi đã cắm xuồng ở đâu, ở ngả nào trên khúc kinh này. Cái thắc mắc đó không khi nào được giải đáp bởi vì tía tôi đã mất từ lâu. Chừng tôi còn nhỏ thỉnh thoảng có nghe tía nhắc tới đoạn sông này, nhắc tới cái đêm mưa mà tía rét run, bệnh hoạn thập tử nhất sinh, một mình thoi thóp giữa lòng xuồng tam bản nhìn qua bên kia sông chỉ thấy lập lòe cơ man nào là đom đóm giữa cái trời tối đen như mực không nhìn thấy được bàn tay xòe trước mặt.
Tía tôi hồi đó mình ênh chèo chống một chiếc xuồng bán ơ, bán nồi đất và bán muối. Và tía về cắm sào ở dòng kinh Ngã Bảy! Chắc tía cũng không có được cái hạnh phúc đau đớn đầy lãng mạn của anh bán chiếu … mà danh ca Út Trà Ôn đã rao:

Hò ơ... Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm
Công tôi cực lắm, mưa nắng dãi dầu.
Chiếu này tôi chẳng bán đâu.
Tìm em không gặp... Hò ơ...
Tìm em không gặp tôi gối đầu mỗi đêm...


Chắc tía chẳng quen thương cô gái nào ở kinh Ngã Bảy này, nếu không thì đây phải là quê ngoại của tôi rồi chẳng chơi. Kinh Ngã Bảy này chỉ làm tía nhớ tới thời loạn ly nghèo khó mà thôi. Nhưng như nhà thơ nào đó có viết:

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở.
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn.

Phụng Hiệp chỉ là đất ở của tía nhưng lại là tâm hồn của … tôi!

Cứ mỗi lần có dịp rong ruổi trên chiếc xe gắn máy cà tàng về Sóc trăng hay Cà Mau là tôi lại ghé Phụng Hiệp. Cây cầu Phụng Hiệp chẳng đẹp đẽ gì sao lại làm tôi bồi hồi quá mức! Ấy là tôi không tránh khỏi cái cảm giác tía tôi hẳn còn đâu đó trên mấy dòng kinh kia! Vậy là tôi phải tìm ghé một cái quán ven sông. Một cái quán võng với những chiếc võng mắc giữa hai cái cột bé tí dành cho khách đi đường mệt mỏi nghỉ dừng chân. Mà phải là một cái quán sát bờ sông, có thể nhìn ra mặt sông. Buổi chiều gió sông mát rượi, nằm đung đưa trên cái võng kia, nhìn lục bình trôi thơ thẩn để lơ mơ nhớ về tía tôi. Không biết tía đã có từng ghé chỗ bờ sông này không ha? Cái đứa con mồ côi mồ cút từ năm 12 là tôi, bốn mươi mấy năm lang bạt kì hồ, giờ đây về lại chốn này, thèm thuồng nghe lại tiếng rày la vừa nghiêm khắc vừa ôn tồn của tía. Thèm thấy bóng dáng chèo ghe của tía trên chiếc ghe nhỏ. Cái ước mơ nhỏ nhoi chẳng bao giờ còn có được!

***

Ừ thôi .. dầu là kinh Cái Côn, Bún Tàu, hay Mang Cá, Xẻo Vông gì đó thì rồi cũng hợp lưu về Ngã Bảy. Đó … xe vừa tới đó, tiếng lơ xe: “Tới Ngã Bảy rồi, bà con ai xuống bước ra!”. Và bên kia sông ai vừa kêu “Tới Ngã Bảy neo lại đợi nước lớn”. Người ta ở lại Ngã Bảy … để tìm kiếm, để đợi chờ. Còn tôi, tôi lại ra đi … và chỉ để lại một chút hồn tôi gắn bó.

Thứ Tư, 25 tháng 7, 2007

Xem tranh

… Nàng chợt đứng sửng lại trước bức tranh. Đó là một bức màu dầu vẽ một cảnh quê. Trong tranh là một cái chợ quê với mấy sạp hàng chỏng chơ trông có vẻ tàn tạ trong ráng chiều. Ở hậu cảnh khói lam chiều mờ phủ mấy ngọn cây bên con sông vắng. Thưa thớt mấy người đang dọn thúng mũng lên một chiéc xe thổ mộ. Tim nàng như thắt lại nghẹn ngào. Cái chợ ấy với nàng giờ đây xa lắm! Những hơn nửa vòng trái đất! Nàng chợt thấy lại mẹ mình quanh năm tần tảo chạy chợ nuôi nàng suốt thưở ấu thơ. Cái chợ quen thuộc với nàng đến nổi giờ đây giữa bảo tàng bài trí sang trọng này nàng vẫn tưởng như có thể nghe thấy cả mùi vảy cá hong khô trong nắng, mùi mấy bó rau thơm héo khô cuối ngày, thậm chí nàng còn tưởng tượng được đằng sau vách chợ màu vàng úa kia có một vệt nâu thẩm do mẹ ngồi tựa vào đấy bao năm sau gánh hàng. Giọt nước mắt tự nhiên trào ra và lăn xuống đôi môi mặn chát đang mím lại của nàng …

CON NGỰA NĂM CŨ.


Năm nào gần tết bà cũng ráng về quê, dù tuổi tác đã quá nhiều. Qua cái tuổi “cổ lai hi” lâu rồi, nhưng nhờ ơn trời phật bà hãy vẫn còn mạnh khoẻ. Và khi nào còn đi được thì bà vẫn còn muốn về quê. Mà về quê đâu có phải gần gụi gì ? Những hơn nửa vòng trái đất đấy chớ! Có phải chỉ đi bằng các phương tiện hiện đại không đâu? Đoạn đường cuối cùng, gần dăm chục cây số không thôi là đoạn đường trần ai! Bởi vì con đường xấu quá cỡ, xe cộ dằn xóc “thấy mụ nội!”. Đó là cách nói quen thuộc của bà để diễn tả cái ê ẩm của đoạn đường! Nhưng ê ẩm gì thì bà vẫn cứ thích về mặc cho mấy đứa con năm nào cũng cằn nhằn. Không phải chúng cằn nhằn bà do lo tiền bạc chi cho mỗi chuyến đi về. Tiền bạc kiếm cũng vất vả, nhưng bà xài tằn tiện lắm số tiền trợ cấp xã hội để phụ vào số tiền mấy đứa con cho thêm trong mỗi chuyến về quê. Bà cũng biết chúng làm lụng cực nhọc như thế nào ở cái đất Bắc Mỹ này thôi! Đổ mồ hôi tha phương cầu thực đâu có dễ dàng gì! Chúng cũng phải sợ những ngày thất nghiệp chớ! Chúng cằn nhằn là vì thấy má đã cao tuổi, mỗi năm mỗi về, đi một thân một mình ... thiệt là lo quá!

Bà muốn về là vì hai lẽ: Thứ nhất, đứa con gái của bà còn ở lại quê. Có chồng thì phải theo chồng. Được cái là hai vợ chồng nó sống cũng thuận hoà, đủ ăn, mấy đứa cháu cũng nên người. Thôi con người ta ai cũng có cái số. Bà nhớ lá số tử vi của con gái mình bị “triệt” ở cung thiên di. Con bà vì hoàn cảnh không đi thăm bà được thì bà đi thăm nó vậy. Bà nhớ con, nhớ cháu mà. Lẽ thứ hai nghe ra hơi kì cục: Bà thầm mong gặp lại ông lão, dù hai người sống ly thân cũng gần nửa thế kỷ rồi. Hồi đó thì bà giận ông, nhưng như người ta ví von:

Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng !
Mà cũng đến tội. Bà năm nào cũng về mà chớ có gặp được ông lão. Hễ bà về thì ông không về hoặc ông đã đi rồi. Đi tận bên Úc kia. Vì ông sống bên đó với bà sau. Hai ông bà già chỉ gắn với nhau bằng một sợi dây mỏng manh là đứa con gái còn ở lại Việt nam. Ông Tơ bà Nguyệt lầm lẫn gì đâu? Sợi dây tơ hồng bị đứt mà không làm sao cuộn lại cho được!

Người ta về quê thì hay mướn xe con, xe taxi đi cho khoẻ còn bà vẫn cứ tót lên xe đò. Hồi nẵm bà đi buôn chuyến, chiếc xe đò đã thành quen thuộc với bà rồi. Xe chạy một đỗi lâu, bà mải lo mấy món quà cho cháu, soạn tới soạn lui có mấy món, mà xe tới bến phà hồi nào không hay! Tới chừng ngó ra cửa xe thấy dòng sông nước lớn chảy bập bềnh mấy tay lục bình, bên kia sông mấy cây dừa lão đưa ngọn chọt lên nền trời xanh trong thì bà biết sắp tới đoạn đường dằn xóc.

Thiệt gió sông mát quá! Bây giờ phà chạy nhanh nên bà chỉ vừa kịp nghĩ như vậy là qua phà rồi. Chớ ngày xưa cái vụ chờ phà, qua phà thì bà ngán tới xương. Bà cũng tưởng lầm! Con đường bây giờ làm lại phẳng lì, xe chạy cứ êm bon bon. Chưa kịp nói hết câu chuyện với người ngồi bên là tới ngã tư vô chợ. Còn một đỗi gần chục cây số nữa mới tới nhà. Bà xuống xe giữa một vùng nắng ấm ngai ngái mùi phân bò và tiếng kêu ơi ới lộn xộn, tiếng mấy con heo bị nhốt kêu eng éc, tiếng rao bánh dừa dẻo nhẹo của một đứa không biết con ai. Con cháu ai sao bà không biết vậy kìa? Hồi xưa bà gói bánh dừa ngon nổi tiếng. Bánh của bà có khi còn bán lên tới tận chợ Sài Gòn. Mấy nhà gói bánh bỏ mối ở đây ai mà bà không biết, không quen! Bà đứng trù trừ một hồi, mặc cho mấy đứa xe gắn máy kêu réo. Bà chờ xe ngựa. Lạ thiệt mấy chiếc xe ngựa đâu mất tăm. Bà cảm thấy mỏi chân. Tới giờ uống thuốc rồi đây. Trước khi ra sân bay bác sĩ của bà đã đặt sẵn các viên thuốc vào hộp, chia thành từng ngăn cho từng buổi, từng ngày và ân cần dặn bà uống thuốc đúng giờ. Bệnh tiểu đường làm khó cho đôi chân xưa nay tần tảo của bà. Vả lại nắng càng lúc càng làm nóng lưng. Ở bển thì lạnh thấu xương mà về đây mới trưa một chút là ấm lên rồi! Bà chậm rãi vào một quán nước ngồi nghỉ, kêu làm cho bà ly trà nóng để bà uống thuốc. Con nhỏ quán vui vẻ dọn cho bà ly trà vừa tức cười vì ở xứ này có ai tính tiền ly trà cho được. Người ta tính tiền cà phê, nước ngọt chứ trà là uống không, không tốn xu nào. Con nhỏ này cũng lạ, ngó bà chăm chăm, làm bà phải hỏi:
- Ông Tám Tửng khoẻ không cháu?
Tám Tửng ngày xưa là chủ quán này, lúc cái quán mới chỉ có vài cái ghế cái bàn xiêu vẹo bằng gỗ dừa. Tám Tửng có chiếc xe ngựa hồi đó chuyên chở hàng ra chợ, ra xe cho bà. Con nhỏ cười khúc khích nói một hơi:
- Ông Tám sang cái quán này cho má tui rồi bà ơi. Ổng già rồi không chạy xe nữa. Ổng về bên rẫy rồi. Khoẻ. Lâu rồi ai còn đi xe ngựa cọc cạch nữa. Bến xe ngựa dẹp gần năm nay rồi!
À ra vây! Một dãy từ “rồi” làm bà thấy con nhỏ này ăn nói ngộ nghỉnh. Cái gì cũng rồi, Như một sự khẳng định quá khứ đã sang trang. Làm bà nhớ như hồi xưa bà giáo Hạnh dạy bà về “passé antérieure” hay “passé simple” vậy. Bà chỉ được đi học có mấy năm vậy mà cái gì bà được học thì bà nhớ dai hết sức. Ổng già rồi! Lâu rồi! Xe ngựa dẹp rồi! Còn cái gì rồi nữa ...ha?
Nhìn ra ngoài nắng, gió chướng thổi làm cuộn lên đám bụi mù mịt lẫn mấy cọng rơm khô trắng xoay vòng trên mặt đường đất cát, nhiều vệt bánh xe xắc xuống mặt đường thành rãnh ngoằn ngoèo sóng trâu. Năm nay dứt mưa sớm nên mới giữa tháng chạp mà đất đã bủng ra. Đất này giữa trưa đi chân không thì chỉ có nước luộc chín gan bàn chân thôi! Bà không muốn đi “xe ôm”. Cái lắc lư của xe ngựa dễ chịu chứ cái xóc tưng tưng của xe gắn máy làm bà sợ thấy mồ. Huyết áp cao như bà mà xe bị ngã một cái là coi như về tây phương cực lạc. Nhà bà cũng không còn xe ngựa. Hồi bom napal làm cháy nhà, cháy hầm làm chết tía và bà nội với mấy đứa cháu của bà thì mấy con ngựa kéo xe cũng lần hồi bán đi hết, nhà của bà chỉ còn sống nhờ vào mấy công đất rọc sau giồng trồng bốn mùa đủ thứ hàng bông mà thôi. Vậy bà đi vô bằng phương tiện gì bây giờ? Bà nhớ mấy con ngựa của tía quá. Con Ô đen bóng nhảy, ưa gõ móng cộp cộp xuống khúc cây be nền chuồng mỗi khi nhác thấy bà ôm bó cỏ, bó lúa trộn với trứng gà sống và đường thùng ra máng ăn cho nó. Con Tía đỏ hung mạnh thấy ớn, mấy lần nổi chứng hí vang trời, đá bể tanh bành hết mấy cái mái vú chứa nước mưa khiến bà phải đi gánh nước ngọt tuốt dưới Dì Sáu muốn xệ cả vai. Mấy con ngựa đẹp quá, dong dỏng cao, vai chân chắc khoẻ với đám lông bờm êm mướt cả tay. Và cái bà khoái nhất là lượm mấy cái lông đuôi ngựa để đi vòng mấy con cá kèo bên rẫy. Sáng nào, chừng nghe tiếng mõ công phu vọng lại, bà cũng theo cha đánh xe ra chợ. Chiếc xe ngựa chậm rãi lịch kịch đi trong sương mờ buổi sớm, còn bà thì ngủ gật lắc lư vì chưa đã giấc. Chưa ra tới chợ thì xe đã đầy khách. Ngày nào cũng bao nhiêu khách. Trên xe chở đủ thứ gà vịt, bánh trái, vải sồ thường bày bán ở một cái chợ nông thôn. Buổi chiều lại bắt con ngựa khác ra chợ, chở đồ hàng xén của má về. Về tới nhà là vừa nghe tiếng trống thu không. Cũng có những ngày ế chợ, xe chạy không giữa trưa hè nắng gắt. Hai bên vệ đường bông giấy nở đỏ ối chói chang, bông hoắc hương rừng vàng hực ngào ngạt. Con ngựa thở phì phì, bước chậm lạt sạt trên cát bủng nóng hầm hập đầy lá khô. Đi một đỗi tới đình phải buộc cho nó nghỉ dưới gốc bưởi. Tía bà và mấy người đánh xe ghé uống trà với đường phèn, nói chuyện trời trăng cho tới xế mới về!
Vậy là bà phải nhắn thằng cháu đánh xe bò ra rước bà vô thôi ! Coi! Kêu ai nhắn bây giờ? Dợm thấy có người kêu xe vô chợ là bà giục con nhỏ quán:
- Nè nhắn dùm bà. Xe kia kìa! Kêu thằng Đực Dũng đánh xe bò ra chở bà với đám quà lỉnh kỉnh này nghe.
Con nhỏ “rồi!” một tiếng, chạy a ra thằng “xe ôm”, lớn giọng:
- Nè nhắn dùm Anh Dũng đánh xe ra rước ...
Con nhỏ bỏ lửng, quay lại hỏi:
- Ra rước ai?
- Rước bà ngoại tư.
- Rồi!
Con nhỏ lại “rồi” nữa. Chắc bà phải kêu nó bằng con “Hai rồi”, con “Năm rồi” gì đây! Trong khi chờ đợi bà thầm nghĩ không biết hồi nhỏ mình có giống con “Năm rồi” này không? Cũng hay siêng năng chạy tới chạy lui nhắn giùm người này, kêu giùm người nọ. Bà lại nghĩ tiếp chuyện mấy con ngựa. Mờ trong trí nhớ xa lơ xa lắc của bà chiếc xe ngựa kết lá đủng đỉnh của đàng trai chạy leng keng trong tiếng pháo. Pháo nổ ran quá. Người đánh xe phải quát tháo om sòm con ngựa đang lồng lên. Chiếc xe nhờ đó mới dừng lại, để bà đang lụng thụng trong chiếc áo dài vải màu hồng cánh sen, nhờ tay mấy cô dâu phụ kéo lên xe. Và còn bao nhiêu chuyện nữa ...

Cả giờ đồng hồ sau Đực Dũng mới ra tới. Cái thứ xe bò ắc ê này rề rà chờ muốn hụt hơi. Bà chưa kịp hỏi thì con nhỏ quán đã tía lia:
- Anh ơi, Nãy giờ bà ngoại chờ anh lâu lắm rồi đó!
Ơ! con nhỏ mau miệng này. Kêu bà ngoại ngon hơ. Thùng xe cao quá Đực Dũng và con nhỏ phải đở bà lên xe. Bà mệt nhọc không muốn nói. Trước khi thét ví cho con bò quay đầu xe Đực Dũng còn quay lại cười với con nhỏ nữa! Đoạn đường dài quá. Rồi bà cũng lên tiếng. Bà muốn hỏi về con gái mình:
- Dì hai mày lúc này ra sao?
- Dạ khoẻ. Tháng rồi có về đám giỗ Ông cụ. Vui vẻ. Mà Dì hai lúc này bận bịu lắm.
- Nghe Dì hai mày nói ổng có về không?
- Dạ! Nghe Dì hai nói qua tết Ông ngoại tư mới về. Mà cũng không chắc ... Tại qua tết lo cho dì út bên bển lấy chồng.
Bà lặng thinh. Qua tết thì bà đi rồi!
- Nè ba má mày lúc này ra sao?
- Dạ đỡ. Trúng mùa .. trúng luôn vụ tôm.
- Không ai chạy xe ngựa nữa hả?
- Dạ. Ít khách quá không ai chạy nữa.
Thấy bà tư lự, Đực Dũng òn ỉ:
- Bà cho thêm tiền cháu mua chiếc xe nghe.
- Mua xe ngựa hả?
- Dạ không. Mua xe gắn máy.
- Mua làm chi?
- Chở người ta bằng xe đạp quê thấy mồ.
- Người ta nào?
- Thì con nhỏ hồi nảy đó.
Hèn chi! Bà lại hỏi:
- Con “Năm rồi” đó hả? Má mầy biết chưa?
- Gì? Đâu phải tên “Năm rồi”. Nó tên con Sáu Nâu mà! ... Ăn hỏi hồi tháng sáu. Ra giêng cưới.
- Để coi.
Không hiểu bà muốn để coi điều gì: chuyện đám cưói hay chuyện chiếc xe gắn máy? Đực Dũng cũng không dám hỏi thêm. Quảng đường bỗng nhiên dài thêm ra. Cứ thế hai người, một già và một trẻ, im lặng theo đuổi hai ý nghĩ cho đến khi về tới sân nhà.

Hôm qua đi mệt vậy mà bà vẫn dậy sớm. Ngồi trên võng nhìn ra mấy gốc mai đã trãi lá, lộc non và nụ hoa đang nhú. Mai này trổ đúng mồng một đây! Nắng ban mai thật đẹp. Nắng hắt trên tường làm sáng một mảng vuông vừa treo vừa dán cả chục tờ lịch. Các tờ lịch in thật đẹp đủ thứ hiệu xe gắn máy, xe du lịch, có cả các cô người mẫu xinh đẹp nhưng không có cô nào giống con Sáu Nâu! Duy chỉ có một tờ in hình chiếc xe ngựa bên con suối xanh rì. Phía dưới tờ lịch, mấy đứa nhỏ giành nhau nói. Đứa nói lịch này của dì hai gởi về, đứa cãi lịch của chú Tám mua. Có một đứa bỗng nhiên cất lên trọ trẹ:
Khớp con ngựa ô ... là khớp con ngựa ô. Khớp cái kiệu hoa ...
Cả đám trẻ hoà lên om sòm. Một chút gió lay động mấy tờ lịch. Bị bao vây bởi đủ thứ xe hơi, xe máy lộng lẫy chung quanh, chiếc xe ngựa trong tranh hoảng hốt như muốn chạy ra. Bà ngồi im lặng trên võng nhớ đâu đâu.
Có khi nào lại như ngày xưa?

Vương Đức Bình