Thứ Ba, 14 tháng 10, 2008

Chân dung bạn già.

Bảy Sết.

Người có mối tình có khi còn hay hơn chuyện Tristan và Iseut. Anh đi kháng chiến, tập kết ra Bắc. Cô gái mười sáu ở lại… chờ, chờ mãi ở làng quê, trong bom đạn, không chấp nhận mối mai nào, đến khi anh trở về. Và anh cũng vậy. Hòa bình trở về thì anh đã đi bằng một chân giả… vì một chân đã gởi lại chiến trường. Gặp lại nhau khi đã gần như… già. Có điều gì đó giống y ca từ của Phạm Duy “Ngày trở về anh bước lê trên quảng đường đê đến bên lũy tre …”. Trời còn thương nên cho vợ chồng anh còn kịp có hai đứa con. Con gái đặt tên Thủy. Con trai đặt tên Chung. Như lòng thủy chung son sắt. Nhưng trời đòi lại ít ngày hạnh phúc. Con bé Thủy, rồi đến chị lần lượt qua đời trong tai nạn. Người đàn ông vốn rất cương nghị này chăm sóc đứa con còn lại hơn mọi báu vật có thể có trên đời. Đôi khi người đàn ông này trở nên giống như đàn bà. Chẳng những anh cho con tình cha mà còn cố gắng đắp đổi cho con tình mẹ. Người đàn ông đã vượt sống qua bao nhiêu lửa dữ đó bây giờ trở nên mềm yếu, nhạy cảm như phụ nữ.
Thằng Chung đi học rồi đi làm… ở luôn thành phố. Một ngày anh gọi cho nó quá nhiều lần như một bà mẹ lúm xúm quanh con cưng nên có khi nó cúp di động luôn. Anh buồn. Giờ đây anh chỉ còn biết nói chuyện với bóng mình trong căn nhà vắng. Một lần anh đến chơi (mà anh đến chơi thì tôi vừa thương vừa sợ vì tôi thì bận mà... không thể ngắt lời anh!) từ rất sớm. Ngồi dưới bóng cây cerise, châm đến bình trà thứ năm thứ sáu gì đó mà anh vẫn nói về con anh chưa dứt. Tôi phải châm lại bình trà mới. Ra sau nhà rồi lại đi nhẹ vòng ra phía sau anh. Lạ chưa! Không có tôi nhưng anh vẫn đang nói một mình về con anh … nói mãi không ngừng với cây với lá xung quanh. Tôi đứng chôn chân, yên lặng sau lưng anh có cả nửa tiếng đồng hồ với ràn rụa nước mắt.

Lê Hùng.

Một thời phong độ. Nguyên hiệu trưởng - rất lâu năm - trường PTTH Ché Guévara. Giải quyết công việc rất thấu tình đạt lí. Tướng cao lớn. Ngày xưa có nụ cười thật đôn hậu. Mắt rất sáng. Từ khi đứa con gái nhỏ duy nhất - mới lớp 9 chết đi – thì anh gần như sụp đổ. Bây giờ tướng hơi khòm vì tuổi già và vì sức nặng của nỗi buồn. Đôi mắt bây giờ u uẩn. Nụ cười phải gắng sức. Chỉ còn dạy ít tiết môn vật lí trong tuần. Thời gian còn lại là phơi nắng trên vuông tôm. Đen nhẻm trong chiếc áo bạc phếch (Chính anh cũng không biết mình còn vất vả như thế để làm gì!). Mỗi lần gặp nhau là thấy anh già thêm nhanh, dù chẳng bệnh hoạn gì. Mỗi lần gặp anh là nhớ câu “Trên đời không ai dịu dàng bằng mẹ. Trên đời không ai khổ bằng cha” đọc được một lần đâu đó trên một tờ lịch cũ … trong chùa. Tấm lòng của người cha đó tan nát, héo hon theo cái chết của con.
Mỗi lần gặp anh, không biết sao tôi lại có thói quen hỏi một câu vô duyên “Ê! Lê Hùng … sao?”. Lại nghe chậm rãi trả lời “thì … sao!?” - giống như một câu hỏi lại trời cao.

Bảy Xuân.

Chiều thứ bảy nào anh cũng ghé tôi. Tướng liêu xiêu! Ốm nhom. Nghệ sĩ mà! Nụ cười hiền khô. Gian truân 4 năm tù Côn Đảo. Tù chính trị bị đánh tơi tả, ói máu, gần lột be sườn. Vào chết ra sống biết bao nhiêu trận. Bao nhiêu lần tận mắt thấy máu đổ đầu rơi. Ghét sự tàn ác nhưng chưa từng nghe oán thán cuộc đời bao giờ. Có lần hỏi “Có khi nào ông còn nằm mơ thấy giặc giã nữa không?”. Im lặng thật lâu rồi đáp khẽ khàng “Chiêm bao hoài! Bị mấy chiếc trực thăng rượt bắn hoài”. Rồi… lắc đầu như cố xua đi những ngày ghê gớm “Thôi! Không nói nữa!”. Anh ưa ngồi băng đá dưới gốc mai hỏi “Mấy con cá của ông vớt lên nhậu được chưa?” -“Trời! Còn nhỏ xíu, xương không. Làm đỡ mấy cái hột vịt đi! Cây khế có mấy trái hơi vàng ngon lắm”. Cười hi hi… ừa lai rai chút đi!
Năm 75 được giải phóng trở về. Cưới vợ. Nhà vợ vượt biên nên chẳng được phục hồi Đảng. Cũng chẳng thấy buồn vui gì! Cứ sống vô tâm (!) như cây cỏ và cần mẫn làm việc. Công việc: Dạy nhạc. Cứ vậy cho đến về hưu. Ưa rượu nhưng chẳng mấy khi uống nhiều. Hễ ngà ngà là đòi lấy đàn ra… tưng tưng hát. Hát đủ thứ bất kể nhạc đỏ, nhạc vàng… nhạc nào đi vào lòng người là hát. Chừng nửa xị là bắt đầu cầm đàn:

Rộn ràng lòng cô gái đôi mươi
Thắm trên môi nụ cười
Nhìn toán quân qua rồi
Chợt thấy lòng lưu luyến
Và tâm hồn xao xuyến
Trông anh trai phong sương
Em thấy mà thương.
.....
.....
Và chiều nay trên bến cô liêu
Bớt hoang sơ tiêu điều
Giọng hát vui sông chiều
Tình của người thôn nữ
Vừa trao người viễn xứ
Trên sông xưa mênh mông
Đôi bóng đẹp đôi.

Thấy mà thương! Vợ con dâu rể suốt năm suốt tháng chạy ăn ở Saigon! Quanh năm sống nghèo vò võ một mình giữ đất quê. Chút nữa đây Bảy Xuân đạp chiếc xe cót két về nhà… một mình, ngủ một mình. Vái trời trong giấc mơ anh đừng thấy trực thăng nữa mà chỉ thấy “Trên sông xưa mênh mông / Đôi bóng đẹp đôi.”

1 nhận xét:

Vuong Duc Binh nói...

Hì hì ... hôm qua Bảy Xuân đọc blog nói: "Trời đất ông tuyên án tui tới 8 năm tù thì tiêu đời tui." Vậy nên sửa lại cho đúng "4 năm tù". Hôm qua Bảy Xuân mới chép cho lời của bản nhạc "Người lính già vui vẻ - sáng tác của Thanh Trúc". Uống với nhau hết 1/4 chai rượu, lại hát ... tưng tưng. Còn 3/4 chai hẹn tuần sau uống tiếp!