Thứ Tư, 30 tháng 6, 2010

Trồng sen.

Có cái ao nhỏ, lúc trước thì thả rau muống, trồng bông súng và thả cá rô phi. Mấy nhà xung quanh hay qua xin bông súng về nấu canh. Cứ thoải mái nhảy xuống ao cuốn dây bông súng riết rồi không còn dây bông súng nào! Thiệt không biết phải nói làm sao cho khỏi mất lòng láng giềng! Chung quanh nhà cửa mọc lên ào ạt theo nhịp độ đô thị hóa. Mương vườn trước kia nước thông thương ra sông, bây giờ không còn đường thoát. Mùa khô phèn trồi lên đáy ao cạn nước, qua mùa mưa không thể thau chua rửa phèn được, cái ao nước trong bây giờ thành cái ao nước vàng váng phèn. Tốn không biết bao nhiêu vôi để hạ phèn. Con cá nuôi ngộp phèn chết phơi bụng. Chẳng biết kêu vào đâu bây giờ! Kiểu đô thị hóa này như cái thứ ung thư làm bẩn đất đai, bẩn cảnh quan và làm bẩn quan hệ láng giềng. Cứ nhìn bao bịch nylon bay vướng tứ tung thu gom hoài không hết là biết... nản!
Hôm nay mình trồng sen vô cái ao. Hy vọng bông sen chịu nổi nước phèn. Hy vọng vài tháng nữa sẽ có bông sen mỗi ngày để ướp trà đãi anh sui mỗi khi ảnh xuống thăm và có ngó sen để "bà xã nhà mình" làm gỏi là cái món con bé út nhà mình rất thích....
Mấy cái lá sen mới cấy xuống ao còn thưa thớt và nhỏ xíu. Biết đâu vài tháng nữa mấy em sen sẽ nở đầy và đẹp mê hồn... làm cho bà xã "hết hồn" luôn.

Chủ Nhật, 27 tháng 6, 2010

Chủ nhật ... nghe lại Sombre Dimanche


Làm gì với một mối tình tuyệt vọng ? Làm gì với một chủ nhật buồn ?
- Nghe Sombre Dimanche.



Hãy xem ánh mắt của nữ diễn viên Marozsán Erika (hungary) và Stefano Dionisi (italy - vai nhạc sĩ dương cầm) trong phim "Szomorú Vasárnap - Chủ nhật buồn".



và tiếng hát của Damia:




Lời tiếng Pháp (Do Damia hát):

Sombre dimanche... Les bras tout chargés de fleurs
Je suis entré dans notre chambre le cœur las
Car je savais déjà que tu ne viendrais pas
Et j'ai chanté des mots d'amour et de douleur
Je suis resté tout seul et j'ai pleuré tout bas
En écoutant hurler la plainte des frimas ...
Sombre dimanche...

Je mourrai un dimanche où j'aurai trop souffert
Alors tu reviendras, mais je serai parti
Des cierges brûleront comme un ardent espoir
Et pour toi, sans effort, mes yeux seront ouverts
N'aie pas peur, mon amour, s'ils ne peuvent te voir
Ils te diront que je t'aimais plus que ma vie
Sombre dimanche

Và lời Việt do Phạm Duy phỏng soạn:

Chủ nhật buồn đi lê thê cầm một vòng hoa đê mê.
Bước chân về với gian nhà với trái tim cùng nặng nề
xót xa gì? oán thương gì?
đã biết nuôi hương chia ly
Trót say mê
Đã yêu thì dẫu vô duyên còn nặng thề
ngồi một mình nghe hơi mưa, mặc lệ tràn câu thiên thu
gió hiên ngoài nhắc một loài dế giun hoài ru thương ru
ru ơi ru... hời

Chủ nhật nào tôi im hơi vì đợi chờ không nguôi ngoai
bước chân người, nhớ thương tôi, đến với tôi thì muộn rồi

Trước quan tài, khói hương mờ bốc lên như vạn ngàn lời.
Dẫu qua đời, mắt tôi cười vẫn đăm đăm nhìn về người
Hồn lìa rồi nhưng em ơi tình còn nồng đôi con ngươi
Nhắc cho ai biết cuối đời có một người yêu không thôi
Ru ơi ru hời....

(Nghe AC&M thể hiện bằng tiếng Việt)

Thứ Tư, 23 tháng 6, 2010

HOA PHƯỢNG VÀ GIÀ T.

Viết để đổi với Già T một cái bánh bao
và một chung rượu Phú Lễ.


Già T bán bánh bao. Cái thùng bánh nghi ngút hơi nước thơm phức mùi lá dứa đặt trên chiếc xe đạp lênh khênh. Đạp từ từ chạy lên chạy xuống từ Phú Hưng tới Mỹ Lòng cũng kiếm sống được tàm tạm. Khoảng đường chỉ trên dưới chục cây số nếu không kể những ngỏ vườn nhỏ không đếm xiết. Hai bên đường đầy cây cao bóng mát, xa xa lại có những cây phượng mùa này nở đầy một màu hoa đỏ thắm đến xiêu lòng. Có những khoảng nắng nhưng cũng không nhiều. Khoảng nắng nhất là khoảng qua cầu Chẹt Sậy mà thôi. Nhưng Già T lại thích nhất khoảng đó. Mùa nắng gió chướng thổi lồng lộng ngang sông An Hoá ra vàm Chẹt Sậy, vừa qua cầu là gặp ngay một cái cua quẹo với hàng dừa mát ơi là mát. Còn mùa mưa thì những sợi nước đan trên cầu không khác gì trong bức tranh “Mưa trên cầu Ohashi” của Hiroshige. Bán bánh bao nhưng tánh nghệ sĩ! Chẳng mấy lo bán được ít hay nhiều. Cứ để lửa riu riu hoài bánh có hư hỏng gì đâu mà sợ. Cũng không sợ tốn củi. Con đường này thiếu gì cành cây khô rụng. Lượm thảy vô cái thùng nhỏ bên hông chụm từ từ…

Trái tim của Già T không còn khỏe nữa và đôi khi nó đập chệch choặc. Cũng phải thôi, nó đã chạy bền bỉ lâu rồi, qua nhiều chặng đời buồn rồi, bây giờ có chạy khục khặc chút đỉnh cũng là chuyện thường tình! Ối… cuộc đời là vô thường mà, rốt cuộc cũng tới đó thôi. Tới đâu thì tới! Già T nghĩ vậy nên vẫn “nặng nợ” với chiếc xe bánh bao của mình. Khi nào cảm thấy sắp mệt, nghe trái tim mình “có vẻ sắp rộn rã!” thì Già tấp vô lề đường, dựng chống xe, ngồi xuống vệ đường nhắm mắt lại… thở và nuốt khan một viên thuốc thủ sẳn trong túi!

Hôm nay Già T ngồi nghỉ nhằm ngay khúc đường rất mát. Còn vài cái bánh. Từ nay tới chiều cũng hết thôi mà! Cứ ngồi nghỉ. Bên kia đường có một cậy phượng đẹp quá. Đang mùa hoa, phượng nở đỏ ối. Mấy con ve kêu rền rĩ. Ngồi đây ngắm cây phượng một hồi cũng đáng ! Không biết từ hồi nào người ta gán màu hoa phượng là màu hoa của học trò! Chắc tại hồi xưa mấy trường học hay trồng hoa phượng. Thấy phượng nở là thấy hè về xôn xao! Già lấy “cây củi cái” gõ cộp cộp vô thùng bánh hát vu vơ…

Màu hoa phượng thắm đôi lứa đôi nơi…

Già T cũng từng có mối tình hoa phượng, tình đơn phương mà thôi. Hồi xưa, tại cái máu mê đàn trống ca hát mà con đường học vấn dang dở. Hoa phượng nở đỏ thắm rồi nàng đi lấy chồng! Rồi bị bắt lính, đột ngột thấy mình lăn lộn trong quân trường. Thế là chấm dứt hoa phượng, chấm dứt tango, chấm dứt pasodoble, chấm dứt valse! Thay vào đó là cuộc đời lính tráng lộn xộn hải hùng A Sầu Ái Tử đủ món, bị quăng quật khắp bốn vùng chiến thuật. Rốt cuộc Già bị vô trại cải tạo hết mấy năm. Bây giờ thì rong ruỗi mỗi ngày với xe bánh bao. Già hay tự trào một cách cay đắng theo một bài hát quân hành:

Bạn ơi, quan hà xin cạn chén ly bôi.
Ngày mai tôi đã … đã đi xa rồi.
Ngày nao non nước hết đao binh,
Giữa đoàn hùng binh có tôi đi … “đầu hàng”
Tứng từng… từng tưng…

Cuộc đời đã có lúc tưởng như ở tận đáy xã hội, bị đẩy ra ngoài lề đường. Đôi lúc sầu đời tự hát cho mình nghe:

Tôi tìm ai té dưới chân vĩa hè
Tôi tìm ai té dưới chân hàng me…

Vậy đó, mỗi biến cố trong cuộc đời mình đều được Già gắn với một câu hát, một bài hát nào đó. Có khi nổi hứng Già còn hát cả bằng một thứ tiếng Pháp điệu nghệ hẳn hoi.

Mal! De la vie me fait mal
De temps en temps
Quand je regarde le soleil
Qui vole
Qui vole...

Mấy đứa nhỏ bu quanh chẳng hiểu gì hết cũng vổ tay bốp bốp hò reo: Man man, ổng man man rồi tụi bây ơi. Già Tuấn cười hiền khô múa múa khúc củi doạ mấy đứa chạy té tát..

***
Buổi chiều già lại chở thùng bánh bao của mình đi qua xóm lò gạch, ghé thăm mộ của con bé P. Đứng tần ngần nhìn nấm đất trong đám cỏ vàng úa. Con bé chẳng bà con họ hàng gì với Già. Già T biết con bé chỉ vì hồi năm nọ nó hay thích bánh bao ngọt. Khi nào Già T đạp xe qua đây má nó cũng kêu mua cái bánh. Con bé rất xinh và lễ phép. Chỉ cái tội nhà nghèo, má nó chẳng bao giờ mua bánh bao thịt cả. Nhưng cái bánh bao ngọt cũng đủ làm con bé vui rồi. Niềm vui trẻ con làm vui lây trái tim buồn đời của Già. Từ bé con bé đã hay cười hăng hắc mỗi khi nghe già gõ cái thùng bánh bắt giọng hát trệu trạo: Cháu lên ba cháu đi mẫu giáo, cô thương cháu dzì cháu hay khóc nhè ..e..è ..è. Già cũng cười hăng hắc…
Rồi tới buổi chiều buồn hiu, già T về ngang tới đây thì không nghe tếng cười của con bé nữa mà thay vào đó là tiếng trống đưa linh ba nhịp một. Phải nói là trên đời này chưa bao giờ có cái thứ nhịp trống nào buồn ghê khiếp như vậy, chưa bao giờ nghe thứ âm nhạc nào xé lòng hơn vậy. Thứ tiết điệu gồm hai tiếng thùng thùng ngắn, hoảng hốt kéo theo sau một cơn rung động dài ra như tiếc nuối khôn nguôi. Tiếc nuối chưa kịp dứt thì điểm một tiếng thùng staccato đành đoạn, tiếng thùng cuối cùng như vổ vào ngực làm nghẹn thở, kịp cho một giọt lệ mặn đắng thấm vào trái tim quắt lại! Thùng thùng… thùng nghe hoang mang cả đất trời. Đó là tiếng vỗ cánh của hư vô, là tiếng vọng cuối cùng khép lại tất cả!
Con bé ra đi khi còn quá nhỏ, chưa kịp lên lớp 11. Người lớn đi tiễn cũng khá nhưng nhiều hơn hết là bạn bè của con bé. Những tà áo dài xếp thành một hàng ven đường theo xe tang. Dẫn dắt theo sau tiếng trống, mỗi áo trắng cầm một cành phượng đỏ màu huyết dụ di chuyển im lặng như trôi đi trong chiều. Già T đứng đó, chìm trong mê lú, những đốm trắng, đốm đỏ lung linh, nhoè đi trong nước mắt. Vậy là từ đây không khi nào già được nghe lại giọng trong veo của con bé: Ông Bảy ơi! Còn bánh bao hông?

***
Trước khi ra về, Già T đặt cái bánh lên đầu mộ. Gió hiu hiu thổi. Không có nhang khói nhưng lá khô xào xạc như bước chân ai. Già khấn lâm râm: Ăn đi con, ông Bảy chừa cho con đó!
Bà T thấy chồng về, trên ghi-đông xe treo lũng lẳng một cành phượng, bèn tròn mắt hỏi luôn: Ông chở mùa hè của ai đi đâu… vậy ông trời! Già T đáp như tự nói cho mình nghe: Tui thấy nó bên đường. để nó rớt bên đường tội nghiệp!

Chủ Nhật, 13 tháng 6, 2010

THẦY ĐÃ DẠY TÔI NHƯ THẾ NÀO.

.
.
Tôi học sư phạm từ năm 1971 đến tháng 6 năm 1976, nghĩa là rơi đúng vào buổi giao thời nhiều biến động. Vào sư phạm đúng vào lúc chiến trường Quảng Trị diễn ra ác liệt và ra trường vào lúc cuộc “đổi đời” xảy ra cũng ác liệt không kém. Môi trường học đường cũng thay đổi. Nhiều năm tháng thật không dễ để đứng vững trên bục giảng. Có lúc đói đến nỗi đôi mắt không nhìn rõ bảng phấn nữa là! Đôi lúc chán nản, muốn bỏ nghề cho xong, nhưng rồi tôi vẫn còn tiếp tục được nghề nghiệp của mình là nhờ một vị thầy rất đáng kính: Thày Nguyễn Văn Trường. Tôi luôn nhớ về thầy mỗi khi cần một tiếng nói nâng đỡ đâu đó sâu thẳm trong lòng mình. Tôi thường nhớ về thầy so với các thầy cô khác vì hai lẽ: Thứ nhất vì thầy là thầy giáo hướng dẫn lớp tôi, thày dạy tôi môn số học vào năm thứ hai, và thầy cũng là người dẫn tôi đến với bục giảng đúng theo nghĩa đen của từ này. Giờ thực tập đầu tiên của tôi, thầy giới thiệu tôi với lớp 10C trường Võ Trường Toản và ngồi xem tôi giảng bài. Thứ hai, tôi nhớ thầy vì thầy là người mà tôi từng sợ “hết biết”. Môn số học của thầy, sinh viên phải nộp 3 bài tập ở nhà và làm một bài thi cuối học phần. Môn ấy đã khó, nhưng nỗi sợ của tôi không ở chỗ môn ấy khó. Tôi sợ thầy!

***

Bài nộp đầu tiên khi thầy chấm xong và đem phát lại cho sinh viên thì lạ thay chỉ có bài của tôi thầy chẳng chấm điểm mà cũng chẳng có nhận xét. Chờ đến cuối giờ học, tôi mới “khép nép” đem bài làm của mình lên hỏi thầy. Thầy cầm lấy bài làm của tôi, nhìn tôi bằng cái nhìn thân thiện nhưng câu trả lời thì ôn tồn mà hết sức nghiêm khắc: “Thầy đã cho anh bài về nhà làm, anh có khá nhiều thời gian tại sao trong bài làm của anh lại còn những chỗ bôi xóa?” Quả thật trong bài làm của tôi có nhiều chỗ tôi đã lấy thước gạch bỏ đi mấy dòng trong chứng minh. Vậy là bài làm thứ nhất tôi không có điểm nào. Không hiểu sao thầy lại không cho zéro (0)!
Bài nộp thứ hai cũng rơi vào tình trạng như bài thứ nhất mặc dù tôi phải viết đến ba lần bài viết đó để không có một chỗ bôi xóa sửa chữa nào! Cũng mang lên hỏi thầy, lần này câu trả lời là: “Trong chứng minh của anh, tại sao dấu bằng (=) ở dòng trên với dấu bằng ở dòng dưới thụt ra thụt vào vậy? Khi anh đi dạy, học sinh sẽ rất khó theo dõi chứng minh, anh phải tập viết cho ngay ngắn. Tính cách con người thể hiện trong chữ viết đấy!” Trời ơi, lần này thì tôi “phát rét”. Chỉ có ba bài làm mà hai bài tôi đã không có điểm thì kể như tiêu rồi!
Bài nộp thứ ba cũng vậy mặc dù tôi đã cẩn thận viết như in, không có một chỗ bôi xóa nào, các kí hiệu toán học ngay ngắn tăm tắp, chứng minh chặt chẽ tưởng như khó có thể chặt chẽ hơn. Lần này tôi quyết khiếu nại và nếu cần thì tranh luận với thầy về trường hợp của tôi mới được. Nhưng câu trả lời của thầy làm tôi thật sự choáng và… tâm phục khẩu phục: Anh biết không, hồi xưa thầy học với người Pháp, phải viết bằng tiếng Pháp, vì vậy thầy có viết sai chính tả tiếng Việt thì còn có thể hiểu được. Môn học này thầy giảng cho các anh bằng tiếng Việt, thuật ngữ toán học bằng tiếng Việt mà ông Hoàng Xuân Hãn đã khổ công biên soạn. Tại sao trong bài làm của anh còn có chỗ sai chính tả? Thày giáo không có quyền viết sai chính tả tiếng mẹ đẻ của mình. Anh không biết yêu tiếng mẹ đẻ của mình sao? Người nào không biết yêu tiếng mẹ đẻ của mình thì không nên làm thày giáo!
Tôi nghẹn ngào chịu ba lần quở trách của thầy và chắc chắn là mình thi hỏng môn này mất thôi! Hôm công bố điểm thi cuối học phần, thật tình tôi không dám đến xem bảng điểm, tôi chỉ ngồi xa xa dưới bóng cây me tây trong sân trường nhìn các bạn bu quanh bảng điểm mà lòng xấu hổ lắm. Khi các bạn reo lên kết quả đậu 6 sinh viên trong tổng số 21 sinh viên của lớp thì... lòng tôi “tan nát”. Nhưng bạn có biết không, tôi vinh dự là một trong 6 sinh viên đó đấy.
Thầy sống đơn giản, mặc dù lương giáo sư chắc không phải là thấp trong thời buổi đó. Thầy đi dạy bằng chiếc xe đạp cũ kỹ. Thầy mặc một cái áo vải Nil France cũ đến nỗi nó trở thành mỏng te. Có lần tôi bạo gan hỏi thầy: Trong trường giáo sư nào cũng đi xe sang trọng trừ thầy và giáo sư Thiery (!), sao thày không đi xe nào coi cho "phong độ" mà mãi đi chiếc xe đạp cũ rích. Câu trả lời như vầy: "Khi đất nước còn nghèo mà chỉ riêng mình giàu là một cái nhục. Khi mọi người đều giàu mà chỉ riêng mình nghèo cũng là một cái nhục".

***

Thày đã dạy tôi sống và làm nghề dạy học như thế đó!