Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2007

Chiều đi qua Phụng Hiệp

Hò ơi … Sóc Trăng nghèo quá
Tôi qua Rạch Giá, ghé xuống Cà Mau.
Chèo chống lao đao tôi về Phụng Hiệp.
….
Con kinh Ngã Bảy này gợi cảm với tôi không phải vì tôi từng ở đó mà bởi vì tía tôi đã từng gắn bó với nó, như cái câu hát đau lòng kia. Tôi cứ thắc mắc hoài tía tôi đã cắm xuồng ở đâu, ở ngả nào trên khúc kinh này. Cái thắc mắc đó không khi nào được giải đáp bởi vì tía tôi đã mất từ lâu. Chừng tôi còn nhỏ thỉnh thoảng có nghe tía nhắc tới đoạn sông này, nhắc tới cái đêm mưa mà tía rét run, bệnh hoạn thập tử nhất sinh, một mình thoi thóp giữa lòng xuồng tam bản nhìn qua bên kia sông chỉ thấy lập lòe cơ man nào là đom đóm giữa cái trời tối đen như mực không nhìn thấy được bàn tay xòe trước mặt.
Tía tôi hồi đó mình ênh chèo chống một chiếc xuồng bán ơ, bán nồi đất và bán muối. Và tía về cắm sào ở dòng kinh Ngã Bảy! Chắc tía cũng không có được cái hạnh phúc đau đớn đầy lãng mạn của anh bán chiếu … mà danh ca Út Trà Ôn đã rao:

Hò ơ... Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm
Công tôi cực lắm, mưa nắng dãi dầu.
Chiếu này tôi chẳng bán đâu.
Tìm em không gặp... Hò ơ...
Tìm em không gặp tôi gối đầu mỗi đêm...


Chắc tía chẳng quen thương cô gái nào ở kinh Ngã Bảy này, nếu không thì đây phải là quê ngoại của tôi rồi chẳng chơi. Kinh Ngã Bảy này chỉ làm tía nhớ tới thời loạn ly nghèo khó mà thôi. Nhưng như nhà thơ nào đó có viết:

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở.
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn.

Phụng Hiệp chỉ là đất ở của tía nhưng lại là tâm hồn của … tôi!

Cứ mỗi lần có dịp rong ruổi trên chiếc xe gắn máy cà tàng về Sóc trăng hay Cà Mau là tôi lại ghé Phụng Hiệp. Cây cầu Phụng Hiệp chẳng đẹp đẽ gì sao lại làm tôi bồi hồi quá mức! Ấy là tôi không tránh khỏi cái cảm giác tía tôi hẳn còn đâu đó trên mấy dòng kinh kia! Vậy là tôi phải tìm ghé một cái quán ven sông. Một cái quán võng với những chiếc võng mắc giữa hai cái cột bé tí dành cho khách đi đường mệt mỏi nghỉ dừng chân. Mà phải là một cái quán sát bờ sông, có thể nhìn ra mặt sông. Buổi chiều gió sông mát rượi, nằm đung đưa trên cái võng kia, nhìn lục bình trôi thơ thẩn để lơ mơ nhớ về tía tôi. Không biết tía đã có từng ghé chỗ bờ sông này không ha? Cái đứa con mồ côi mồ cút từ năm 12 là tôi, bốn mươi mấy năm lang bạt kì hồ, giờ đây về lại chốn này, thèm thuồng nghe lại tiếng rày la vừa nghiêm khắc vừa ôn tồn của tía. Thèm thấy bóng dáng chèo ghe của tía trên chiếc ghe nhỏ. Cái ước mơ nhỏ nhoi chẳng bao giờ còn có được!

***

Ừ thôi .. dầu là kinh Cái Côn, Bún Tàu, hay Mang Cá, Xẻo Vông gì đó thì rồi cũng hợp lưu về Ngã Bảy. Đó … xe vừa tới đó, tiếng lơ xe: “Tới Ngã Bảy rồi, bà con ai xuống bước ra!”. Và bên kia sông ai vừa kêu “Tới Ngã Bảy neo lại đợi nước lớn”. Người ta ở lại Ngã Bảy … để tìm kiếm, để đợi chờ. Còn tôi, tôi lại ra đi … và chỉ để lại một chút hồn tôi gắn bó.

3 nhận xét:

Tien Vuong nói...

Entry này thật cảm động! Tuy con không được gặp ông Nội nhưng ông Nội luôn gần gũi qua những câu chuyện của ba.

Chù nói...

Bây giờ con mới biết, không ngờ thầy cũng có mối nhân duyên với con kinh Ngả Bảy này.
Có nhiều thứ, giờ không còn như ngày trước nữa, mà phải đi thiệt sâu vô trong "đồng" thì mới tìm ra những ký ức của ngày xưa.

Vuong Duc Binh nói...

@ Chù:
Những kí ức... Cái đó làm nên một phần tâm hồn của mình. Ở đây là dòng sông Ngả Bảy, là dòng sông của mọi người và của... riêng mình. "Dòng sông Ngả Bảy" như một tiếng gọi âu yếm của đất nước, tiếng gọi từ tốn pha một chút buồn rầu của cha. Thương lắm!