Ông già ấy đi lạc! Ngộ thiệt, tưởng chỉ có trẻ con ham chơi mới đi lạc. Như tôi hồi còn nhỏ vậy. Ba Má tôi lên Saigon kiếm ăn. Ở dưới quê nghèo quá. Mà hồi đó loạn lạc dữ lắm. Ở dưới quê không biết đạn ăn lên tên ăn xuống sẽ trúng mình hồi nào nên Ba Má tôi bồng bế tôi lên ở trọ nhà Bác Ba tôi. Má tôi làm nghề đan áo. Hồi đó chưa có cái máy đan như bây giờ. Còn Ba tôi thì đi chích dạo. Ai bệnh hoạn gì đó đi Bác sĩ cho cái toa về mướn Ba tôi đến chích mỗi ngày theo toa. Kiếm vài đồng mua kí gạo, mớ rau sống đắp đổi qua ngày. Nhà Bác tôi cũng chật chội, ở đường Da Bà Bầu. Đường xá bây giờ thay tên nhiều quá, không biết con đường ấy bây giờ có tên gì mới không. Vã chăng lâu quá rồi tôi không lên Saigon nên cũng không biết con đường đó còn không nữa. Đâu có nghe người bạn nói bây giờ nó ở gần đường Bà Hạt. Tôi cũng không rõ có phải Bà Bầu bây giờ thành Bà Hạt không nữa! Má tôi thường bắc cái ghế đẩu ra trước nhà, ngồi đan mướn. Tôi chạy lon ton chơi với miếng gỗ gắn 4 cái nút khoén làm chiếc “xe hơi’ chạy kêu bí bo.
Ngày rằm trung thu người ta múa lân. Tôi mê mẫn với con lân lắc lắc cái đầu, hai con mắt chớp chớp và ông địa bụng phệ quạt phạch phạch cái quạt mo nhảy qua nhảy lại né con lân. Trống đánh tùng .. lùng tùng. Tụi nhỏ xô đẩy nhau, cười ré, dạt qua dạt lại theo bước đi của ông địa và con lân. Người lớn thì đứng xích ra cười tư lự (bây giờ thì tôi nghỉ vậy chớ hồi đó tôi chỉ nhớ người lớn chỉ im lặng xem thôi!). Tôi lọt vào vòng xô đẩy, hay chính tôi cũng xô đẩy để được tới gần ông địa. Khều được ông địa một cái là khoái rồi. Ông địa không khi nào giận ai hết. Có khều móc trêu chọc gì thì ổng cũng chỉ cười. Tôi ôm chiếc “xe hơi” của mình trước ngực đi theo ông địa. Vui quá chừng! Đi hoài … đi hoài … và tôi đi lạc.
Cái đất Sài thành này ghê lắm. Đường ngang ngỏ dọc lung tung. Người lớn ở đây nhiều năm chưa chắc biết hết đường nói chi một thằng nhỏ lơ ngơ. Tới khi đám múa lân xếp bộ thì tôi cũng hết biết mình đang ở đâu ! Hết biết đường về nhà. Tôi sợ quá trời. Má tôi nói ở đây mẹ mìn nhiều lắm. Vậy nên tôi không dám la khóc gì ráo. Tôi đứng yên bên cột đèn. Tối rồi. Đèn đường vàng quạch lắc lư làm cái bóng của tôi cũng lúc lắc thấy sợ. Nhiều người đi qua đi lại mà không ai thèm để ý tới thằng nhỏ đang sợ điếng hồn là tôi. Và tôi đứng yên đó, lần đầu tiên trong cuộc đời tôi thèm khát được trở về nhà, ở bên Ba Má dù cho cái nhà đó tồi tàn, nhỏ xíu, hôi hám. Thậm chí không phải là nhà của mình. Miễn là cái nhà đó có Ba Má. Má sẽ bồng tôi lên tránh cho tôi bị Ba đét cho một phát vào mông đích đáng cái tội đi chơi. Sau này lớn lên đi đây đi đó tôi vẫn giữ lại được cái cảm giác này. Tôi thèm khát trở về nhà. Và tôi nhắc lại, dù cho cái nhà của Ba Má có nghèo nàn đến mấy, tơi tả đến mấy, tôi cũng muốn về. Và tôi chỉ có thể ngủ ngon khi ở nhà mình, ngay cả trên một cái giường xập xệ, long chong, chiếu hôi mùi nước đái của mấy đứa em (tới chừng tôi có vợ thì cái mùi này tác giả là … của con tôi!).
Dĩ nhiên là bạn cũng suy ra được rốt cuộc Ba Má tôi và lủ khủ hàng xóm chạy táo tác cũng kiếm được ra tôi, gần tuốt trong Chợ Lớn. Tôi cũng không bị đét vô mông phát nào tại hôm đó là trung thu. Tôi còn được Bác tôi cho một phần tám cái bánh trung thu (Bác tôi cũng hào hiệp lắm nhưng … ông cũng nhiều con quá!).
Sao khi không tôi kể chuyện lãng nhách này từ chuyện ông già đi lạc! Ai không biết, chớ tôi biết ông già này rồi. Đơn giản cha già này từng là bạn tôi. Bây giờ y trở thành người ngơ ngáo rồi, quên hết chuyện đời. Trước đây y muốn quên vợ quên con, và bây giờ y quên thiệt. Y từng là thày giáo. Và thày giáo thì có một thời kì cách đâu không lâu thì nghèo kiết xác. Y bị vợ bỏ. Thị tếch theo một thằng cha lộng lẩy, có cái nhà bự kếch xù, một cái hàng rào kếch xù, một con chó berger kếch xù, một cái bụng kếch xù, một chiếc xe hơi kếch xù, … thằng cha này cái gì cũng kếch xù và sự tráo trở cũng kếch xù nốt! Thôi trách làm gì y thị! Đàn bà ai mà không ham một cuộc sống đầy đủ. Chậc … qui luật tự nhiên là vậy! Từ đó thằng bạn tôi đâm ra say sưa. Thằng này nó ngu (xin lỗi!) tại vì nó cũng thừa biết “Túy tự túy đã sầu tự sầu …” mà vẫn đâm vào rượu! Con người nhiều khi cũng kì cục thật … vì nó không muốn khôn. Lúc nào cũng khôn có khi cũng buồn lắm! Và thằng bạn tôi trở thành ngơ ngẫn khi đứa con gái của nó không thèm nhìn mặt cha nữa, còn thằng rể khốn nạn thì một hôm kêu nó bằng … anh! Vậy thì quên hết cuộc đời là phải rồi! Rồi người cha của thằng bạn tôi cũng mất vì tuổi già. Bây giờ thì nó không có chỗ nào để mà về nữa.
Trời ơi ngó xuống mà coi! Thiên địa mang mang nhưng không có chỗ nào để về. Đứa nhỏ đi lạc thì còn có Ba Má đi kiếm. Đứa già đi lạc thì … con nó cho đi luôn. Đứa già đi lạc thì làm sao có cái nhà của Ba Má mà hòng mơ về một chỗ dựa.
…..
Quand Yu-ké peint un bambou (Su DongPo)
-
Quand Yu-ké peint un bambou Il voit le bambou, il ne voit pas les gens
Comment! non seulement il ne voit plus personne Mais encore, il s’oublie
lui [s...
22 giờ trước
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét