Viết để đổi với Già T một cái bánh bao
và một chung rượu Phú Lễ.
và một chung rượu Phú Lễ.
Già T bán bánh bao. Cái thùng bánh nghi ngút hơi nước thơm phức mùi lá dứa đặt trên chiếc xe đạp lênh khênh. Đạp từ từ chạy lên chạy xuống từ Phú Hưng tới Mỹ Lòng cũng kiếm sống được tàm tạm. Khoảng đường chỉ trên dưới chục cây số nếu không kể những ngỏ vườn nhỏ không đếm xiết. Hai bên đường đầy cây cao bóng mát, xa xa lại có những cây phượng mùa này nở đầy một màu hoa đỏ thắm đến xiêu lòng. Có những khoảng nắng nhưng cũng không nhiều. Khoảng nắng nhất là khoảng qua cầu Chẹt Sậy mà thôi. Nhưng Già T lại thích nhất khoảng đó. Mùa nắng gió chướng thổi lồng lộng ngang sông An Hoá ra vàm Chẹt Sậy, vừa qua cầu là gặp ngay một cái cua quẹo với hàng dừa mát ơi là mát. Còn mùa mưa thì những sợi nước đan trên cầu không khác gì trong bức tranh “Mưa trên cầu Ohashi” của Hiroshige. Bán bánh bao nhưng tánh nghệ sĩ! Chẳng mấy lo bán được ít hay nhiều. Cứ để lửa riu riu hoài bánh có hư hỏng gì đâu mà sợ. Cũng không sợ tốn củi. Con đường này thiếu gì cành cây khô rụng. Lượm thảy vô cái thùng nhỏ bên hông chụm từ từ…
Trái tim của Già T không còn khỏe nữa và đôi khi nó đập chệch choặc. Cũng phải thôi, nó đã chạy bền bỉ lâu rồi, qua nhiều chặng đời buồn rồi, bây giờ có chạy khục khặc chút đỉnh cũng là chuyện thường tình! Ối… cuộc đời là vô thường mà, rốt cuộc cũng tới đó thôi. Tới đâu thì tới! Già T nghĩ vậy nên vẫn “nặng nợ” với chiếc xe bánh bao của mình. Khi nào cảm thấy sắp mệt, nghe trái tim mình “có vẻ sắp rộn rã!” thì Già tấp vô lề đường, dựng chống xe, ngồi xuống vệ đường nhắm mắt lại… thở và nuốt khan một viên thuốc thủ sẳn trong túi!
Hôm nay Già T ngồi nghỉ nhằm ngay khúc đường rất mát. Còn vài cái bánh. Từ nay tới chiều cũng hết thôi mà! Cứ ngồi nghỉ. Bên kia đường có một cậy phượng đẹp quá. Đang mùa hoa, phượng nở đỏ ối. Mấy con ve kêu rền rĩ. Ngồi đây ngắm cây phượng một hồi cũng đáng ! Không biết từ hồi nào người ta gán màu hoa phượng là màu hoa của học trò! Chắc tại hồi xưa mấy trường học hay trồng hoa phượng. Thấy phượng nở là thấy hè về xôn xao! Già lấy “cây củi cái” gõ cộp cộp vô thùng bánh hát vu vơ…
Màu hoa phượng thắm đôi lứa đôi nơi…
Già T cũng từng có mối tình hoa phượng, tình đơn phương mà thôi. Hồi xưa, tại cái máu mê đàn trống ca hát mà con đường học vấn dang dở. Hoa phượng nở đỏ thắm rồi nàng đi lấy chồng! Rồi bị bắt lính, đột ngột thấy mình lăn lộn trong quân trường. Thế là chấm dứt hoa phượng, chấm dứt tango, chấm dứt pasodoble, chấm dứt valse! Thay vào đó là cuộc đời lính tráng lộn xộn hải hùng A Sầu Ái Tử đủ món, bị quăng quật khắp bốn vùng chiến thuật. Rốt cuộc Già bị vô trại cải tạo hết mấy năm. Bây giờ thì rong ruỗi mỗi ngày với xe bánh bao. Già hay tự trào một cách cay đắng theo một bài hát quân hành:
Bạn ơi, quan hà xin cạn chén ly bôi.
Ngày mai tôi đã … đã đi xa rồi.
Ngày nao non nước hết đao binh,
Giữa đoàn hùng binh có tôi đi … “đầu hàng”
Tứng từng… từng tưng…
Cuộc đời đã có lúc tưởng như ở tận đáy xã hội, bị đẩy ra ngoài lề đường. Đôi lúc sầu đời tự hát cho mình nghe:
Tôi tìm ai té dưới chân vĩa hè
Tôi tìm ai té dưới chân hàng me…
Vậy đó, mỗi biến cố trong cuộc đời mình đều được Già gắn với một câu hát, một bài hát nào đó. Có khi nổi hứng Già còn hát cả bằng một thứ tiếng Pháp điệu nghệ hẳn hoi.
Mal! De la vie me fait mal
De temps en temps
Quand je regarde le soleil
Qui vole
Qui vole...
Mấy đứa nhỏ bu quanh chẳng hiểu gì hết cũng vổ tay bốp bốp hò reo: Man man, ổng man man rồi tụi bây ơi. Già Tuấn cười hiền khô múa múa khúc củi doạ mấy đứa chạy té tát..
***
Buổi chiều già lại chở thùng bánh bao của mình đi qua xóm lò gạch, ghé thăm mộ của con bé P. Đứng tần ngần nhìn nấm đất trong đám cỏ vàng úa. Con bé chẳng bà con họ hàng gì với Già. Già T biết con bé chỉ vì hồi năm nọ nó hay thích bánh bao ngọt. Khi nào Già T đạp xe qua đây má nó cũng kêu mua cái bánh. Con bé rất xinh và lễ phép. Chỉ cái tội nhà nghèo, má nó chẳng bao giờ mua bánh bao thịt cả. Nhưng cái bánh bao ngọt cũng đủ làm con bé vui rồi. Niềm vui trẻ con làm vui lây trái tim buồn đời của Già. Từ bé con bé đã hay cười hăng hắc mỗi khi nghe già gõ cái thùng bánh bắt giọng hát trệu trạo: Cháu lên ba cháu đi mẫu giáo, cô thương cháu dzì cháu hay khóc nhè ..e..è ..è. Già cũng cười hăng hắc…
Rồi tới buổi chiều buồn hiu, già T về ngang tới đây thì không nghe tếng cười của con bé nữa mà thay vào đó là tiếng trống đưa linh ba nhịp một. Phải nói là trên đời này chưa bao giờ có cái thứ nhịp trống nào buồn ghê khiếp như vậy, chưa bao giờ nghe thứ âm nhạc nào xé lòng hơn vậy. Thứ tiết điệu gồm hai tiếng thùng thùng ngắn, hoảng hốt kéo theo sau một cơn rung động dài ra như tiếc nuối khôn nguôi. Tiếc nuối chưa kịp dứt thì điểm một tiếng thùng staccato đành đoạn, tiếng thùng cuối cùng như vổ vào ngực làm nghẹn thở, kịp cho một giọt lệ mặn đắng thấm vào trái tim quắt lại! Thùng thùng… thùng nghe hoang mang cả đất trời. Đó là tiếng vỗ cánh của hư vô, là tiếng vọng cuối cùng khép lại tất cả!
Con bé ra đi khi còn quá nhỏ, chưa kịp lên lớp 11. Người lớn đi tiễn cũng khá nhưng nhiều hơn hết là bạn bè của con bé. Những tà áo dài xếp thành một hàng ven đường theo xe tang. Dẫn dắt theo sau tiếng trống, mỗi áo trắng cầm một cành phượng đỏ màu huyết dụ di chuyển im lặng như trôi đi trong chiều. Già T đứng đó, chìm trong mê lú, những đốm trắng, đốm đỏ lung linh, nhoè đi trong nước mắt. Vậy là từ đây không khi nào già được nghe lại giọng trong veo của con bé: Ông Bảy ơi! Còn bánh bao hông?
***
Trước khi ra về, Già T đặt cái bánh lên đầu mộ. Gió hiu hiu thổi. Không có nhang khói nhưng lá khô xào xạc như bước chân ai. Già khấn lâm râm: Ăn đi con, ông Bảy chừa cho con đó!
Bà T thấy chồng về, trên ghi-đông xe treo lũng lẳng một cành phượng, bèn tròn mắt hỏi luôn: Ông chở mùa hè của ai đi đâu… vậy ông trời! Già T đáp như tự nói cho mình nghe: Tui thấy nó bên đường. để nó rớt bên đường tội nghiệp!
2 nhận xét:
hi anh Bình,
anh thành nhà zăn hồi nào zậy ?
Nại còn suspense nữa vì không biết cô học trò nho nhỏ kia mất vì đau ốm, vì tai nạn ??
Anh có biết hoa phượng là pháo của học trò không ? Ngày xưa tụi này cứ nhặt cánh hoa dưới đất, cho vào lỗ hỗng của hai ngón trỏ và ngón cái, rồi tay kia vỗ vào : đốp, cánh phượng đỏ kêu to và rách rưới, còn tụi này thì cười khanh khách.
Rõ là thời học sinh vô tư, hoa đã rụng khỏi cành, lại còn cho nó chết một lần nữa sau khi làm cho nó "la" ! Nhưng trò chơi tự nhiên ấy không cần suy nghĩ, lý luận gì cả, vừa bình dị, vừa vui nhộn một cách rất tuổi ô mai !
Cám ơn anh đã cho đọc một nouvelle bình lặng, những tên vùng rất là đặc sản, đọc lên là nghe âm thanh Nam bộ ngay.
Thỉnh thoảng viết ngẫu hứng nhé, có nhiều độc giả lắm đó.
Tui thành nhà văn rồi à!? Chỉ là ghi lại cái gì đã nghe Già T nói thôi. Mọi chi tiết trong câu chuyện này đều là chuyện thật. Không phải "nouvelle" hư cấu một cách ngẫu hứng đâu!
Đăng nhận xét