- Trước đây vườn nhà trồng chanh nhiều, say trái và trái rất đẹp. Mấy chục gốc chanh tới mùa thấy mà ham. Hai chục trái là được một kí chanh rồi. Có một lần ông Hai hái mấy giỏ chanh nặng kịch đeo lên xe đạp cho bà Hai đem ra chợ bán. Hái chanh rồi thì phải bồi mương. Cái công đoạn này là khổ sở nhất! Nhánh chanh khô đầy gai rụng xuống mương, cứ mỗi lần đưa gàu xúc xuống lớp bùn dưới mương thì y như rằng hai bàn tay và hai cánh tay phải chịu vài vết xước máu chảy ròng ròng. Cũng may mà da thịt ông Hai lành tính hoặc do đất lành hay sao mà chỉ cần khoác nước rửa mấy vết thương rồi đắp lên một cục thuốc rê cầm máu là xong. Chưa lần nào bị nhiểm trùng nhiểm độc gì! Ông Hai làm mương cả buổi mình mấy còn bê bết sình đất thì đã thấy bà Hai lịch kịch đạp xe về… Mấy cái giỏ chanh còn y nguyên. Ông Hai trợn mắt hỏi: Úy… không bán đi mà chở về là làm sao vậy!? Bà Hai đứng bần thần một hồi, rơi nước mắt nói: Trời ơi tôi thấy anh cực khổ quá. Đổ máu với mấy trái chanh này mà người ta mua rẻ quá. Có ngàn đồng một ký chanh tôi bán không đành lòng nên chở về! Ông Hai ngồi lặng thinh hồi lâu rồi càu nhàu: Vậy để ăn hết mấy giỏ chanh đó à? Chua loét bao tử luôn à! Bà Hai bảo thôi để tôi làm chanh muối! Ông Hai nín thinh ngồi xe xe điếu thuốc rê Xuân Lộc rồi thổi ra mấy bụm khói đặc quánh. Ông ngồi nín thinh lâu đến nổi cái áo ướt mèm đang mặc khô luôn hồi nào không hay. Ông ngồi đó tới nắng trưa lên đỉnh đầu. Nắng nóng phát khùng! Ông biểu bà Hai đem cái rựa ra đây cho tôi! Chi vậy!? Kệ tôi! Cái rựa làm vườn của Ông Hai bén ác liệt. Ông đi từ đầu vườn tới cuối vườn, mỗi gốc chanh ông chỉ làm 3 nhát là đổ ào xuống mương. Mấy chục gốc chanh chăm sóc bấy lâu chưa đầy nửa giờ bây giờ nằm liệt địa, nghiêng ngả… Hết vườn chanh!
Bây giờ mỗi
lần kể lại ông Hai còn bồi hồi… thiệt là nhớ lại hình ảnh mấy gốc chanh nằm sóng soài tôi thương quá, chẳng
khác nào chặt vô chân mình… mà tại vì hồi đó tôi phát khùng. Khùng thiệt!
- Hết chanh. Ông Hai lại trồng bưởi. Chỉ ít cây bưởi thôi. Không sức đâu mà tưới! Vườn đất bây giờ đô thị hóa, người ta cất nhà lộn xộn chỗ ngang chỗ dọc, mương vườn bị lấp lần hồi không còn nước sông vô ra. Cây có múi mà không có nước phù sa thì không được mấy trái! Mùa nắng phải tưới nước phông-tên. Thứ nước phông-tên chỉ giữ được cho cây đứng đó chịu trận thôi chứ nhìn cái lá cây thô ráp thấy mà thương, lá đâu có mượt mà để mong điều gì. Cũng ráng giữ mấy cây bưởi da xanh cho con cháu có thứ mà ăn, có thứ để tặng bạn bè mỗi khi giỗ chạp cúng quảy. Ông lại chẳng chịu dùng thuốc bảo vệ thực vật hay thuốc kích thích tăng trưởng. Dùng mấy thứ đó độc hại lâu dài cho con cháu và cho người khác nên ông không dùng. Mấy trái bưởi vì vậy cũng không lớn trái và cũng không đẹp. Khổ nỗi như vậy mỗi lần hái tặng ai vài trái bưởi lại phải lải nhải điệp khúc bưởi này coi xấu dáng mà ruột nó lành lắm nghe, ngọt lắm nghe… làm như ông biết lỗi vì phải hái tặng thứ xấu xí gì đó!
Bà Hai cắt củm
gói ghém mấy trái bưởi đem tặng bạn. Lòng quê thì có gì trừ vài thứ cây trái.
Nhìn mấy trái bưởi bạn bảo ở đây trái cây nhiều rồi để cho người khác đi. Bà
Hai cũng hay – nhờ bà đi chùa nhiều rồi nên lòng thanh tịnh – không sân si gì.
Thì tùy duyên thôi… thì tặng cho người khác!
Vậy nhưng hôm
sau ông Hai lại nghe bà ngâm nga ca dao:
Cầm vàng mà lội qua sông
Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng…
Ông Hai nói
ngạo bà Hai: Ai biểu bà cầm vàng y chi cho tiếc! Cầm vàng mạ có rơi thì bà khỏi
mắc công xót lòng. Phải không!?
5 nhận xét:
Thương người trồng cây!
Thương người ...lội sông !
Thương người bị hiểu lầm!...
Thương người k may
Với tất cả:
Cảm ơn tất cả mọi người đã để lại comment. Thật ra câu ca dao đó không phải là một lời trách - họa chăng đó là một lời trách yêu: Lòng tôi yêu người đó, sao người nỡ không hiểu...!!!
Đăng nhận xét