....
Tôi không
biết ai đã đặt tên cho nhóm những người này là "Mái Ấm Bồ Đề". Cái
tên có nhiều khác biệt so với những nhóm tôi đã từng nghe từng biết, ví dụ như
nhóm cựu học sinh Kiến Hòa, cựu học sinh Gia Long, cựu học sinh Trưng Vương hay
Ái hữu trường này trường nọ. Mà thôi, khoan nghĩ tới chuyện tên gọi. Tôi đến
với Mái Ấm Bồ Đề, không phải vì tôi là cựu học sinh Trường Bồ Đề mà vì một lí
do khá đặc biệt. Lúc đó tôi quan tâm một đề tài khoa học về tâm lý, nghiên cứu
tâm lý của người lớn tuổi đáp ứng như thế nào với một thế giới thay đổi quá
nhanh chóng về công nghệ, đặc biệt là về công nghệ thông tin, và đáp ứng với thang
giá trị cuộc sống thay đổi - nếu không nói là 180 độ thì cũng đâu đó 90 độ - như
thế nào. Tôi đã thực hiện một phần "dự án" đó bằng cách "dụ
dỗ" một số lão ông, lão bà tham gia viết blog. Các blog do tôi "tình
nguyện" thiết lập cho mấy ông mấy bà. Và khi họ viết thì tôi "điềm
tĩnh" ngồi ở nhà đọc những nỗi lòng của họ, đọc cuộc sống của họ trải ra
trên Internet. Trong lưu trữ ở mục favorites trên máy tính của tôi có cả đống
các trang blog của các ông già bà già trên khắp thế giới. Ở đầu này của nước Mỹ
tôi có trang blog của một bà già có 5 người con và có 8 cháu ngoại cháu nội. Ở
đầu kia ở nước Mỹ tôi có trang blog của một nhà thơ già đau tình không dứt. Ở
Puerto Rico tôi đôi lúc chat với một ông già cựu binh trong chiến tranh Việt
Nam - đầy nỗi niềm về một bà vợ già rất yêu luôn bệnh hoạn - bằng một thứ tiếng
Anh lẫn lộn với tiếng Bồ Đào Nha sai chính tả, sai văn phạm búa xua. Ở chỗ nọ của
nước Pháp tôi có trang blog của một bà bạn đã về hưu - buồn hoang vắng - nay
đau khớp mai đau lưng, viết đầu cua tai nheo về đủ thứ chuyện của Paris. Ở Việt Nam tôi có một lô các blog của các nam
- nữ lão tướng. Họ viết bằng thứ tiếng nước nào không quan trọng, vì tôi chỉ
lắng nghe "tiếng lòng" của họ thôi. Một số blog tôi phải nhờ chức
năng chuyển ngữ của Google mới hiểu được lõm bõm. Tôi chỉ quan tâm tới tâm tình,
đời sống và diễn biến tâm lý của họ mà thôi. Tôi né tránh các trang blog linh
tinh về chính trị - cái đó nằm ngoài khả năng của tôi - mà chỉ chú ý đến các
câu chuyện đời thường, những ước mơ thường nhật, buồn vui đủ thứ các kiểu của
các "đối tượng nghiên cứu" của tôi. Cho nên khi hai vợ chồng của một
ông bạn đã về hưu mời dự một buổi tối tiệc sinh nhật của bà vợ - có đông lắm
anh chị em trong Mái Ấm Bồ Đề, như hai vợ chồng ấy quảng cáo - trong một cái
quán cà phê-rượu ế khách tối om om, kế bên hai cái mả lạnh lẽo, thì tôi lấy làm
hứng thú lắm.
Trên cái
bàn dài ráp lại từ mấy cái bàn ngắn bày ra đủ thứ - mỗi thứ một chút - do những
người tham dự mang tới: Vài cái bánh trung thu cuối mùa nho nhỏ, mấy bịch đậu
phọng rang, đậu phọng luộc, mấy cái bánh biscuit, bánh snack, một chai rượu
chuối hột. Trà ngon thì uống thoải mái nhưng rượu thì các lão tướng huyết áp hâm
hấp có vẻ không mặn mòi lắm. Để làm quen có lẽ dễ nhất là hát hò, văn nghệ. Âm
nhạc là thứ tiếng nói dễ làm cho con người ta gần gũi. Khi bạn hát một cách tự
nguyện bằng cả trái tim mình - không phải thứ âm nhạc của các show hay hội diễn
- một bài hát mà bạn "kết" thì phần nào bài hát ấy cũng chứa ít nhiều
tâm tình của bạn. Nhất là khi bạn đã già, cái bài hát nào đã đi theo bạn ngần
ấy năm - từ lúc tuổi thanh xuân giọng còn trong trẻo cao vút cho tới bây giờ
đuôi mắt đếm không hết những nếp nhăn, tiếng hát không hơi rung, những nốt cao
đã phải "hát lòn" - thì chắc bài hát ấy đã gieo trong lòng bạn biết
bao nhiêu kỷ niệm, có loại kỷ niệm chia sẻ với nhiều người nhưng chắc cũng có
thứ kỷ niệm dằn xé mà bạn chỉ riêng một mình ấp ủ, từ bài hát ấy mọc lên niềm
vui hay cây sầu chỉ có những tâm hồn tinh tế đồng cảm mới "thấm" được
mà thôi. Trong "bàn tiệc" có một anh là lính chế độ cũ hát bài
"Bặt... kinh kỳ" (Xin lỗi nhạc
sĩ Minh Kỳ tí chút vì đổi tên nhạc phẩm Biệt kinh kỳ thành "bặt ..." nhưng
vì ông bạn tôi đã giới thiệu đúng là như thế!), có anh bạn là tù chính trị Côn
Đảo hát bài Tiểu Đoàn 307: "Cảng
Long Dưu... Dãn Long ...u... sao trồng nái xướt. Ưng đã tài nghiêng té tỏn
điều, tiếng tỏn điều băm tra lảy bẻ. Tiếng tỏn điều sang vào nây ấm... "
cả đám cười nghiêng ngửa. Đố bạn biết cái Cảng Long Du đó ở đâu trên đất Bến
Tre!
Tôi quen
với Mái Ấm Bồ Đề như vậy đó. Và tôi đâm ra "thích chơi" với Mái Ấm Bồ
Đề. Với Mái Ấm Bồ Đề bạn không còn cảm thấy tuổi tác nữa, dù bạn nào cũng đã
thuộc đội U70, bởi vì họ vui cười suốt. Kiếm đủ chuyện để cười, để vui, để họp
mặt, để góp chuyện. Có một huynh - vẫn gọi là huynh Tịnh Trung - ở tuốt bên Mỹ
làm nghề gác đêm cho một cái phi trường, lần nào họp mặt cũng có tiếng nói của
ảnh. Bởi vì hể bên này họp mặt thì ở chỗ của ảnh chắc cũng hai ba giờ khuya,
giữa cái phi trường lạnh ngắt đó gọi về "tám đủ chuyện" với mọi người
cho đỡ nhớ quê. Huynh Tịnh Trung này có tấm lòng rất ngộ: chuyên môn đi gom
lượm lon bia, coca người ta uống xong tích trữ lại, lâu lâu bán một lần lấy
tiền gởi về nhờ Mái Ấm Bồ Đề đi làm từ thiện giùm. Có chị Hai Yến ở Paris đọc
báo thấy ở Somalie người ta đói quá, thấy blog của Mái Ấm Bồ Đề nêu mấy trường
hợp khốn khổ thương tâm, lại "phát nguyện" mỗi ngày bớt một bữa ăn, ăn
một bữa vào lúc chính ngọ thôi như mấy vị ni sư phái khất sĩ để dành phần lương
hưu ít ỏi gởi cho tổ chức Bác Sĩ Không Biên Giới gì đó để cứu đói Somalie và
gởi một phần về nước giúp "những kẻ khốn cùng". E hèm... những vị
trong Mái Ấm Bồ Đề đây họ cũng chẳng giàu có dư dả gì nhưng họ ham vui. Lâu lâu
là họp lại, góp mỗi người chút đỉnh đi trùng tu chùa chiền, đi nấu cơm từ thiện
ở Bệnh viện Y học dân tộc, đi thăm mấy chỗ "nghèo
khạc ra tro, nghèo ho ra máu, nghèo tháo mồ hôi, nghèo lòi con mắt, nghèo thắt
hầu bao, nghèo đau nước mắt,...." để trao chút quà là vài kí gạo, chai
nước tương, ít tiền. Đi với Mái Ấm Bồ Đề nhiều khi nhớ lại đoản văn của
Rabindranah Tagore "Khi đấng quân
vương cúi xuống đặt một đồng vàng vào nón của người ăn mày thì không phải
người ăn mày xin của đấng quân vương mà chính là đấng quân vương đã xin người
ăn mày cho lại người một chút tình thương giữa nhân loại với nhau...".
Không ai trong Mái Ấm Bồ Đề là quân vương. Không ai đủ giàu để đặt xuống một
đồng vàng nhưng thật ra là họ cũng đi xin. Đi xin lại cuộc đời chút tình thương
giữa con người với nhau... Và cuộc sống đã cho lại họ những nụ cười an lạc,
thanh thản.
Cuộc đời xô
bồ hiện đại không dễ cho mình tìm được một mái ấm. Bạn có thể đi giữa những tòa
nhà cao ngất, những phố phường xa hoa, những biệt thự đẹp đẽ kín cổng cao
tường, những con đường siêu tốc, nhưng giữa cơn mưa thì bạn có tìm được một một
chỗ trú cho tấm thân và trái tim ướt lạnh của bạn không!? Ở đây không có những
thứ đó, nhưng ở đây có vợ chồng anh chị Sum sẽ sẵn sàng đội mưa chạy đi chạy về
quanh co đường vườn suốt 30 cây số để đến ngồi với bạn, để bạn cảm thấy ấm lòng
khi bạn cần. Khi Mẹ tôi chuẩn bị bước qua những bước cuối cùng trong cuộc đời -
tôi hết sức đơn chiếc - thì Mái Ấm Bồ Đề đã đến đứng quanh tôi và Mẹ tôi, chu
đáo từng chút một tới khi Mẹ đến nơi an nghỉ cuối cùng. Khi buổi chiều tôi trở
về căn nhà vắng lặng quạnh hiu, một mình ngồi giữa niềm đau, không làm gì nổi,
thì Anh Bảy Tuấn nhắc chị Mịn đem đến phần cơm nhắc tôi ăn uống giữ sức. Những
thứ ấm áp đó ta tìm đâu thấy trong cuộc đời này!?
Và rốt cuộc
tôi đã tìm thấy cái tôi muốn tìm, tôi tìm thấy lại chính tôi trong Mái Ấm Bồ Đề,
như câu hát của Trịnh Công Sơn: "Sống
trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi,
để gió cuốn đi..."
Đúng vậy!
Để gió cuốn đi....