Buổi sáng không đi dạy, mở máy tính
ra đọc Tuổi Trẻ Online, có một tin bài “buồn
thiu”: Nỗi tuyệt vọng của xóm bắp ngô (bài của Huệ Bạch). Bài viết về những phận
đời của những xe bắp ế, mà ế vì những tin đồn người ta nấu bắp với pin đã qua
sử dụng, với hóa chất để trái bắp luộc xem “bắt mắt”. Bài viết ấy gây cho mình
hai xúc cảm:
- Buồn
bực:
Mình rất thích ăn bắp, nhất là những khi đi chơi hay đi đâu đó về trên
đường khuya. Một chiếc xe bắp luộc với những trái bắp nếp ủ trong túi nilon,
trong thúng, nóng hổi bốc hơi nước nghi ngút là một lựa chọn rất “ấm lòng”. Vậy
mà gần đây mình cũng đành từ bỏ sở thích đó chỉ vì những tin đồn người ta nấu
bắp với pin đã qua sử dụng. Và những xe bắp thường thấy trong thành phố Bến Tre
gần đây cũng không còn thấy nữa. Về đâu những xe bắp đó? Về đâu những mảnh đời
tối tăm gắn với những xe bắp đó? Người tiêu dùng bây giờ đã trở thành “những
người tiêu dùng khôn ngoan” như lời khuyên của các cơ quan chịu trách nhiệm về
an toàn thực phẩm sau khi các cơ quan này phủi tay về khả năng kiểm soát an
toàn thực phẩm! Báo chí thì thông tin nửa vời! Nợ có đầu oan có chủ nhưng thông
tin về an toàn thực phẩm nhiều khi chỉ là thông tin thiếu địa chỉ, không khoanh
vùng cụ thể, không đầy đủ nên những người chịu thiệt hại nhiều nhất hóa ra lại
là những người lao động hiền lành, chơn chất, ngay thẳng và… nghèo. Một ít đại
gia về nhà đất “ăn đã đời, chơi lút cán” thua liểng xiểng vì bây giờ nhà đất bị
đóng băng thì lắm kẻ có quyền, có chức, có tiếng nói, í ố đòi giải pháp “gói
cứu trợ” ngàn tỉ để họ “khỏi chết”. Biết bao dân nghèo lao động cần những giải
pháp cho công ăn việc làm của họ - trong đó có giải pháp về an toàn thực phẩm -
nhưng hình như họ chỉ là những công dân hạng hai, không đáng để quan tâm! “Cái
chết” của họ hình như không làm bề mặt cuộc sống gợn sóng, không làm cho cái vẻ
lộng lẫy của phố thị mặt tiền bớt đi chút lung linh nào! “Cái chết” của họ là ở
trong những con hẻm, trong những con đường không số phố không tên, trong những
làng quê tối tăm. Những “cái chết” ít tiền, ít ồn ào, và… chết chậm hơn các đại
gia! Một thúng bắp không còn bán được, một vài con heo, con gà bị thông tin về
dịch tể đe dọa không bán được, mấy rổ trái cây rau củ bị nguy cơ nhiễm thuốc
bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng,… có là bao, có ăn thì cũng… "còn
lâu" mới chết! Chờ đó! Khi nào quan rảnh thì quan sẽ xem xét có giải pháp cho!
Còn bây giờ ăn cháo đi!
- Buồn nhớ:
Mình thích ăn bắp đôi khi còn vì nhớ bà ngoại. Đó là bà ngoại vợ của
mình. Cái thời mình chỉ là một anh giáo nghèo kiết xác thì nhờ bà thương mà
mình mới cưới được vợ. Vợ mình lúc đó ở nhà của bà và do đó coi như mình thường
xuyên đến “làm rể” ở nhà bà. Nhà bà có một mảnh rộc đâu chừng hai công đất
quanh năm trồng đủ thứ hàng bông: bắp, dưa gang, đậu phộng,… Đến mùa bắp, về sáng
khi nào nghe tiếng mõ công phu đằng chùa vọng lại bà cũng gọi: Bình ơi, dậy đi
con, phụ với bà… Thế là mình lồm cồm bò dậy, ngồi “say ke” trên bộ ván, bó gối
nhìn xuống chái sau nhà có nồi bắp to đùng đang sôi ùng ục trong ánh lửa bập
bùng. Trong đêm hơi, mùi bắp nấu lan tỏa khắp mái nhà, thơm và ngọt dịu. Bà dọn
ra nồi cơm nóng với dĩa cá kho cực ngon: Ăn đi con rồi phụ với ngoại… Ăn cơm xong,
làm thêm một trái bắp dẻo và nóng, uống một ly cối nước bắp luộc ngọt tới chân
răng là bà đã sắp xong bắp luộc vào hai cái thúng. Lấy lá chuối phủ lên để ủ
cho nóng. Bà đi trước – dáng gù gù - quơ
quơ cái đuốc lá dừa, tôi lẻo khoẻo lẽo đẽo theo sau với gánh bắp trên vai. Trời
ạ, gánh bắp vừa nấu xong, còn nong nước nóng hổi, nặng tàn bạo! Trong đêm sắp
tàn, hai bà cháu tất tả đem bắp ra chợ xã. Con đường đất cát không dài mấy, chỉ
chừng non hai cây số, còn tối mịch, thỉnh thoảng nghe tiếng xe ngựa chạy lịch
kịch kế bên, gánh bắp của miếng cơm manh áo (và trong chừng mực nào đó là của
mối tình của tôi đối với nàng) lặng lẽ quanh co trên nẻo đường quê!