Tôi không biết nhiều về Bùi Giáng. Lần đầu tiên đọc ông là ở bản dịch Cõi người ta từ nguyên tác Terre des hommes của Antoine de Saint Exupéry. Khi đó tôi mới học lớp 12, non nớt và không hiểu mấy những vấn đề triết học. Thày chủ nhiệm thư viện trường trung học Kiến Hòa - Đỗ Quang Hạnh - hay gọi học sinh tình nguyện xuống trực thư viện, tôi là một trong những học sinh đó, và rất may mắn - tại thư viện - tôi tìm thấy nguyên tác Terre des hommes trong sê-ri Le livre de poche của nhà xuất bản Gallimard (1939) do nhà Brodard et Taupin in lại (1970). Thực chất lúc đó tôi mê Saint-Ex và mê … một cô em nhỏ hơn tôi một lớp cực xinh đẹp cùng trực. Chuyện mê cô em là một mối tình buồn và dang dở … nhưng nhờ thư viện tôi đã kịp đọc một số các nguyên tác của Saint-Ex bao gồm: Terre des hommes, Le petit prince, Vol de nuit,… Cũng trong năm học đó thày dạy triết của tôi là Nguyễn Đăng Phu lại giới thiệu tôi đọc La symphonie pastorale và La porte étroite của André Gide. Thú thật đọc Saint-Ex thì còn dễ, đọc Gide là một cực hình - nhất là phải đọc nguyên tác. Tôi ráng đọc là vì tôi phải có cái gì đó để… xạo với cô giáo Pháp văn của tôi là cô Nguyễn Thị Bạch Điểu và để... đía với một anh bạn cùng lớp tên Trung, anh này Pháp văn giỏi cực kì và hay cà khịa tôi nhiều chuyện!
Vậy đó, muốn hiểu hết nguyên tác tôi lại phải nhờ vả bản dịch! Bùi Giáng đã cứu tôi qua Cõi người ta và Hòa âm điền dã. Còn thơ Bùi Giáng thì tôi hoàn toàn mù tịt, thậm chí còn không biết ông có làm thơ. Tôi phát hiện một điều là bản dịch còn hay hơn cả nguyên tác. Cái này không biết liệu tôi có phải xin lỗi Saint-Ex không nhưng rõ ràng trong văn học Việt Nam đã từng xảy ra chuyện như vậy. Tản Đà là một trường hợp đối với thơ Đường!
Tôi đâm ra mê Cõi người ta hơn Terre des hommes, Hoàng tử bé hơn Le petit prince! Nhất là khi đọc Hoàng tử bé thì tôi bị Bùi Giáng chinh phục hoàn toàn. Hai tác phẩm đó của Saint-Ex sau này còn được nhiều người dịch đi dịch lại và tôi đều cố gắng tìm đọc nhưng tôi đều thất vọng vì trước đó đã đọc Bùi Giáng. Đọc bản dịch của ông tôi hoàn toàn không có cảm giác đây là bản dịch mà chỉ cảm thấy ông đã thổi hồn tiếng Việt diệu kì vào đó trong khi vẫn không làm sai lệch nguyên tác. Điều ác liệt hơn – và thật là tuyệt diệu, cao thủ võ lâm - là cách ông áp từ Hán-Việt và điển tích Hán-Việt vào trong bản dịch. Tầm mức đó của dịch giả tôi chỉ gặp lại ở Lý Lan sau này qua bộ truyện Harry Potter, nhưng Lý Lan và Bùi Giáng là hai tính cách khác nhau rất xa!
Tôi chỉ biết ông có làm thơ, lâu sau năm 1975, khi tình cờ anh bạn thân – Bùi Ngọc Anh, cháu của Bùi Giáng – trong lúc trà dư tửu hậu nói chuyện về Bùi Giáng. Lúc đó tôi chỉ thấy các câu thơ của Bùi Giáng ngộ nghỉnh, phi logique nhưng … thích cái lỗ tai! Ca từ của Trịnh Công Sơn đã dễ sợ rồi, thi từ của Bùi Giáng còn “hãi” hơn:
Vậy đó, muốn hiểu hết nguyên tác tôi lại phải nhờ vả bản dịch! Bùi Giáng đã cứu tôi qua Cõi người ta và Hòa âm điền dã. Còn thơ Bùi Giáng thì tôi hoàn toàn mù tịt, thậm chí còn không biết ông có làm thơ. Tôi phát hiện một điều là bản dịch còn hay hơn cả nguyên tác. Cái này không biết liệu tôi có phải xin lỗi Saint-Ex không nhưng rõ ràng trong văn học Việt Nam đã từng xảy ra chuyện như vậy. Tản Đà là một trường hợp đối với thơ Đường!
Tôi đâm ra mê Cõi người ta hơn Terre des hommes, Hoàng tử bé hơn Le petit prince! Nhất là khi đọc Hoàng tử bé thì tôi bị Bùi Giáng chinh phục hoàn toàn. Hai tác phẩm đó của Saint-Ex sau này còn được nhiều người dịch đi dịch lại và tôi đều cố gắng tìm đọc nhưng tôi đều thất vọng vì trước đó đã đọc Bùi Giáng. Đọc bản dịch của ông tôi hoàn toàn không có cảm giác đây là bản dịch mà chỉ cảm thấy ông đã thổi hồn tiếng Việt diệu kì vào đó trong khi vẫn không làm sai lệch nguyên tác. Điều ác liệt hơn – và thật là tuyệt diệu, cao thủ võ lâm - là cách ông áp từ Hán-Việt và điển tích Hán-Việt vào trong bản dịch. Tầm mức đó của dịch giả tôi chỉ gặp lại ở Lý Lan sau này qua bộ truyện Harry Potter, nhưng Lý Lan và Bùi Giáng là hai tính cách khác nhau rất xa!
Tôi chỉ biết ông có làm thơ, lâu sau năm 1975, khi tình cờ anh bạn thân – Bùi Ngọc Anh, cháu của Bùi Giáng – trong lúc trà dư tửu hậu nói chuyện về Bùi Giáng. Lúc đó tôi chỉ thấy các câu thơ của Bùi Giáng ngộ nghỉnh, phi logique nhưng … thích cái lỗ tai! Ca từ của Trịnh Công Sơn đã dễ sợ rồi, thi từ của Bùi Giáng còn “hãi” hơn:
Người hai con mắt khóc người một con.
Đâm ra tò mò về thơ Bùi Giáng. Thời may lại gặp anh bạn thân khác - Nguyễn Tấn Phúc (NTP) - hiện công tác ở Khoa Sư Phạm Trường Cao Đẳng Bến Tre. Anh chàng này khi còn học Lớp Văn 2, Khóa chuyên tu 1981-1984 tại Trường Cán bộ Quản lí cùng với mấy anh bạn khác của va như Huỳnh Tấn Phúc (quê Quảng Nam – đang là Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GDĐT Đà Nẵng) và Đinh Lựu (đang là chủ tịch huyện Liên Chiểu – Đà Nẳng) hay đi lại chơi với Bùi Giáng. NTP siêng ghi vào sổ tay những câu Bùi Giáng bất chợt “lẩm bẩm” trong những lần rong chơi đó và giữ làm của riêng cho đến tận bây giờ. Kể ra đây mấy câu đó … để mua vui!
1981, Bùi Giáng đang ở đường Lê Văn Duyệt, hẻm 156, gần chùa Trung Hòa. Buổi sáng NTP và anh em đến chơi thì thấy Bùi Giáng đang ôm một con gà công nghiệp màu vàng nâu đi lững thững ra. Hỏi ôm con gà làm gì vậy thì Bùi Giáng cười khà khà đọc:
1981, Bùi Giáng đang ở đường Lê Văn Duyệt, hẻm 156, gần chùa Trung Hòa. Buổi sáng NTP và anh em đến chơi thì thấy Bùi Giáng đang ôm một con gà công nghiệp màu vàng nâu đi lững thững ra. Hỏi ôm con gà làm gì vậy thì Bùi Giáng cười khà khà đọc:
Nửa đêm thánh đế dậy thường
Bồng con ô nhạn lên đường phiêu lưu.
Ừ thì đi phiêu lưu, đến chiều cả bọn đạp xe chở Bùi Giáng ra chơi trước Tòa đô sảnh, ngồi trên bãi cỏ trước cái bồn binh nước xịt ngắm người qua lại. Bùi Giáng hối NTP lấy bao thuốc lá ra ghi:
Xung quanh bờ nước rập rình
Chiều qua phố chợ mang hình mắt xanh
Chợ chiều nhiều khế ế chanh
Mấy cô gái lạ bước nhanh hàng hàng
Mắt xanh hình thể điêu tàn
Chào cô gái lạ cô càng lạ thêm!
Có lần cả nhóm ra ngồi ở Bến Bạch Đằng, gần bến phà Thủ Thiêm, NTP tò mò đòi Bùi Giáng: "Cậu 3 nói cho nghe cái vụ To be or not to be!" (Thật ra Bùi Giáng thứ 6 – chưa biết tại sao NTP gọi như vậy). Chẳng qua là ông tướng (NTP) này bị mấy ông thày dạy văn “quay” mòng mòng về Hamlet nên muốn thừa cơ hỏi Bùi Giáng vài chiêu để copy vô bài làm. Chẳng khi nào Bùi Giáng trả lời. Hình như Bùi Giáng quên hết cái vụ be hay not be đó rồi! Tư lự ở Bến phà Thủ Thiêm đã điếu rồi Bùi Giáng xuất khẩu:
Chèo ghe ra biển ghé vai
Hỏi thăm cá biển một, hai, ba điều
Giữa chừng quên bẳng bốn điều
Quay vào sực nhớ năm điều đã quên!
Một hôm Bùi Giáng quần áo lôi thôi, xốc xếch nhưng gương mặt thì cứ như lão ngoan đồng Châu Bá Thông, ngồi trên balcon khu nhà ở của Trường Cán Bộ Quản Lí (số 9 Nguyễn Bỉnh Khiêm), đường vắng và trời mưa lâm thâm, nhìn sang phía bên kia là Sở thú. Ngồi ở đó hay nghe được tiếng cọp gầm và sư tử hống. Ngồi trầm ngâm ai hỏi cũng không buồn trả lời. Trước khi bỏ về (mà về đâu?!) chỉ đọc mấy câu mà NTP kịp ghi lại:
Gấu buồn beo cọp cũng buồn
Mưa rừng rất lạnh từng luồng gió đi
.....
.....
Cọp đi từng bước héo hon
Voi đi lững thững đá mòn trăng soi
Mấy cô gái núi u hoài
Rừng mang dấu vết ai đòi hỏi ai!
Cọp đi từng bước héo hon
Voi đi lững thững đá mòn trăng soi
Mấy cô gái núi u hoài
Rừng mang dấu vết ai đòi hỏi ai!
Mấy câu thơ này không có tựa vì chỉ được NTP ghi lại vội vàng. Kể lại đây để nhớ một người tài danh mà cũng là một … kì dị nhân được nhiều người ngưỡng mộ!
(Viết và đã được nhận xét, hiệu đính bởi anh Nguyễn Tấn Phúc)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét