- Hồi đêm con nằm mơ thấy Má dẫn con với anh Hai đi chơi, Vui lắm!
- Rồi con có thấy Bà Ngoại không?
- Con chưa mơ tới khúc đó!
- Hồi đêm con nằm mơ thấy Má dẫn con với anh Hai đi chơi, Vui lắm!
- Rồi con có thấy Bà Ngoại không?
- Con chưa mơ tới khúc đó!
Ngồi nhìn mưa nhớ về
những bạn già sống lẽ loi mùa giãn cách.
(Đến BN Anh, ĐT Loan, VK Huệ, Chị Liên, Chị Mịnh) và mới đây: Cô Tiêu Dao,
MƯA THU NGÀY COVID.
Ai ôm cho ấm lòng sầu!?
Ngoài song mưa lạnh
một mầu buồn tênh.
Tiếng chim lạc tổ
chông chênh,
Bỗng dưng thảng thốt
đời mình gió chao.
(Trong vườn, 11 tháng 8 âm lịch, 2021)
Thượng dẫn.
Mùa dịch tràn lan. Tự tâm u buồn mà làm thơ chẳng ra hồn. May (!) gặp được lời thơ này của NGUYỄN DUY, là người thơ thứ thiệt.
Bà con bốn phương, cô hồn mấy cõi, nhẫn nha soi đọc, để chút lòng sẻ chia, quá độ biển trầm luân, đương thế ngộ chơn nghĩa.
Kính trình!
Thơ Thời Sự của Nguyễn Duy
Ngạc nhiên chưa! Sáng nay nắng đẹp! Làm như chưa từng những ngày (còn tiếp tục) giãn cách, làm như không đang dịch bệnh tràn lan, làm như không sợ không thấy những cuộc tử vong đau thắt cả lòng.
Nắng trong như pha lê. Hoa đua nhau nở. Cây trái tròn trịa xinh tươi. Chim chóc kêu rộn rã trong vườn. Chim ở đâu về nhiều vậy!?
Thôi thì vừa lòng với những gì đang có. Hãy để cho lòng yên tĩnh. Cầu cho lòng yên tĩnh. Tự nhủ, tự trấn an rằng mọi sự chỉ là sự... vô thường mà thôi!
Mớ rau cải xanh để cầm cự trong ngày giãn cách. |
Rau muống hôm nay có thể cắt ăn được rồi. |
Khế chua... để nấu canh chua (!) |
Cây trái sa kê này là thứ có thể cứu đói. |
Đu đủ nè, chuối hột nè. Làm ghém ăn mắm nhé! |
Rau dền Nhật Bản tốt ghê chưa. Không phải lo nồi canh trưa nay. |
(Ngày mùa dịch, ngó quanh xóm giềng...
người ta buồn lo lắm... ai cũng buồn... chia nhau những nỗi niềm...)
Lòng tôi buồn theo quê hương ngày đau đớn!Trời thì âm u, đường chẳng bóng người.Cầm cây đàn, đàn nặng quá trời ơi.Dây run rẩy xiết rên hò xang xự.///Muốn hát lên nhưng lời không thể hát.Hát lời nào... lời nào nữa... thương ôi!!!
Câu truyện này chỉ là hư cấu, lão kể cho cháu nghe để đỡ buồn lo trong mùa đại dịch, không liên quan gì những tranh cãi về nguồn cơn của đại dịch trong thực tế. Nếu thích, xin để lắng lòng mà nghe! Lão phu già rồi nên cũng biết cuộc đời có nhiều điều đẹp đẽ để mà say đắm nhưng cũng hiểu lẽ vô thường: Cuộc đời cũng đủ phù du để chẳng buồn ném đá vào chốn hư vô làm gì!
Phần 1: CÁI HỘP PANDORA.
Cậu bé còn nhỏ xíu, ngồi loay hoay với mấy mẫu lego, hí hoái ráp hình mấy con khủng long. Cậu ráp con khủng long này xong lại tháo mấy mảnh lego ấy ra để ráp thành con khủng long khác. Ông già ngồi ngoài hiên nhà, trầm ngâm nhìn vài chiếc xe thỉnh thoảng chạy qua con đường cách xa ngoài sân. Con đường ấy trước đây nhộn nhịp nhưng bây giờ vắng lắm. Mùa dịch! Người ta yêu cầu mọi người đừng ra đường trừ khi tối cần thiết. Mà dịch đang bùng phát như thế này, ai cũng sợ hãi thì ra đường làm gì! Những người chạy xe đều đeo khẩu trang y tế. Cuộc thế nhiều tháng ngày nay không vui. Người ta sống giãn cách nhau để phòng dịch, thế nên lâu rồi ông cũng không đi đâu ra khỏi nhà. Để đở buồn chán thì ông chỉ đi loanh quanh trong mảnh vườn nhỏ, hết làm cỏ lại tưới cây, mệt thì về ngồi nghỉ trong cái chòi trước sân. Lúc trước ông hay đàn nhưng bây giờ buồn quá, tiếng đàn cũng không làm ông khuây khỏa được, nên ông cũng ít cầm tới cây đàn. Ông ngồi tư lự nhưng không biết trong đầu ông có chút ý nghĩ gì không. Cậu bé chơi chán lại réo ông:
- Ông ngoại ơi! Ông biết cái con Tyrex không? Con Dinosaure đó ăn thịt hay ăn rau?
- Ờ… cái con khủng long đó ăn đủ thứ.
Ông trả lời như vậy vì quả thiệt ông cũng không biết cái lũ khủng long đó bọn chúng ăn gì. Chẳng biết bọn chúng có ăn chay như bà ngoại hay ăn mặn như ông!? Hay có khi bọn chúng ăn thịt lẫn nhau không chừng!
- Ông ngoại ơi! Ông có biết chuyện con Dinosaure không? Tại sao chúng chết hết vậy? Tại núi lửa phun hả?
- Ờ… ra đây ông kể chuyện cổ tích cho nghe. Ông biết chuyện Dinosaure mà còn biết chuyện Homosaure nữa…
- Hả!? Homosaurus là con gì?
- Là cái giống tàn bạo nhất, chúa tể của muôn loài. Tụi đó nó ăn đủ thứ - không chừa thứ gì - và cũng giết thịt nhau kinh khủng nhất.
- Hả? Tụi nó giết nhau hả? Chúa tể hả ông ngoại? Sao chúa tể được?
- Tụi đó có trí khôn con à. Khôn hơn hết thảy và… ngu hơn hết thảy!
- Kì vậy!
- Ừm… tụi đó có trí tuệ nhưng thiếu trí huệ.
- Là sao?
- Ừm… con chưa biết đâu. Thôi để ông kể cho nghe. Đừng hỏi lung tung. Hỏi nhiều quá ông quên định kể cái gì à!
- To hơn cái nhà của mình hả ông?
- Ờ… to hơn cái nhà mình nữa. Nhưng hồi đó chưa có nhà, chưa có loài người… Trên dãy núi kia – tên là núi Olympe – có một vị thần, cai quản tất cả các vị thần khác, tên là thần Zeus. Núi đó có một cái ghế thật là to, bằng đá, làm thành đỉnh núi Olympe. Thần Zeus ngự trên cái ngai đó.
(còn tiếp)
Thêm một ngày mùa dịch
Thêm vài khu cách ly
Còi cứu thương thêm nhặt
Hốt hoảng chạy tới lui
/*/*/*/
Ta ơi... người đâu vắng
Mây đen đè im hơi
Lòng người thêm nặng trĩu
Trời vẫn mưa sụt sùi!
(22-7-2021)
Ta lánh trong vườn rậm
Chặt những cành mục
Hong thành củi khô.
Nàng đun bếp lửa hồng
Khói un dày bốn phía
Nồi canh chiều đơn sơ.
***
Tóc nàng đã quá nhiều sợi bạc.
Ta đi khập khểnh trong vườn
Tư lự nhìn nàng những vết chân chim.
Thương nhau biết làm sao cho đủ!
(17-7-2021)
***
Chiều tối, chẳng
thể đi đâu trong mùa dịch, ra đứng nép ngoài balcon nhìn ra con đường trước nhà.
Mưa rỉ rả, con đường vắng ngắt, ánh đèn đường mơ-hồ-lạnh-lẽo. Nhìn qua
những tán cây thấy cái building mới xây đằng xa tối om, chỉ còn đôi đèn đỏ trên tầng thượng như giọt lệ đêm nhấp nháy, phát lời kêu cứu lên cõi trời sâu thăm thẳm.
***
Cơn dịch như quyền lực của bóng tối, âm thầm bủa vây, xiết thứ gọng kềm vô hình, ngày một bóp chặt hơi thở của thành phố. Những phố xá cửa hàng lần lượt đóng cửa, những giây giăng mắc cấm chợ cấm đường, những cửa chùa và những giáo đường đóng kín, những mặt người khốn khổ - bị đe dọa thất nghiệp đói kém - che sau cái khẩu trang - chừa ra đôi mắt sợ hãi lo lắng - e dè giữ giãn cách: Chớ lại gần nhau, chớ nắm tay nhau, thương nhau thì chớ thăm nhau. Cái câu ca dao trêu ghẹo giờ đây thành một hiện thực dở khóc dở cười: Thò tay mà bứt cọng ngò / Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ!!!
***
Ta từ hồi nào đã
là kẻ già. Thấy quê hương oằn mình trong đại dịch - lòng buồn đứt ruột - mà
chẳng thể làm được gì hữu ích!