Thứ Hai, 13 tháng 8, 2012

MỘT CHÚT KỸ THUẬT: Thăm bảo tàng SINSHEIM

Trên cánh của TU 144. Bay vào trời xanh!




Bảo tàng kỹ thuật SINSHEIM trưng bày đủ thứ - dân dụng cũng như quân dụng - liên quan đến xe máy và máy bay. Đến đây chủ yếu để thấy và để cảm nhận tư duy kỹ thuật - công nghệ của người Đức. Phần lớn 3000 mẫu vật được trưng bày trong 30000 mét vuông nội thất trừ các máy bay và xe máy quá khổ thì được trưng bày ngoài trời. Bạn có thể thấy ở đây các đầu máy xe lửa cổ lổ xỉ nằm chen bên các xe hơi cổ xưa lẫn hiện đại đẹp nhất, sang trọng nhất và giống trong mơ nhất! Bạn cũng có thể thấy các xe gắn máy kì quái nhất so cựa với Vespa, Harley-Davidson. Bạn cũng có thể thấy trang bị của Binh Đoàn Châu Phi là như thế nào bên cạnh đủ loại xe tăng thiết giáp của thế giới từ thế chiến thứ nhất cho đến tên lửa Pershing 1 và nổi bật nhất là một số máy bay từ thời mới bắt đầu công nghệ hàng không cho đến Concorde và Tupolev 144. Ở đây chỉ thiếu công nghệ tàu thủy và không gian, muốn vào xem các tàu ngầm như thế nào và vào xem tàu vũ trụ Buran của Liên Xô thì xin mời bạn sang Bảo tàng kỹ thuật SPEYER.

Toàn cảnh Sinsheim museum chụp lại từ tờ rơi giới thiệu bảo tàng Sinsheim và bảo tàng Speyer.

Đối với mình có hai điều đặc biệt, hơi ngồ ngộ:
  • Đây cũng là nơi mọi người có thể đem xe máy, xe hơi của mình đến rao bán - Dĩ nhiên phải là những xe rất đặc biệt, thuộc hàng xế khủng hoặc chí ít phải là xế độ hoặc xưa hết biết, đẹp hết biết. Chỉ cần đi lòng vòng ngoài sân bảo tàng thôi cũng đủ tham quan những chiếc xe đẹp và sang lộng lẫy (hoặc phải kì quái ... có cở! Bởi khi ra về mình thấy nhiều người đang hào hứng xúm quanh một chiếc xế Chevrolet sedan đời... xưa tiếng nổ như thùng thiếc bể và có một chiếc xe mang logo của cảnh sát NewYork mang sang đây với hai ông cảnh sát Mỹ - chắc là đồ giả - lâu lâu hụ còi một lần làm thằng cháu ngoại nhỏ tí của mình hết hồn khóc thét!). Còn bạn có cái gì xưa xưa muốn mua hay muốn bán thì xin mời... đăng ký với bảo tàng! Sẽ có hậu tạ!
  • Hai là - hình như trong tư duy của người Đức - phương đông không có gì để học hỏi chăng? Đi lòng vòng cả ngày trong bảo tàng rộng cả trăm mẫu này tôi không thấy mẫu xe nào (xe hơi lẫn xe máy!) của Nhật, của Hàn giữa vài trăm kiểu xe hơi đủ loại (mà nhiều nhất là các kiểu xe của Mercedes, Chevrolet, Citroen,...). Có đủ thứ máy bay - của phe phát-xít lẫn đồng minh, chiến đấu lẫn dân dụng - của Đức, của Pháp, của Mỹ, của Liên Xô, của Thụy Điển, của Canada nhưng tìm không ra chiếc Zero của Nhật. Có thể thấy đủ loại máy móc từ thứ to đùng như một cái máy ép chạy hơi nước có bánh đà đường kính gần 5 mét hoặc động cơ phản lực của chiếc Concorde đến cái máy xấy tóc nhỏ tí của quí bà nhưng tuyệt nhiên mình chưa thấy thứ gì đến từ phương Đông!
Có mấy cái mình mong được tìm hiểu mà không thấy:


Một ít hình ảnh trong số 60 máy bay của bảo tàng:

Hàng máy bay dàn chào ở ngay lối vào bảo tàng.

Aero L39 Albatros.

Chiếc Tupolev Tu 144 to đùng với cặp ria mũi (lifting-canard) đặc trưng,
phía trước là chiếc Aero L39 Albatros và chiếc trực thăng Bell UH-1 Iroquois
rất quen thuộc trong chiến tranh Việt Nam

Từ xa - khu bảo tàng còn khuất sau những rặng cây - đã thấy chiếc Concorde
(và chiếc Tupolev 144) giương đôi cánh khổng lồ trên nền trời. 

Giống con ruồi nhí hay con ong đỏ!
Cánh bằng vãi, chong chóng bằng gỗ,
thân máy bay là một cái thùng nhôm đơn giản.
Chiếc máy bay của những ý tưởng hàng không thuở ban sơ.
Có ghi rõ ràng "Câu lạc bộ hàng không Brandenburg, năm 1911"
Được trân trọng đặt ngay lối vào sảnh.
(Ước gì mấy ông Hai Lúa nhà mình khi cày cục chế tạo máy bay
 cũng có được sự ủng hộ và trân quí như thế này!)


Chiếc máy bay huấn luyện
(De Havilland Tiger Moth)
nhỏ xíu có 2 chỗ ngồi.

Của lão già họ nhà Charles!
Chiếc máy bay này nhỏ đến nỗi mình hình dung
chắc phi công phải ốm nhách và lùn xịt mới có thể ngồi vào được!
Chưa truy ra được tên chiếc máy bay này
vì nó bị khuất dưới cái kiosk bán vé vào cửa!

Chiếc này bắt chước bộ vó của con hải âu!
Có lẽ đây là một trong những sản phẩm đầu tiên
của hảng Albatros: Etrich-Rumpler Taube

Chiến đấu cơ "De Havilland nọc độc" được sản xuất vào 1950, nặng 3 tấn, và là hậu duệ của chiếc De Havilland DH100 Vampire (Ma cà rồng) thế hệ đầu tiên 1940. Vẻ ngoài gần giống nhau nhưng nọc độc hơi to hơn một chút, nặng hơn và nhanh hơn, có thể đạt vận tốc cận âm 920 km/h.
Một số chiếc hiện nay vẫn còn được bay trình diễn.

Con ong ruồi (BumbleBee) này (Cmelak Let Z 37 A) nhí đến nỗi trông giống đò chơi trẻ con.
Chiếc này chủ yếu để dùng trong nông nghiệp (phun thuốc trừ sâu).

 Junkers JU 52

Junkers JU 52 nhìn từ cánh trái.

Junkers JU 52 nhìn từ cánh phải.

Focke-Wulf  Fw190 A series

Junkers JU 88

Junkers JU 88 nhìn từ phía trên.

Heinkel He 111
Ảnh  Heinkel He 111 trích từ web site của bảo tàng Sinsheim.

Một số máy bay thời Liên Xô: trực thăng Mi, MIG 17 và An-2.

Cái chong chóng bằng gỗ đã bị tét
này cũng được bảo tàng nâng niu!

Messerschmitt ME 109

Chiến đấu cơ hiệu quả nhất của Đức Quốc Xã trong đệ nhị thế chiến.
Đến khi thế chiến kết thúc đã có tới 30000 chiếc được sản xuất.
Hiệu quả tới nỗi cho tới năm 1958 hơn 5000 chiếc khác
 vẫn còn được tiếp tục sản xuất ở Tây Ban Nha.

Messerschmitt ME 109 - G6, cách bố trí động cơ.

Fieseler Storch Fi 156, có thể hạ cánh trên đường băng chỉ dài 30 mét
và cất cánh trên đường băng chỉ 80 mét! Là con ngựa thồ
nổi tiếng vì được sử dụng trong cuộc giải cứu Mussolini!

Cũng như Concorde, Tu 144 bề ngoài coi to như thế nhưng khoang hành khách thì hẹp té.
Trong khoang  theo bề ngang xếp được 4 ghế, mỗi bên 2 ghế, lối đi bố trí chính giữa.
Tuy nhiên  khoảng cách giữa  hai hàng ghế rộng hơn nhiều so với các máy bay khác.
Ông nào có cái đầu gối dài như  mình chắc phải cảm ơn!
Ít thấy máy bay hành khách nào mà thân hẹp như vậy.
Các cửa sổ thì nhỏ tí một cách đáng ngạc nhiên
(chừng 1/3 diện tích cửa sổ ở các máy bay thông thường khác!)

Concorde in hình trên nền trời!

Và Tu - 144 cũng không kém cạnh.

Dưới đôi cánh của TU 144, nhìn từ phía sau đuôi.

Chen chúc cánh bay!

Sau lưng là những giấc mơ bay!

*************

1 nhận xét:

Chù nói...

Viện bảo tàng về máy móc ở Đức con nghĩ là số một, vì từ lâu nó là quốc gia chuyên về sản phẩm cơ khí. Con thích nhất là xem quá trình lịch sử phát triển của các loại thiết bị từ lúc mới phát minh cho đến bây giờ.