Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

Gởi một tiếng đàn...



Mấy tuần nay, tối thứ bảy nào cũng cầm guitar đến chơi vài bản nhạc cổ điển ở quán cà phê Nhật Nguyệt. Bàn tay chai sần lâu nay quen làm cỏ, làm đất nên tiếng đàn đã thô ráp chứ không còn linh hoạt mượt mà như ngày xưa. Tự biết vậy nên phải tập lại rất nhiều, rất khổ sở mà vẫn có bản đàn vấp và không rõ tiếng. Vài nốt nhạc nào đó đáng lẽ ngân lên như tiếng giọt lệ rơi trên trái tim đang thổn thức lại nghe lạo xạo như đang nhai sạn thì rất khổ lòng! Những bản nhạc trình tấu như vậy khi đàn xong thì buồn lắm!
Quán cà phê có một cái thính phòng nhỏ vừa đủ để có thể “đàn mộc” mà không phải tăng âm điện tử (Nghe guitar cổ điển mà phải dùng ampli thì không có gì chán hơn!). Khách nghe nhạc lưa thưa (vì khách uống cà phê mà buộc phải im lặng vài giờ liền để thưởng thức một thứ nhạc rất kén người nghe, và nghe với thái độ trân trọng thì chỉ những kẻ đam mê lắm mới chịu nổi). Chẳng có cát sê mà lại còn tốn tiền cà phê, nhưng các bạn đàn vẫn nghiêm túc trình diễn. Cũng chẳng phải để biểu diễn tài năng gì, chỉ là đến và đặt lòng mình lên phím đàn gởi đến ai kẻ tri âm.

Dù là tiếng đàn của kẻ đã ngoài 60 - ngón tay nhấn nhá đã có phần run rẩy-  diễn đạt một xung đột nội tâm sâu sắc hay của một điệu tango yêu đương nồng cháy của bạn trẻ đang tuổi đôi mươi thì cũng đều là những tâm tư được trao gởi. Đến đàn để giữ cho nhau lòng yêu đàn và như một nhà văn nhà thơ nào đó đã nói… “Âm nhạc có thể làm cho ta sống lại những khoảnh khắc tưởng đã chìm vào quên lãng, làm sống lại tình yêu tưởng đã phôi pha…”




Chút lòng tử tế.



Về chẳng được mấy hôm rồi lại phải đi nhiều! Vườn tược cỏ mọc um tùm làm mãi không xong mà bạn bè và bà con “mỗi-nơi-tình-một-chút” nên cũng không thể trốn mãi trong vườn làm bạn với cỏ lác. Lại phải xách xe chạy đầu này đầu kia…
Xem ra năm tháng đã làm cơ thể cũng hư hao ít nhiều nên chỉ mới vài năm trước còn có thể cầm cương con ngựa sắt chạy một mạch hơn 300 cây số về Cà Mau mà thấy vẫn khỏe re, nay chạy lên xuống Thạnh Phú mỗi bận chỉ hơn 40 cây số mà phải dựng xe nghỉ dọc đường mấy lần vì ê ẩm quá. Thì tùy duyên vậy… khi nào cảm thấy ê ẩm thì liệu xem chỗ nào có bóng mát, tấp xe vô lề, đi tới đi lui một chút cho đở… ê. Thấy có cái chòi nhỏ bên lề đường không có ai bèn bước vào. Cái chòi trống trơn không có gì đáng nói nhưng đứng một lúc thì phát hiện sau lưng mình có cái chum nước. Cứ nhìn đăm đăm cái chum nước mà lòng rưng rưng cảm động. Cái thứ này lẽ ra đã tan biến với thời gian, sao lại còn ở đây!? Chỉ là một cái chum nước mưa đậy kỹ và một cái chén nhỏ để kẻ-không-quen lỡ độ đường giữa nắng trưa giải khát.
Cái chum cũ kỹ mang một việc thiện nhỏ nhoi, là một chút lòng tử tế còn sót lại trong một xã hội tràn đầy chụp giựt, bất an, mạnh ai nấy lo! Tôi đồ rằng trong căn nhà đặt cái chum này hẵn là có hai ông bà già nói nhỏ nhẹ với con cháu… Con ơi, sống phải có chút lòng nghe con!