Một
Hồi đó giờ mình chỉ loanh quanh ở trong góc vườn, ít muốn đi đâu xa. Đi đâu xa nhiều ngày thì sợ cây kiểng không ai tưới, giàn mướp không ai coi, thậm chí sợ con chó Bella ở nhà không ai chăm sóc. Con chó dễ thương lắm, ưa hờn ưa giận như con người vậy. Đi đâu xa vài ngày là Bella bỏ ăn, nằm hoài một chỗ với cặp mắt buồn xo... giận dỗi!
Nhưng rồi cũng phải đi một chuyến!... Tuổi cũng nhiều kha khá rồi, còn biết sống ngày nào chết ngày nào, không đi biết đâu... chẳng có dịp biết cháu ngoại thì sao! Nhớ hồi mình còn nhỏ tí, ba mẹ phiêu dạt tuốt vô Cà Mau, ở một chỗ gọi là Đầm Dơi. Nghe nói Đầm Dơi gần với xứ Cạnh Đền lắm. Xứ Cạnh Đền có mấy câu ca dao não lòng:
Má ơi đừng gả con xa
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu
Mình không biết vượn hú thì ra làm sao nhưng mà cái câu ca dao kế tiếp này thì ớn thiệt:
Xứ đâu như xứ Cạnh Đền
Muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lền như bánh canh.
Thì đúng là xứ Đầm Dơi hồi đó muỗi kêu như sáo thổi thật. Buổi chiều nào tầm trời sụp tối mình cũng thấy ba mẹ đốt một cái đống un khói mù mịt và đám muỗi thì vần vũ trên đầu đứa em trông giống như một trái banh đen đen xoay tròn kêu e e. Ở Đầm Dơi hồi đó buồn thiệt - mình vẫn nhớ như vậy - có cái chợ hiu hắt tí xíu. Chiều chiều ba hay dắt mình ra ngoài bến chợ gần chân cầu chơi - nghe tụi con nít hát í ố:
Bà già lấy le ông già,
Chiều chiều dắt ra bờ sông.
Hai người nói chuyện tâm tình.
Ôm nhau nhảy xuống sình!
...
lẫn trong tiếng hát rè rè phát ra từ cái loa mắc lên mái chợ:
Đường xưa lối cũ có bóng tre, bóng tre che thôn nghèo.
Khi tôi về bồi hồi trong nắng, ....
tưởng gặp mẹ tôi rưng rưng đứng dón con về .... (*)
Ơ... thì không biết ba mẹ hồi đó ở Đầm Dơi mà có nhớ Bến Tre không? Nhưng chắc lâu quá không thấy ba mẹ về thăm Bến Tre nên ông Ngoại sốt ruột lắm, bèn giao chiếc đò ngang cho Mợ Chín coi chèo, còn một thân một mình ông bơi chiếc xuồng ba lá vô xứ Đầm Dơi thăm mấy đứa cháu ngoại. Hồi đó đất Cà Mau còn phèn mặn ghê lắm, mặn đến nỗi mấy hàng mía mẹ trồng ăn mặn chát như nước cá kho! Không có mấy thứ trái cây, nên ông ngoại lựa hái mấy chục xoài chở vô cho mấy đứa cháu. Sông rạch chằng chịt, lạ lẫm, hỏi thăm và chèo mải miết từ sông Bến Tre - qua Hàm Luông, Cổ Chiên rồi bao nhiêu con sông con rạch gì gì nữa mới tới được Đầm Dơi thì đâu hết gần 20 chục ngày. Ăn gần hết gạo trong cái ruột tượng và xoài thì ... thúi hết trơn! Coi như ông ngoại đem vô Cà Mau mấy cái hột giống cho ba mẹ trồng vậy (Mà sau đó thì đất phèn chua mặn khiến mấy cái hột đó lên mấy cây xoài ẻo - trồng cả chục năm cao đâu có được thước mấy - chẳng nên thân gì ráo!). Nhưng chuyện không dừng ở đó, chuyện dừng ở một chỗ mà mỗi lần bây giờ đứng trước mộ ông ngoại thì mình vẫn buồn vô cùng: Ông ngoại muốn bồng mình lắm. Thì ông khổ sở mò vô tới tận cái xứ khỉ ho cò gáy này là chỉ để được bồng thằng cháu ngoại ấy mà! Nhưng mẹ nói mình không chịu để cho ông ngoại bồng, mình giảy nảy khóc lóc ầm ỉ! Chắc tại mình thấy sợ!... Cái sự khó khăn nghèo khổ nó cũng làm cho con người quắt queo đáng sợ lắm, nhất là trong góc nhìn của một đứa con nít tí xíu. Thử coi, ông ngoại là một ông già khô héo đen đúa vì suốt ngày dang nắng dầm mưa trên chiếc đò và ông chỉ có hai bộ đồ bà ba đen - bộ nghiêm bộ nghỉ - cái màu đen cũng không phải đen bởi vì nó ám thêm cái thứ màu vàng xỉn của nước phèn. Trời ơi, hình ảnh ông ngoại trong tôi là một ông già héo hắt đen đúa mặc bộ đồ bà ba mốc cời vá quàng hai ba chỗ, cầm trên tay một cái nón lá rách xơ mướp, đi chân không dính đất bùn... thấy sợ! Tôi còn bé quá để có thể đọc được trong ánh mắt của ông sự yêu thương long lanh mà sau này dầu có tiền muôn bạc vạn tôi cũng không thể nào mua được! Vậy đó, tôi làm ông ngoại buồn ... và ông lại một mình chèo chống trở về bến đò Cái Cối, lại là ông già chèo đò buồn rầu! Rồi ông ngoại mất mà mẹ không về kịp để chịu tang! Câu ca dao:
Chiều chiều ra đứng ngỏ sau
Ngóng về quê mẹ ruột đau chín chiều
bây giờ trở thành một nỗi đau thắt ruột trong lòng của ba, của mẹ!
Vòng vo chuyện xưa là vì chuyện bây giờ. Bây giờ tôi lại là ông ngoại và mới có một đứa cháu ngoại xa xứ tít mù. Có khi nào chăng chuyện cũ lại lập lại?! Biết đâu chừng!
Hai.
|
|
5 giờ sáng, độ cao 11.300 mét trên không phận Ba Lan
(giờ trên hình chụp là giờ của Thành phố Hồ Chí Minh) |
Không phải chiếc xuồng ba lá và một không gian mênh mông sông nước để muốn xoay hướng nào thì xoay, đi đâu thì đi, muốn chèo thì chèo, muốn nghỉ thì nghỉ, giữa trời và đất chỉ có ta với ta - hồn ta mênh mông muôn trượng, hú một tiếng vang vọng, ngân dài theo đất theo nước, chín con rồng cũng giật mình - như ông ngoại hồi xưa. Mình leo lên một chiếc Boeing 777. Chiếc máy bay thì bự chảng nhưng con người thì nhỏ lại. Con người thun lại từ lúc làm cái passport. Phải nói năng nhỏ nhẹ với mấy em công an xuất nhập cảnh, phải khép nép hồi hộp chờ sự duyệt xét chấp thuận của Tòa Tổng Lãnh Sự Đức, phải ngoan ngoản khi qua Kiểm Tra Hải Quan sân bay ở cả hai phía.v.v. Nói chung là quá nhiều thứ nhiêu khê và phải có máu của một con... gì đó rất quen đứng cọm rọm, ngoan ngoãn trong chuồng, để chịu đựng tất cả những thứ soi mói mang tên thủ tục hành chính và an ninh xuất nhập cảnh, và chịu đựng cái ghế ngồi nhỏ tí bề ngang vừa đủ đặt hai cái cùi chõ và vừa đủ hai cái đầu gối suốt 12 giờ 10 phút bay non-stop!
Chuyến bay VN 121 của chiếc B777 mang số hiệu A-149 cất cánh hồi 23:20 (20/7/2012 - giờ Saigon). Vùng phụ cận thành phố Hồ Chí Minh trời hơi mưa nhẹ. Chuyến bay trôi qua êm ả trong đêm ở độ cao bình phi 32000 feet, trừ khi vượt qua dãy Himalaya và không phận Afganistan thì có rung lắc hơi nhiều do thời tiết xấu! Mờ sáng thì vượt qua biển Caspian và kế đó là biển Đen. Với tốc độ xấp xỉ 800 km/h, bay qua hai cái biển mà có cảm giác vừa bay qua hai cái ao lớn. Mây không nhiều và không dầy, xa tuốt phía dưới là những ngọn đèn vàng kết thành nhóm đôi lúc nhấp nháy, chắc là các dàn khoan.
6:30 (20/7/2012 - giờ Frankfurt) Máy bay hạ cánh xuống phi trường quốc tế Frankfurt. Chuyến bay diễn ra theo lịch trình chính xác gần như tới từng phút. Ra khỏi máy bay, tới một nơi xa lạ nên ông "Hai Lúa" là mình không khỏi có chút lo lắng, nhưng nhờ những bảng chỉ dẫn lắp đặt hợp lý và liên tiếp nên cứ theo đó mà đi ra tới chỗ kiểm tra visa, lấy hành lý (baggage claim) và phòng chờ gặp thân nhân (meeting point).
|
Trên vách nhà này có một chàng hiệp sĩ
không biết đang canh gác cái gì! |
Rốt cuộc rồi cũng gặp chàng rể ở phòng chờ. Vậy là yên tâm. Lại chạy thêm một đoạn 144 cây số để về Neckarsulm, tới căn hộ nho nhỏ xinh xinh mới thuê (Xứ lạ quê người vậy là bằng lòng đi - chứ đòi đủ đất trồng vài cây dừa và vài cây mận cây xoài ở đây thì... còn lâu à!). Căn hộ ở trong ngõ tên Benefizgasse nhưng trông cũng được! Từ cửa sổ nhìn ra - phía bên kia đường - thì cảnh cũng thông thoáng, thấy luôn một cái sòng bài đèn đỏ nhấp nháy SPIELAUTOMATEN LasVegas CASINO nhưng vắng chẳng thấy ai tới chơi, nhìn từ balcon phía sau lại thấy tháp chuông nhà thờ cách có một con phố hẹp và cứ 15 phút một lần lại đổ một hồi chuông. Phía sau căn hộ lại có một vườn hoa nhỏ mùa này đang nở đủ thứ hoa, đặc biệt mấy nhánh hoa hồng nhung và hồng vàng nở thật to quyến rũ. Không gian thanh bình, yên ả, và có vẻ Chúa cũng không lấy làm phiền lòng cái sòng bạc ở kế bên (không biết mấy tay chơi với mấy cái máy đánh bài tự động đó có cầu nguyện Chúa để cái máy có một chỗ bị lỗi lập trình nào chăng!?). Còn căn nhà bên trái là một rạp hát (KINO !), ở mấy ngày thấy đêm nào nó cũng sáng đèn mà không nghe nó hát gì hết trơn. Ở đây hình như cái gì cũng rất yên tĩnh, quá sức yên tĩnh! Con người ở đây - hậu duệ của Beethoven - hình như sử dụng nốt lặng hơi nhiều và quá dài!
|
Phía trước, nhìn từ cửa sổ, phía bên kia đường là một CASINO rất yên tĩnh! |
|
Bên hông phía bên kia đường
là một tháp chuông và tiếng ngân
của Chúa vang lên đều đặn
suốt ngày và là thứ ồn ào nhất ở đây! |
|
Và vườn hoa này bé tí xíu
nhưng cũng đủ lãng mạn rồi! |
Ba.
Cháu ngoại! Coi có đẹp hông? Vì đó mà ông bà lặn lội qua tới cái xứ lạnh lẻo này!
Ơ cháu ngoại của ta, con có biết ông ngoại không hả?
|
Đang khóc e e mà nghe bà ngoại hát ru ầu ơ là nín liền ! |