Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

Bà và cháu





Bà ngoại quay người giấu đi một giọt nước mắt. Ông hỏi: Gì vậy...? Bà trả lời run run: Coi cái hình của cháu ngoại thấy thương (cháu) quá. Coi nó lầm lũi kìa... Ông nói khẽ khàng: Có ba má nó đấy mà! Bà vẫn không vui tí nào... hẳn là bà nghĩ phải có bà kề bên cháu thì bà mới yên lòng chắc! Năm nay cháu lớn rồi, chẳng những biết đi mà còn biết chạy rất nhanh và biết hỏi đủ thứ, biết đi nhà trẻ rồi. Chỉ có điều bà phải về quê... mà quê nhà thì xa lắm, con chim bay mỏi cánh qua mấy núi mấy biển cũng chưa tới đâu cháu ơi. Thế nên bà nhớ cháu ghê lắm...


Năm trước cháu còn bé tí. Bà qua chơi và chăm sóc cháu.
Bồng cháu ra công viên chơi và chỉ cho cháu bụi hoa hồng.
Cháu hãy còn chưa biết nói và chưa biết đi


Năm nay hết mùa đông vuông sân nhỏ sau nhà lại xanh cỏ
 và mấy cây hoa tulip, hoa bồ công anh lại đâm chồi nảy lộc và lại trổ hoa.
Cháu đã biết đi thăm cái vườn hoa bé tí tẹo của mình rồi đấy. 


Cháu chỉ mới cao hơn cây hoa tulip một chút xíu
nhưng biết chăm sóc tưới tắm cho hoa rồi...
và ngồi yên lặng ngắm nhìn vuông sân...
Người ta chỉ có ít cây hoa
nhưng người ta sẽ thương nó lắm


Trong trí tưởng tượng của bà ngoại
thì cháu sắp sửa hỏi: Ngoại đâu rồi...

--- *** ---


Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

đừng nghiêng hạt lệ




Hoàng Lộc


rồi em ngồi trước hiên nhà
ngày xuân vừa cuối
mùa hoa héo tàn
dễ buồn chi chút dung nhan
thuở phung phí
thuở ngỡ ngàng tặng nhau

tôi xa em kể dài lâu
mùa xưa đã lặn
mùa sau chẳng về
chân trời góc bể còn se
những trôi
những dạt
những lìa lạc sông

em yêu con em thương chồng
yêu câu thơ nặng tấm lòng của tôi
để khi đứng giữa hiên đời
mới hay hạt lệ mắt người vừa nghiêng




Trong các nhà thơ hay trách móc người tình có lẽ nhà thơ Hoàng Lộc là người có nhiều bài thơ và những lời thơ trách móc thuộc hàng dữ dội nhất, đằm thắm nhất, thiết tha nhất, "quạo quọ" nhất .v.v. Nghĩa là đủ hết những cung bậc của cái sự trách móc !!! Đến nỗi nhiều khi thấy "tội nghiệp" người ấy! Thôi thì, nhân đọc bài thơ này của Hoàng Lộc, viết vài lời giúp "người ta" vậy... Và cũng phải nói qua một chút mấy câu ca dao giới thiệu dưới đây: Hai câu đầu thì là lời thề tưởng son sắt nhưng mà mới đó bước qua hai câu sau đã tính chuyện chia lìa rồi... Chàng ơi, xin chàng rộng lòng một chút !!!


                                                                         





   đừng nghiêng hạt lệ

Đi đâu cho thiếp theo cùng
Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam
Mai sau tình có dở dang
Thì cho thiếp gọi đò ngang thiếp về
(Ca dao)

em về ngồi trước hiên nhà
đèn đêm hắt ngọn
nhìn hoa đã tàn
còn gì một chút dung nhan
thuở phung phí
trắng hạ vàng tặng nhau

xa nhau xa đã dài lâu        
mùa trăng trước lỡ
mùa sau lỗi thề
ông tơ bà nguyệt chẳng se
thì thôi
bèo dạt
cho lìa bến sông

trách chi những chuyện con, chồng
câu thơ xưa… xót tấm lòng người xưa
mái đời quá đủ nắng mưa
lệ trong khóe mắt, van lòng đừng nghiêng.
                                                                (vdb)


Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2014

CÂY ME



Sau nhà có một cây me. Tán cây đủ mát cho những ngày nắng gắt và đủ rộng để cho lũ chim yên tâm về làm tổ, bắt sâu trong vòm lá dày. Buổi sáng sớm nào - còn nằm trong giường - cũng nghe vài con chim chích chòe bay đến kêu lãnh lót trước khi nghe tiếng bọn se sẻ dậy trễ ríu rít rộn ràng chuyền giữa những nhánh cây. Buổi chiều và tối thường có con chim vịt - ban ngày ở sâu trong vườn nào đó - bay về hót mãi đến khuya. Tiếng hót tha thiết của con chim ấy bắt nhớ đến câu ca dao:
Chiều chiều chim vịt kêu chiều
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau.
Thỉnh thoảng còn có con cú đi ăn đêm ghé ngang rúc lên những tiếng ghê ghê nhưng rồi nghe riết cũng quen, có khi tôi còn xách đèn pin ra rọi xem hôm nay nó lớn được chừng nào rồi. Những đêm nghe như thế lại liên tưởng tới bài thơ Đông dạ văn trùng của Bạch Cư Dị:
Đông dạ văn trùng
蟲聲冬思苦於秋
不解愁人聞亦愁
我是老翁聽不畏
少年莫聽白君頭
Trùng thanh đông tứ khổ ư thu,
Bất giải sầu nhân văn diệc sầu.
Ngã thị lão nhân thính bất uý,
Thiếu niên mạc thính bạch quân đầu.
Tạm dịch chơi là:
Đêm đông nghe tiếng côn trùng
Kêu đông khổ ý côn trùng,
Không buồn nghe cũng phát khùng thu lâu.
Ta già nghe chẳng sợ đâu,
Tuổi non nghe chắc bạc đầu như chơi.
Chẳng phải mùa đông mùa thu gì và cũng không phải tiếng côn trùng trong đêm của Bạch Cư Dị, nhưng tiếng rúc thê lương của chim cú hay tiếng gọi khắc khoải của chim vịt trong đêm sâu cũng làm khó ngủ và đoạn trường lắm!
Cái gì cũng có mặt trái của nó. Dù cây me từ hồi nào đã trở thành một phần đời sống quen thuộc của gia đình thì ngoài những điều thú vị cũng có những sự khó mà cây me đem lại. Thế nên – giữa mùa hè xanh này - có một cuộc biểu quyết về số phận cây me. Con gái thì thấy không thoải mái vì sợ sét đánh khi mùa mưa về, không chịu nỗi những thứ chim kêu khó ngủ, và hình như có cái phim khoa học trời ơi nào đó nói chim có thể lây bệnh cho người. Con bé thấy nghe nhạc trên iPad, ngồi trong phòng máy lạnh xem TV, ra chợ mua me về ăn dễ chịu hơn là ngồi hóng gió dưới tán me và cây me thì chỉ đáng giá vài cái thớt me mà thôi. Bà vợ thân yêu thì khó chịu vì lá me khô bay đầy trong nhà bếp và nấu canh chua với vài vắt chanh thì khỏe hơn chờ cây me ra lá non. E hèm… trong cuộc biểu quyết đó đa số thực dụng mạnh mẽ đã thắng cái lãng mạn yếu ớt của tôi! Dầu sao tôi cũng đã, trong tuần trước, thực hiện nghị quyết một cách nghiêm túc bằng cách xách lưỡi cưa cá mập to đùng ra để hạ gục cây me.

Chiều nay tôi bỗng nghe tiếng con chim vịt kêu mơ hồ xa xăm đâu đó bên vườn hàng xóm. Ngồi bệt xuống đất khô, tôi thảng thốt nhớ bóng dáng cây me, nhớ những tiếng chim tội nghiệp, nhớ mấy trái me dốp treo lủng lẳng, nhớ những trận mưa lá me khô vàng rắc trên thềm sau. Nỗi nhớ sao cũng giống như đống cành khô lá úa của cây me đang héo quắt đi dưới nắng mà tôi đang gom dọn đây vậy!