Thứ Ba, 24 tháng 8, 2010

MƯA QUÊ VÀ MƯA THÀNH

...
Ô hô! Hôm nay ông bạn già tôi ai oán quá đổi. Chuyện có gì đâu mà “sân si”! Đó là lời bà vợ của ông bạn tôi nói lại. Chuyện có gì đâu mà sân si! Ừa, bà ấy là phật tử mộ đạo và thuộc lòng bài kinh bát nhã. Bả nhắc ông bạn của tôi, tức là chồng bả: Nè! Thôi đi, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố! Hì hì… thì ông bạn tôi sợ Phật một nhưng sợ… vợ tới không biết bao nhiêu lần nên đành trợn trạo nuốt cái cục giận xuống bao tử, ruột gan cồn cào cháy bỏng, quay đầu xe chạy về Bến Tre một nước!
***
Chuyện có gì đâu!
Là hai vợ chồng ông bạn tôi có ông bạn ở xứ người. Tình cố lý mến thương đã nhiều năm. Lại là bạn học từ thời thanh xuân. Bây giờ đầu đã bạc nhưng vẫn giữ liên lạc, chia sẻ niềm vui nỗi buồn. Thỉnh thoảng người ở xa xứ kia cũng có tấm lòng gởi về quê xứ ít tiền quà để hai vợ chồng ông bạn tôi đi làm từ thiện giúp. Mà hai vợ chồng ông bạn tôi vì dù nghèo thì nghèo thật nhưng tình thương người thì không thiếu. Cái câu bầu ơi thương lấy bí cùng hay cái câu lá lành đùm lá rách một dạ đinh ninh thuộc lòng. Vài hôm lại xếp việc nhà, bỏ bửa chợ để đi làm từ thiện theo nguyện vọng của người xa. Nói về cái tính thương người thì ông bạn tôi – dù có một thời chiến tranh chơi với súng đạn chiến trường - một khi đã bỏ cây súng xuống thì, nói như kinh Phật, quay đầu là bờ, nên hiền lành như đất. Mà đất quê ta hiền lành thật! Con người chơn chất thật! Tôi nhớ hồi nhỏ ở cái xứ Cà Mau heo hút nhà người ta không có vách, trước nhà có cái lu sành nho nhỏ chứa nước mưa để bá tánh thập phương ai có lở độ đường khát nước thì có mà uống (Hình như bây giờ Coca Cola và Pepsi nhiều quá, sẵn quá nên tôi chẳng thấy cái lu sành ấy nữa), mà có lở độ đường ghé nhà người ta hú một tiếng chủ nhà chạy về ra mắt là được. Còn nếu muốn ở lại vài hôm thì người ta cũng sẵn lòng nhường cho chiếc nóp, đãi vài bữa cơm hoàn toàn miễn phí. Xứ ấy cá mắm thiếu gì, ngó xuống bàn chân là thấy ngọn rau, lấy rổ xúc quơ dưới nước là có mấy con cá, đãi khách vài bữa cơm thì có nghèo thêm chút nào đâu, tính toán làm gì? Người ta có khi cũng chẳng hỏi khách là ai, vì sao lưu lạc ở chốn cùng trời cuối đất. Tía tôi giải thích chuyện đó như vầy: Tới cái đất này chỉ có ba hạng người: Hạng thứ nhất nghèo rớt mồng tơi, trốn nợ nên mới tới đây. Hạng thứ hai là hạng trốn tù, chạy vô tới đây – trên là trời cao, dưới là đất rừng rộng mênh mông - dễ gì biết nơi nào mà kiếm. Hạng thứ ba là hạng người làm quốc sự - đầu đội trời chân đạp đất như không – nhưng khó nêu danh tính. Cả ba hạng người đó đừng hỏi danh tính chi cho mất công! Là người với nhau cả, thì cứ lấy tình người mà đãi thôi! Đất Bến Tre không như xứ Cà Mau xưa nhưng cũng là cái xứ hiếu khách. Ông cậu tôi ở Bến Tre có câu nói vui lắm mỗi khi mời khách: Ừa, tới nhà tui chơi đi, tình thương mến thương mà, dù cho ơ bể cũng ráng kêu cạch cạch, đừng lo! Trưa nắng ai lở độ đường ghé hỏi thăm cũng xởi lởi mời vô nhà uống miếng trà cho khoẻ rồi muốn đi tiếp đâu thì đi, gặp lúc trời mưa thì sai con bắc cái ghế ra mời khách ngồi đụt mưa. Ối, mưa ở ruộng, mưa trắng đồng, buồn muốn chết! Vũ vô kiềm toả năng lưu khách mà, đỡ buồn!
Tôi nói lung tung xa quá gần lạc đề rồi! Trở lại chuyện hai vợ chồng ông bạn tôi - mới đây thôi - có nghe ông bạn xa xứ kia nhắn có người bạn ở bển về sẽ ghé ngang thăm. Hai vợ chồng - mặc dù văn kì thinh, lần đầu kiến kì hình – nghe nói bạn thân của bạn bèn tiếp đãi ân cần chu đáo lắm. Theo cái kiểu chịu chơi thiệp liệp, hào hiệp tứ hải giai huynh đệ! Chẳng phải tại vì bạn có tiền quà nước ngoài gì đâu, xin đừng có hiểu lầm! Hai vợ chồng ông bạn tôi sống theo cái kiểu nhà quê, tiền tài như phấn thổ, nhơn nghĩa tợ thiên kim. Ấy là tại vì câu nhơn nghĩa mà thôi!
Lại mới đây, nghe một người bạn của bạn ở bên ấy bị bệnh nan y, gan bị K, bác sĩ chê rồi! Lại nghe anh của người bệnh sắp bay qua bển sẽ ghé chỗ ông bạn nối khố. Thương bạn thương luôn… bạn của bạn. Sẳn có bài thuốc quí, cho vài người cùng chứng bệnh uống rồi, kể cả người trong nhà, vài người hết bệnh, vài người mười phần đở tới tám chín bèn muốn làm phước. Làm phước thôi chớ chẳng lấy xu nào. Thày dặn rồi, thuốc này làm phước, không được lấy tiền! Lấy tiền của con bệnh là tai hoạ tới với mình liền! Bèn ngâm một chai rượu thuốc đủ ngày, sớm bửng bạn già khoác chiếc áo phong sương, chở bà vợ bằng chiếc xe cà tàng chạy lên Saigon kiếm địa chỉ để gởi.
Saigon đô hội, xe đông như ổ mối, áo quần như nêm, rần rần ào ào, nhà cửa địa chỉ lộn xộn như ma trận càn khôn, đường cao đường thấp, lô cốt hố ga rình rập, bửa nay đường hai chiều ngày mai lại thành đường một chiều, nay đúng mai sai không biết đâu mà lường. Phố phường nắng thì nghẹt khói, mưa thì chạy dưới sông, luôn luôn có cái mùi hôi thối đặc trưng. Hôi thật đấy, đến nỗi có lần đi xe đêm từ Trảng Bom về Bến Tre đang lơ mơ ngủ vì mệt mỏi bị đứa nhỏ khều dậy hỏi: Ông ơi ông, tới đâu đây ông? Mắt nhắm mắt mở trả lời: Tới Saigon! Sao ông biết? Nghe cái mùi hôi là biết. Ở Saigon lâu đứng gần người ta là người ta biết mình là dân Saigon liền hà! Giống như chạy ngang Phan Thiết là biết liền mùi thơm nước mắm vậy! Hai vợ chồng bạn già chạy từ Bến Tre lên tới Bình Chánh thì không thấy mệt nhưng qua khỏi Bình Chánh là hai cái buồng phổi già và hai trái tim già ngất ngư ngầy ngật như bị trúng gió! Vậy mà phải chạy lòng vòng tới trưa đứng bóng mới kiếm được cái nhà. Là nhà anh của người bệnh. Cái nhà thiệt đẹp, cái cổng cũng đẹp luôn.
Mưa Saigon! Khi không cái mưa ào ào. Hai vợ chồng tới trước cổng, mưa rào rào trên hai cái đầu bạc. Trong nhà một cô đội nón chạy ra, áo quần đẹp đẽ, đứng sau cổng hỏi trời mưa mà muốn kiếm ai. Thì thiệt tình nói tụi tui ở dưới quê mới lên kiếm chỗ nhà cô đây để gởi tặng chai thuốc. Cô nhỏ thò tay qua cái lỗ ở cổng lấy chai thuốc, nói… Được! Cô nhỏ nghiêng đầu nhìn qua cổng nói bâng quơ: Mưa lớn quá hé! Rồi cô nhỏ chạy vô. Rồi thôi! Hai cái đầu bạc nhìn nhau. Hỡi ơi trời đất vô cùng rộng, nhà cửa phố xá thênh thang, tầng cao tầng thấp, nhà nào cũng kín cổng cao tường, không một chốn dung thân! Hai cái đầu bạc lạnh run nép vô cái tường rào, ngó cái cổng khép kín vô tình, và thấy trên mắt người kia một giọt nước. Có lẽ chỉ có hai giọt nước đó là ấm trong cơn mưa lạnh này mà thôi!
***
Mà tôi nói với ông bạn già thôi ông ơi, tại ông nghĩ vậy chớ người ta thấy chuyện đó là bình thường mà. Thôi đi, lòng ông nghĩ vậy nên ông thấy như vậy chớ chắc cô nhỏ đó cũng là người có học, chắc cũng có một chút xíu văn hoá, không đến nỗi tệ quá đâu!

3 nhận xét:

Tien Vuong nói...

Con xin phép được còm-men, hi hi.

Đúng là thời buổi "quá độ" thật đáng buồn. Công nghiệp thì bắt đầu xây mà môi trường thì chưa bắt đầu gìn giữ. Phương tiện giao thông xe cộ thì bắt đầu tràn lan mà đường xá thì chưa làm. Người thì bắt đầu có của nhưng của chỉ mới giúp làm thỏa mãn nhu cầu ăn ở mặc chứ chưa kịp giúp mở mang văn hóa.

Nhưng con mạn nghĩ cái so sánh và thương nhớ về cái thời xưa chỉ là cái tình hoài cổ đầy cảm tính mà thôi, không có tính chất giải pháp cho vấn đề của hiện tại và tương lai.

Xã hội mà không có luật pháp để kiểm soát hành vi của từng thành viên, không có tổ chức, có phương thức để cùng nhau tạo ra của cải trên tài nguyên đang có một cách hiệu quả, và phân chia của cải làm ra một cách công bằng, thì may mà nhìn lên trời là chim, nhìn xuống sông là cá, nhìn xuống đất là gạo, chứ không thì khó mà có được cái nghĩa tình, cái chia sẻ dễ dãi như vậy.

Nên đoản văn này chỉ là chuyện tâm tình. Kể đến tính phản ánh xác thực thì con nhớ đến truyện Sơn Nam. Trong Mùa Len Trâu (con chỉ mới xem phim, chưa coi truyện, không biết nhà làm phim có dựng đúng nguyên tác hay không), bên cạnh cái tình cái nghĩa đặc trưng trong ứng xử của người Nam Bộ, cái thiếu tổ chức, thiếu phương thức, thiếu luật lệ và hệ quả của nó được khắc họa rõ ràng.

Nhưng con chắc rằng cái mong mỏi trở về thời xưa của ba sẽ tìm được đồng cảm từ những người bạn đồng trang lứa. ;)

Tien Vuong nói...

Và phải chăng vì cái nền tảng chưa xây được từ hồi xưa mà bây giờ khi dân số đông đúc hơn, tài nguyên khan hiếm hơn, tương tác va chạm phức tạp hơn thì hệ quả không hay là tất yếu?

Vuong Duc Binh nói...

Thì đúng entry này chỉ là chuyện tâm tình. Là chuyện có thực 100% tới từng chi tiết. Chỉ là một cái nhật kí trên blog. Tự câu chuyện nó nói lên nhiều điều, không thêm bớt hư cấu gì, trừ cách hành văn cho nó dễ đọc, dễ cảm. Thấy câu chuyện như thế nào là tự mỗi người nghe, người đọc. Đầu câu chuyện và cuối câu chuyện đã mở/gói bằng đoạn kinh bát nhã rồi! Ai biết kinh đó sẽ hiểu rằng còn một ý:


Sắc bất dị Không
Không bất dị Sắc
Thọ tưởng hành thức diệc phục như thị
...


Chuyện có gì đâu!