Tôi mang ơn thầy Huỳnh Tấn Kim Khánh,
người dạy cho tôi
biết “yêu tiếng nước tôi”,
biết viết tiếng mẹ đẻ cho đàng hoàng,
và biết cái
đẹp của ngôn ngữ.
Tôi kính dành tặng bài này cho thầy.
Tôi có một thói
quen kỳ cục. Đó là cái lối tôi hay trầm ngâm quan sát đám đông. Giữa dòng đời tuôn chảy
không ngừng, muốn nắm bắt khoảnh khắc và làm cho nó ngưng đọng trong kí ức, có
vẻ là việc vô nghĩa. Tôi đã đọc được đâu đó rằng quá khứ là điều không thể sửa
đổi, tương lai thì… phụ thuộc quá khứ, còn hiện tại thì thực sự không tồn tại!
Kệ, tôi cứ giữ thói quen của mình.
***
Sao tôi lại nói
dài dòng làm vậy!? Chẳng là tôi hay nhớ lại mái trường. Và tôi đã gắn bó với Hội
ái hữu cựu học sinh Kiến Hòa quá lâu rồi, từ hồi những năm 70 của thế kỷ trước,
khi tôi vừa rời khỏi mái trường. Và tôi còn nhớ khi đó thầy Nguyễn Hữu Năng hãy
còn phong độ lắm (và cực kì đẹp trai với đôi môi đỏ chót đặc trưng!) phụ trách
cái đám cựu học sinh bấy giờ đã là sinh viên Đại Học Khoa Học và Đại Học Sư
Phạm. Nhớ anh Nguyễn Thiện Nghệ, quê Mỏ Cày, giảng nghiệm viên khoa vật lý địa
cầu bên Đại Học Khoa Học, năng nổ, thân ái và nhiệt tình. Nhớ chị Huỳnh Thị Kim
Thoa dịu dàng hết mực nhắc nhở tôi giữ liên lạc với anh em. Cái ngày ấy đã quá
xưa rồi, đã là thứ ánh nắng nhạt phai phải không?! Thậm chí những người ấy gần
như không còn được nhắc đến trong những lần họp mặt sau này. Thì thôi! Bây giờ
có khi giật mình thấy tóc bạc quá nhiều, đầu óc lãng đãng nhớ nhớ quên quên,
nếu còn nhớ lại được chút gì đó còn ngưng đọng trong tâm tư cũng là một thứ
hạnh phúc, dù là thứ hạnh phúc tội nghiệp!
À… tôi hay quan
sát – không phải quan sát từng người riêng rẽ - mà là quan sát những nét chung
của đám đông! Xem! Trong lệ giỗ hàng năm cô Ba Sinh và thầy cô quá vãng, tôi
ngồi đó lặng lẽ, trong một góc, để ngắm từng thầy cô còn đến được, nghía vài
người bạn già… cũng còn đến được. Lòng u hoài theo giọng tụng mênh mang của sư
thầy: … Ư… chuyên vì kỳ siêu … thính pháp
văn kinh, tốc xả mê đồ, siêu sinh tịnh độ… Thì tôi ngồi đây để thính pháp
văn kinh, còn đâu là ngõ mê đồ, nơi đâu là chốn tịnh độ!? Tôi lại lơ mơ lời
kinh câu kệ, nhìn qua nhìn lại từng người, cố gắng đọc cho được nỗi niềm chung
trong đám ấy. Xem kìa! Chỉ toàn những mái tuyết sương, những khóe mắt đầy dấu
chân chim, những tấm lưng oằn gánh nặng tháng năm, những nụ cười thường khi khô
cạn, những nét ngồi im bóng mơ hồ! Lại vọng đến như từ xa cõi nào: … nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận. vô
khổ, tập, diệt, đạo,… À tôi lại nhớ…
Có những thứ rất
tầm thường mà nó làm cho mình nhớ thiệt lâu. Như tôi hồi học Kiến Hòa, ngôi
trường khi đó trông đẹp và hơi lãng mạn. Cái đẹp của thánh đường tri thức đó khi
ấy đôi khi tương phản với không gian dữ dội của cuộc chiến vẫn diễn ra hàng
ngày, không xa. Tôi đôi khi đi học vẫn phải đi ngang qua những xác người neo
dưới chân cầu Cái Cối hoặc phơi ở bến đò ngang. Trên đường đi là một quê hương tan
hoang, lỗ chỗ vết đạn, hố bom, với những vườn cây trụi lá, những hàng dừa cụt có
khi tới gốc. Quê hương khi ấy không dễ thương, dưới những vầng trán nhăn luôn là
những nỗi lo âu trắng mắt và đường đi khi mưa về luôn là những ngõ trơn lầy
lội. Thế nhưng bước tới cổng trường là thấy ngay đôi câu đối bằng chữ nho:
Hàm dưỡng nhân luân minh tuấn đức.
Hoằng khai khoa học tác tân dân
Câu đối ấy giờ
vẫn còn yên vị trước cổng trường, chỉ có điều bị phủ chìm dưới lớp xi măng khô
lạnh, chìm dưới nắng táp mưa sa của năm tháng rêu phong và những thăng trầm thế
sự. Vậy nhưng, hồi âm của câu đối ấy luôn vang trong lòng như một lời nhắc nhở
về thiên chức của nghề giáo, của nhà trường, để sau này làm kiếp một anh giáo
quèn, khó khăn vất vả nhiều phen, mà giữ cho tôi chút lòng tử tế để hoàn thành công
việc của một anh giáo tốt cho đến ngày về hưu mà không phạm lỗi lầm nào về nghề
nghiệp. Tôi không dám chắc chỉ “lương sư”
thôi thì có “hưng quốc” nổi không,
nhưng chắc rằng một nhà giáo tồi, một nền giáo dục kém thì làm hại một thế hệ
trẻ và làm hại tương lai đất nước rất nhiều.
Bước vào cổng
trường là một không gian khác. Thầy hiệu trưởng Trần Kim Quế khi ấy đã cho
thiết kế sân trường thành một công viên với những lối đi viền đầy những loài
hoa. Nhà trường trở thành một chốn thanh bình để những tâm hồn thơ dại mong manh
nuôi cấy những ước mơ đẹp đẽ cho một ngày đất nước hết binh đao. Có học trò nào
không hạnh phúc được học dưới mái trường ấy phải không?!
Một điều ngộ
nghĩnh là nhà trường khi ấy không có trống trường. Ở cuối dãy A treo một miếng
sắt dài to bự và cong vẹo (hình như được lấy ra từ chassis của một chiếc GMC
tan nát nào đó). Lúc đầu tôi ghét cái thứ kẻng kì quái và vô duyên đó. Thử nghĩ
xem, giữa một không gian êm đềm lít chít tiếng chim trong bóng mát của mấy cây
sộp già, của cây phượng xanh mướt lá non với những chùm hoa đỏ đến nao lòng, bỗng vang mấy tiếng kẻng chát chúa và khô lạnh. Rõ chán!
Ngôi trường ngày
xưa ấy giờ hầu như không còn nữa. Hoặc nó xuống cấp quá đổi để người ta phải
đập bỏ và xây lại mới, hoặc nó phải nhường chỗ cho các tên trường khác. Mỗi lần
đi ngang là tôi thấy nó đổi khác. Tâm trạng của tôi là sao à? Giống như thấy
người yêu đi lấy chồng khác vậy. Nàng vẫn ở chốn cũ, nhưng không phải là nàng
nữa, thậm chí nàng đã mang tên khác. Và mắt môi của nàng, mái tóc dài tôi từng
say đắm bây giờ xa lạ. Gió vô thường thổi qua nàng, thổi qua tôi! Không biết từ
khi nào nàng ly dị tôi, tôi ly dị nàng. Hồn tôi choáng váng vì đã từng yêu
nàng, bây giờ vẫn còn yêu nàng, nhưng không phải nàng với cánh cổng có hai vệt
xi măng thô bạo, không phải nàng với da thịt tân trang, không phải nàng với
thời trang tân kì! Đóa hoa nàng vẫn còn trong tôi nhưng tôi chỉ nhớ nàng ngày
cũ. Còn…
Ừ thì bây giờ tôi
ngồi đây nghe vọng lại trong tôi tiếng cầu kinh phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng… Tôi ôm ấp hư vọng nào mà nhớ
quá từng thầy cô, nhớ quá từng bóng cây rợp mát góc trường, nhớ tiếng đồng vọng
của câu hàm dưỡng nhân luân, nhớ những cánh hoa mỏng mảnh rung rinh trong sân
trường, nhớ cái thư viện nhỏ đầy sách quí của thầy Đỗ Quang Hạnh, nhớ tuyển tập
in ronéo của thầy dạy văn Huỳnh Tấn Kim Khánh trong đó có bài Chơi Giữa Mùa
Trăng của nhà thơ Hàn Mặc Tử tuyệt hay (tôi đọc đi đọc lại bài ấy hàng trăm lần
đến mức gần như thuộc lòng). Rồi tôi cũng nhớ thứ tôi vốn ghét… nhớ tiếng kẻng
kết thúc buổi học!
***
Hết buổi học. Ra
về. Bờ hồ nước xanh thẳm lại. Có gì đó tàn phai trong chiều nay nhạt nắng. Vừa
đi vừa lẩm nhẩm câu của Hàn Mặc Tử: Tôi
càng đi trời càng tối…
Vương Đức Bình
(Mùa trăng hạ nguơn năm
Kỷ Hợi 2019).