Thứ Hai, 23 tháng 3, 2009

Đêm đọc Trần Tử Ngang

Đêm sâu và lòng sao trống vắng quá!
Lục trong tủ sách cũ bài thơ này ra đọc
... để giết đêm
... và để nghĩ vẫn vơ.




Cảm ngộ
(感 遇)


Lan nhược tự xuân hạ,
蘭 若 自 春 夏
Thiên uất hà thanh thanh!
芊 蔚 何 青 青
U độc không lâm sắc,
幽 獨 空 林 色
Chu nhuy mạo tử hành.
朱 蕤 冒 紫 莖
***
Trì trì bạch nhật vãn,
遲 遲 白 日 晚
Niệu niệu thu phong sinh.
嫋 嫋 秋 風 生
Tuế hoa tận dao lạc,
歲 花 盡 搖 落
Phương ý cánh hà thành?
芳 意 更 何 成

(Trần Tử Ngang)



Bèn dịch chơi như vầy:

Cảm ngộ

Lan nhược xuân qua hạ
Cớ sao vẫn xanh um!
Rừng sâu một nhành tím
Phủ đỏ chùm mong manh.
***
Từ từ ngày hết nắng
Phơ phất gió thu sang
Hoa trong năm rụng hết
Ý thơm rồi được gì?


1. Cổ nhân: Mấy câu thơ nhẹ nhàng như nói với hoa lan, như tự tình. Câu cuối là một lời cảm thán! Trần Tử Ngang chỉ sống có 51 tuổi (651-702) và không biết ông viết bài thơ này năm nào. Dầu sao một lời cảm thán đau đớn như vậy cũng dễ hiểu đối với một người đã dâng sớ điều trần đại kế quốc gia ... và chẳng được ai nghe để đến nỗi Vũ Du Nghi bại trận. Trần Tử Ngang, kẻ mà hậu sinh Tống Kỳ phê bình là người vừa đui vừa điếc! Người đui điếc đó đã tự vấn "Phương ý cánh hà thành?" và không biết kẻ đui điếc đó có từng mất ngủ như mình đêm nay?
2. Tại hạ: Có những lúc không ngủ được như đêm nay. Có những lúc cần sự vắng lặng để nghe Trần Tử Ngang mà cũng là để nghe chính mình. Có những lúc cảm thấy cô đơn, hoang vắng ghê gớm. Lúc trẻ thì phải thức vì miếng cơm manh áo, vì công việc, vì con cái còn bây giờ phải thức vì cái gì? Phải chăng mình sợ hãi sự hoang vắng của giấc ngủ - nỗi hoang vắng còn ghê gớm hơn nhiều so với đêm sâu! Một đàng là sự hoang vắng tâm lí, một đằng là sự hoang vắng vật lí - cái nào đáng sợ hơn! Hay mình cũng có một câu hỏi đau đáu như Trần Tử Ngang?
3. Cỏi người ta: Khi mình bắt đầu viết cái blog này là vì muốn thử nghiệm một chỗ mà người lớn tuổi, kẻ đã thấy riu riu "Niệu niệu thu phong sinh" có chỗ trang trải tấm lòng. Khi đó mình nhận thấy thế giới Internet chỉ là thế giới của tuổi trẻ, thế giới của những thay đổi ào ạt về công nghệ, và hình như người lớn tuổi vô hình chung bị đặt qua một bên lề của cuộc sống số ... như cách bây giờ người ta thường hay nói. Cứ nhìn một buổi chiều trên đường phố: dập dìu những người trẻ tuổi chồm lên trong cuộc sống. Hãy vào một siêu thị: tất cả hàng hóa - hoặc hầu như tất cả - được sản xuất để cho người trẻ, chữ in trên hàng hóa quá nhỏ để người lớn tuổi có thể đọc được và chẳng nhà sản xuất nào dại dột in hình một ông già hoặc bà lão trên bao bì để tiếp thị .v.v. Thế đấy, thế giới không phải là chỗ cho người lớn tuổi. Người lớn tuổi, người là ai? Là một diễn viên đã hết vai diễn trên sân khấu cuộc đời, là kẻ bây giờ chỉ đứng sau cánh gà càu nhàu vở tuồng đời vẫn tiếp diễn bất tận, hay chỉ cô độc thầm thì với một đóa lan trong chiều vắng.

Cũng nhờ phải duy trì cái blog này và duy trì nó bằng cách cùng những bạn già thân có, sơ có viết blog để cuối cùng mình nhận ra thế giới thực của người lớn tuổi. Bất kể nội dung cụ thể của các blog, mình phát hiện thấy hai điều trái ngược: Những người trẻ thì cố làm như mình già dặn, bi kịch hóa cuộc đời; Những bậc "đại lão" thì cố vùng vẫy trẻ hóa một cách tuyệt vọng, cố tham gia vào việc "cải tạo thế giới", cố duy trì sự hiện hữu của mình bằng giọng nhắc tuồng từ phía sau cánh gà! Khổ nổi cuộc đời là cuộc đời và bánh xe lịch sử có đường đi của riêng nó chẳng phụ thuộc vào vai diễn nào cả. Cuộc đời chẳng phải là bi kịch hoặc hài kịch, nó trung tính và nó lạnh lùng theo kiểu quan hệ nhân quả! Thiện ác đáo đầu chung hữu báo .... vậy thôi.

4. Góc nhìn "hiện đại" cho một "chuyện cũ xì": Rồi đến ngày ta là kẻ tự hỏi mình: Đâu rồi hoa ngày cũ? Où sont les neiges d'antant? Ngày mà ta sẽ ngồi thì-thầm-lảm-nhảm bên thềm bài hát Come back to Sorriento,quá khứ thì đã bị chìm lấp dưới cơ man nào là tầng nước sâu thẳm, còn tương lai là lớp lớp cõi u tịch tự mình dựng lên để ... không biết làm gì!

Ô hay: "Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ!"

4 nhận xét:

Dương Văn Kỳ nói...

Vương ơi! Tôi đưa bài "Trong hai ông họ Trịnh..." về blog không phải vì nội dung bài mà vì tôi thấy những suy nghĩ của Lữ Phương và của Vương sao mà giống nhau đến thế. Tôi tin những suy nghĩ của Vương và của Lữ Phương sẽ còn rất nhiều người đồng cảm.

Nguyễn Tấn Phúc nói...

Tôi ghiền con sông, thèm được tắm sông, và trong từng bước đi của của mình, tôi vẫn có một dòng sông âm thầm chảy ở trong tôi, Con sông nơi quê ấy, có những cây bần , cây săng máu, có những bãi lá dừa nước đủ để làm ta nhờ quy quắc, nhớ đến nao lòng…
Một tiếng đò lẻ bạn đi về trên sông vẫn có thể đánh thức và đưa tôi về với dòng sông tuổi thơ. Nơi ấy, phía cuối của Cù lao Ngũ Hiệp, nơi đã từng in bóng của một thời sông nước tuổi thơ tôi.
“ trong tim, ai cũng có một dòng sông ….
Con sông, nơi xa ấy….
Con sông .. cho đậm tình thương nhớ nhung đôi bờ…..”

Tran AN nói...

Tôi vừa đọc bài "Đăng U Châu Đài Ca" của Trần Tử Ngang. Đang tìm thêm vài bài thơ của ông ta thì đọc được bài "Cảm Ngộ" của anh. Thành thật cảm ơn bản dịch của anh. Mong rằng bệnh cảm của anh đã khỏi.

Unknown nói...

Thưa bác Bình,
Bài Cảm ngộ của Trương Tử Ngang thời xưa đã có một bản dịch, em đọc cách đây mấy chục năm rồi quên, chỉ nhớ được hai câu đầu thế này:
Chòm lan khóm nhược xinh thay
Trải xuân qua hạ những ngày tốt tươi...
Đang đi tìm lại bản dịch này trên Google thì gặp bài viết của bác, xin hỏi tình cờ bác có bản dịch này không? Nếu có xin bác post lên cho những người yêu thơ Trần Tử Ngang thưởng lãm.
Trân trọng,
Kien-Anh