Thứ Tư, 26 tháng 5, 2010

CẢM XÚC CUỐI THÁNG NĂM

.
Người đi để lại lá vàng khô.
Cuối mùa nắng đổ vàng sợi tơ.
Người đi tiếng gió buồn hơn trước. (*)
Nhện bỏ giăng, hồn lưới xác xơ.

***

Mây ở đâu về cuối tháng năm.
Chớp bể mưa nguồn động xa xăm.
Đong đưa lá rũ treo cành mục,
Một chuyến gió lùa bỗng lạnh căm.

***

Người ở phương nao chuyện cuối trời.
Thềm ta vừa ướt giọt mưa bay.
Gót người xa vắng trên thềm vắng,
Chén trà độc ẩm nguội không hay!


26-5-2010



(*) “Người đi dáng núi buồn hơn trước” – Cao Thoại Châu.

Thứ Năm, 13 tháng 5, 2010

CHIỀU TỐI.


Giữa ngày hè nóng bức. Không biết gió đi đâu hết! Trong nhà nóng hầm hập. Cúp điện hoài! Hôm nay cúp từ sớm bửng tới giờ vẫn chưa có điện lại. Bên dãy nhà trọ nghe tiếng hét của ông tướng nào đó: Trời ơi!.... Điên nặng… điện….Mấy giờ mới có điện lại vậy ta? Lại nghe giọng quạu quọ càu nhàu: Đi mà hỏi ông Nhà đèn… Thắp giùm cây đèn cầy để ăn cơm đi!Trời sụp tối, tiếng muỗi vo ve. Làm như không có điện, không có đèn thì lũ muỗi mở hội vậy. Thôi, ra ngoài sân ngồi cho thoáng! Cũng thắp cây đèn cầy gắn trên cái khu chén để trước mặt. Lấy cây đàn ra. Đàn chưa xong bản Hạ trắng cháy hết cây đèn cầy. Kệ, ngồi đàn trong bóng tối có sao đâu!
Bầu trời trong vắt lốm đốm cả đống sao. Cái sao hôm lấp lánh như tức cười sự điên khùng của con người phụ thuộc vào điện. Không có điện thì không có quạt máy, nóng hầm quá, nổi sùng. Không có điện thì không có đèn không ăn cơm chiều được, nổi sùng.
Không có ai để bày tỏ sự nổi sùng nhưng ngồi mãi trong bóng tối hầm hập cũng bức rức. Định khóa cửa nhà, lấy xe chạy một vòng cho mát. Chạy đi đâu bây giờ!? Thành phố Bến Tre này nhỏ như cái bàn tay, quanh đi quẩn lại có mấy con phố. Chạy hết thành phố trở về chưa chắc đã có điện lại! Hay lại ai chơi? Có ai chờ đợi mình đâu!
Thôi, chạy ra bờ sông hóng gió…
Kè bờ sông dài và đẹp lãng mạn nhưng chỉ lưa thưa mấy người. Kiếm một chỗ xa xa mấy cặp tình nhân để họ khỏi ngại ngùng để dựng xe. Ôm lan can bờ kè ngó vào khoảng tối có mấy chiếc ghe bầu lầm lũi tiếng máy rầm rì… Nước ròng sát và gió cũng lặng thinh, chẳng mát hơn được bao nhiêu. Sông rộng, bờ kè rộng. Con đường bờ sông trước đây còn có xe qua lại phà Hàm Luông, bây giờ có cây cầu Hàm Luông rồi nên vắng ngắt. Đứng lơ ngơ ngó qua bên kia sông, nhìn dãy đèn vàng hui hắt một hồi thấy buồn quá. Thôi về!
Vẫn chưa có điện. Căn nhà tối om. Thắp đèn cầy ăn cơm thôi. Mới ăn được nửa chén cơm suýt bị sặt vì thằng nhỏ bên hàng xóm đi một câu vọng cổ xuống xề ngọt sớt: Trời ơi… giữa tháng này cúp điển .. ư ư ... nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu Hà. Bạn tình chung ơi, đừng hoài công mòn mỏi đợi chờ… ư ư … Con vợ nó cũng không kém:
Đợi .. đợi cái gì, đợi có điện chớ đợi cái gì….
Cây đèn cầy cháy leo lét! Nóng hầm hập!

Thứ Tư, 5 tháng 5, 2010

QUÊ CHA ĐẤT TỔ.

.

Ông Hai ngồi trên con đê mơ màng nhìn cánh đồng xanh tít tầm mắt. Con đê chỉ mới có chừng mươi năm nay do máy cạp đất móc sâu lòng con mương đắp lên mà thành. Bây giờ con mương cạn đã trở thành con kinh nhỏ thuận tiện cho ghe thuyền đi lại. Trước đây đoạn mương cạn này chiếc xuồng tam bản còn đi không được. Khi làm mộ bia cho cha thì ông chỉ có thể đi xuồng tới gần cuối xóm Đai’n Tân mà thôi. Đoạn đường còn lại ra tới mộ ông phải vác tấm bia trên vai lội băng đồng. Cái bia đá hoa cương nặng chắc phải tới gần sáu bảy chục kí. Ông ước chừng như vậy vì thấy nó nặng hơn bao xi măng Hà Tiên một chút. Đoạn đường còn lại đó khoảng 500 mét. Hồi cha mất ông chỉ mới 13 tuổi. Tha phương cầu thực khắp nơi, đến ngoài 40 mới về làm mộ bia cho cha được. Ông thấy mừng vì đã làm bia cho mộ cha hồi năm đó, khi sức còn có thể vác cái bia đi xa như vậy trên nền ruộng đất lún lên lún xuống! Giá như bây giờ, nếu không có con kinh thuận tiện thì với cái đầu gối đi mình không có khi còn thấy đau và cái cột sống không còn dẻo dai như xưa thì ông không biết phải làm sao nữa!


Cách mộ cha chỉ nửa cây số là sóc Đai’n Tân của người dân tộc Kh’mer. Người Kh’mer không có mộ. Tục lệ của họ là hỏa táng. Hồi xưa họ thường thiêu người chết ở chỗ gốc cây lâm vồ đâu xa đằng kia. Bây giờ cây lâm vồ đó mất rồi. Khi chưa có con đê này thì ông thường phải băng đồng bằng cách nhắm theo hướng cây lâm vồ đi khoảng hơn một cây số rưỡi thì tới bờ sông, qua sông là tới nhà bà cô Út. Hồi nhỏ ông sợ chỗ cây lâm vồ đó ghê lắm nhất là khi đi ngang còn thấy than cháy sót, tro thì hơi rin rít và có mùi mỡ khét. Giữa đồng không mông quạnh sợ thì sợ nhưng vẫn phải đi qua cây lâm vồ thì mới khỏi bị lạc xa xuống phía Sóc trăng. Ông vẫn hay nghĩ ngợi vì sao người Kh’mer dần dà rời bỏ những vùng đất mà trước kia họ vẫn cư ngụ để thay bằng sự phân bố của người Kinh gần như ở khắp miền nam này. Sự tái phân bố cư dân đó diễn ra chậm chạp và hiền hòa. Dĩ nhiên trong lịch sử cũng có những lần va chạm đẫm máu nhưng nhìn chung là hai dân tộc sống thuận hòa trong suốt phần lớn thời gian. Giải thích điều đó như thế nào? Ông đi đến kết luận rằng nguyên nhân là từ những ngôi mộ kia. Phải rồi, một ngôi mộ không chỉ là nấm đất cất giữ nắm xương tàn. Một ngôi mộ là nơi cất giữ kí ức của đời trước, của cha ông. Thậm chí một ngôi mộ có khi còn là nơi cất giữ kí ức về những tình tự gắn bó một con người với đất với nước, với mảnh ruộng, với bờ kinh, với người còn sống, và nhắc nhở con cháu về ‎ý nghĩa cuộc sống, về cách sống. Khi đó mảnh đất không phải là một bất động sản giá bao nhiêu một mét vuông, được giá thì bán, không được giá thì giữ đó chờ thời cơ để đẩy nó đi. Đất bây giờ có hồn của đất, là thứ đất linh thiêng mà người ta phải chiến đấu – bằng mồ hôi và bằng máu – để giữ đất. Khi cúng mộ lúc nào người ta cũng phải thắp một nén hương cúng đất đai để xin đất đai chấp nhận và gìn giữ nơi an nghỉ của ông bà. Hồi nhỏ ông hay buồn cười khi bà nội nhắc thắp hương để cúng đất đai. Mấy cục đất mà cúng cái nỗi gì! Dần dà thì ông hiểu “Đất Đai” chính là những người đã khai hoang mở đất, những người đã đổ mồ hôi lao động trên đất phèn chua để hôm nay đất được thuần hóa cho mình hạt gạo ngon, trái cây ngọt, những người đã đổ máu chống ngoại xâm để giữ mảnh đất bây giờ trao lại cho mình. Vậy phải thành kính cúng đất đai là phải lắm! Mấy ai dám bán đất mà trên đó đã có phần mộ của ông bà. Nghèo tới nỗi phải bán đất có phần mộ ông bà cha mẹ là một nỗi nhục khó mà gột rửa được!
Nhưng mà … cú sốc tương lai! Cuộc sống bây giờ thay đổi nhiều lắm! Tâm hồn của con người ta cũng thay đổi theo. Xem coi! Người ta bây giờ không lưu luyến nhớ nhung cái gì nữa. Con người hiện đại bây giờ không có khái niệm yêu mến đồ vật, ngoại cảnh! Bây giờ người ta có thể đi khắp nơi một cách dễ dàng. Nhiều nghề nghiệp khiến nhiều người phải di chuyển liên tục. Người ta dễ biết nhiều nơi nhưng người ta không ở đâu đủ lâu để yêu mến mảnh đất ở đó. Nói yêu ở đây là nói gắn bó tâm hồn của mình với nó chớ không chỉ thấy cảnh vật của nó đẹp. Bây giờ hiếm lắm mới thấy trong văn học nghệ thuật dùng hình ảnh “bến cũ con đò xưa”, lâu rồi không thấy “mái nhà xưa”, không thấy “tấm áo mẹ vá năm xưa”, không thấy “con đường tình ta đi”. Mấy chiếc phà to đùng kia ngày một ngày hai còn bị thay bằng những cây cầu hiện đại huống chi cái con đò bé tí xíu. Tiện lợi thì có tiện lợi đấy, đẹp thì có đẹp đấy nhưng chừng nào thì người ta bắt đầu yêu mến và nhớ nhung những cây cầu hiện đại đó ha? Chắc rồi sẽ đến ngày có nhà văn nhà thơ nào đó nhớ nhung cây cầu đó. Chắc mất hơi lâu để có thể nhớ nhung vì đi ngang qua nó chỉ có vài phút, đâu có như ngồi trên phà ngắm sông nước cả nửa giờ đồng hồ để mà bắt đầu thấy hồn mình gắn bó với nó! Nhà cửa thì mọc lên xoành xạch rồi lại giải toả xoành xạch. Nhà cửa sẽ đẹp hơn, sạch sẽ hơn, tiện nghi hơn, nhưng chừng nào người ta mới nhớ mái nhà ở đó có cái cảnh “Tai nương nước giọt mái nhà/ Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn”? Áo quần bây giờ thì rẻ rề, đi ngoài đường bây giờ chẳng có ai bận áo vá cả. Thậm chí nhiều người còn không nhớ được mình có mấy cái áo nữa kia, nhớ gì tấm áo cũ! Còn “con đường tình ta đi” thì… vài ba hôm là thấy một con đường mới mở nắng chan chan. Còn lâu lắm, có khi mất cả trăm năm nữa mới có cái bóng cây cổ thụ che bóng cho đôi tình nhân, hay cần chừng 20 năm nữa để có cây phượng đỏ rực làm đẹp tuổi học trò. Nhớ con đường thế quái nào được! Tụi nhỏ tới tuổi cặp kê, tới tuổi “yêu đương”, tụi nó có người yêu đấy nhưng mà ông chẳng thấy tụi nó nhớ nhung gì ráo. Nhớ nhung cái gì khi đứa nào cũng kè kè cái điện thoại di động cần gì là Alô với nhau! Cái cô Lan trong tuồng cải lương năm xưa sầu tư anh Điệp đi học tuốt trên thành là chuyện "xưa rồi Diễm ơi!".
Sao ông lại nghĩ lan man vơ vẩn vậy? Có gì đâu! Vì sao ông về đây, ngồi trên con đê này, nhìn về chòm mộ kia, nơi bà cố, ông nội và cha của ông yên nghỉ giữa cánh đồng xanh mút mắt? Trước hết là vì ông phải về thăm mộ của ông bà và của cha như một nghĩa vụ và thực hiện lời hứa với ông bác đã gần 90 không lê nổi bước chân nữa. Ông bác sợ sẽ không còn ai về thăm mộ ông bà! Cả dòng họ của ông bây giờ không còn ai ở xứ này. Phiêu bạt hết rồi, chỉ còn vài người bên cô Út (ông bác có nếp nghĩ cũ “nữ sanh ngoại tộc”!). Ông đã hứa với bác khi nào ông còn sống và đôi chân ông còn đi được thì ông sẽ vẫn còn về chăm sóc mộ ông bà. Hôm trước ông đã lên mạng, vào Google Earth để tải một tấm ảnh vệ tinh xác định toạ độ mấy ngôi mộ, định gởi cho mấy đứa cháu. Để con cháu đừng quên mộ ông bà! Gởi đi cái hình thì khó gì, nhấp chuột vài cái là “meo” tới liền thôi, nhưng ông buồn phiền và ngần ngừ. Trên không ảnh mấy ngôi mộ chỉ là những đốm nhỏ vô hồn vậy ở nơi xa kia – cách nửa vòng trái đất - những đứa cháu nói tiếng Việt còn không rành thì cái toạ độ đó, cái đốm nhỏ đó có ý nghĩa gì chứ! Có khi tụi nhỏ chỉ ghé mắt qua rồi… quên luôn!
Những kí ức lưu giữ dưới mấy nấm đất kia, vong linh của những người đã khuất, cái hồn của đất đai rồi đây con cháu của ông có đọc được không? Phải có cái tâm mới đọc được những điều linh thiêng đó. Nhưng muốn có cái tâm thì… phải hỏi cuộc sống đã. Phải ngồi đây, trên con đê này, trong yên lặng nghe gió thổi vi vu qua đồng, nghe tiếng lúa lào xào, bàn chân dính bùn dí trên nền cỏ ướt, để lòng bình lặng, cái tâm sáng ra rồi nhớ lại…