Thứ Tư, 18 tháng 6, 2008

ĐI LẠC

Ông già ấy đi lạc! Ngộ thiệt, tưởng chỉ có trẻ con ham chơi mới đi lạc. Như tôi hồi còn nhỏ vậy. Ba Má tôi lên Saigon kiếm ăn. Ở dưới quê nghèo quá. Mà hồi đó loạn lạc dữ lắm. Ở dưới quê không biết đạn ăn lên tên ăn xuống sẽ trúng mình hồi nào nên Ba Má tôi bồng bế tôi lên ở trọ nhà Bác Ba tôi. Má tôi làm nghề đan áo. Hồi đó chưa có cái máy đan như bây giờ. Còn Ba tôi thì đi chích dạo. Ai bệnh hoạn gì đó đi Bác sĩ cho cái toa về mướn Ba tôi đến chích mỗi ngày theo toa. Kiếm vài đồng mua kí gạo, mớ rau sống đắp đổi qua ngày. Nhà Bác tôi cũng chật chội, ở đường Da Bà Bầu. Đường xá bây giờ thay tên nhiều quá, không biết con đường ấy bây giờ có tên gì mới không. Vã chăng lâu quá rồi tôi không lên Saigon nên cũng không biết con đường đó còn không nữa. Đâu có nghe người bạn nói bây giờ nó ở gần đường Bà Hạt. Tôi cũng không rõ có phải Bà Bầu bây giờ thành Bà Hạt không nữa! Má tôi thường bắc cái ghế đẩu ra trước nhà, ngồi đan mướn. Tôi chạy lon ton chơi với miếng gỗ gắn 4 cái nút khoén làm chiếc “xe hơi’ chạy kêu bí bo.
Ngày rằm trung thu người ta múa lân. Tôi mê mẫn với con lân lắc lắc cái đầu, hai con mắt chớp chớp và ông địa bụng phệ quạt phạch phạch cái quạt mo nhảy qua nhảy lại né con lân. Trống đánh tùng .. lùng tùng. Tụi nhỏ xô đẩy nhau, cười ré, dạt qua dạt lại theo bước đi của ông địa và con lân. Người lớn thì đứng xích ra cười tư lự (bây giờ thì tôi nghỉ vậy chớ hồi đó tôi chỉ nhớ người lớn chỉ im lặng xem thôi!). Tôi lọt vào vòng xô đẩy, hay chính tôi cũng xô đẩy để được tới gần ông địa. Khều được ông địa một cái là khoái rồi. Ông địa không khi nào giận ai hết. Có khều móc trêu chọc gì thì ổng cũng chỉ cười. Tôi ôm chiếc “xe hơi” của mình trước ngực đi theo ông địa. Vui quá chừng! Đi hoài … đi hoài … và tôi đi lạc.

Cái đất Sài thành này ghê lắm. Đường ngang ngỏ dọc lung tung. Người lớn ở đây nhiều năm chưa chắc biết hết đường nói chi một thằng nhỏ lơ ngơ. Tới khi đám múa lân xếp bộ thì tôi cũng hết biết mình đang ở đâu ! Hết biết đường về nhà. Tôi sợ quá trời. Má tôi nói ở đây mẹ mìn nhiều lắm. Vậy nên tôi không dám la khóc gì ráo. Tôi đứng yên bên cột đèn. Tối rồi. Đèn đường vàng quạch lắc lư làm cái bóng của tôi cũng lúc lắc thấy sợ. Nhiều người đi qua đi lại mà không ai thèm để ý tới thằng nhỏ đang sợ điếng hồn là tôi. Và tôi đứng yên đó, lần đầu tiên trong cuộc đời tôi thèm khát được trở về nhà, ở bên Ba Má dù cho cái nhà đó tồi tàn, nhỏ xíu, hôi hám. Thậm chí không phải là nhà của mình. Miễn là cái nhà đó có Ba Má. Má sẽ bồng tôi lên tránh cho tôi bị Ba đét cho một phát vào mông đích đáng cái tội đi chơi. Sau này lớn lên đi đây đi đó tôi vẫn giữ lại được cái cảm giác này. Tôi thèm khát trở về nhà. Và tôi nhắc lại, dù cho cái nhà của Ba Má có nghèo nàn đến mấy, tơi tả đến mấy, tôi cũng muốn về. Và tôi chỉ có thể ngủ ngon khi ở nhà mình, ngay cả trên một cái giường xập xệ, long chong, chiếu hôi mùi nước đái của mấy đứa em (tới chừng tôi có vợ thì cái mùi này tác giả là … của con tôi!).

Dĩ nhiên là bạn cũng suy ra được rốt cuộc Ba Má tôi và lủ khủ hàng xóm chạy táo tác cũng kiếm được ra tôi, gần tuốt trong Chợ Lớn. Tôi cũng không bị đét vô mông phát nào tại hôm đó là trung thu. Tôi còn được Bác tôi cho một phần tám cái bánh trung thu (Bác tôi cũng hào hiệp lắm nhưng … ông cũng nhiều con quá!).

Sao khi không tôi kể chuyện lãng nhách này từ chuyện ông già đi lạc! Ai không biết, chớ tôi biết ông già này rồi. Đơn giản cha già này từng là bạn tôi. Bây giờ y trở thành người ngơ ngáo rồi, quên hết chuyện đời. Trước đây y muốn quên vợ quên con, và bây giờ y quên thiệt. Y từng là thày giáo. Và thày giáo thì có một thời kì cách đâu không lâu thì nghèo kiết xác. Y bị vợ bỏ. Thị tếch theo một thằng cha lộng lẩy, có cái nhà bự kếch xù, một cái hàng rào kếch xù, một con chó berger kếch xù, một cái bụng kếch xù, một chiếc xe hơi kếch xù, … thằng cha này cái gì cũng kếch xù và sự tráo trở cũng kếch xù nốt! Thôi trách làm gì y thị! Đàn bà ai mà không ham một cuộc sống đầy đủ. Chậc … qui luật tự nhiên là vậy! Từ đó thằng bạn tôi đâm ra say sưa. Thằng này nó ngu (xin lỗi!) tại vì nó cũng thừa biết “Túy tự túy đã sầu tự sầu …” mà vẫn đâm vào rượu! Con người nhiều khi cũng kì cục thật … vì nó không muốn khôn. Lúc nào cũng khôn có khi cũng buồn lắm! Và thằng bạn tôi trở thành ngơ ngẫn khi đứa con gái của nó không thèm nhìn mặt cha nữa, còn thằng rể khốn nạn thì một hôm kêu nó bằng … anh! Vậy thì quên hết cuộc đời là phải rồi! Rồi người cha của thằng bạn tôi cũng mất vì tuổi già. Bây giờ thì nó không có chỗ nào để mà về nữa.

Trời ơi ngó xuống mà coi! Thiên địa mang mang nhưng không có chỗ nào để về. Đứa nhỏ đi lạc thì còn có Ba Má đi kiếm. Đứa già đi lạc thì … con nó cho đi luôn. Đứa già đi lạc thì làm sao có cái nhà của Ba Má mà hòng mơ về một chỗ dựa.
…..

Thứ Năm, 12 tháng 6, 2008

Cảm xúc

Tôi có thói quen hay quan sát cảm xúc của người khác. Chẳng qua đó là thói quen nghề nghiệp: Là thày giáo thì phải có khả năng nhận biết cảm xúc của học viên. Thông thường tôi chỉ nhìn vào cặp mắt của người học để nhận dạng niềm vui, nỗi buồn, sự thông hiểu hay mù tịt (hay buồn chán) trước một “tình huống có vấn đề” mà mình chủ động kích phát để dẫn dắt họ tới bài toán và lời giải của bài toán. Một đôi mắt trong sáng, chăm chú cho biết người này đang thấu hiểu và nắm được đầu dây mối nhợ của vấn đề và tôi có thể đối thoại được. Một đôi mắt u tối tố cáo một trí tuệ không mấy thích hợp với bài toán đang cần giải quyết. Một đôi mắt mơ màng là dấu chỉ đối tượng đang chìm trong một hướng suy nghĩ khác, một hướng khác có thể mở ra một “vấn đề phụ” bên cạnh vấn đề đang thảo luận. Một cặp mắt bừng những tia lửa kèm theo những co giật ở cơ mặt đang căng cứng chứng tỏ đối tượng đang quyết tâm bảo vệ những lí lẽ của mình. Con người ít khi che dấu được trạng thái tâm hồn của mình nếu ta biết cách đọc từ trong đôi mắt. Vậy đó, tôi hay thích thú quan sát diễn biến nội tâm của người khác bằng cách ghé nhìn vào “cửa sổ tâm hồn”.

Nhưng lần này tôi gặp khó khăn. Tôi đang quan sát sự giận dữ của một quý bà. Tình huống có vấn đề mà tôi nêu ra làm quý bà ‘nổi xung”! Khó khăn ở chỗ không có đôi mắt nào cho tôi quan sát. Đơn giản là tôi buộc phải quan sát cảm xúc chỉ qua những dòng chữ trên mail và trên blog. Khi người ta viết thì tốc độ phơi bày cảm xúc chậm hơn khi người ta nói nên người ta có thể tiết chế hơn, thận trọng hơn. Và vì người ta có thể sửa lại những gì người ta viết nên người ta dễ che dấu cảm xúc của mình hơn. Hơn nữa ở đây chỉ có những dòng chữ cùng một font name, cùng một font size và chỉ có một màu chữ đen vô cảm. Ðâu rồi các nét chữ viết tay phóng túng hay run rẩy, cong vồng lên, hạ dần xuống, lớn lên, bé lại, kéo dài ra, thắt lại, để lại các góc cạnh nhọn hoắt ở chỗ lẽ ra là nét cong tròn. Không còn các nét nhún nhẩy theo nhịp tim của người viết để giúp tôi có thể nhận ra bóng dáng của tâm hồn. Hơn nữa người phụ nữ này là một nhà văn hoặc đại loại sẽ là như thế … một nhà văn dư sức viết theo kiểu “ý tại ngôn ngoại”, để các cảm xúc của mình phát triển theo chiều kích của nhân vật chứ không phải cảm xúc thực của bản thân. Có cái gì đó khó khăn như khi muốn đo cảm xúc của diển viên đóng vai Kép Tư Bền lúc y đang diễn tuồng. Một tuồng hát mà tôi chỉ nghe kể lại chứ không hề được mục kích.

Nhưng ... (lại nhưng nữa!) tôi buộc phải hiểu người phụ nữ này vì tôi đang đối thoại với bà ta. Một thứ đối thoại không mấy thích thú vì khoảng cách không gian. Dù cho công nghệ có làm cho sự giao tiếp có phần nào dễ dàng hơn. Sự giao tiếp đó cũng khó tránh khỏi sự lạnh lẽo của chữ nghĩa. Cái khó nữa là bà ta hình như chẳng muốn nghe tôi tí nào? Có một câu chuyện thiền mà tôi rất thích kể rằng có một người đến xin tư vấn với một vị thiền sư về những vấn đề trong đầu của anh ta. Anh ta huyên thiên suốt buổi mà không chừa một giây nào cho vị thiền sư phát biểu. Cuối cùng vị thiền sư mời trà khi anh ta vừa ngưng để thở. Bình trà trong tay vị thiền sư rót mãi vào chén anh ta đến chảy tràn cả ra ngoài. Anh ta la lên “Sao thầy rót mãi thế, tràn cả ra rồi kìa!”. Thiền sư bảo “Ừ, thì cũng như tâm trí anh vậy. Nếu tâm trí anh đầy những chấp định thì làm sao ta rót vào được!”. Tôi hay ngờ câu chuyện này ở chỗ thiền sư ví tâm hồn anh ta như một chén trà. Liệu tâm trí con người có nông như chén trà không hay nó có đáy sâu vô tận, liệu có chăng bao nhiêu chấp nê cũng không vừa đủ cho một nếp gấp trên não người! Liệu tôi có vô phương đối thoại với người phụ nữ này không khi chén trà của bà ta đầy ắp. Hay có khi chính tôi mới là chén trà không chừng?!

Thế nên tôi bắt đầu yên lặng, trì hoãn việc trả lời cái mail nhức mắt tôi đây. Những hiểu biết của tôi có thể làm tôi khó nhận thức được xúc cảm của bà ta. Tôi bắt đầu làm cái công việc giãi trừ kiến thức của mình. Tôi giả sử rằng mình không hiểu biết gì đâu trong cái thế giới rối rắm, đầy những hận thù giận dữ này. Cái thế giới mà người ta giết nhau dài dài được biện minh bằng đủ thứ lí do. Cái thế giới đã giết chết Romeo và Juliet. Cái thế giới từng thiêu chết cả đống người Do Thái, giết một lúc hàng trăm ngàn người Hiroshima, hàng triệu người Campuchia, … tất cả đều nhân danh sự hoàn hảo của thế giới! Và bà ta hình như cũng muốn nhân danh sự hoàn hảo đó! Liệu tôi có rơi vào nguy hiểm không khi nhân danh minh triết. Ai đó từng nói rằng sự u minh lớn nhất chính là sự khát khao minh triết. Có khi chính tôi đang u minh chăng? Vậy nên giờ đây tôi ngồi yên trước máy tính, hờ hững đọc những dòng chữ đầy giận dữ của bà ta. Phong bế tâm trí để tôi khỏi khởi phát một cảm xúc nào. Hóa thân thành một chương trình máy tính xử lí một cách vô cảm các từ ngữ, các dấu chấm, dấu phết. Tôi triệt tiêu bản ngã để nhập vào hồn bà ta. Tôi cố nhập vào không gian của bà ta và để tôi rung động một nhịp với trái tim bà ta khi bà ta viết những dòng của cái mail này. Tôi nhắm mắt lại để hồn tôi giao tiếp với sự rung cảm của bà ta. Tôi bay khỏi thế giới của mình, chìm trong sự rung động tế vi của vũ trụ để bắt lấy sợi dây mong manh bà ta để lại. Sợi dây giúp tôi lần vào tâm trí của bà ta. Rất khó … rất khó cho đến khi tôi thấy lờ mờ hiện ra đôi mắt giữa những dòng chữ. Đôi mắt xa xôi, lạnh lẻo. Tôi quan sát tâm trí bà ta và bà ta cũng quan sát tôi. Cái gì xảy ra trong khi bà ta viết những dòng giận dữ này? Đột nhiên tôi nghe ra giọng nói – trong xa xăm – như đọc thành tiếng những dòng chữ này. Nghe buồn bã không giống như văn phong giận dữ của bà ta. Nổi sầu của bà ta chất chứa đâu đó sâu thẳm, không với tới được, âm u. Khuôn mặt của bà ta chập chờn, ảo ảnh. Những nếp nhăn như những làn sóng trườn qua làm vầng trán biến dạng già cỗi giống như một kiểu screen saver. Hay chính là screen saver hoạt động? Trong mơ hồ tôi nghe thấy những tiếng la hét, rền rĩ, những tiếng cười độc địa. Đôi môi mấp máy, tôi không hiểu bà ta muốn nói gì. Tôi ngơ ngác với nỗi buồn của bà ta và tôi cũng buồn, một nỗi buồn vô tận, lạnh thấu ruột gan, không gì khỏa lấp được, như thể tôi bị tan ra trong cõi tối tăm mù lòa, trống rỗng, sâu hút hư vô.

Tôi phải thoát ra khỏi đáy sâu ghê rợn này. Nhưng tôi không thấy mình đâu. Không có thứ gì quanh tôi. Chỉ có một thứ gì lạnh lẽo, buốt giá và tôi chìm trong đó.
Màn hình máy tính tắt phụt. Và đột nhiên tôi trở lại hồn tôi. Vợ tôi nhìn tôi chưng hửng: Gì đó anh?! Tôi trả lời nhát gừng, uể oải, bằng tiếng Pháp, không ăn nhập gì với câu hỏi: Vivre … et laissez vivre!