Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

ĐÊM NHẠC




Em cất tiếng
Hát những lời mê sảng
Tiếng đàn tôi
Chìm giữa chốn hư vô
Bập bùng đâu đây tiếng trống bongo
Xa lạ quá!
Trái tim tôi giãy giụa.
*
**
Đêm cuối năm
Ngoài kia sương lạnh giá
Ánh đèn màu, em tím ngắt ma trơi
Bàn tay tôi đỏ máu phím chơi vơi
Đua thanh điệu xếp hàng trên giá nhạc.
*
**
Giai điệu ấy
Những tiếng than hư vọng
Hò xang xừ xê cống… nỗi thương đau!

eùf

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

GỞI ĐẾN BẠN ĐỒNG MÔN.





Cuối năm viết một bài góp mặt, cũng đăng
về một chút tâm tình của những học trò 
ngày nào giờ đã thuộc lớp U60, U70. 


Lỡ hẹn

          Vương Đức Bình

Cuộc đời là bể cả, là dòng sông,
Như con nước lớn nước ròng
Mà ta như chiếc lá khô
Nước chảy rời nguồn, lá đành trôi theo.. 
(Trầm Tử Thiêng – Trộm nhìn nhau)

Kỷ niệm là thứ sống dai kinh khủng, nó giống như một thứ hoa dại mà cuộc đời đã gieo hạt vào tâm trí. Hạt của hoa nằm yên đâu đó trong quên lãng nhưng chỉ cần một cơn mưa rào là có thể đua nhau nẩy mầm kết nụ… và trong một khoảng khắc, đột nhiên người ta có thể thấy mình lại đứng giữa đúng vườn cũ năm xưa. Ngày tuổi trẻ - khi người ta có cảm tưởng mình có thể đi xa vạn dặm không mỏi mệt và có thể đạt bất cứ điều gì mình muốn nếu có đủ quyết tâm, khi người ta có thể đốt cháy mình với tình yêu say đắm và sẵn sàng bước qua được mọi trở ngại – thì người ta hay nói bằng thời tương lai nếu không phải là chỉ bằng thời tương lai. Ngày tuổi trẻ người ta nói ngày mai làm cái gì, ngày mai đi đâu, ngày mai gặp ai, ngày mai ăn cái gì .v.v. Cho đến một ngày, những “ngày mai” đó chất chồng trong kí ức. Những “ngày mai” nở hoa và những “ngày mai” hư mục đóng thành lớp lớp rong rêu ẩm mốc. Người tuổi trẻ ngày đó bây giờ chuyển sang dùng thời quá khứ hồi nào không hay. Người ta âu yếm quá khứ đến nỗi con cái bực dọc: “Làm ơn dùm con đi mà!...Ba/Má đừng bắt đầu câu chuyện bằng chữ “hồi đó” nữa…” Ơ hơ! Một giọt nước mắt rơi trong lòng, giống như bị ai bóp nghẹt trái tim mình vậy!



Bây giờ mọi thứ mau thay đổi lắm. Đi đâu vài ba tháng trở lại đường cũ có khi còn tìm không ra chỗ quen. Nhà cửa đường xá lạ hoắc! Bến đò cũ không còn, cây phượng cũ mái trường xưa không còn, tà áo trắng hồi đó không còn và người xưa cũng chưa chắc đã còn! Thì biết vậy nhưng có người cũng muốn tìm về! Ai cũng biết cuộc đời hợp tan vô thường nhưng ai cũng khao khát cái vĩnh hằng kỷ niệm. Th. cũng vậy, lòng chừng đã nguội nguội rồi nhưng cũng còn cục than ấm ấm đâu đó dưới tàn tro. Rời xa mái trường đã mấy chục năm. Bươn chải kiếm sống mệt nhoài. Đôi khi cũng nghĩ về trường cũ thầy cô xưa, năm mười năm cũng có dịp đi ngang qua cổng trường, nhưng người xưa cảnh cũ đã biến đổi nhiều theo thời gian. Câu đối “Hàm dưỡng nhân luân…” bây giờ không còn, hồ Chung Thủy nghiêng dốc với bờ cỏ êm mát không còn. Bờ hồ bây giờ đẹp hơn hồi xưa, đường ven hồ sạch và rộng hơn, nhưng cảm giác thân quen thì ít mà cảm giác lạc lõng thì nhiều. Đó là tâm cảnh về một quá khứ bị đứt đoạn. Bởi vậy mà buổi sáng Th. còn chần chừ nửa không muốn đi, nửa nghe trong lòng giục giã một cuộc họp mặt. Đã lấy ra cái áo ướm vào người rồi bỏ xuống, lòng tự hỏi: Đến để tìm lại điều gì đây!? Cho đến khi nghe con nhỏ cháu hát ghẹo: “Nếu có ước muốn trong cuộc đời này, hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại!..”[1] thì Th. mới tìm được cho mình cái lí do…

Th. đứng nép bên cổng quán Nhường Trà, hơi khác lạ so với mọi người đang ồn ào vui vẻ ra vào. Bây giờ đứng ở đây Th. không nghĩ rằng có thầy cô nào còn nhớ đến mình. Thầy cô nào đến Th. cũng chào, hỏi thăm sức khỏe. Thầy cô vui lắm nhưng… ai cũng hỏi Em tên gì!? Hồi đó em học lớp nào!? Điều đó cũng thường thôi vì có biết bao nhiêu thế hệ học trò làm sao thầy cô nhớ cho hết, nhất là hồi đi học Th. vốn trầm lặng, ít giao du, học dở và hồi nào cũng ngồi khuất ở góc bàn cuối lớp. Cũng chẳng thấy bạn nào quen. Những bạn thân trôi dạt chân trời góc biển, tha phương cầu thực như Th. thì hy vọng gì gặp lại hôm nay. Những đứa còn ở quê thì cũng đã lên chức bà ngoại bà nội, chắc lo bồng cháu tối mặt tối mày. Bước vào trong kia thì bắt chuyện với ai và biết nói chuyện gì!? Thôi thì cứ đứng đợi ở đây biết đâu gặp người quen...

    Rốt cuộc rồi Th. cũng gặp người quen, nhưng không phải người quen Th. thầm chờ đợi. Người quen là con nhỏ bạn thân hồi đó ngồi bàn trên, trước mặt Th. Con nhỏ nhớ Th. thiệt là hay, còn Th. phải ngờ ngợ nhíu mắt hồi lâu mới hình dung ra được cái bà đang đứng trước mặt mình là ai. Ôi trời hơn 40 năm rồi còn gì. Coi kìa con nhỏ hoa khôi của lớp bây giờ tóc bạc lòa xòa và gầy khọm! Bà hoa khôi vồn vã:
-         Trời ơi sao đứng đây, lâu quá mới gặp bà, đi đâu mà biệt tăm biệt tích…
Th. cười lặng lẽ:
-         Thì còn chờ…!  
  Bây giờ thì bà hoa khôi lại nheo đôi mắt đầy dấu chân chim nhìn Th. hồi lâu… Có lẽ là rất lâu! Để đọc được điều gì trong tim một người thì phải tốn rất nhiều thời gian, và cũng phải biết cách đọc nữa…

Bà hoa khôi thở dài:
-         Rồi, biết rồi! Hồi đó…
Th. cảm thấy nghẹn thở:
-         Không phải…
Cái gì không phải!? Thật là người ta nhiều khi còn chẳng hiểu nổi chính mình nữa. Có lẽ Th. định nói không phải mình đến để chờ. Đã hết thời để chờ, đã hết thời để dùng thời hiện tại, đã hết thời để muốn sửa lại điều gì. Dòng sông đã rẻ nhánh và nước đã xuôi hai dòng. Có lẽ Th. đến để hỏi, hay đến để trả lời! Câu hỏi mấy chục năm qua không hỏi được hoặc câu trả lời mấy chục năm qua chưa trả lời được.

Bà hoa khôi nói:
-         Thôi bà đứng chờ đây. Tui vô chào thầy cô chút. Vái trời bà gặp lại… Năm trước ảnh có đến mà.
Th. lại đứng chờ đó. Khi bà hoa khôi trở ra thì Th. đã về hồi nào rồi. Ảnh cũng không đến. Gió chướng thổi bay cuộn tròn mấy cái lá khô trên lề đường. Một mùa xuân khác lại sắp đến.

Bởi vậy sau cái cuộc đó bà Th. bị mấy đứa cháu nói bả muốn tâm thần rồi vì đi đâu cũng hay lẩm bẩm những khi buồn tình:

Trăm năm đã lỡ hẹn hò…
Cây đa bến cũ, con đò khác đưa!

Kèm theo một cái nhếch mép hài hước buồn héo quắt…


--------------------------------------------------------------------------------------
[1] Mong ước kỷ niệm xưa – Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Phương.

Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

NGƯỜI ĐÀNG HOÀNG.





Mấy hôm nay dọn vườn, đốn bớt 5 cây dừa lão và mấy cây hoa bằng lăng. Buổi chiều đang dọn dẹp cây lá ngổn ngang bỗng chiếc xe cút-kít bị xẹp bánh. Không có chiếc xe cút-kít và cái ba-lăng thì thân già đơn độc vô phương xoay trở với mấy khúc cây to đùng, nặng cả tạ. Tháo cái bánh xe chạy xuống chợ Cầu Bà Mụ kiếm chỗ vá ruột. Trong khi rãnh rỗi chờ thợ vá lại lỗ thủng thì ngồi hóng chuyện ngoài chợ cho đở sốt ruột.

Là một cái tiệm sửa xe rất bầy hầy, trong tiệm có 4 người, có vẻ đều là anh chị em ruột: Một cô gái chừng đôi mươi xanh xao giống như thiếu ăn, một chú nhỏ ốm nhom đang ngồi chồm hổm loay hoay tháo lắp một chiếc xe gắn máy cũ xì gỉ sét và dơ không thể tả, một chú nhỏ khác đang vá ép cái ruột xe và một chị đâu chừng ngoài ba mươi có vẻ đẹp của một đóa hoa lan héo. Mấy chị em đang cãi nhau kịch liệt bằng thứ ngôn ngữ… rất bình dân! Tôi chẳng biết tên người nào nên gọi họ là cô em, cô chị và chú em, chú anh vậy.

Cô em có vẻ là em út, dáng điệu mệt nhọc yên lặng suốt cuộc cãi vả. Cô chị ngồi ẹo trên cái ghế đá, cầm trên tay xấp vé số, nét mặt thất sắc.
Chú em càu nhàu:
-         Chị còn mấy tờ?
Cô chị đáp:
-         Hăm lăm tờ.
Chú em nói sẵng:
-         Bà còn ngồi đó đi… Giờ này sổ số gần xong rồi! Cho bà chết luôn! Mẹ kiếp… chiều nay ăn cơm với muối.
Tôi thấy gương mặt cô chị càng thất sắc hơn và lại càng co rúm lại trên chiếc ghế đá. Chú anh quạo quọ:
-         Bà bán lại cho tôi 4 tờ đi.
-         Mầy trả tao mấy ngàn?
-         Hai chục ngàn.
-         Vậy tao lấy gì ăn!
-         Thì tui là em ruột của bà, tôi mới lấy dùm bà mấy cái vé đó, gần hết giờ sổ số rồi kìa. Bà không chịu hả. Tui kệ bà… cho bà ăn cơm với chao luôn.
-         Đây nè. Đồ quỷ phá chùa…
-         Hi hi… vậy bà ăn chao với dưa leo được rồi.
Họ im lặng một hồi. Cô chị nói:
-         Bây tính giùm tao coi hồi sáng tao lấy 150 tờ. Giờ còn 25 tờ vậy là bán được bao nhiêu tiền! Có lời không!?
Chú em phát quạu:
-         Tui nói cho bà biết. Bà không biết chữ, không biết tính, có ngày bà mạt kiếp luôn!
-         Thôi tính dùm tao đi mà!
Chị em họ ngồi tính nhẩm tới nhẩm lui rồi ngồi đếm cuộn tiền cô chị xổ ra. Tôi cũng không để ý xem họ tính như thế nào nữa vì lẽ chú anh đã quăng cái vỏ xe của tôi qua một bên để tham gia cuộc tính toán. Tôi hơi bực mình vì trời sụp tối nhanh mà đống cây lá của tôi phải để qua ngày mai thì rất phiền! Chú anh gạt bà chị và chú em ra để đếm tiền, xong thừ người hỏi:
-         Đâu đủ tiền! Bà bán được bây nhiêu tờ? Sao có bây nhiêu tiền?
Chú em giơ nắm tay lên chỏ miệng vô:
-         Rồi… bà bị người ta gạt nữa rồi! Cái đầu bà có bây lớn nè. Đồ ngu.
-         Ờ… tao quên. Hồi sáng tao có đổi vé trúng cho người ta. Hết ba trăm năm chục ngàn, mà người ta biểu đừng đưa tờ vé số cho ai, đừng nói với ai.
-         Trời ơi… rồi bà có đọ lại vé số không đó!?
-         Không. Người ta nói đưa tiền cho người ta vậy là đủ rồi!
Chú nhỏ lại giơ nắm tay lên:
-         Trời ơi ngu ơi là ngu… tui nói cái đầu bà có bây lớn nè!
Chú nhỏ khuỳnh hai cánh tay ra như cái thúng:
-         Còn cái đầu người ta bây lớn nè. Bà bị người ta gạt rồi.
Chú lại nhại nhại một điệu nhạc:
-         Chiều nay ăn cơm với muối vì con má quá ngu… tèng teng!
Cô chị buồn xo chống chế:
-         Người này không phải vậy đâu. Người này tao biết mà, quen mà. Người ta đàng hoàng mà. Người ta bỏ áo vô quần mà!!!
-         Ai mà đàng hoàng. Đàng hoàng ăn giựt của bà thì có.
Cô chị mân mê cái túi áo, lận lận cái túi hồi lâu. Mấy đứa em im lặng và chú anh đá cái vỏ xe của tôi văng vô cái thau nước dơ hầy. Thiệt hết biết! Nhưng tôi không muốn nhào vô chuyện của chị em họ làm gì.
-         Đàng hoàng! Đàng hoàng cái gì… bà đưa tui cái vé số đó tui dò coi! Má ơi là má!
Gương mặt cô chị hình như tái hơn, thất vọng, môi mím lại, đưa tờ vé số xếp kỹ trong túi cho chú anh. Chú anh móc cái điện thoại di động mốc meo bẩn thỉu bấm bấm hồi lâu rồi ré lên:
-         Cái này đâu phải giải bốn trăm ngàn. Tờ này trúng giải một triệu mà.
Gương mặt cô chị giãn ra:
-         Thì tao nói người ta đàng hoàng mà!
May mà “người ta đàng hoàng” chớ không thì cái bánh xe của tôi bị thêm một cú đá nữa chớ chẳng chơi…



Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Của đất




  1. Trước đây vườn nhà trồng chanh nhiều, say trái và trái rất đẹp. Mấy chục gốc chanh tới mùa thấy mà ham.  Hai chục trái là được một kí chanh rồi. Có một lần ông Hai hái mấy giỏ chanh nặng kịch đeo lên xe đạp cho bà Hai đem ra chợ bán. Hái chanh rồi thì phải bồi mương. Cái công đoạn này là khổ sở nhất! Nhánh chanh khô đầy gai rụng xuống mương, cứ mỗi lần đưa gàu xúc xuống lớp bùn dưới mương thì y như rằng hai bàn tay và hai cánh tay phải chịu vài vết xước máu chảy ròng ròng. Cũng may mà da thịt ông Hai lành tính hoặc do đất lành hay sao mà chỉ cần khoác nước rửa mấy vết thương rồi đắp lên một cục thuốc rê cầm máu là xong. Chưa lần nào bị nhiểm trùng nhiểm độc gì! Ông Hai làm mương cả buổi mình mấy còn bê bết sình đất thì đã thấy bà Hai lịch kịch đạp xe về… Mấy cái giỏ chanh còn y nguyên. Ông Hai trợn mắt hỏi: Úy… không bán đi mà chở về là làm sao vậy!? Bà Hai đứng bần thần một hồi, rơi nước mắt nói: Trời ơi tôi thấy anh cực khổ quá. Đổ máu với mấy trái chanh này mà người ta mua rẻ quá. Có ngàn đồng một ký chanh tôi bán không đành lòng nên chở về! Ông Hai ngồi lặng thinh hồi lâu rồi càu nhàu: Vậy để ăn hết mấy giỏ chanh đó à? Chua loét bao tử luôn à! Bà Hai bảo thôi để tôi làm chanh muối! Ông Hai nín thinh ngồi xe xe điếu thuốc rê Xuân Lộc rồi thổi ra mấy bụm khói đặc quánh. Ông ngồi nín thinh lâu đến nổi cái áo ướt mèm đang mặc khô luôn hồi nào không hay. Ông ngồi đó tới nắng trưa lên đỉnh đầu. Nắng nóng phát khùng! Ông biểu bà Hai đem cái rựa ra đây cho tôi! Chi vậy!? Kệ tôi! Cái rựa làm vườn của Ông Hai bén ác liệt. Ông đi từ đầu vườn tới cuối vườn, mỗi gốc chanh ông chỉ làm 3 nhát là đổ ào xuống mương. Mấy chục gốc chanh chăm sóc bấy lâu chưa đầy nửa giờ bây giờ nằm liệt địa, nghiêng ngả… Hết vườn chanh!
Bây giờ mỗi lần kể lại ông Hai còn bồi hồi… thiệt là nhớ lại hình ảnh mấy gốc chanh nằm sóng soài tôi thương quá, chẳng khác nào chặt vô chân mình… mà tại vì hồi đó tôi phát khùng. Khùng thiệt!

  1. Hết chanh. Ông Hai lại trồng bưởi. Chỉ ít cây bưởi thôi. Không sức đâu mà tưới! Vườn đất bây giờ đô thị hóa, người ta cất nhà lộn xộn chỗ ngang chỗ dọc, mương vườn bị lấp lần hồi không còn nước sông vô ra. Cây có múi mà không có nước phù sa thì không được mấy trái! Mùa nắng phải tưới nước phông-tên. Thứ nước phông-tên chỉ giữ được cho cây đứng đó chịu trận thôi chứ nhìn cái lá cây thô ráp thấy mà thương, lá đâu có mượt mà để mong điều gì. Cũng ráng giữ mấy cây bưởi da xanh cho con cháu có thứ mà ăn, có thứ để tặng bạn bè mỗi khi giỗ chạp cúng quảy. Ông lại chẳng chịu dùng thuốc bảo vệ thực vật hay thuốc kích thích tăng trưởng. Dùng mấy thứ đó độc hại lâu dài cho con cháu và cho người khác nên ông không dùng. Mấy trái bưởi vì vậy cũng không lớn trái và cũng không đẹp. Khổ nỗi như vậy mỗi lần hái tặng ai vài trái bưởi lại phải lải nhải điệp khúc bưởi này coi xấu dáng mà ruột nó lành lắm nghe, ngọt lắm nghe… làm như ông biết lỗi vì phải hái tặng thứ xấu xí gì đó!
Bà Hai cắt củm gói ghém mấy trái bưởi đem tặng bạn. Lòng quê thì có gì trừ vài thứ cây trái. Nhìn mấy trái bưởi bạn bảo ở đây trái cây nhiều rồi để cho người khác đi. Bà Hai cũng hay – nhờ bà đi chùa nhiều rồi nên lòng thanh tịnh – không sân si gì. Thì tùy duyên thôi… thì tặng cho người khác!
Vậy nhưng hôm sau ông Hai lại nghe bà ngâm nga ca dao:
Cầm vàng mà lội qua sông
Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng…

Ông Hai nói ngạo bà Hai: Ai biểu bà cầm vàng y chi cho tiếc! Cầm vàng mạ có rơi thì bà khỏi mắc công xót lòng. Phải không!?