Thứ Ba, 31 tháng 8, 2010

PHẬT PHÁP

.
Meditation 2.

Không gian các thành tựu khoa học bao gồm các khái niệm, tiên đề, bổ đề, định lý, định luật, hệ quả, tính chất, các ứng dụng kỹ thuật, v.v.. dù được diễn đạt dưới dạng bạch văn hay dưới dạng công thức, bảng biểu, chương trình máy tính nào đi nữa thì tất cả các thứ đó đều là tổ hợp của các mệnh đề, là thứ phải được chắc chắn rằng tính đúng sai rõ ràng! À ra thế, cái không gian đó là một không gian hai chiều được sinh trên bộ vectơ cơ sở {Đúng, Sai}. Không gian đó dù có vĩ đại đến như thế nào đi nữa thì cũng là một không gian phẳng hai chiều. Nhưng cuộc sống thì không phẳng, nó không chỉ có các mệnh đề, không chỉ có lý lẽ, không phải bao giờ cũng lượng hoá được sự đúng sai, chưa nói đến tính đúng sai của các mệnh đề còn phụ thuộc vào tập vũ trụ mà nó qui chiếu vào! Người ta cũng có thể chống đỡ cho những lựa chọn không chắc lắm của mình trong cuộc đời bằng cách dựa vào một thứ gọi là logic mờ (fuzzy logic), nói đúng là đúng bao nhiêu phần trăm, nói sai là sai bao nhiêu phần trăm, tức là rốt cuộc phải dựa vào những thứ xác suất ngẫu nhiên thực ra không ngẫu nhiên tí nào! Mà khoa học về sác xuất thì rành rành là một ngành toán học. Toán học thì chưa bao giờ bước chân ra khỏi nhị nguyên luận cả! Vậy thì có một cái không gian được sinh ra trên bộ vectơ cơ sở có số chiều còn lớn hơn hai, mà không gian các thành tựu khoa học vĩ đại kia chỉ là một không gian con khiêm tốn của nó mà thôi! Ơ hơ… con người và các thành tựu nhận thức khoa học của nó – dĩ nhiên là đàng hoàng đứng đắn một nước – hoá ra chỉ là một phần rất nhỏ của các nhận thức về tự nhiên. Bởi vì con người, dù cho nó có đủ thứ thiết bị máy đo, dù cho nó có đủ thứ cảm biến độ nhạy siêu việt, dù cho nó sẽ chế tạo ra thứ máy đo nào đi nữa, hoặc xây dựng được lý thuyết về độ đo nào đi nữa, thì rồi tất cả các thứ đó chỉ có thể được nhận thức bởi con người khi biến nó thành các chỉ số hiển thị nhận thức được qua các giác quan của con người, ie: nhãn nhỉ tỉ thiệt thân ý. Các thứ đó rồi sẽ trở thành nhận thức qua quá trình bất biến “sắc-thọ-tưởng-hành-thức”. Và nó bị giam trong quá trình nhận thức đó, bởi chính quá trình nhận thức đó! Nhận thức của con người về vũ trụ - và do đó là nhân sinh quan - phụ thuộc vào cách mà nó sử dụng được phương tiện nào để định tính và định lượng vũ trụ. Vũ trụ trong quan niệm của người Trung quốc chẳng hạn: Tứ phương thượng hạ viết vũ, vãng lai cổ kim viết trụ. Vũ trụ gồm không-thời gian đó, phản ánh sự qui chiếu đơn thuần cảm giác đơn thuần của con người về vũ trụ bởi các giác quan, rồi sẽ phản ánh vào nhân sinh quan của nó. Không gian gồm bốn phương trên dưới, thời gian là một dòng chảy bất diệt, đều đặn, không cùng trong quá khứ và trong tương lai:

Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất kiến lai giả.
Niệm thiên địa chi du du
Độc sảng nhiên nhi thế hạ! (*)
Nhưng rồi năm tháng trôi qua, phương tiện đo tối tân hơn, làm “nảy nòi” ra cái ông Einstein, một ngày lộng lẫy nào đó bỗng thấy rằng thật ra thời gian có thể co lại hay dãn ra. Đàng hoàng trở về một ông Từ Thức, đi lạc cõi tiên đâu có mấy ngày, mà sao trong cõi người ta phải chờ đợi mấy trăm năm bây giờ mới gặp lại! Và trong thời ông Einstein thì vũ trụ chẳng biết đâu là tứ phương trên dưới nữa, có chăng là chỉ dựa vào con quay hồi chuyển (gyroscope) để con ong xác định đường đi lối về cho khỏi lạc giữa muôn hoa!
Rồi thời hiện đại lại đẻ ra cái ông Stephen W. Hawking ngó nghiêng trước sau, tìm mãi chẳng thấy thượng đế ngự ở chỗ nào trong vũ trụ. Dò mãi trên đường thời gian mới phát hiện thấy con đường ấy tuyệt lộ ở một đầu quá khứ, còn đầu tương lai thì không biết liệu có một phép nghịch đảo nào đó làm cho nó quay lại chốn ban đầu hay không?
Vậy đó, không có cái gì bền vững ngoại trừ sự thay đổi, ngoại trừ sự vận động, kể cả các thứ thành tựu khoa học. Cái gì cũng vô thường trừ bản thân sự vô thường.

(*) Đăng U châu đài ca của Trần Tử Ngang
Trần Trọng San dịch như vầy:
Bài ca lên đài U châu

Ngoảnh lại trước: người xưa vắng vẻ;
Trông về sau: quạnh quẽ người sau.
Ngẫm hay trời đất dài lâu,
Mình ta rơi hạt lệ sầu chứa chan.

(Hình như tôi đã đi quá xa so với vấn nạn ban đầu,
và những thứ này chắc cũng không mấy thích thú nếu không nói có thể gây dị ứng.
Viết xong đoạn này tôi có ý định dời nó qua một cái blog khác
nhưng như thế thì có vẻ như đánh trống bỏ dùi.
Thôi, đã lỡ nhảy xuống sông thì phải ráng bơi để khỏi chết chìm!
)

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Cái gì cũng vô thường trong hiện tượng. Nhưng Phật tánh là thường trụ. Vô ngã khác với chân ngã; chân ngã là thường trụ; vì thường trụ cho nên mới có chuyện bản lai diện mục.
Sau 40 năm tốn rất nhiếu công sức thuyết về vô ngã, vô thường, những năm cuối của cuộc đời, ngài Cồ Đàm giảng kinh Diệu Pháp Liên Hoa xong còn giảng thêm Bộ Đại Bát Niết Bàn, rốt ráo thuyết giảng thường lạc ngã tịnh. Ngài đã phá các vọng chấp, đồng thời nhấn mạnh trung đạo. Câu nói chí lý nhất là: Kinh Đại Thừa Phương Đẳng của Như Lai vừa là thuốc bổ vừa là thuốc độc. Với tất cả lòng quý mến dành cho VuongDucBinh; đồng thời xin chuyển lời thăm đến Cao Thoại Châu; TTT từ Georgia USA (ký vô danh vì không biết computer)