(Truyện ngắn. )
Giữa mùa mưa! Trời âm
u từ sáng tới chiều, mưa rỉ rả, nước đọng thành vũng hai bên lề đường. Qua khỏi
cây cầu nhỏ, một cái lò gạch cũ đang tỏa hơi khói âm u sà xuống mặt ruộng xa phía
bên kia. Trong hơi mưa cái mùi lò gạch hăng hắc gây gây ngột ngạt, nhột
nhạt lỗ mũi, nặng nặng lồng ngực. Xéo xéo lò gạch, ở chỗ
gốc trâm bầu, có một lối mòn. Đi một đoạn ngắn theo lối mòn thì tới nhà già Tám.
Trời lại sắp thêm một cơn giông. Ghé nhà già Tám mà đụt mưa vậy!
***
Già Tám có một thằng
con trai trời ơi đất hỡi tên Tửng. Nghe nói hồi đó Tửng học cũng được, nhưng
tới lớp 9 bỗng đâm ra mê game. Tửng mê game đến nỗi ngồi lì ngoài quán net –
chừng nào chủ quán đóng cửa đuổi về mới chịu về - rồi bỏ học. Thời buổi bây giờ học
hành không tới đâu, lại thêm không có sức thì không biết làm cái giống gì để mà ăn
nữa!? Xin một chân bảo vệ nhà hàng khách sạn – tưởng nhàn nhã - mới được 2 tuần,
thức khuya không nổi, cự lộn với đồng nghiệp, bị người ta cho nghỉ. Còn những
công việc nặng nhọc thì Tửng mà làm được cái gì! Từ nhỏ Tửng đã bị gọi là đực
lãi rồi, y như người ta phân biệt trâu lãi với trâu cồ vậy. Xin làm một chân
phụ hồ thì Tửng chỉ làm được nửa ngày!
Vác bao xi-măng bộ giò cóm róm đi run run, chỉ mới trộn một bả hồ mà đã
đứng thở dốc mặt mày xanh lét… Vậy thì làm nên cái tích sự gì! Ai mà mướn! Ru
rú mãi trong nhà cũng buồn nên Tửng nã tiền hai ông bà già ra quán game để giải
sầu hoặc đi nhậu với đám bạn cũng trời ơi không kém. Có hôm Bà Tám đi thăm bạn
già về thấy Tửng ngồi sẵn ở hiên nhà, cái mặt thua độ hầm hầm. Bà Tám chưa kịp
định thần thì nó đã hỏi:
-
Bà cho tui xin
vài trăm coi!?
-
Trời! Chi vậy ?
-
Chơi game chớ chi
? Tui thua tụi nó chầu nhậu rồi!
-
Không. Mà tiền
đâu tao cho mầy.
-
Bà đưa không!? Vậy
chớ tiền hôm trước bà bán đất đâu hết!? Không thì tui giết bà bây giờ…
Thấy nó chụp
cây dao phay để sẵn trên bàn, bà Tám hoảng hồn, kêu trời kêu đất rồi chạy tuốt
qua hàng xóm lánh nạn, chờ Già Tám về bà mới dám về theo. Già Tám chỉ buông một
câu:
-
Thôi đi. Thằng khùng
đó hết thuốc chữa rồi!
Nó lại đi ra
quán game năn nỉ chủ quán cho chơi thiếu. Cái game đó nó đã chơi tới mức thành Quần
hùng Đại ca. Đại ca “vai năm tấc rộng
lưng mười thước cao” có thanh đao to đùng nặng ngàn cân lượng, oai phong
lẫm liệt. Đại ca múa nhẹ một đường đao là bao nhiêu quái thú tan tác và bao
nhiêu kẻ ngáng đường đều bỏ mạng. Đại ca cần phải luyện thêm vài tuyệt kỹ, gặp
gỡ làm quen thêm vài cô nương và giết thêm vài mạng nữa mới nâng cấp lên thành anh
hùng cái thế. Khi đó đại ca mới phát lộ chân mạng đế vương được. Vậy mà hết
tiền chơi tiếp! Vậy mà xin tiền ổng bả không cho! Đúng là những kẻ ngáng đường,
không đáng mặt giang hồ! Chỉ những “chiến hữu đàn em” biết chia sẻ với đại ca
ly rượu khi buồn vui trên đường hành hiệp mới đáng mặt kẻ giang hồ! Nhưng khổ
nỗi bà chủ quán nhậu đầu đường lại không bán chịu cho dân giang hồ sạch túi và
bả cũng không biết “xài” ngân lượng của “game thủ”… Thực đáng ghét, đáng ghét!
***
Thì thà hai cái thân già cứ phải cưu mang cái-thằng-đồ-bỏ-đi, thì thà Tửng cứ lê la chơi game suốt ngày hay nhậu nhẹt với đám bạn trời ơi cũng không làm cho bà Tám đau khổ bằng một buổi chiều bỗng Tửng bồng một đứa nhỏ về nhà và nói thản nhiên:
-
Bà bồng nó đi, con
của tui đó!
Hai ông bà già
choáng váng! Sau giây phút thấy đất sụp dưới chân, bà Tám – như một phản xạ tự
nhiên – giơ tay ra ôm đứa nhỏ vào lòng. Trời ơi con bé ốm nhom xanh rớt mà cặp
mắt dễ thương quá. Nó nhìn lom lom bà một chút rồi dụi đầu vào ngực bà ra vẻ
yên tâm tin tưởng lắm. Già Tám bị rơi vào thế triệt buộc:
-
Má nó là đứa nào!?
-
Thì ông bà nuôi
nó đi. Mai mốt tui dẫn má nó về.
-
Nó được mấy tháng
rồi?
-
Gần thôi nôi rồi.
-
Trời ơi! Nó đủ
sữa không?
-
Tui không biết!
-
…
Tuần sau nó
dẫn con vợ nó về ra mắt ông bà Tám. Ông bà Tám không hài lòng cái kiểu sui gia
trên trời rớt xuống nhưng cũng không có cách nào khác. Thôi thì nấu mâm cơm mời
ông bà ngoại của con bé qua uống ly rượu để cháu mình có đủ ông bà nội ngoại cho
tròn trịa vậy!
Người ta nói phải
lắm, thương con không bằng thương cháu. Từ hồi có mấy đứa cháu ông bà mệt ngất
ngư, chi tiêu cho bản thân phải dè xẻn rất nhiều, để lo cho cháu nó ăn cho đủ,
nhưng mà tận trong lòng thì cũng thấy vui. Già Tám tự an ủi là đây chẳng qua là
nghiệp quả ông bà phải trả, tại hồi đó ông bà dạy dỗ thằng Tửng không chu đáo
mới gây ra nông nỗi.
Giờ này Tửng không có
ở nhà. Ngó vô cái bếp lạnh tanh, cơm chiều chưa nấu. Vợ Tửng đang gây với Bà
Tám, vùng vằn đòi bồng con bỏ về nhà ba mẹ ruột:
-
Mầy đi thì đã
đành, má không dám cản, nhưng má thương mấy đứa nhỏ đó con! Tội quá!
-
Thì tội gì chớ!
Tui ở đây mấy năm mà có được cái gì đâu!
-
Thì mầy muốn được
cái gì bây giờ!?
-
Thôi! Tui không
nói nữa. Tui chán rồi!
-
Tội lỗi!..
-
Ai tội !? Mấy
người có tội không ?
-
…
-
Thằng Tửng đi
đâu? Sao giờ này chưa về?
-
Con mấy người sao
mấy người hỏi tui!? Không ngồi đồng ngoài quán game thì cũng say xỉn đâu đó rồi
chớ đâu!
-
…
Hai đứa nhỏ tròn
xoe mắt ngơ ngác nghe má và bà nội nói gay gắt với nhau. Hai đứa bỏ chạy ra nhà
trước. Con chị chừng 4 tuổi thanh mảnh xinh xắn có đôi mắt trong vắt còn đứa em
trai chừng 2 tuổi ốm còi xanh xao, nói bập bẹ. Con chị bảo đứa em:
-
Chơi gì đi.
-
Chơi ? Gì ?
-
Hát đi.
-
Gì?
-
Hát tía em đi…
Hai chị em gõ
lon sữa bò cộp cộp hát nghêu ngao lạc điệu một bài hát thiếu nhi:
-
Tía em… hùm hùm …
má em… hùm hùm… chúng em… hùm hùm.
Già Tám nảy
giờ nhăn mặt, im lặng, ngồi thu lu, thun người lại trong cái ghế bố mục đứt lòng
thòng mấy sợi nylon, cười chua chát rồi lẩm bẩm hát chế:
-
Tía em hình như…
hơi khùng khùng. Má em hình như hơi… khùng khùng. Chúng em là một bầy … man man…
Hai đứa nhỏ
nghe vậy hát theo:
-
Tía em khùng
khùng, má em khùng khùng. Chúng em… hùm hùm…
Bà Tám nảy giờ
quạo quọ nghe vậy còn nổi sân thêm, cười gằn:
-
Ai khùng ? Hai
con trâu già này phát khùng thì có!
Con vợ Tửng
cười không nỗi! Mới ngoài hai mươi, hai đứa con, như cái hoa chưa kịp mãn khai
đã héo, môi còn hồng mà cái mặt đã âm trì địa ngục, tay chân nổi gân xanh, vừa lấy
chân lùa đống quần áo dơ hôi òm vô góc nhà, lấm lét nhìn chừng ông bà già
chồng vừa lầm bầm bực bội kiểu gì đó không ra một điệu lý mà cũng không phải ca
dao:
-
Chồng em sao
chẳng giống trâu!
Trâu đi còn biết đường về,
chồng em đi nhậu không về như trâu!
Trâu đi còn biết đường về,
chồng em đi nhậu không về như trâu!
***
Tôi là khách
không mời mà ghé, ngồi trú ở mái hiên nhà người ta nhìn ra mưa rơi, nghe trong
nhà giọt mưa rào rạt trên mái tôn, nghe mưa gió đổ xuống cuộc đời mà không biết
khi nào dứt. Trời chẳng chiều người. Mưa chắc còn dai. Thôi phải chào chủ nhà
mà về. Sợi mưa xiên xiên đâm vào con mắt, lạnh rát mặt. Gió giựt quằn quại trên
mấy ngọn tre, dồn ép lào xào trong hàng rào dâm bụt, thổi bay xuống lề đường mấy
cái bông còn búp hoặc chưa kịp nở hết mà đã rửa nát. Chiều chưa tối mà đã âm u
thiếu điều không thấy đường đi…
bTa
3 nhận xét:
Về tới nhà mà viết thành truyện thì quá hay rồi...
Cuộc sống gần như bị đọa đày làm cho con người hết đường cựa quậy.
Tương lai mờ mịt xa xăm, hỏi rằng có một thế giới gọi là "cục lạc" hay không? Và, trái với nó là "đia ngục", mà chưa hết kiếp, địa ngục đã hiện hữu rồi!
Cỏ Tranh ơi.
"Tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, ..."
Cuộc sống có biết bao điên đảo, đau khổ, bắt đầu từ cái tâm của mình gây ra cho mình và cho người khác thôi mà,...
Hay thật
Đăng nhận xét