Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2016

Tiếng rền của lịch sử




Tôi bước đi trên đường phố Bá Linh với cảm giác thật lạ, đó là tưởng chừng còn vọng lại khắp nơi tiếng nổ đổ vỡ dưới những trận không kích của Đồng Minh, nghe tiếng súng và tiếng đạn pháo rền vang qua các đường phố trong trận huyết chiến cuối cùng giữa Hồng Quân với binh sĩ phát xít, nghe những tiếng rên xiết và thầm thì đầy oán hờn của những cuộc tàn sát người Do Thái và dân Gypsies, nhìn và cảm nhận cuộc xung đột ý thức hệ dữ dội đến chừng nào.
Dù tôi cũng bị sinh ra trong chiến tranh, lớn lên trong bom đạn khốc liệt của chiến tranh, chứng kiến những xác người chất dày lớp lớp, làm chứng cho những ca khúc da vàng của Trịnh Công Sơn, hoang mang những ngày cuối cùng tháng tư trong một Saigon hốt hoảng bại trận, tôi cũng không từng có cảm giác này khi bước đi trên đường phố Saigon. Saigon là một thành phố không giữ nhiều quá khứ. Không phải Saigon quên đi quá khứ nhưng Saigon ít muốn ràng buộc hoặc than vãn cho những điều bi thương của nó trong quá khứ.
Có thể đó chỉ là tâm cảnh của tôi, nhưng cũng có thể do ở đây - Berlin - hình như cánh cửa của quá khứ vẫn còn mở ra quanh đâu đây. Có vẻ như chỉ một bước chân là tôi có thể đột nhiên thấy mình đứng trong quá khứ. Ở đây dù chỉ là một cái đèn tín hiệu giao thông trong thời kì Cộng Hòa Dân Chủ Đức, nhóm tượng Marx và Engel bên dốc cầu Liebknecht, các tòa nhà của Viện Đại học Humboldt với tượng của Max Planck và Lise Meitner, cổng hòa bình Brandenburg, vòm tròn tòa nhà Quốc hội Đức (Reichtag) vốn tan nát vào thời điểm người lính Hồng Quân cắm ngọn cờ Xô Viết lên đó, đều là những di chỉ của lịch sử được tôn trọng và bảo tồn, giữ gìn kỹ lưỡng... và đó chính là quá khứ!

1. Marx và Engels:

Có vẻ như Marx và Engels còn đang
trầm tư về việc có cần viết lại bộ Tư Bản Luận hay không.

2. Hệ thống đèn giao thông thời Cộng Hòa Dân Chủ Đức:



Tín hiệu cho phép qua đường độc nhất vô nhị,
chỉ có ở Cộng Hòa Dân Chủ Đức.

3. Viện Đại Học Humboldt:



Không biết Max Planck đang suy nghĩ về hằng số Planck, hoặc
phương trình Schrödinger, hay đang lo lắng cho 
những nhà khoa học gốc Do Thái đang làm việc với ông.


Lise Meitner phải đi qua một cầu thang rất hẹp
để đến với đỉnh cao của khoa học vật lý.
Có vẻ như bà chẳng quan tâm đến bất công của giải Nobel
về hiện tượng phân rả hạt nhân mà
bà là người khám phá (chứ không phải Otto Hahn).
Và hình như bà đang chất vấn Max Planck (đứng ở phía đối diện)

4. Khu tưởng niệm vụ diệt chủng Sinti và Roma.

Chế độ Quốc xã - từ 1933 đến 1945 - đã bức hại hàng trăm ngàn người Gypsies (bao gồm các nhóm sắc dân Sinti, Roma, Lallere, Lovarie, Manouche,...) ở Đức và các quốc gia châu Âu khác. Đây là khu tưởng niệm các nạn nhân đó. Khu tưởng niệm được thiết kế bởi nghệ sĩ DANI KARAVAN (sinh tại Tel Aviv năm 1930). Ý tưởng thiết kế đó được Dani trình bày như sau:

Một khoảng trống trong khu vườn Tier, bao quanh bởi cây và bụi nhỏ, gần tòa nhà Quốc hội Đức. Một nơi  trang nghiêm lạ lùng, quay lưng khỏi sự nhộn nhịp của phố thị. Một chốn của nội tâm sầu khổ, một nơi để cảm nhận cơn đau, để nhớ lại và không để sự hủy diệt người Sinti và Roma gây ra bởi chế độ Quốc xã bị rơi vào quên lãng.
Có thể nào có một nơi như vậy? Phải chăng nó chỉ được tìm thấy trong cõi trống không, trong hư vô? Liệu tôi có đủ sức tạo dựng nơi chốn của hư vô? Một nơi bị tước đoạt mọi thứ. Không lời, vô danh, không tượng đồng bia đá. Chỉ có những giọt lệ, chỉ có nước, đứng bao quanh bởi những người sống sót, bởi những ai còn nhớ điều gì đã xảy ra, bởi những kẻ từng biết đến sự tàn bạo cũng như bởi những người chưa bao giờ trải nghiệm điều đó.
Bọn họ bị phản chiếu, lộn đầu, trong nước sâu, hố đen, bao phủ bởi bầu trời - nước, nước mắt. Chỉ có một tấm đá nhỏ, hết chìm lại nổi, ngày qua ngày. Và trên đó ngày nào cũng nở mới một đóa hoa, sao cho mỗi ngày chúng ta đều có thể nhớ lại, hằng thường, đến đời đời.


Nước bao ôm lấy bầu trời, trời xanh, trời xám, trời đen. Mây mù, ánh sáng, tối tăm. Nước xoáy nuốt đi tất cả sự đó. Những gì còn lại là tiếng vĩ cầm đơn độc khởi lên một giai điệu thảm sát, được giữ thăng bằng trong đau đớn.


(Dịch từ bản tiếng Anh, từ tờ giới thiệu tại khu tưởng niệm:

DANI KARAVAN ON THE MEMORIAL.
A clearing in the Tiergarten, lined with trees and shrubs, in the vicinity of the Reichstag building. A quaint, unimposing site, withdrawn from the bustle of the city. A site of inner sadness, a site for feeling pain, for remembering and not letting the annihilation of the Sinti and Roma by the National Socialist regime fall into oblivion.
Is such a place possible? Or is it only found in emptiness, in nothingness? Do I have the strength to create a site of nothingness? A site deprived of everything. No words, no names, no metal, no stone. Only tears, only water, surrounded by the survivors, by those who remember what happened, by those who know the horror as well as those who never experienced it.
They are reflected, upside down, in the water of the deep, black pit, covered by the sky – the water, the tears. Only a small stone, which sinks and rises, again and again, day after day. And on it every day a new blossom, so that each day we can remember anew, constantly, to all eternity.
The water encloses the sky, the blue, the grey, the black sky. Clouds, light, darkness. The whirling water swallows it all.  All that remains is the sound of a lonely violin raising a murdered melody, poised in pain.)




Trong sự im lặng của mọi người đến viếng,  trong tiếng vĩ cầm trầm mặc của Romeo Franz (một người Đức Sinto) - Đóa hoa đỏ như máu giữa một biển nước mắt. Viền chung quanh hố nước là những câu của nhà thơ Ý Santino Spinelli:

Sunken in face
extinguished eyes
cold lips
silence
a torn heart
without breath
without words
no tears.


Cặp mắt dập tắt
chìm trong gương mặt
đôi môi lạnh
im lìm
xé nát lòng
nghẹn thở
nghẹn lời
những giọt lệ khô.




4.  Lời kêu gào sự thật và công lý về sự kiện quãng trường Thiên an môn trên quãng trường Brandenburg:

Cổng Brandenburg (Brandenburger Tor)

Và tôi bắt gặp chàng tuổi trẻ này trước cổng Brandenburg - không nhất thiết phải nhớ câu thơ: Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt / Xếp bút nghiên... - chàng hiên ngang đòi hỏi sự thật và công lý. Chàng đáng được kính trọng xiết bao!

Nhân dân không bao giờ quên tội ác
của nhà cầm quyền Trung Quốc trong sự kiện Thiên An Môn!

Chàng tuổi trẻ đứng giữa quãng trường - cổng thành Brandenburg
đòi sự thật và công lý cho nhân dân Trung Quốc
 trong sự kiện Thiên An Môn ngày 4 tháng 6 năm 1989.
Tôi nghĩ chàng tuổi trẻ sẽ không đơn độc.

1 nhận xét:

cắt mí mắt có ảnh hưởng gì nói...

Mình cũng luôn mong muốn được đến những nơi này