Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

Vĩnh biệt Phạm Duy




Hôm nay cây đại thụ cuối cùng của âm nhạc Việt Nam

- PHẠM DUY -


đã ra đi.




Trái tim tôi nức nở...

















Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

QUÊ CHA





Tết không về rẫy mộ cha ông
Mai sau chết thành nấm mồ vô chủ
Ở một góc không ai để ý
Gió cũng tìm lối khác bay qua
…. (Cao Thoại Châu)

Bác Hai gái dạo đó đã lảng lắm rồi, nhớ nhớ quên quên, thậm chí mấy đứa con đứa cháu ngày chủ nhật ghé thăm mà cũng hỏi anh chị là ai tới thăm tui vậy. Tới chừng có đứa la vào tai của bác Chị Ba đó má, má cũng không biết nữa hả!? thì bà ngồi thừ ra ngó xa xăm. Mà chẳng biết bà ngó mà còn thấy cái gì nữa không. Hồi lâu bà lại lẩm bẩm Cái ông kia là ai sao đứng ngó tui hoài vậy? thì mấy đứa nhỏ cười rồ lên: Ba đó, Má! Khuôn mặt nhăn nheo của bà bổng giãn ra: Ờ… vậy mấy đứa chuẩn bị mấy bộ đồ cho Má, rồi dẫn Ba Má ra ghe, cho Ba Má về nghe. Ghe chờ lâu rồi đó!!! Nghe vậy thì chị hai rớt luôn mấy giọt nước mắt. Trời đất ơi, không nhớ gì mà lại nhớ chiếc ghe với con rạch nước đục lờ, ở đây là Texas chớ có phải cái xứ Bố Thảo đâu! Đâu phải ở xóm Đai’n Tân hay đi chùa Wath Tum Núp (*)  đâu mà đi ghe. Bố Thảo giờ đây thì xa tít mù trời, máy bay bay một ngày trời còn chưa tới! Hai mươi năm rồi không về, còn có biết gì đâu!! Thậm chí mấy đứa cháu nói tiếng Việt trọ trẹ hỏi vậy chỗ đó có cái gì đẹp không, thì chị Hai còn không biết ở đó có cái gì đẹp để mà trả lời. Ừ thì ở đó có con rạch nhỏ xíu chảy cặp theo xóm. Ở chỗ con rạch quẹo khúc, ngay nền nhà của ông cố ngày xưa thì có cái miễu ông Tà, trong miễu chẳng có gì ngoại trừ một phiến đá bự như cái thúng phủ một tấm vải đỏ với một bát nhang khói leo heo lạnh lẽo, vậy mà ai cũng sợ ông Tà! Đứa cháu lại hỏi ông Tà là cái gì vậy… Chị Hai lại càng không biết! Bác Hai ngồi buồn xo cúi gục cái đầu bạc trắng hồi lâu rồi lẩm bẩm một mình: “Mô Phật, đừng hỗn! Không phải cái gì mà là ông gì! Ông đất đai đó biết hông! Thờ đất đai đó biết hông! Đứa cháu lại thắc mắc đất thì sao lại thờ, sao thờ cục đất mà kêu cục đất là ông!? Ông Hai chẳng buồn nghe, hoặc giả sử ông có nghe thì ông cũng không trả lời, vì chính ông cũng bỏ đất mà đi đó thôi! Lòng ông buồn thắt cả tâm can!


Câu chuyện đó tình cờ tôi được biết do hóng chuyện, khi chị Phi Loan – là con gái của Bác Hai tôi – kể lại cho Bác Ba tôi nghe, nhân về dịp thanh minh! Câu chuyện làm tôi nhớ mẹ tôi hồi xưa cũng gần giống như bác gái tôi vậy, nhưng lúc ấy tôi còn nhỏ lắm, mới chỉ 12 tuổi. Mẹ tôi theo Kháng Chiến, rồi có chồng, phiêu bạt tới tận nơi rừng sâu nước mặn muỗi mòng bay có giề U Minh Hạ, sống với nỗi nhớ nhà thiết tha. Tới chừng ba tôi mất mới dẫn tôi về quê ngoại Bến Tre. Nhà ông ngoại bà ngoại bây giờ chỉ còn là mái lá cột chôn rệu rã. Cái xác nhà ba gian vách ván bổ kho trước kia đã bán cho người khác. Mẹ dẫn tôi đi tìm mướn nhà, đi loanh quanh trong thị xã Kiến Hòa cả buổi, tới đứng trước một cái hàng rào leo đầy dây mồng tơi với những chùm trái nhỏ nhỏ màu tím, qua khoảnh sân đầy cỏ là một gian nhà gỗ lợp ngói âm dương. Mẹ nắm tay tôi run run, mắt đỏ hoe, môi lắp bắp hồi lâu: Nhà cũ của ông ngoại đó con. Mẹ đứng đó hoài, chôn chân xuống đất, nhìn thẫn thờ cái nhà như bị thôi miên, tôi lắc lắc cánh tay của mẹ đòi đi nữa nhưng mẹ chỉ lặng thinh. Rốt cuộc thì mẹ cũng về cất một cái nhà nhỏ bên một con rạch cùn. Ai cũng nói phong thủy ở đó không tốt, ở đâu không ở lại ở chỗ sơn cùng thủy tận! Mặc kệ, mẹ chỉ muốn ở đó, trên miếng đất trước kia là nhà ông ngoại, miếng đất có cái sàn nước của ông ngoại, miếng đất có mấy gốc trầu không của ông ngoại, miếng đất có mấy cội mai già của ông ngoại! Thậm chí sau tết Mậu Thân, cái nhà của mấy mẹ con bị trực thăng bắn nát tanh banh, cháy sạch sẻ, mẹ cũng gom lại mấy cái đố cửa cháy loang lỗ đen nhẻm dựng lại cái nhà ngay chỗ cũ. Mặc kệ đêm nào cái nhà tạm bợ đó cũng lãnh vài loạt đạn ghim đầy trên vách. Mặc kệ đêm nào cũng phải ngủ trong hầm, sợ và ngộp gần chết! Ấy là cái tình với đất, ấy là cái tình của cây mít mẹ trồng xuống chờ một năm kia con cháu hái một quả ngon. Và khi tôi lớn lên, cưới vợ cất nhà, thì mẹ dặn đi tới đâu - ở đâu cũng nhớ phải cúng đất đai nghe con! Tin hay không tin vào những điều huyền bí, tôi cũng vâng lời mẹ mà thành kính với đất đai, thắp ba nén hương mà xin với những bậc tiền hiền, những người mở đất, những anh hùng liệt sĩ đã gìn giữ đất nước, những vong hồn xiêu lạc độ trì cho tôi ở trên mảnh đất từng là công khai mở chăm sóc của những người đó!

Tết đã gần kề. Mấy cây mai ngoài sân không kịp trải lá đã bung những đóa hoa vàng lộng lẫy trong nắng. Người ta đã bàn với nhau ngày đi quét mộ cho ông bà. Sửa soạn cho phần mộ ông bà được sạch sẻ để ông bà cũng đón tết. Và khi tôi ngồi quét vôi cho ngôi mộ của mẹ, tôi sẽ thầm khấn Mẹ ơi, mẹ cũng đón tết nghe.



Khi người ta đi xa, người ta nhớ đất nhớ nước! Đất dung chứa và nước nuôi dưỡng tâm hồn của người ta, để người ta không cảm thấy bị lạc loài, để khỏi phải buồn một ngày kia “Ở một góc không ai để ý /Gió cũng tìm lối khác bay qua”



(*) Chùa Wath Tum Núp nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa,
 cách thành phố Sóc Trăng chừng 5 Km.