Cuối năm viết một bài góp mặt, cũng đăng
về một chút tâm tình của những học trò
ngày nào giờ đã thuộc lớp U60, U70.
Lỡ hẹn
Vương Đức Bình
Cuộc đời là bể cả, là dòng sông,
Như con nước lớn nước ròng
Mà ta như chiếc lá khô
Nước chảy rời nguồn, lá đành trôi theo..
Như con nước lớn nước ròng
Mà ta như chiếc lá khô
Nước chảy rời nguồn, lá đành trôi theo..
(Trầm Tử Thiêng – Trộm nhìn nhau)
Kỷ niệm là thứ sống dai kinh khủng, nó giống như một thứ hoa dại mà cuộc đời đã gieo hạt vào tâm trí. Hạt của hoa nằm yên đâu đó trong quên lãng nhưng chỉ cần một cơn mưa rào là có thể đua nhau nẩy mầm kết nụ… và trong một khoảng khắc, đột nhiên người ta có thể thấy mình lại đứng giữa đúng vườn cũ năm xưa. Ngày tuổi trẻ - khi người ta có cảm tưởng mình có thể đi xa vạn dặm không mỏi mệt và có thể đạt bất cứ điều gì mình muốn nếu có đủ quyết tâm, khi người ta có thể đốt cháy mình với tình yêu say đắm và sẵn sàng bước qua được mọi trở ngại – thì người ta hay nói bằng thời tương lai nếu không phải là chỉ bằng thời tương lai. Ngày tuổi trẻ người ta nói ngày mai làm cái gì, ngày mai đi đâu, ngày mai gặp ai, ngày mai ăn cái gì .v.v. Cho đến một ngày, những “ngày mai” đó chất chồng trong kí ức. Những “ngày mai” nở hoa và những “ngày mai” hư mục đóng thành lớp lớp rong rêu ẩm mốc. Người tuổi trẻ ngày đó bây giờ chuyển sang dùng thời quá khứ hồi nào không hay. Người ta âu yếm quá khứ đến nỗi con cái bực dọc: “Làm ơn dùm con đi mà!...Ba/Má đừng bắt đầu câu chuyện bằng chữ “hồi đó” nữa…” Ơ hơ! Một giọt nước mắt rơi trong lòng, giống như bị ai bóp nghẹt trái tim mình vậy!
Bây giờ mọi thứ mau thay đổi lắm. Đi đâu vài ba tháng trở lại đường cũ có khi còn tìm không ra chỗ quen. Nhà cửa đường xá lạ hoắc! Bến đò cũ không còn, cây phượng cũ mái trường xưa không còn, tà áo trắng hồi đó không còn và người xưa cũng chưa chắc đã còn! Thì biết vậy nhưng có người cũng muốn tìm về! Ai cũng biết cuộc đời hợp tan vô thường nhưng ai cũng khao khát cái vĩnh hằng kỷ niệm. Th. cũng vậy, lòng chừng đã nguội nguội rồi nhưng cũng còn cục than ấm ấm đâu đó dưới tàn tro. Rời xa mái trường đã mấy chục năm. Bươn chải kiếm sống mệt nhoài. Đôi khi cũng nghĩ về trường cũ thầy cô xưa, năm mười năm cũng có dịp đi ngang qua cổng trường, nhưng người xưa cảnh cũ đã biến đổi nhiều theo thời gian. Câu đối “Hàm dưỡng nhân luân…” bây giờ không còn, hồ Chung Thủy nghiêng dốc với bờ cỏ êm mát không còn. Bờ hồ bây giờ đẹp hơn hồi xưa, đường ven hồ sạch và rộng hơn, nhưng cảm giác thân quen thì ít mà cảm giác lạc lõng thì nhiều. Đó là tâm cảnh về một quá khứ bị đứt đoạn. Bởi vậy mà buổi sáng Th. còn chần chừ nửa không muốn đi, nửa nghe trong lòng giục giã một cuộc họp mặt. Đã lấy ra cái áo ướm vào người rồi bỏ xuống, lòng tự hỏi: Đến để tìm lại điều gì đây!? Cho đến khi nghe con nhỏ cháu hát ghẹo: “Nếu có ước muốn trong cuộc đời này, hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại!..”[1] thì Th. mới tìm được cho mình cái lí do…
Th. đứng nép bên cổng quán Nhường Trà, hơi khác lạ so với mọi người đang ồn ào vui vẻ ra vào. Bây giờ đứng ở đây Th. không nghĩ rằng có thầy cô nào còn nhớ đến mình. Thầy cô nào đến Th. cũng chào, hỏi thăm sức khỏe. Thầy cô vui lắm nhưng… ai cũng hỏi Em tên gì!? Hồi đó em học lớp nào!? Điều đó cũng thường thôi vì có biết bao nhiêu thế hệ học trò làm sao thầy cô nhớ cho hết, nhất là hồi đi học Th. vốn trầm lặng, ít giao du, học dở và hồi nào cũng ngồi khuất ở góc bàn cuối lớp. Cũng chẳng thấy bạn nào quen. Những bạn thân trôi dạt chân trời góc biển, tha phương cầu thực như Th. thì hy vọng gì gặp lại hôm nay. Những đứa còn ở quê thì cũng đã lên chức bà ngoại bà nội, chắc lo bồng cháu tối mặt tối mày. Bước vào trong kia thì bắt chuyện với ai và biết nói chuyện gì!? Thôi thì cứ đứng đợi ở đây biết đâu gặp người quen...
Rốt cuộc rồi Th. cũng gặp người quen, nhưng không phải người quen Th. thầm chờ đợi. Người quen là con nhỏ bạn thân hồi đó ngồi bàn trên, trước mặt Th. Con nhỏ nhớ Th. thiệt là hay, còn Th. phải ngờ ngợ nhíu mắt hồi lâu mới hình dung ra được cái bà đang đứng trước mặt mình là ai. Ôi trời hơn 40 năm rồi còn gì. Coi kìa con nhỏ hoa khôi của lớp bây giờ tóc bạc lòa xòa và gầy khọm! Bà hoa khôi vồn vã:
- Trời ơi sao đứng đây, lâu quá mới gặp bà, đi đâu mà biệt tăm biệt tích…
Th. cười lặng lẽ:
- Thì còn chờ…!
Bây giờ thì bà hoa khôi lại nheo đôi mắt đầy dấu chân chim nhìn Th. hồi lâu… Có lẽ là rất lâu! Để đọc được điều gì trong tim một người thì phải tốn rất nhiều thời gian, và cũng phải biết cách đọc nữa…
Bà hoa khôi thở dài:
- Rồi, biết rồi! Hồi đó…
Th. cảm thấy nghẹn thở:
- Không phải…
Cái gì không phải!? Thật là người ta nhiều khi còn chẳng hiểu nổi chính mình nữa. Có lẽ Th. định nói không phải mình đến để chờ. Đã hết thời để chờ, đã hết thời để dùng thời hiện tại, đã hết thời để muốn sửa lại điều gì. Dòng sông đã rẻ nhánh và nước đã xuôi hai dòng. Có lẽ Th. đến để hỏi, hay đến để trả lời! Câu hỏi mấy chục năm qua không hỏi được hoặc câu trả lời mấy chục năm qua chưa trả lời được.
Bà hoa khôi nói:
- Thôi bà đứng chờ đây. Tui vô chào thầy cô chút. Vái trời bà gặp lại… Năm trước ảnh có đến mà.
Th. lại đứng chờ đó. Khi bà hoa khôi trở ra thì Th. đã về hồi nào rồi. Ảnh cũng không đến. Gió chướng thổi bay cuộn tròn mấy cái lá khô trên lề đường. Một mùa xuân khác lại sắp đến.
Bởi vậy sau cái cuộc đó bà Th. bị mấy đứa cháu nói bả muốn tâm thần rồi vì đi đâu cũng hay lẩm bẩm những khi buồn tình:
Trăm năm đã lỡ hẹn hò…
Cây đa bến cũ, con đò khác đưa!
Kèm theo một cái nhếch mép hài hước buồn héo quắt…
--------------------------------------------------------------------------------------
[1] Mong ước kỷ niệm xưa – Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Phương.
1 nhận xét:
Cái truyện nầy cũng làm mình nghe có "Một giọt nước mắt rơi trong lòng...!"Thật là sâu sắc !
Đăng nhận xét